Thông tư 20/2019/TT-BNNPTNT

Tải về

Thông tư số 20/2019/TT-BNNPTNT

Thông tư 20/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 20/2019/TT-BNNPTNT quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi ngày 22/11/2019. Cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi bao gồm: Cơ sở dữ liệu về giống vật nuôi, nguồn gen giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; Cơ sở dữ liệu về cơ sở chăn nuôi, chế biến, thị trường sản phẩm chăn nuôi; Cơ sở dữ liệu về vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; Cơ sở dữ liệu khác về chăn nuôi.

BỘ NÔNG NGHIỆP

VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

--------------

Số: 20/2019/TT-BNNPTNT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

------------------------------

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2019

THÔNG TƯ

Quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển ng thôn;

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Chăn nuôi;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sơ dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật Chăn nuôi.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

Chương II

CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ CHĂN NUÔI

Điều 3. Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chăn nuôi

Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chăn nuôi bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chăn nuôi.

Điều 4. Cơ sở dữ liệu về giống vật nuôi, nguồn gen giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xữ lý chất thải chăn nuôi

1. Dữ liệu về giống vật nuôi bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân sản xuất con giống vật nuôi: Tên, số điện thoại, email (nếu có); địa chỉ cơ sở sản xuất: quy mô sản xuất; nguồn gốc giống, tên giống, cấp giống, số lượng từng cấp giống, chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng của giống;

b) Tổ chức, cá nhân sản xuất tinh, phôi, ấu trùng và cơ sở ấp trứng: Tên, số điện thoại, email (nếu có); địa chỉ cơ sở sản xuất; tên giống vật nuôi cho tinh, phôi, ấu trùng và trứng giống; quy mô sản xuất, số lượng sản xuất;

c) Cá nhân làm dịch vụ thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi giống vật nuôi:

Tên, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; số liều tinh được phối trong một năm hoặc số lượng phôi được cấy trong một năm;

d) Tổ chức, cá nhân sở hữu lợn, trâu, bò đực giống để phối giống trực tiếp nhằm mục đích thương mại: Tên, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; quy mô, loại đực giống, số lượng, kết quả phối giống hằng năm (nếu có);

đ) Tổ chức, cá nhân mua bán con giống, tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng: Tên, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; loại giống, số lượng trong một năm; con giống, tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng đã được kiểm dịch, kiểm tra, đánh giá chất lượng;

e) Cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi: Tên cơ sở, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; quy mô chăn nuôi, năng lực khảo nghiệm (loại dòng, giống vật nuôi, số lượng vật nuôi tối đa khảo nghiệm được); được giao thực hiện kiểm định dòng, giống vật nuôi;

g) Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn;

h) Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu.

2. Dữ liệu về nguồn gen giống vật nuôi bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân thu thập nguồn gen giống vật nuôi: Tên, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; tên nguồn gen, số lượng, địa điểm thu thập, chỉ tiêu sinh học, giá trị sử dụng;

b) Tổ chức, cá nhân bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi: Tên, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; tên nguồn gen, số lượng, địa điểm bảo tồn, phương thức bảo tồn;

c) Tổ chức, cá nhân khai thác, phát triển nguồn gen giống vật nuôi: Tên, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; tên nguồn gen, số lượng, địa điểm khai thác, phát triển.

3. Dữ liệu về thức ăn chăn nuôi bao gồm:

a) Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi: Tên cơ sở, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ cơ sở sản xuất, công suất thiết kế; số Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi, ngày cấp, cơ quan cấp;

b) Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại được Cục Chăn nuôi cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi: Tên cơ sở, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ cơ sở sản xuất, công suất thiết kế; số Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi, ngày cấp;

c) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thức ăn chăn nuôi: Tên, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ;

d) Cơ sở mua bán thức ăn chăn nuôi: Tên cơ sở, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ;

