Thông tư 04/2017/TT-BTNMT quy định xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật ngành tài nguyên và môi trường

Thông tư 04/2017/TT-BTNMT quy định xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật

Thông tư 04/2017/TT-BTNMT quy định việc quản lý xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật ngành tài nguyên môi trường bao gồm xây dựng và phê duyệt Chương trình lập định mức kinh tế kỹ thuật. Thông tư 04/2017 quy định: định mức kinh tế kỹ thuật là hao phí cần thiết về lao động, nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc để hoàn thành công việc đề ra. Việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật được lấy kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước.

Luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13

Thông tư 02/2017/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường

Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh

Thông tư 35/2017/TT-BTC quy định mức thu và sử dụng phí thẩm cải tạo môi trường

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH XÂY DỰNG ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật ngành tài nguyên và môi trường.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định các biện pháp quản lý công tác xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường gồm: lập, phê duyệt, điều chỉnh Chương trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật; xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật; nội dung và kỹ thuật trình bày định mức kinh tế - kỹ thuật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức, cá nhân có liên quan đến xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường (sau đây gọi tắt là Bộ).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Định mức kinh tế - kỹ thuật (sau đây gọi tắt là định mức): Là mức hao phí cần thiết về lao động về nguyên, nhiên vật liệu, máy móc thiết bị, dụng cụ và phương tiện để hoàn thành một đơn vị sản phẩm (hoặc một khối lượng công việc nhất định), trong một điều kiện cụ thể của các hoạt động điều tra cơ bản trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

2. Dụng cụ là loại tài sản không đủ tiêu chuẩn về tài sản cố định theo quy định hiện hành của nhà nước mà người lao động sử dụng để tác động, biến đổi vật liệu thành sản phẩm (kìm, búa, cờ lê, quần áo bảo hộ và các dụng cụ khác tương tự).

3. Vật liệu là đầu vào trong một quá trình sản xuất hoặc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cụ thể, được người lao động tác động, biến đổi hoàn toàn để thành sản phẩm theo yêu cầu đặt ra.

4. Máy móc thiết bị là công cụ lao động thuộc tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình theo tiêu chuẩn quy định hiện hành của nhà nước về tài sản cố định (không bao gồm nhà xưởng và quyền sử dụng đất) mà người lao động sử dụng để tác động, biến đổi vật liệu thành sản phẩm.

Điều 4. Nguyên tắc xây dựng định mức

1. Tuân thủ theo quy trình kỹ thuật, quy định kỹ thuật hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của sản phẩm được xây dựng định mức và đáp ứng yêu cầu chung về kết cấu của các loại định mức, đảm bảo tính tiên tiến, thống nhất và tính kế thừa (nếu có) của ngành, lĩnh vực.

2. Định mức được xây dựng phải đảm bảo tính ổn định, được thực hiện trong thời gian dài. Khi có sự thay đổi về công nghệ hoặc các yếu tố khác làm cho định mức không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn thì các tổ chức, cá nhân áp dụng định mức có trách nhiệm báo cáo Bộ để xem xét điều chỉnh hoặc xây dựng mới cho phù hợp.

3. Định mức các bước công việc tương tự nhau trong các nhiệm vụ chuyên môn của các lĩnh vực khác nhau thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ cần bảo đảm sự phù hợp, không khác biệt, mâu thuẫn.

4. Đảm bảo sự tập trung thống nhất trong quản lý nhà nước của Bộ về công tác xây dựng định mức; khuyến khích, phát huy quyền chủ động, của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng định mức thuộc ngành tài nguyên và môi trường.

Điều 5. Kinh phí xây dựng định mức

Kinh phí xây dựng định mức được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc các nguồn khác. Việc lập, phân bổ, quản lý kinh phí xây dựng định mức thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương II

QUY TRÌNH XÂY DỰNG ĐỊNH MỨC

Mục 1. LẬP, ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG ĐỊNH MỨC

Điều 6. Căn cứ lập Chương trình xây dựng định mức

1. Được giao theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Đề xuất của các đơn vị trực thuộc Bộ.

3. Đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trừ các đơn vị nêu tại khoản 2 Điều này.

Điều 7. Lập Chương trình xây dựng định mức

1. Chậm nhất trước ngày 30 tháng 6 năm cuối của kỳ kế hoạch, các tổ chức, cá nhân gửi đề xuất xây dựng định mức về Đơn vị tham mưu, tổng hợp về công tác kế hoạch của Bộ và đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, tổng hợp.

Đề xuất xây dựng định mức của các tổ chức, cá nhân phải nêu rõ: tên định mức, sự cần thiết xây dựng định mức, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời gian thực hiện, kế hoạch triển khai thực hiện.

2. Các đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc Bộ, theo chức năng nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm rà soát, tổng hợp, có ý kiến và đề xuất danh mục định mức thuộc lĩnh vực mình quản lý theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này gửi Đơn vị tham mưu, tổng hợp về công tác kế hoạch của Bộ để xem xét, cho ý kiến trước khi trình Lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt.

3. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề xuất xây dựng định mức của các đơn vị, Đơn vị tham mưu, tổng hợp về công tác kế hoạch của Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xem xét cho ý kiến đối với đề xuất xây dựng định mức. Nội dung xem xét, cho ý kiến tập trung vào các vấn đề sau:

a) Sự cần thiết xây dựng định mức;

b) Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của định mức;

c) Tính thống nhất, khả thi của các nội dung dự kiến xây dựng;

d) Thời gian, khả năng hoàn thành;

đ) Dự kiến kinh phí xây dựng định mức.

4. Trường hợp đề xuất xây dựng định mức phải sửa đổi, bổ sung, trong thời hạn 20 ngày sau khi có ý kiến của Đơn vị tham mưu, tổng hợp về công tác kế hoạch của Bộ, Đơn vị đề xuất danh mục định mức có trách nhiệm tiếp thu, giải trình, hoàn thiện nội dung danh mục đề xuất và gửi về Đơn vị tham mưu, tổng hợp về công tác kế hoạch của Bộ.

Điều 8. Ban hành Chương trình xây dựng định mức

1. Chương trình xây dựng Định mức được lập theo kỳ kế hoạch từ 03 (ba) đến 05 (năm) năm.

2. Chậm nhất trước ngày 30 tháng 9 năm cuối của kỳ kế hoạch, Đơn vị tham mưu, tổng hợp về công tác kế hoạch của Bộ có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ký ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ (sau đây gọi tắt là Chương trình).

3. Chương trình gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Tên định mức;

b) Đơn vị chủ trì thực hiện;

c) Đơn vị phối hợp;

d) Thời gian thực hiện;

đ) Các nội dung cần thiết khác.

Đánh giá bài viết
1 261
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo