Tổng hợp chính sách dành cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện tinh gọn bộ máy

Việc tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước là một quá trình quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Đi kèm với quá trình này là những chính sách, chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức bị ảnh hưởng. Dưới đây là những tổng hợp của Hoatieu.vn về các chính sách dành cho cán bộ, công chức khi thực hiện tinh gọn bộ máy thực hiện theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP, mời các bạn cùng tham khảo.

Nghị định 178 năm 2024 của Chính phủ (chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025) hướng đến mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

1. Đối tượng được áp dụng các chính sách, chế độ trong thực hiện tinh gọn bộ máy

Tại Điều 2 Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định các đối tượng được áp dụng chính sách, chế độ trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bao gồm:

(1) Cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị và lực lượng vũ trang do sắp xếp tổ chức bộ máy, bao gồm:

- Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức;

- Cán bộ, công chức cấp xã;

- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động trước thời điểm ngày 15 tháng 01 năm 2019 và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được áp dụng chính sách như công chức (sau đây viết tắt là người lao động);

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam;

- Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân công an và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Công an nhân dân;

- Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

(2) Cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ nghỉ thôi việc theo nguyện vọng thực hiện theo quy định tại Nghị định khác của Chính phủ.

Tổng hợp các chính sách, chế độ khi thực hiện tinh gọn bộ máy

2. Tổng hợp các chính sách, chế độ khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định rõ ràng các chế độ, chính sách đối với những người bị ảnh hưởng bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Cụ thể như sau:

2.1. Trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi

Nếu cán bộ, công chức nghỉ hưu trước tuổi thuộc đối tượng (1) thì sẽ có những mức hỗ trợ như sau:

2.1.1. Trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ sớm

Trường hợp 1: Nghỉ trong thời hạn 12 tháng đầu tiên

(i) Có tuổi đời từ đủ 05 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP:

Được trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng nghỉ sớm so với thời điểm nghỉ hưu.

Công thức tính mức hỗ trợ:

Mức hỗ trợ = Lương hiện hưởng x Số tháng nghỉ sớm

Trong đó:

+ Lương hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề trước khi nghỉ việc, bao gồm: mức tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc hàm, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp hoặc mức lương theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động và các khoản phụ cấp lương theo quy định.

(Khoản 6 Điều 5 Nghị định 178/2024/NĐ-CP)

+ Số tháng nghỉ sớm: Được tính từ thời điểm nghỉ hưu ghi tại quyết định nghỉ hưu đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, tối đa 5 năm (60 tháng).

(Khoản 1 Điều 5 Nghị định 178/2024/NĐ-CP)

(ii) Có tuổi đời còn trên 05 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP:

Được trợ cấp bằng 0,9 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với 60 tháng.

Công thức tính như sau:

Mức hỗ trợ = Lương hiện hưởng x 0,9 x 60 tháng

Trường hợp 2: Nghỉ từ tháng thứ 13 trở đi: Được hưởng bằng 0,5 mức trợ cấp ở trường hợp 1.

Khi đó, các công thức tính mức hỗ trợ như sau:

- Đối với (i) ở trường hợp 1:

Mức hỗ trợ = [Lương hiện hưởng x Số tháng nghỉ sớm] x 0,5

- Đối với (ii) ở trường hợp 1:

Mức hỗ trợ = [Lương hiện hưởng x 0,9 x 60 tháng] x 0,5

(Căn cứ tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP)

2.1.2. Trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi theo thời gian đóng BHXH bắt buộc và số năm nghỉ sớm

Trường hợp 1: Có tuổi đời còn từ đủ 02 năm đến đủ 05 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc để được hưởng lương hưu:

- Được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

- Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;

- Được trợ cấp 05 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP;

Công thức tính như sau:

Mức trợ cấp = Lương hiện hưởng x 5 x Số năm nghỉ hưu trước tuổi

Trong đó: Số năm nghỉ hưu trước tuổi: Trường hợp năm nghỉ hưu trước tuổi có số tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc: từ 01 tháng đến đủ 06 tháng tính là 0,5 năm; từ trên 06 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là 01 năm.

(Căn cứ tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định 178/2024/NĐ-CP)

- Được trợ cấp 05 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Công thức tính như sau:

Mức trợ cấp = Lương hiện hưởng x 5

Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

Công thức như sau:

Mức trợ cấp = Lương hiện hưởng x 0,5 x (N – 20)

Trong đó: N là số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc lớn hơn 20.

Trường hợp 2: Có tuổi đời còn trên 05 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian đóng BHXH bắt buộc để được hưởng lương hưu:

- Được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì còn được hưởng các chế độ sau:

- Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;

+ Được trợ cấp 04 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP;

Công thức tính như sau:

Mức trợ cấp = Lương hiện hưởng x 4 x Số năm nghỉ hưu trước tuổi

+ Được trợ cấp 05 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng BHXH bắt buộc.