đ) Cơ sở khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi: Tên cơ sở, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; quy mô;

e) Sản lượng thức ăn chăn nuôi thương mại: Tên sản phẩm, số lượng, đối tượng vật nuôi sử dụng;

g) Thức ăn chăn nuôi nhập khẩu: Tên sản phẩm, khối lượng nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu, nguồn gốc xuất xứ;

h) Danh mục hóa chất, sản phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi;

i) Danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi;

k) Phòng thử nghiệm được chỉ định trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi: Tên phòng thử nghiệm, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; phép thử được chỉ định, ngày chỉ định, ngày hết hạn, cơ quan chỉ định;

l) Tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi: Tên tổ chức, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; phạm vi được chỉ định, ngày chỉ định, ngày hết hạn, cơ quan chỉ định.

4. Dữ liệu về '73ản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi bao gồm:

a) Cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi: Tên cơ sở, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ cơ sở sản xuất, công suất thiết kế;

b) Cơ sở khảo nghiệm sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi: Tên cơ sở, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ;

c) Tên sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, số lượng, tiêu chuẩn công bố áp dụng.

Điều 5. Cơ sở dữ liệu về cơ sở chăn nuôi, chế biến, thị trường sản phẩm chăn nuôi

1. Dữ liệu về cơ sở chăn nuôi bao gồm:

a) Dữ liệu về tổ chức, cá nhân chăn nuôi: Tên, mã số cơ sở chăn nuôi, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; loại vật nuôi, số lượng vật nuôi, tên giống, phương thức chăn nuôi, sản lượng;

b) Dữ liệu về điều kiện chăn nuôi: Quy mô chăn nuôi, mật độ chăn nuôi; kê khai hoạt động chăn nuôi; khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại; bệnh (dịch) được giám sát, biện pháp bảo đảm an toàn sinh học;

c) Giấy chứng nhận của cơ sở chăn nuôi: Số Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi, ngày cấp, cơ quan cấp; số Giấy chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt, ngày cấp, cơ quan cấp; số Giấy chứng nhận trại chăn nuôi an toàn sinh học, ngày cấp, cơ quan cấp;

d) Tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định: Tên tổ chức, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; ngày chỉ định, ngày hết hạn, cơ quan chỉ định.

2. Dữ liệu về cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi bao gồm: Tên cơ sở, mã số cơ sở, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, ngày cấp, cơ quan cấp; công suất, mặt hàng, chủng loại chế biến, nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm được chế biến; số lượng nguyên liệu thu mua (trong nước, nhập khẩu), sản lượng chế biến, giá trị xuất khẩu, thị trường tiêu thụ (nội địa, xuất khẩu).

3. Dữ liệu về thị trường sản phẩm chăn nuôi bao gồm:

a) Dữ liệu thông tin về giá: Con giống, sản phẩm giống vật nuôi; thức ăn chăn nuôi hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn, gà giai đoạn vỗ béo; một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính; sản phẩm chăn nuôi chính;

b) Dữ liệu về thị trường xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi: Nước xuất khẩu, nhập khẩu; số lượng, chủng loại sản phẩm; quy cách, giá trị xuất khẩu, giá trị nhập khẩu;

c) Dữ liệu về điều ước quốc tế: Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động vật (SPS) và các cam kết thương mại (thuế quan, phi thuế quan), hiệp định về việc áp dụng hàng rào kỹ thuật với thương mại (TBT), văn bản quy định về biện pháp kiểm dịch động vật (SPS) và hàng rào kỹ thuật với thương mại (TBT) của các nước nhập khẩu.

Điều 6. Cơ sở dữ liệu về vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Dữ liệu về vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh: Tên, địa chỉ vùng chăn nuôi, đối tượng vật nuôi, quy mô chăn nuôi; bệnh (dịch) được chứng nhận, biện pháp kiểm soát an toàn sinh học; số Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh, ngày cấp.

Điều 7. Cơ sở dữ liệu khác về chăn nuôi

1. Dữ liệu về khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bao gồm:

a) Kết quả nghiên cứu khoa học trong chăn nuôi;

b) Công nghệ được ứng dụng trong chăn nuôi;

c) Danh mục Tiêu chuẩn quốc gia, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong chăn nuôi; quy trình kỹ thuật; định mức kinh tế-kỹ thuật; tiến bộ kỹ thuật.

2. Dữ liệu về phòng, chống dịch bệnh động vật thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y: Loại dịch bệnh, đối tượng vật nuôi chịu tác động, nơi xảy ra dịch bệnh, số lượng vật nuôi thiệt hại.

3. Dữ liệu về cơ sở bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi, Giấy chứng nhận vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, Giấy chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt; Giấy chứng nhận trại chăn nuôi an toàn sinh học và Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi.

4. Dữ liệu về cơ sở bị thu hồi hoặc đình chỉ hiệu lực Quyết định chỉ định tổ chức chứng nhận sự phù hợp, Quyết định chỉ định phòng thử nghiệm thức ăn chăn nuôi.

Chương III

CẬP NHẬT, KHAI THÁC CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ CHĂN NUÔI

Điều 8. Tần suất cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi

1. Cập nhật theo tháng (trước ngày 30 hằng tháng) đối với các nội dung quy định tại Điều 3; điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

2. Cập nhật theo quý (trước ngày 30 của tháng cuối quý) đối với các nội dung quy định tại điểm a và điểm b khoản 1; điểm a khoản 2; điểm a, b, c và d khoản 3; điểm a và điểm c khoản 4 Điều 4; khoản 1 Điều 5 và Điều 6 Thông tư này.

3. Cập nhật theo năm (trước ngày 30 tháng 12 hằng năm) đối với các nội dung quy định tại điểm c, d, đ, e, g và h khoản 1; điểm b và điểm c khoản 2; điểm đ, e, g, h, i, k và l khoản 3; điểm b khoản 4 Điều 4; khoản 2, điểm b và điểm c khoản 3 Điều 5 và Điều 7 Thông tư này.

Điều 9. Khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi

1. Tổ chức thực hiện chức năng đầu mối xây dựng, cập nhật dữ liệu quốc gia về chăn nuôi cấp trung ương, cấp tỉnh được quyền khai thác dữ liệu quốc gia về chăn nuôi theo phân cấp.

2. Tổ chức, cá nhân được khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi quy định tại Điều 3, 4, 5, 6 và 7 Thông tư này.

Chương IV

QUẢN LÝ CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ CHĂN NUÔI

Điều 10. Quản lý tài khoản cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi

1. Tài khoản cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi được phân cấp, phân quyền từ trung ương đến địa phương.

2. Cấp và khóa tài khoản cập nhật: Cục Chăn nuôi thực hiện cấp, khóa tài khoản cập nhật cho cá nhân (cán bộ, công chức, viên chức) và tổ chức (cơ quan hành chính nhà nước).

3. Quản lý tài khoản cập nhật:

a) Tổ chức được cấp tài khoản phân công cho cá nhân thuộc tổ chức mình thực hiện việc quản trị, cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi theo quy định của pháp luật;

b) Cá nhân được cấp tài khoản thực hiện việc bảo mật, quản trị, cập nhật, khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu và sử dụng tài khoản được cấp theo quy định của pháp luật.

4. Tài khoản cập nhật bị khóa khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Tổ chức được cấp tài khoản bị chia tách, sáp nhập, giải thể, bị chấm dứt hoạt động, chuyển nhượng;

b) Cá nhân đã được cấp tài khoản thay đổi đơn vị công tác, nghỉ việc, nghỉ hưu.

Điều 11. Nội dung quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi

1. Xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm kết nối và chia sẻ dữ liệu thống nhất trên toàn bộ hệ thống. Nguồn lực xây dựng, vận hành cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phần mềm cơ sở dữ liệu từ ngân sách nhà nước và xã hội hoá.

2. Thu thập, xử lý, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi được tự động hóa thông qua số hóa các quy trình từ khai báo, nhập liệu, lưu trữ, xử lý, phân tích, lập báo cáo.

3. Quản lý quyền truy cập, quyền cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu.

4. Theo dõi, giám sát tình hình sử dụng cơ sở dữ liệu.

5. Đào tạo nhân lực, hỗ trợ vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu.

Điều 12. Bảo đảm an toàn cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi

1. Sử dụng phần mềm bảo mật có bản quyền và áp dụng các công nghệ phát hiện và ngăn chặn xâm nhập mạng trái phép.

2. Sử dụng kênh mã hoá và xác thực thông tin người dùng trong các hoạt động sau: Đăng nhập quản trị hệ thống; đăng nhập vào các ứng dụng; gửi, nhận dữ liệu tự động giữa các máy chủ; nhập và biên tập dữ liệu.

3. Mã hoá đường truyền cơ sở dữ liệu.

4. Áp dụng biện pháp bảo đảm tính xác thực và bảo vệ sự toàn vẹn của dữ liệu trong cơ sở dữ liệu.

5. Hoạt động nghiệp vụ bảo đảm việc quản lý bảo mật hệ thống bao gồm: Lưu vết việc truy cập, tạo, thay đổi, xóa thông tin dữ liệu để phục vụ việc quản lý, giám sát hệ thống.

6. Thiết lập và duy trì hệ thống dự phòng nhằm bảo đảm hệ thống duy trì hoạt động liên tục.

7. Thực hiện biện pháp sao lưu dữ liệu định kỳ và bảo vệ bản sao lưu phục hồi bằng giải pháp che dấu và mã hoá dữ liệu.

8. Thực hiện biện pháp cần thiết khác để bảo đảm an toàn cơ sở dữ liệu.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN LIÊN QUAN

Điều 13. Trách nhiệm của Cục Chăn nuôi

1. Chủ trì xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

2. Chủ trì, hướng dẫn tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo số liệu để cập nhật, khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi và tổng hợp thông tin trong phạm vi cả nước.

3. Chủ trì tổ chức việc vận hành, bảo trì, giám sát, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và biện pháp bảo đảm an toàn cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

4. Quản lý tài khoản quản trị, phân quyền cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

5. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu chăn nuôi ở các địa phương. Tổ chức tập huấn công tác cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

6. Đánh giá, xếp hạng năng lực thực hiện việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu chăn nuôi của các tổ chức và công bố công khai hằng năm.

7. Phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

8. Đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

9. Tổ chức thực hiện cập nhật dữ liệu theo quy định tại Điều 3; điểm e, g và h khoản 1; điểm b và điểm c khoản 2; điểm b, c, đ, e, g, h, i, k và l khoản 3; điểm b và điểm c khoản 4 Điều 4; điểm d khoản 1 Điều 5; điểm c khoản 1 và khoản 4 Điều 7 Thông tư này; chịu trách nhiệm về tính kịp thời, đầy đủ, chính xác của thông tin được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

Điều 14. Trách nhiệm của các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp

và Phát triển nông thôn

1. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường

a) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo số liệu để cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ trong chăn nuôi;

b) Phối hợp với Cục Chăn nuôi cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi theo chức năng, nhiệm vụ được giao;

c) Kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Thông tư này về cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ trong chăn nuôi;

d) Tổ chức thực hiện việc cập nhật dữ liệu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư này; chịu trách nhiệm về tính kịp thời, đầy đủ, chính xác của thông tin được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

2. Cục Thú y

a) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo số liệu để cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi; vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có nguồn gốc động vật;

b) Phối hợp với Cục Chăn nuôi cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi theo chức năng, nhiệm vụ được giao;

c) Kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Thông tư này về cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi; vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có nguồn gốc động vật;

d) Tổ chức thực hiện cập nhật dữ liệu quy định tại điểm c và điểm g khoản 3 Điều 4 (đối với thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có nguồn gốc động vật); Điều 6 và khoản 2 Điều 7 Thông tư này; chịu trách nhiệm về tính kịp thời, đầy đủ, chính xác của thông tin được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

3. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

a) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo số liệu để cập nhập, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chế biến sản phẩm chăn nuôi;

b) Phối hợp với Cục Chăn nuôi cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi theo chức năng, nhiệm vụ được giao;

c) Kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Thông tư này về cập nhật, khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chế biến sản phẩm chăn nuôi; thị trường trong nước và nước ngoài;

d) Tổ chức thực hiện việc cập nhật dữ liệu quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này; chịu trách nhiệm về tính kịp thời, đầy đủ, chính xác của thông tin được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

4. Cục Bảo vệ thực vật

a) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo số liệu để cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có nguồn gốc thực vật;

b) Phối hợp với Cục Chăn nuôi cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi theo chức năng, nhiệm vụ được giao;

c) Kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Thông tư này về cập nhật, khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có nguồn gốc thực vật;

d) Tổ chức thực hiện cập nhật dữ liệu quy định tại điểm c và điểm g khoản 3 Điều 4 Thông tư này (đối với thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có nguồn gốc thực vật); chịu trách nhiệm về tính kịp thời, đầy đủ, chính xác của thông tin được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

5. Trung tâm Tin học và Thống kê

a) Chủ trì thực hiện, hướng dẫn tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo số liệu để cập nhập, khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường trong nước và nước ngoài;

b) Phối hợp với Cục Chăn nuôi cập nhật, khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi theo chức năng, nhiệm vụ được giao;

c) Tổ chức thực hiện việc cập nhật dữ liệu quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này; chịu trách nhiệm về tính kịp thời, đầy đủ, chính xác của thông tin được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

Điều 15. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Chỉ đạo, hướng dẫn đào tạo cho tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật số liệu, khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi tại địa phương.

2. Phối hợp với Cục Chăn nuôi cập nhập, khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi theo phân cấp và chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Thông tư này về cung cấp thông tin, cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi của tổ chức, cá nhân có liên quan tại địa phương.

4. Đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi tại địa phương.

5. Tổ chức thực hiện việc cập nhật dữ liệu quy định tại điểm a, b, c, d và đ khoản 1; điểm a khoản 2; điểm a, d và e khoản 3; điểm a khoản 4 Điều 4; điểm a, b và c khoản 1 Điều 5; khoản 3 Điều 7 Thông tư này; chịu trách nhiệm về tính kịp thời, đầy đủ, chính xác của thông tin được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

Điều 16. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Thực hiện đúng quy định của Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan trong việc cập nhật, khai thác và sử dụng thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

2. Tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định thực hiện việc cập nhật dữ liệu về Giấy chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt; Giấy chứng nhận trại chăn nuôi an toàn sinh học tại điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư này.

3. Tổ chức, cá nhân thu thập nguồn gen giống vật nuôi thực hiện việc cập nhật dữ liệu quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

4. Chịu trách nhiệm về tính kịp thời, đầy đủ, chính xác của thông tin được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07 tháng 01 năm 2020.

Điều 18. Trách nhiệm thi hành

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị tổ chức, cá nhân phản ánh bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, sửa đổi, bổ sung./.

Nơi nhận:

- Lãnh đạo Bộ NN&PTNT;

- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;

- Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ NN&PTNT;

- Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Công báo Chính phủ;

- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;

- Cổng thông tin điện tử Bộ NN&PTNT;

- Lưu: VT, CN (200 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

Phùng Đức Tiến

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Nông lâm ngư nghiệp được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 80
Thông tư 20/2019/TT-BNNPTNT
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm