Thông tư kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản

Thông tư số 55/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản.

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

________________

Số: 55/2011/TT-BNNPTNT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_________________________

Hà Nội, ngày 03 tháng 08 năm 2011

THÔNG TƯ
Kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản
_________________________

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định 01/2008/NĐ-CP;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007 và Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản như sau:

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định trình tự, thủ tục kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm (sau đây gọi tắt là CL, ATTP) đối với lô hàng thủy sản và sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm (sau đây gọi tắt là lô hàng); trách nhiệm, quyền hạn của các Cơ quan kiểm tra, chứng nhận (sau đây gọi tắt là Cơ quan kiểm tra) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm đối với lô hàng nhập khẩu được thực hiện theo Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/4/2010 hướng dẫn việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu, Thông tư số 51/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/9/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT và Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định hiện hành của Việt Nam và tàu cá có công suất máy chính từ 50 CV trở lên (sau đây gọi tắt là Cơ sở):

a) Cơ sở có sản phẩm xuất khẩu;

b) Cơ sở có sản phẩm chỉ tiêu thụ nội địa.

2. Lô hàng xuất khẩu thuộc diện phải kiểm tra, chứng nhận nhà nước về CL, ATTP theo quy định của Việt Nam và của nước nhập khẩu.

3. Đối với các lô hàng xuất khẩu có yêu cầu chứng nhận kiểm dịch theo quy định hiện hành, Cơ quan kiểm tra nêu tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này thực hiện đồng thời việc kiểm tra CL, ATTP và kiểm dịch.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cảng cá là cảng chuyên dùng cho tàu cá, bao gồm vùng đất cảng và vùng nước đậu tàu. Vùng đất cảng bao gồm cầu cảng, kho bãi, nhà xưởng, khu hành chính, dịch vụ hậu cần, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản.

2. Cơ sở sản xuất thủy sản: là cơ sở có địa điểm cố định thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản để tạo ra thực phẩm thủy sản.

3. Cơ sở kinh doanh thủy sản: là cơ sở thực hiện một, một số hoặc tất cả các dịch vụ bảo quản, dịch vụ vận chuyển hoặc buôn bán thực phẩm thủy sản.

4. Chợ có kinh doanh sản phẩm thuỷ sản: là địa điểm cố định diễn ra các hoạt động mua bán thực phẩm thủy sản và có thể bao gồm hoạt động thu mua, sơ chế.

5. Cơ sở sản xuất thủy sản độc lập là cơ sở có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện hoàn chỉnh một quy trình sản xuất riêng biệt từ công đoạn tiếp nhận nguyên liệu cho đến bảo quản thành phẩm tại một địa điểm; có đội ngũ cán bộ quản lý chất lượng riêng với tối thiểu 3 nhân viên thực hiện kiểm soát chất lượng, ATTP trong quá trình sản xuất và ít nhất 01 (một) nhân viên được Cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành lớp tập huấn có liên quan về quản lý chất lượng theo nguyên tắc HACCP.

6. Kho lạnh độc lập bảo quản thủy sản: là tòa nhà được cách nhiệt gồm một hoặc nhiều phòng, được làm lạnh nhân tạo để chuyên cung cấp dịch vụ bảo quản sản phẩm thủy sản đông lạnh.

7. Truy xuất nguồn gốc: là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối.

8. Lấy mẫu kiểm nghiệm: là việc lựa chọn mẫu có chủ định và chuyển tới các phòng kiểm nghiệm được chỉ định để phân tích các chỉ tiêu CL, ATTP.

9. Lô hàng sản xuất: là một lượng sản phẩm được sản xuất từ một hay nhiều lô nguyên liệu có đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ theo cùng một quy trình công nghệ, cùng điều kiện sản xuất trong thời gian không quá 24 giờ tại một cơ sở.

10. Lô hàng xuất khẩu: là lượng hàng được chủ hàng đăng ký kiểm tra để xuất khẩu một lần cho một nhà nhập khẩu trên một phương tiện vận chuyển.

11. Mẫu ban đầu: là lượng sản phẩm hoặc một đơn vị bao gói lấy tại một vị trí từ lô hàng sản xuất.

12. Mẫu chung: là mẫu được tập hợp từ các mẫu ban đầu.

13. Mẫu trung bình: là lượng sản phẩm hoặc một số đơn vị bao gói lấy ra từ mẫu chung.

14. Mẫu kiểm nghiệm: là mẫu lấy ra từ mẫu trung bình dùng để phân tích các chỉ tiêu CL, ATTP.

15. Mẫu lưu: là mẫu lấy ra từ mẫu trung bình được bảo quản trong điều kiện không làm thay đổi đặc tính ban đầu của mẫu, dùng để kiểm nghiệm đối chứng khi cần thiết.

16. Thực phẩm thuỷ sản là tất cả các loài động, thực vật sống trong nước và lưỡng cư, kể cả trứng và những bộ phận của chúng được sử dụng làm thực phẩm hoặc thực phẩm phối chế mà thành phần có chứa thuỷ sản.

17. Nhóm thực phẩm thủy sản tương tự là những sản phẩm thủy sản có cùng mức nguy cơ về an toàn thực phẩm, được sản xuất bởi quy trình công nghệ gần giống nhau tại một Cơ sở.

18. Thực phẩm thủy sản ăn liền là sản phẩm thủy sản có thể sử dụng trực tiếp cho người mà không bắt buộc phải xử lý đặc biệt nào trước khi ăn.

Đánh giá bài viết
1 217
0 Bình luận
Sắp xếp theo