Công thức tính như sau:

Mức trợ cấp = Lương hiện hưởng x 5

Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc thì được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

Mức trợ cấp = Lương hiện hưởng x 0,5 x [N – 20]

Trong đó: N là số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc lớn hơn 20.

Trường hợp 3: Có tuổi đời còn từ đủ 02 năm đến đủ 05 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc để được hưởng lương hưu.

Trong đó: Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021

- Được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

- Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;

- Được trợ cấp 05 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP;

Công thức tính như sau:

Mức trợ cấp = Lương hiện hưởng x 5 x Số năm nghỉ hưu trước tuổi

- Được trợ cấp 05 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Công thức tính như sau:

Mức trợ cấp = Lương hiện hưởng x 5

Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

Mức trợ cấp = Lương hiện hưởng x 0,5 x [N – 20]

Trong đó: N là số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc lớn hơn 20.

Trường hợp 4: Có tuổi đời còn dưới 02 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc để được hưởng lương hưu:

- Được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

- Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Lưu ý đối với trường hợp đến tuổi nghỉ hưu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP, cá nhân phải có 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021.

(Căn cứ tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP)

2.2. Trợ cấp hưu trí một lần đối với cán bộ được kéo dài thời gian công tác

Trường hợp đã quá tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định kéo dài thời gian công tác, nếu nghỉ hưu thì được trợ cấp hưu trí một lần bằng 30 tháng tiền lương hiện hưởng và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Công thức tính trợ cấp hưu trí một lần như sau:

Mức trợ cấp = Lương hiện hưởng x 30

(Căn cứ tại Điều 8 Nghị định 178/2024/NĐ-CP)

2.3. Trợ cấp nghỉ thôi việc

Trường hợp 1: Đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và công chức; cán bộ, công chức cấp xã:

Nếu có tuổi đời từ đủ 02 năm trở lên đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP và không đủ điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi tại Mục 1, nếu nghỉ thôi việc thì được hưởng các chế độ như sau:

- Được hưởng trợ cấp thôi việc:

+ Đối với người nghỉ thôi việc trong thời hạn 12 tháng đầu tiên: Được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.

Công thức tính như sau:

Mức trợ cấp = Lương hiện hưởng x 0,8 x Số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc

Từ tháng thứ 13 trở đi thì được hưởng bằng 0,4 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.

Công thức tính như sau:

Mức trợ cấp = Lương hiện hưởng x 0,4 x Số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc

Trong đó:

Số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc là thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang.

+ Trường hợp thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc từ đủ 05 năm trở lên thì thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc tối đa 05 năm (60 tháng).

+ Trường hợp thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc dưới 05 năm thì thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc bằng thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc.

(Căn cứ tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 178/2024/NĐ-CP)

- Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc:

Công thức tính như sau:

Mức trợ cấp = Lương hiện hưởng x 1,5 x Số năm đóng BHXH bắt buộc

- Được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

- Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.

Công thức tính như sau:

Mức trợ cấp = Lương hiện hưởng x 3

(Căn cứ tại Điều 9 Nghị định 178/2024/NĐ-CP)

Trường hợp 2: Đối với viên chức lãnh đạo, quản lý; viên chức; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động

Nếu có tuổi đời từ đủ 02 năm trở lên đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP và không đủ điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Mục 1, nếu nghỉ thôi việc thì được hưởng các chế độ như sau:

- Được hưởng trợ cấp thôi việc: Đối với người nghỉ thôi việc trong thời hạn 12 tháng đầu tiên: Được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.

Công thức tính như sau:

Mức trợ cấp = Lương hiện hưởng x 0,8 x Số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc

Từ tháng thứ 13 trở đi: Được hưởng bằng 0,4 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.

Công thức tính như sau:

Mức trợ cấp = Lương hiện hưởng x 0,4 x Số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc

- Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc.

Công thức tính như sau:

Mức trợ cấp = Lương hiện hưởng x 1,5 x Số năm đóng BHXH bắt buộc

- Được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

- Được hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

(Căn cứ tại Điều 10 Nghị định 178/2024/NĐ-CP)

2.4. Chính sách thôi giữ hoặc giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn

Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc được bầu cử, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn do sắp xếp tổ chức bộ máy, thì được bảo lưu mức lương chức vụ cũ hoặc phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ đến hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc hết thời hạn bổ nhiệm.

Trường hợp đã giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý theo nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm còn dưới 06 tháng thì được bảo lưu 06 tháng.

(Căn cứ tại Điều 11 Nghị định 178/2024/NĐ-CP)

2.5. Chính sách tăng cường đi công tác ở cơ sở

Cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan trung ương và địa phương được cơ quan có thẩm quyền cử tăng cường đi công tác trong thời gian 03 năm ở cơ sở, được hưởng chính sách như sau:

Trường hợp 1: Đối với cán bộ, công chức, viên chức tăng cường đến làm việc tại cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã

- Được tiếp tục hưởng tiền lương (bao gồm cả các khoản phụ cấp lương) theo vị trí việc làm trước khi được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi.

