Thông tư 07/2020/TT-BGDĐT về tuyển sinh cao đẳng sư phạm

Tải về

Thông tư số 07/2020/TT-BGDĐT

Thông tư 07/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 01/2019/TT-BGDĐT ngày 28/02/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ 05/5, áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên trình độ đại học cho 03 nhóm ngành

Ngày 20/03/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 07/2020/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 01/2019/TT-BGDĐT.

Theo đó, từ ngày Thông tư này có hiệu lực, những ngành đào tạo thuộc 03 nhóm ngành sau đây được áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên trình độ đại học:

Thứ nhất, nhóm ngành Du lịch bao gồm: Du lịch (mã ngành 7810101); Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (mã ngành 7810103) và các mã ngành đào tạo trong nhóm ngành Du lịch chưa có trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV trình độ đại học hiện hành để đáp ứng nhu cầu về nhân lực du lịch.

Thứ hai, nhóm ngành Khách sạn, nhà hàng bao gồm: Quản trị khách sạn (mã ngành 7810201); Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (mã ngành 7810202) và các mã ngành đào tạo trong nhóm ngành Khách sạn, nhà hàng chưa có trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV trình độ đại học hiện hành để đáp ứng nhu cầu về nhân lực du lịch.

Thứ ba, nhóm ngành đào tạo trong lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin bao gồm: Khoa học máy tính (mã ngành 7480101); Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (mã ngành 7480102); Kỹ thuật phần mềm (mã ngành 7480103); Kỹ thuật máy tính (mã ngành 7480106);…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/5/2020.

Thông tư này sửa đổi, bổ sung Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT và Thông tư 01/2019/TT-BGDĐT.

B GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

_______

Số: 07/2020/TT-BGDĐT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

____________________

Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2020

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Bộ trưởng Bô Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 01/2019/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

___________________

Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng ngày 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục đại học;

Căn cứ Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học;

Căn cứ Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hoạt động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị khoá XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 01/2019/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 01/2019/TT-BGDĐT ngày 28 ngày 02 tháng 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1. Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

2. Thông tư này áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học; các viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ; các trường cao đẳng được phép đào tạo ngành Giáo dục Mầm non (sau đây gọi chung là các cơ sở giáo dục); các tổ chức và cá nhân có liên quan.”

2. Bổ sung khoản 3 và 4 Điều 3 như sau:

“3. Những ngành đào tạo thuộc nhóm ngành Du lịch và nhóm ngành Khách sạn, nhà hàng được áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên trình độ đại học gồm: Du lịch (mã ngành 7810101); Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (mã ngành 7810103); Quản trị khách sạn (mã ngành 7810201); Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (mã ngành 7810202) và các mã ngành đào tạo trong nhóm ngành Du lịch và nhóm ngành Khách sạn, nhà hàng chưa có trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV trình độ đại học hiện hành để đáp ứng nhu cầu về nhân lực du lịch.

4. Nhóm ngành đào tạo trong lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin được áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên trình độ đại học gồm: Khoa học máy tính (mã ngành 7480101); Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (mã ngành 7480102); Kỹ thuật phần mềm (mã ngành 7480103; Kỹ thuật máy tính (mã ngành 7480106); Hệ thống thông tin (mã ngành 7480104); Hệ thống thông tin quản lý (mã ngành 7340405); Công nghệ kỹ thuật máy tính (mã ngành 7480108); Công nghệ thông tin (mã ngành 7480201); An toàn thông tin (mã ngành 7480202); và các mã ngành đào tạo trong lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin chưa có trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV trình độ đại học hiện hành để đáp ứng nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin.”

3. Điều 4 sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 4. Giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng

1. Giảng viên cơ hữu trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh được quy định như sau:

a) Giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục công lập là viên chức được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định của pháp luật về viên chức hoặc người lao động của các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật Giáo dục Đại học (ban bành năm 2012, được sửa đổi bổ sung năm 2018, sau đây gọi là Luật Giáo dục đại học), được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 ngày 12 tháng 2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

b) Giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục tư thục là người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn theo Bộ luật lao động, không là công chức hoặc viên chức nhà nước; do cơ sở giáo dục trả lương và chi trả các khoản khác thuộc chế độ, chính sách đối với người lao động theo các quy định hiện hành.

c) Các giảng viên được xác định cơ hữu khi không đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác.

2. Giảng viên thỉnh giảng trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải có trình độ từ thạc sĩ hoặc tương đương trở lên trừ các ngành đào tạo ưu tiên, có ký hợp đồng thỉnh giảng theo quy định về chế độ giảng viên thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục và các quy định hiện hành liên quan khác, được cơ sở giáo dục trả lương, thù lao theo hợp đồng thỉnh giảng; trừ đối với giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu về nhân lực Du lịch/ Công nghệ thông tin.

3. Giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng quy đổi trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh là giảng viên có chức danh hoặc trình độ khác nhau của cơ sở giáo dục được quy đổi theo hệ số như sau:

Chức danh/ Trình độ

Hệ số giảng viên cơ hữu

Hệ số giảng viên thỉnh giảng

Cơ sở giáo dục đại học

Trường cao đẳng ngành giáo viên mầm non

Các ngành trừ các ngành đào tạo ưu tiên

Các ngành đào tạo ưu tiên

- Giảng viên có trình độ đại học

0,3

1,0

0,0

0,2

- Giảng viên có trình độ thạc sĩ

1,0

1,5

0,2

0,5

- Giảng viên có trình độ tiến sĩ

2,0

2,0

0,4

1,0

- Giảng viên có chức danh phó giáo sư

3,0

3,0

0,6

1,5

- Giảng viên có chức danh giáo sư

5,0

5,0

1,0

2,5

a) Đối với khối ngành nghệ thuật, giảng viên là nghệ sĩ nhân dân có bằng đại học cùng ngành với ngành tham gia đào tạo được tính chỉ tiêu như giảng viên có trình độ tiến sĩ; giảng viên là nghệ sĩ ưu tú có bằng đại học cùng ngành với ngành tham gia đào tạo được tính chỉ tiêu như giảng viên có trình độ thạc sĩ.

b) Đối với khối ngành sức khỏe, giảng viên có bằng chuyên khoa cấp II các chuyên ngành thuộc ngành tham gia đào tạo được tính chỉ tiêu như giảng viên có trình độ tiến sĩ; giảng viên có bằng bác sĩ nội trú, bằng chuyên khoa cấp I các chuyên ngành thuộc ngành tham gia đào tạo được tính chỉ tiêu như giảng viên có trình độ thạc sĩ.

4. Cơ sở giáo dục triển khai áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên các ngành trình độ đại học thuộc nhóm ngành Du lịch và nhóm ngành Khách sạn, nhà hàng được ký hợp đồng giảng viên thỉnh giảng đối với các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý (sau đây gọi tắt là chuyên gia) để tham gia đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực Du lịch. Các chuyên gia phải có bằng tốt nghiệp từ trình độ thạc sỹ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành tham gia đào tạo hoặc tốt nghiệp đại học cùng ngành hoặc ngành gần với ngành tham gia đào tạo đồng thời có từ 3 năm kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp về lĩnh vực Du lịch trong doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp trở lên.

5. Cơ sở giáo dục triển khai áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên các ngành trình độ đại học lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin được ký hợp đồng giảng viên thỉnh giảng với các chuyên gia để tham gia đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin. Các chuyên gia phải có bằng tốt nghiệp từ trình độ thạc sỹ trở lên cùng ngành với ngành tham gia đào tạo hoặc tốt nghiệp đại học cùng ngành với ngành tham gia đào tạo đồng thời có từ 5 năm kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp về lĩnh vực Công nghệ thông tin của doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp trở lên.”

4. Khoản 3 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:

a) Điểm c khoản 3 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“c) Các khối ngành khác: tính tối đa bằng 5% tổng số giảng viên cơ hữu quy đổi, trừ các ngành quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 5.”

b) Bổ sung điểm d vào khoản 3 Điều 5 như sau:

“d) Đối với các ngành đào tạo ưu tiên thuộc nhóm ngành Du lịch và nhóm ngành Khách sạn, nhà hàng/ Máy tính và Công nghệ Thông tin: tính tối đa bằng 40% tổng giảng viên cơ hữu quy đổi.”

5. Điểm a khoản 1 Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“a) Sinh viên chính quy trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh gồm: sinh viên đại học theo hình thức chính quy, sinh viên cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non theo hình thức chính quy, sinh viên liên thông theo hình thức chính quy (bao gồm liên thông từ trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng lên trình độ đại học; liên thông từ trình độ trung cấp các ngành đào tạo giáo viên lên trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đối với người đã có bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; đào tạo trình độ đại học đối với người đã có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên), không bao gồm sinh viên cử tuyển chính quy”

6. Điều 7 sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 7. Xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học hệ chính quy

1. Cơ sở giáo dục xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy theo quy định của Thông tư này, công bố công khai và chịu trách nhiệm giải trình về chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các tiêu chí xác định chỉ tiêu, chất lượng đào tạo và cam kết chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội.

2. Chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy hàng năm được xác định không vượt quá tổng quy mô đào tạo chính quy xác định trên cơ sở năng lực của từng khối ngành, đáp ứng đồng thời các tiêu chí quy định tại Điều 6 của Thông tư này trừ đi tổng quy mô sinh viên chính quy đang đào tạo tại cơ sở giáo dục và cộng thêm số sinh viên dự kiến sẽ tốt nghiệp trong năm tuyển sinh.

3. Đối với các ngành đào tạo mới được mở ngành trong năm tuyển sinh, chỉ tiêu được xác định cho ngành đó nằm trong năng lực đào tạo của khối ngành tương ứng và không vượt quá 30% năng lực đào tạo của ngành theo quy định.

4. Đối với ngành đào tạo có chương trình đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định hiện hành; tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo này của năm trước liền kề đạt từ 90% trở lên; trong 5 năm trước liền kề năm tuyển sinh, cơ sở đào tạo không vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh; có nghị quyết thông qua chủ trương xác định chỉ tiêu tuyển sinh của hội đồng trường, hội đồng đại học (sau đây gọi là hội đồng trường) thì được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo cam kết về chất lượng của chương trình đào tạo và nhu cầu xã hội đối với ngành đó, phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều này, phải công bố công khai trong đề án tuyển sinh và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và cơ quan có thẩm quyền.

5. Đối với cơ sở giáo dục đại học đáp ứng điều kiện thực hiện quyền tự chủ theo quy định tại khoản 2, Điều 32 của Luật Giáo dục đại học về điều kiện thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học; tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm trước liền kề đạt từ 90% trở lên; trong 5 năm trước liền kề năm tuyển sinh, không vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh; có nghị quyết thông qua chủ trương xác định chỉ tiêu tuyển sinh của hội đồng trường thì được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo cam kết về chất lượng của chương trình đào tạo và nhu cầu xã hội, phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều này, trong đó ngành đào tạo chưa có chương trình được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định hiện hành chỉ được tăng chỉ tiêu không quá 10% so với năm trước liền kề và ngành đào tạo có chương trình đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định hiện hành được xác định chỉ tiêu theo quy định tại khoản 4 Điều này; phải công bố công khai trong đề án tuyển sinh và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và cơ quan có thẩm quyền.

Nếu không đảm bảo quy định nêu trên thì cơ sở giáo dục đại học không được tăng chỉ tiêu so với năm trước liền kề, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này và các ngành đào tạo ưu tiên thuộc nhóm ngành Du lịch và nhóm ngành Khách sạn, nhà hàng/ Máy tính và Công nghệ Thông tin.

6. Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông đại học chính quy nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy, trong đó chỉ tiêu đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng lên trình độ đại học được xác định theo quy định hiện hành về đào tạo liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học.”

7. Điều 8 sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 8. Xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; trình độ đại học các ngành đào tạo giáo viên hình thức đào tạo chính quy và vừa làm vừa học

1. Các căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh hình thức đào tạo chính quy:

a) Nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, ngành đào tạo của địa phương.

b) Điều kiện đảm bảo chất lượng và năng lực các ngành đào tạo giáo viên của cơ sở giáo dục theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này.

c) Xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên hình thức đào tạo chính quy theo quy định tại Khoản 2, 3, 6 Điều 7 của Thông tư này.

2. Căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh hình thức đào tạo vừa làm vừa học:

Chỉ tiêu tuyển sinh hình thức đào tạo vừa làm vừa học của mỗi trình độ đào tạo được xác định không vượt quá 30% chỉ tiêu tuyển sinh hình thức đào tạo chính quy của trình độ tương ứng.

3. Các cơ sở giáo dục có ngành đào tạo giáo viên tự xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Căn cứ nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương và năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành và trình độ đào tạo cho cơ sở giáo dục có ngành đào tạo giáo viên.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định giao chỉ tiêu đào tạo đối với một số trường hợp đặc biệt.”

8. Khoản 1, Điều 9 sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học hình thức vừa làm vừa học được quy định như sau.

a) Tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học vừa làm vừa học bao gồm đào tạo đại học vừa làm vừa học, đào tạo đại học liên thông vừa làm vừa học (bao gồm liên thông từ trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng lên trình độ đại học; đào tạo trình độ đại học đối với người đã có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên) và được xác định không quá 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của cơ sở giáo dục;

b) Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông đại học vừa làm vừa học nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học vừa làm vừa học, trong đó chỉ tiêu liên thông từ trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng lên trình độ đại học được xác định theo quy định hiện hành về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học.”

9. Bổ sung Khoản 4 và 5 Điều 12 như sau:

"4. Các cơ sở giáo dục triển khai đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực Du lịch/ Công nghệ thông tin áp dụng theo cơ chế đào tạo ưu tiên trình độ đại học chỉ được thực hiện từ khóa tuyển sinh thứ hai kể từ khi mở ngành đào tạo, đồng thời phải xây dựng và đăng tải công bố công khai thông tin triển khai áp dụng cơ chế ưu tiên đào tạo trong Đề án tuyển sinh của cơ sở giáo dục và các minh chứng đảm bảo chất lượng trên trang thông tin điện tử của trường và trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT theo đúng quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.

5. Thủ trưởng cơ sở giáo dục, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh của cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm giải trình trước Bộ Giáo dục và Đào tạo và xã hội về việc xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục theo đúng quy định hiện hành.

10. Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 13. Thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc xác định chỉ tiêu và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục theo quy định của Pháp luật.

2. Cơ sở giáo dục vi phạm quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và thực hiện tuyển sinh sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch Hội đồng trường, Thủ trưởng cơ sở giáo dục và Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh có xảy ra sai phạm về xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh và cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh và thực hiện tuyển sinh sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.”

Điều 2.

1. Thay đổi cụm từ “trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên” thành từ “trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non” tại các Điều 6.

2. Thay thế Phụ lục 01 các mẫu báo cáo bằng Phụ lục 01 Các mẫu báo cáo kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 5 năm 2020.

Điều 4. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc sở giáo dục và đào tạo; Giám đốc sở giáo dục - khoa học và công nghệ; Giám đốc đại học, học viện; Hiệu trưởng trường đại học; Hiệu trưởng trường cao đẳng tuyển sinh ngành giáo viên mầm non chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:

- Văn phòng Quốc hội;

- Văn phòng Chính phủ;

- Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội;

- Ban Tuyên giáo TƯ;

- Bộ trưởng (để báo cáo);

- Kiểm toán Nhà nước;

- Cục KTVBQPPL (Bộ Tư pháp);

- Công báo;

- Như Điều 4;

- Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ;

- Cổng Thông tin điện tử của Bộ GDĐT;

- Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDĐH.

KT. B TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Văn Phúc

PHỤ LỤC 1: CÁC MẪU BÁO CÁO

(Kèm theo Thông tư số 07/2020/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 03 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Mẫu số 01: Báo cáo thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh.

Mẫu số 02: Báo cáo cơ sở pháp lý xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Mẫu số 03: Báo cáo các điều kiện xác định chỉ tiêu.

Mẫu số 04: Báo cáo đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh.

Mời các bạn sử dụng file tải về để xem chi tiết các mẫu báo cáo đính kèm thông tư.

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Giáo dục đào tạo được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 39
Thông tư 07/2020/TT-BGDĐT về tuyển sinh cao đẳng sư phạm
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm