Thông tư 33/2021/TT-BGTVT hướng dẫn định mức cho hoạt động quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực GTVT

Tải về

Thông tư 33/2021/TT-BGTVT vừa được Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 15/12 năm 2021 về việc hướng dẫn định mức cho hoạt động quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Theo đó định mức quy định tại Thông tư này là định mức tối đa để thực hiện các nội dung công việc trong hoạt động lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Thông tư 33/2021/TT-BGTVT

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
_________

Số: 33/2021/TT-BGTVT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2021

THÔNG TƯ

Hướng dẫn định mức cho hoạt động quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải

__________

Căn cứ Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Bộ Luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 ngày 29 tháng 06 năm 2006;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 61/2014/QH13 ngày 21 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 ngày 16 tháng 06 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 56/2019/CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải trong Luật Sửa đổi một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư và Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư hướng dẫn về định mức cho hoạt động quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về định mức cho việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Điều 3. Giải thích thuật ngữ

1. Ngày công quy đổi là số ngày công tối đa của một chuyên gia tư vấn (sau đây viết tắt là CG) xếp mức cao nhất trong nhóm chuyên gia tư vấn phải bỏ ra để hoàn thành một nhiệm vụ.

2. Mức chuyên gia tư vấn được chia theo bốn (04) mức quy định tại Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12/01/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mức lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở dự toán gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian sử dụng vốn nhà nước và được ký hiệu: chuyên gia tư vấn mức 1 (CG1), chuyên gia tư vấn mức 2 (CG2), chuyên gia tư vấn mức 3 (CG3), chuyên gia tư vấn mức 4 (CG4).

Điều 4. Nguyên tắc áp dụng định mức

1. Định mức quy định tại Thông tư này là định mức tối đa để thực hiện các nội dung công việc trong hoạt động lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ lập quy hoạch, cấp có thẩm quyền quyết định áp dụng định mức phù hợp.

2. Trường hợp phải thuê tư vấn nước ngoài lập một phần nội dung hay toàn bộ nội dung quy hoạch, định mức chi phí căn cứ theo cơ sở dữ liệu về chi phí thuê tư vấn nước ngoài lập các đồ án quy hoạch phù hợp với mặt bằng tiền lương tư vấn trong khu vực, quốc gia mà chuyên gia tư vấn đăng ký quốc tịch, tương ứng với trình độ, kinh nghiệm của chuyên gia.

3. Trường hợp quy hoạch đã có hệ thống cơ sở dữ liệu, yêu cầu tận dụng để xác định định mức và dự toán chi phí cho phù hợp.

Điều 5. Định mức cho hoạt động quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải

Định mức cho hoạt động quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải được quy định theo hai (02) giai đoạn:

1. Định mức cho hoạt động lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bao gồm:

a) Định mức cho hoạt động trực tiếp;

b) Định mức cho hoạt động gián tiếp.

2. Định mức cho hoạt động lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch bao gồm:

a) Định mức cho hoạt động trực tiếp;

b) Định mức cho hoạt động gián tiếp;

c) Định mức cho hoạt động đánh giá môi trường chiến lược.

Chương II. ĐỊNH MỨC CHO HOẠT ĐỘNG QUY HOẠCH CÓ TÍNH CHẤT KỸ THUẬT, CHUYÊN NGÀNH TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI

Điều 6. Định mức cho hoạt động trực tiếp

1. Định mức cho hoạt động trực tiếp lập quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Định mức cho hoạt động trực tiếp lập quy hoạch tuyến đường sắt và quy hoạch ga đường sắt được quy định tại Phụ lục II và Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Định mức cho hoạt động trực tiếp lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Định mức cho hoạt động trực tiếp lập quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, bến phao, khu nước, vùng nước; quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển và quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn được quy định tại Phụ lục V, Phụ lục VI và Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Đối với các hoạt động không thuộc quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này (khảo sát hiện trường, thực địa, điều tra giao thông, mua tài liệu, dữ liệu, bản đồ, thuê, khấu hao trang thiết bị, in sao tài liệu) được xác định theo khối lượng cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tế khi lập dự toán chi phi.

Điều 7. Định mức cho hoạt động gián tiếp

1. Định mức cho hoạt động gián tiếp lập, thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch bao gồm các hoạt động:

a) Lựa chọn tổ chức tư vấn;

b) Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tham vấn, lấy ý kiến;

c) Tổ chức thẩm định;

d) Phê duyệt quy hoạch;

đ) Khảo sát thực tế;

e) Công bố quy hoạch;

g) Quản lý chung.

2. Định mức chi tiết cho từng hoạt động gián tiếp quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo khối lượng cần thiết trong nhiệm vụ lập quy hoạch.

Điều 8. Định mức cho hoạt động đánh giá môi trường chiến lược

Định mức cho hoạt động đánh giá môi trường chiến lược thực hiện theo Thông tư liên tịch số 50/2012/TTLT-BTC-BTNMT ngày 30/3/2012 của Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cơ chế tài chính và mức kinh phí lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

Điều 9. Định mức cho hoạt động điều chỉnh quy hoạch

Định mức cho hoạt động điều chỉnh quy hoạch được thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 của Thông tư này, trong đó:

1. Điều chỉnh cục bộ quy hoạch: căn cứ nội dung công việc cần điều chỉnh cho từng hoạt động điều chỉnh để xác định khi lập dự toán chi phí.

2. Điều chỉnh tổng thể quy hoạch nhưng phạm vi điều chỉnh không vượt quá quy mô của quy hoạch đã được phê duyệt: phải bảo đảm chi phí điều chỉnh quy hoạch tối đa không vượt quá 50% của chi phí lập quy hoạch mới.

3. Trường hợp phạm vi điều chỉnh vượt quá quy mô của quy hoạch đã được phê duyệt: phải bảo đảm chi phí điều chỉnh quy hoạch tối đa không vượt quá 100% chi phí lập quy hoạch mới.

Chương III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2021.

2. Trường hợp các văn bản viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng các quy định tại các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục: Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh bằng văn bản về Bộ Giao thông vận tải để được hướng dẫn hoặc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Nơi nhận:

- Bộ trưởng (để báo cáo);

- Văn phòng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

- Các Thứ trưởng;

- Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT;

- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);

- Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ;

- Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;

- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;

- Lưu: VT, KHĐT (5b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Ngọc Đông

Mời các bạn sử dụng file tải về để xem chi tiết phụ lục đính kèm.

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Giao thông vận tải được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Bộ Giao thông Vận tảiNgười ký:Nguyễn Ngọc Đông
Số hiệu:33/2021/TT-BGTVTLĩnh vực:Giao thông
Ngày ban hành:15/12/2021Ngày hiệu lực:15/12/2021
Loại văn bản:Thông tưNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
1 57
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm