Thông tư 28/2019/TT-BYT

Thông tư số 28/2019/TT-BYT

Thông tư 28/2019/TT-BYT của Bộ Y tế về việc hướng dẫn việc thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế biên giới.

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 28/2019/TT-BYT về việc hướng dẫn việc thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế biên giới ngày 28/10/2019. Theo đó, cơ quan thực hiện báo cáo bao gồm: Tổ chức kiểm dịch y tế biên giới các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế; Trung tâm Y tế dự phòng; Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố có thực hiện hoạt động kiểm dịch y tế); Viện khu vực (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương; Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh; Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên).

B Y TẾ

-------

Số: 28/2019/TT-BYT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

------------------

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2019

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế biên giới

-------------------------------

Căn cứ Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới;

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn việc thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế biên giới.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định nguyên tắc, cơ quan thực hiện, chế độ, hình thức, nội dung, quy trình và thời gian thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế biên giới.

2. Thông tư này áp dụng với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế biên giới.

Điều 2. Nguyên tắc thông tin, báo cáo

1. Bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, kịp thời và trung thực.

2. Bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và theo các mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trường hợp đã thực hiện báo cáo bằng phần mềm trực tuyến thì không thực hiện báo cáo bằng văn bản.

Điều 3. Cơ quan thực hiện báo cáo

1. Tổ chức kiểm dịch y tế biên giới các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) bao gồm: Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố có thực hiện hoạt động kiểm dịch y tế.

2. Viện khu vực bao gồm: Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên.

Điều 4. Chế độ, hình thức thông tin, báo cáo

1. Chế độ báo cáo:

a) Báo cáo định kỳ gồm: báo cáo tuần, báo cáo tháng, báo cáo sáu tháng và báo cáo năm;

b) Báo cáo đột xuất: Phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A tại khu vực cửa khẩu hoặc các dấu hiệu cảnh báo, các yếu tố có nguy cơ gây ra bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm và các sự kiện có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng tại khu vực cửa khẩu.

c) Báo cáo theo yêu cầu của cơ quan cấp trên.

2. Hình thức thông tin, báo cáo:

Báo cáo được thực hiện bằng văn bản hoặc bằng phần mềm báo cáo trực tuyến. Trường hợp báo cáo đột xuất có thể thực hiện thông qua fax, thư điện tử, điện thoại hoặc báo cáo trực tiếp sau đó phải gửi báo cáo bằng văn bản trong vòng 24 giờ hoặc bằng phần mềm báo cáo trực tuyến.

Điều 5. Nội dung và chỉ số thông tin, báo cáo

1. Báo cáo định kỳ:

a) Đối với tổ chức kiểm dịch y tế biên giới tỉnh:

- Báo cáo tuần: nội dung và chỉ số thông tin, báo cáo thực hiện theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Báo cáo tháng: nội dung và chỉ số thông tin, báo cáo thực hiện theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Báo cáo sáu tháng: nội dung và chỉ số thông tin, báo cáo thực hiện theo quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Báo cáo năm: nội dung và chỉ số thông tin, báo cáo thực hiện theo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Đối với Viện khu vực: Thực hiện việc báo cáo sáu tháng, báo cáo năm theo nội dung và chỉ số thông tin, báo cáo quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Báo cáo đột xuất:

a) Báo cáo trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A phát hiện tại khu vực cửa khẩu: nội dung và chỉ số thông tin, báo cáo thực hiện theo quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Báo cáo các dấu hiệu cảnh báo, các nguy cơ gây ra bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm và các sự kiện có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nội dung theo Hướng dẫn giám sát dựa vào sự kiện của Bộ Y tế.

3. Báo cáo theo yêu cầu của cơ quan cấp trên: nội dung và chỉ số theo yêu cầu của cơ quan cấp trên.

Điều 6. Quy trình thông tin, báo cáo

1. Tổ chức kiểm dịch y tế biên giới tỉnh thông tin, báo cáo về Cục Y tế dự phòng, Viện khu vực thuộc địa bàn phụ trách đồng thời gửi thông tin, báo cáo cho Sở Y tế.

Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A tại khu vực cửa khẩu ngoài việc thực hiện thông tin, báo cáo về Cục Y tế dự phòng, Viện khu vực thuộc địa bàn phụ trách và Sở Y tế còn phải thông báo cho Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh trong địa bàn.

2. Viện khu vực:

a) Đối với báo cáo định kỳ:

- Tiếp nhận, phân tích, phản hồi thông tin, báo cáo của tổ chức kiểm dịch y tế biên giới tỉnh thuộc địa bàn phụ trách;

- Thực hiện báo cáo sáu tháng, báo cáo năm về Cục Y tế dự phòng;

b) Đối với báo cáo đột xuất: tiếp nhận, đánh giá, xác minh thông tin, báo cáo đột xuất từ tổ chức kiểm dịch y tế biên giới các tỉnh thuộc địa bàn phụ trách và báo cáo về Cục Y tế dự phòng.

Điều 7. Thời gian thông tin, báo cáo

1. Tổ chức kiểm dịch y tế biên giới tỉnh có trách nhiệm thông tin, báo cáo theo thời gian sau:

a) Báo cáo tuần (số liệu được tính trong 7 ngày, từ 00h00 ngày thứ hai đến 24h00 ngày chủ nhật của tuần báo cáo): báo cáo trước 14h00 ngày thứ năm tuần kế tiếp;

b) Báo cáo tháng (số liệu được tính từ 00h00 ngày đầu tiên đến 24h00 ngày cuối cùng của tháng báo cáo): báo cáo trước ngày 15 của tháng kế tiếp;

c) Báo cáo sáu tháng (số liệu được tính từ 00h00 ngày đầu tiên của năm đến 24h00 ngày cuối cùng của tháng 6): báo cáo trước ngày 15 tháng 7 của năm báo cáo;

d) Báo cáo năm (số liệu được tính từ 00h00 ngày đầu tiên của năm đến 24h00 ngày cuối cùng của năm báo cáo): báo cáo trước ngày 15 tháng 01 của năm kế tiếp;

đ) Báo cáo trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A tại khu vực cửa khẩu: báo cáo ngay khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh;

e) Báo cáo các dấu hiệu cảnh báo, các nguy cơ gây ra bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm và các sự kiện có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng tại khu vực thực hiện theo hướng dẫn giám sát dựa vào sự kiện của Bộ Y tế;

f) Báo cáo theo yêu cầu của cơ quan cấp trên: thời gian do cơ quan cấp trên yêu cầu.

2. Viện khu vực có trách nhiệm báo cáo theo thời gian sau:

a) Báo cáo sáu tháng (số liệu được tính từ 00h00 ngày đầu tiên của năm đến 24h00 ngày cuối cùng của tháng 6): báo cáo trước ngày 20 tháng 7 của năm báo cáo;

b) Báo cáo năm (số liệu được tính từ 00h00 ngày đầu tiên của năm đến 24h00 ngày cuối cùng của năm báo cáo): báo cáo trước ngày 20 tháng 01 của năm kế tiếp;

c) Báo cáo đột xuất: báo cáo trong vòng 24h sau khi nhận được thông tin từ tổ chức kiểm dịch y tế biên giới tỉnh;

d) Báo cáo theo yêu cầu của cơ quan cấp trên: thời gian do cơ quan cấp trên yêu cầu.

Điều 8. Trách nhiệm của Cục Y tế dự phòng

1. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế trên phạm vi toàn quốc.

2. Tổng hợp, phân tích, đánh giá thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế trên phạm vi toàn quốc.

3. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế trên phạm vi toàn quốc.

4. Phối hợp chia sẻ thông tin về hoạt động kiểm dịch y tế với các Bộ, ngành, các cơ quan truyền thông đại chúng và quốc tế theo quy định.

5. Xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, báo cáo trực tuyến về hoạt động kiểm dịch y tế biên giới.

Điều 9. Trách nhiệm của Viện khu vực

1. Tổ chức, chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn, giám sát, đánh giá việc thực hiện thông tin, báo cáo của tổ chức kiểm dịch y tế biên giới tỉnh thuộc khu vực phụ trách.

2. Xác minh, tổng hợp, phân tích, lưu trữ thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế của tổ chức kiểm dịch y tế tỉnh thuộc khu vực phụ trách.

3. Phối hợp và chia sẻ thông tin hoạt động kiểm dịch y tế giữa các Viện khu vực.

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Y tế và Tổ chức kiểm dịch y tế biên giới

1. Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế theo đúng quy định; Bố trí kinh phí cho các đơn vị triển khai và duy trì thực hiện công tác thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế.

2. Các Tổ chức kiểm dịch y tế biên giới: có trách nhiệm bố trí cán bộ chuyên trách, trang thiết bị, kinh phí để thực hiện công tác thông tin báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 12 năm 2019.

2. Thông tư số 15/2014/TT-BYT ngày 15/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để xem xét giải quyết./.

Nơi nhận:

- Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội;

- Văn phòng Chính phủ (Vụ KGVX,

Công báo, Cổng TTĐT);

- Bộ Tư pháp (Cục KTVBQPPL);

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;

- Bộ Trưởng Bộ Y tế (để báo cáo);

- Các Thứ trưởng Bộ Y tế (để phối hợp chỉ đạo);

- Các Vụ, Cục, Tổng cục, VP Bộ, Thanh tra Bộ Y tế;

- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;

- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;

- TTYTDP, TTKSBT, TTKDYTQT các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;

- Cổng TTĐT Bộ Y tế;

- Lưu: VT, DP (03b), PC (02b).

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Trường Sơn

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Y tế sức khỏe được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 73
0 Bình luận
Sắp xếp theo