- Trợ cấp một lần bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác.

Công thức tính như sau:

Mức trợ cấp = Lương cơ sở x 10

Trong đó: Lương cơ sở tính đến thời điểm năm 2025 là 2.34 triệu đồng/tháng (Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP)

Khi đó, mức trợ cấp một lần sẽ là 23,4 triệu đồng.

- Trường hợp đơn vị công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng các chính sách, chế độ quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP (Không hưởng trợ cấp một lần nêu trên).

Trường hợp 2: Đối với cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan trung ương tăng cường đến làm việc tại cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp tỉnh, cấp huyện:

- Được tiếp tục hưởng tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) theo vị trí việc làm trước khi được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi.

- Trợ cấp một lần bằng 03 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác.

Công thức tính như sau:

Mức trợ cấp = Lương cơ sở x 3

Trong đó: Lương cơ sở tính đến thời điểm năm 2025 là 2.34 triệu đồng/tháng (Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP)

Khi đó, mức trợ cấp một lần sẽ là 7,02 triệu đồng.

- Trường hợp đơn vị công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng các chính sách, chế độ quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP (Không hưởng trợ cấp một lần nêu trên).

- Sau khi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ sở, được tiếp nhận trở lại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cử đi hoặc được cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp không thấp hơn vị trí việc làm trước khi đi tăng cường ở cơ sở; đồng thời, được hưởng các chính sách sau:

+ Được nâng lương vượt một bậc (thời điểm giữ bậc lương mới được tính theo thời điểm giữ bậc lương cũ) nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc chức danh.

+ Được bộ, ban, ngành và tỉnh xem xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.

- Sau khi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ sở, được tiếp nhận trở lại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cử đi hoặc được cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp không thấp hơn vị trí việc làm trước khi đi tăng cường ở cơ sở; đồng thời, được hưởng các chính sách sau:

+ Được nâng lương vượt một bậc (thời điểm giữ bậc lương mới được tính theo thời điểm giữ bậc lương cũ) nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc chức danh.

+ Được bộ, ban, ngành và tỉnh xem xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.

(Căn cứ tại Điều 12 Nghị định 178/2024/NĐ-CP)

2.6. Chính sách trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội

Cán bộ, công chức, viên chức quy định có phẩm chất, năng lực nổi trội, có thành tích đặc biệt xuất sắc đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thì được hưởng các chính sách sau:

- Được nâng lương vượt một bậc (thời điểm giữ bậc lương mới được tính theo thời điểm giữ bậc lương cũ) nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc chức danh.

Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lương vượt một bậc nằm trong tỷ lệ không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 204/2004/NĐ-CP (đã được sửa đổi tại Nghị định 17/2013/NĐ-CP).

- Được hưởng tiền thưởng theo thành tích xuất sắc do Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định từ quỹ tiền thưởng quy định tại Điều 4 Nghị định 73/2024/NĐ-CP;

Trong đó dành tối đa 50% quỹ tiền thưởng để khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực nổi trội, có thành tích đặc biệt xuất sắc và có thành tích công tác đột xuất; quỹ tiền thưởng còn lại của năm dành cho khen thưởng theo định kỳ hằng năm theo kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc.

- Được cấp có thẩm quyền quan tâm, ưu tiên quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp trên cơ sở kết quả đánh giá thành tích, hiệu quả và chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.

- Được hưởng chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Nghị định khác của Chính phủ.

(Căn cứ tại Điều 13 Nghị định 178/2024/NĐ-CP)

2.7. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ CB, CC, VC sau sắp xếp

Căn cứ kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và cử cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của vị trí việc làm để cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

(Căn cứ tại Điều 14 Nghị định 178/2024/NĐ-CP)

2.8. Chính sách đối với đối tượng thuộc LLVT trong quá trình tinh gọn bộ máy

Đối tượng quy định tại điểm d, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị định 178/2024/NĐ-CP được thực hiện chính sách như đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Căn cứ tại Điều 10, Căn cứ tại Điều 11 và Căn cứ tại Điều 14 Nghị định 178/2024/NĐ-CP.

Trong đó, tuổi nghỉ hưu để tính hưởng chính sách, chế độ đối với từng đối tượng thuộc lực lượng vũ trang như sau:

+ Đối với sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam thì tuổi nghỉ hưu thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và các văn bản hướng dẫn.

+ Đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thì tuổi nghỉ hưu thực hiện theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và các văn bản hướng dẫn.

+ Đối với sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương và công nhân công an thì tuổi nghỉ hưu thực hiện theo quy định của Luật Công an nhân dân và các văn bản hướng dẫn.

+ Đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu; lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Công an nhân dân, thì tuổi nghỉ hưu thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định 135/2020/NĐ-CP.

(Căn cứ tại Điều 15 Nghị định 178/2024/NĐ-CP)

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết liên quan tại chuyên mục Phổ biến pháp luật trên trang Hoatieu.vn.

Đánh giá bài viết
4 34
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm