Thông tư 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại

Thông tư 36/2015/TT-BTNMT - Quản lý chất thải nguy hại

Ngày 30/6/2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại (CTNH) quy định điều kiện cấp phép xử lý chất thải nguy hại. Thông tư 36/2015/TT-BTNMT có hiệu lực ngày 01/9/2015 và thay thế Thông tư 12/2011/TT-BTNMT.

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 36/2015/TT-BTNMTHà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2015

THÔNG TƯ
VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư về quản lý chất thải nguy hại.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết Khoản 3 Điều 90, Khoản 6 Điều 141 Luật Bảo vệ môi trường; Khoản 3 Điều 8, Khoản 11 Điều 9, Khoản 7 Điều 10, Khoản 5 Điều 11, Khoản 1 Điều 13, Khoản 6 Điều 49, Khoản 1 Điều 65 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu (sau đây viết tắt là Nghị định số 38/2015/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước; tổ chức, cá nhân trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây viết tắt là tổ chức, cá nhân) có hoạt động liên quan đến chất thải nguy hại (sau đây viết tắt là CTNH).

Điều 3. Đơn vị tính số lượng CTNH

Số lượng CTNH trong các hồ sơ, giấy phép, báo cáo, chứng từ và các giấy tờ khác quy định tại Thông tư này thống nhất sử dụng đơn vị tính là kilôgam (sau đây viết tắt là kg).

Điều 4. Quy định về xác thực hồ sơ, giấy tờ và uỷ quyền

1. Bản sao giấy tờ trong hồ sơ, kế hoạch và báo cáo quy định tại Thông tư này không phải chứng thực nhưng phải được tổ chức, cá nhân đóng dấu giáp lai hoặc dấu treo vào từng trang bản sao và chịu trách nhiệm về tính xác thực của bản sao trước khi nộp cơ quan có thẩm quyền.

Chương II

DANH MỤC CHẤT THẢI NGUY HẠI VÀ YÊU CẦU KỸ THUẬT, QUY TRÌNH QUẢN LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI

Điều 5. Danh mục CTNH, mã CTNH, mã số quản lý CTNH

1. Danh mục CTNH và mã CTNH (mã của từng CTNH) quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Mã số quản lý CTNH là mã số của Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH, Giấy phép xử lý CTNH hoặc Giấy phép quản lý CTNH (tên gọi chung cho Giấy phép hành nghề quản lý CTNH, Giấy phép hành nghề vận chuyển CTNH, Giấy phép hành nghề xử lý, tiêu hủy CTNH được cấp theo quy định có trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành).

Điều 6. Phân định, phân loại CTNH

1. Việc phân định CTNH thực hiện theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này và Quy chuẩn kỹ thuật môi trường (sau đây viết tắt là QCKTMT) về ngưỡng CTNH.

2. CTNH phải được chủ nguồn thải phân loại bắt đầu từ các thời điểm:

a) Khi đưa vào khu vực lưu giữ CTNH tại cơ sở phát sinh CTNH;

b) Khi chuyển giao CTNH đi xử lý bên ngoài cơ sở mà không đưa vào khu vực lưu giữ CTNH tại cơ sở phát sinh CTNH.

Điều 7. Yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý đối với chủ nguồn thải CTNH

1. Chủ nguồn thải CTNH thực hiện các trách nhiệm theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP với các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định từ Khoản 2 đến Khoản 9 Điều này.

2. Bố trí khu vực lưu giữ CTNH; lưu giữ CTNH trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định tại Phụ lục 2 (A) ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 8. Yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý liên quan đến các điều kiện cấp phép xử lý CTNH

1. Các phương tiện, thiết bị lưu giữ, vận chuyển và xử lý CTNH (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ CTNH) phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định tại Phụ lục 2 (B) ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Phương tiện vận chuyển CTNH phải có hệ thống định vị vệ tinh (GPS) được kết nối mạng thông tin trực tuyến để xác định vị trí và ghi lại hành trình vận chuyển CTNH.

Điều 9. Yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý đối với chủ xử lý CTNH

1. Chủ xử lý CTNH thực hiện các trách nhiệm theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP với các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định từ Khoản 2 đến Khoản 13 Điều này.

2. Thực hiện biện pháp quản lý và chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với hoạt động của phương tiện vận chuyển không chính chủ trong quá trình vận chuyển CTNH; báo cáo cơ quan cấp phép về việc thay đổi nội dung, gia hạn hoặc chấm dứt hợp đồng bàn giao phương tiện vận chuyển không chính chủ trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày thực hiện việc thay đổi, gia hạn hoặc chấm dứt.

Điều 10. Trách nhiệm của Tổng cục Môi trường

1. Quản lý, kiểm tra điều kiện, hoạt động và các hồ sơ, hợp đồng, báo cáo, chứng từ liên quan đến các tổ chức, cá nhân có Giấy phép xử lý CTNH hoặc Giấy phép quản lý CTNH do Tổng cục Môi trường cấp.

Điều 11. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường

1. Thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

2. Quản lý hoạt động và các hồ sơ, hợp đồng, báo cáo, chứng từ liên quan đến các tổ chức, cá nhân có Giấy phép quản lý CTNH do mình cấp.

Chương III

ĐĂNG KÝ CHỦ NGUỒN THẢI CHẤT THẢI NGUY HẠI; TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP, CẤP LẠI, ĐIỀU CHỈNH GIẤY PHÉP XỬ LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI

Mục 1. Đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại

Điều 12. Đối tượng đăng ký chủ nguồn thải CTNH

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động phát sinh CTNH phải đăng ký chủ nguồn thải CTNH với Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có cơ sở phát sinh CTNH.

Điều 13. Hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải CTNH

1. Hồ sơ đăng ký để được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH:

a) Đơn đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 (A) ban hành kèm theo Thông tư này;

b) 01 (một) bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ tương đương;

c) Hồ sơ, giấy tờ đối với trường hợp đăng ký tự tái sử dụng, tái chế, sơ chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ CTNH theo hướng dẫn tại điểm 5.2 Đơn đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 (A) ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 14. Trình tự, thủ tục đăng ký chủ nguồn thải CTNH

1. Lập hồ sơ đăng ký để được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH:

a) Chủ nguồn thải CTNH (trừ các đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 12 Thông tư này) lập 01 (một) hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải CTNH và nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện đến Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có cơ sở phát sinh CTNH;

b) Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc không hợp lệ thì trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo cho chủ nguồn thải CTNH để hoàn thiện hồ sơ;

Điều 15. Cấp lại Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH

1. Chủ nguồn thải CTNH quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP phải đăng ký để được cấp lại Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH.

2. Hồ sơ đăng ký cấp lại Sổ đăng ký chủ nguồn thải:

a) Đơn đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 (A) ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Các giấy tờ, hồ sơ liên quan đến việc thay đổi, bổ sung so với hồ sơ đăng ký cấp lần đầu.

Mục 2. Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy phép xử lý chất thải nguy hại; thu hồi Giấy phép xử lý chất thải nguy hại hoặc Giấy phép quản lý chất thải nguy hại

Điều 16. Thẩm quyền cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy phép xử lý CTNH; thu hồi Giấy phép xử lý CTNH hoặc Giấy phép quản lý CTNH

1. Tổng cục Môi trường cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép xử lý CTNH theo quy định tại Thông tư này và thu hồi Giấy phép quản lý CTNH do Tổng cục Môi trường đã cấp.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường thu hồi Giấy phép quản lý CTNH do mình cấp.

Điều 17. Hồ sơ đăng ký cấp Giấy phép xử lý CTNH

1. Đơn đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 (A.1) ban hành kèm theo Thông tư này.

2. 01 (một) bản sao báo cáo đánh giá tác động môi trường (sau đây viết tắt là báo cáo ĐTM) được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải hoặc các hồ sơ, giấy tờ thay thế quy định tại Phụ lục 5 (B.1) ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 18. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép xử lý CTNH

1. Tổ chức, cá nhân nộp 02 (hai) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 17 Thông tư này đến Tổng cục Môi trường để xem xét, cấp Giấy phép xử lý CTNH. Tổ chức, cá nhân lựa chọn nộp 02 (hai) bản kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý CTNH đồng thời hoặc sau thời điểm nộp hồ sơ đăng ký cấp phép xử lý CTNH. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ thì trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, Tổng cục Môi trường thông báo bằng văn bản để tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ.

Điều 19. Cấp lại Giấy phép xử lý CTNH

1. Trường hợp cấp lại Giấy phép xử lý CTNH được quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

2. Hồ sơ đăng ký cấp lại Giấy phép xử lý CTNH:

a) Đơn đăng ký theo quy định tại Phụ lục 5 (A.2) ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Các báo cáo, bản sao các biên bản, kết luận thanh tra, kiểm tra theo quy định tại Phụ lục 5 (B.2) ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 20. Điều chỉnh Giấy phép xử lý CTNH

1. Trường hợp điều chỉnh Giấy phép xử lý CTNH quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

2. Hồ sơ đăng ký điều chỉnh Giấy phép xử lý CTNH:

a) Đơn đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 (A.1) ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Các hồ sơ, giấy tờ về thay đổi, bổ sung so với hồ sơ cấp lần đầu Giấy phép xử lý CTNH (nếu có);

Điều 21. Việc tích hợp và thay thế một số thủ tục liên quan đến cấp phép xử lý CTNH

1. Các thủ tục sau đây được tích hợp và thay thế bằng thủ tục cấp Giấy phép xử lý CTNH:

a) Kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo ĐTM, kiểm tra việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường theo đề án bảo vệ môi trường chi tiết (hoặc các hồ sơ, giấy tờ tương đương) của dự án có hạng mục xử lý CTNH;

Điều 22. Thu hồi Giấy phép xử lý CTNH hoặc Giấy phép quản lý CTNH

1. Việc thu hồi Giấy phép xử lý CTNH hoặc Giấy phép quản lý CTNH được thực hiện trong các trường hợp:

a) Vi phạm các quy định về quản lý CTNH hoặc quy định trong Giấy phép xử lý CTNH, Giấy phép quản lý CTNH đến mức độ phải thu hồi theo quy định của pháp luật;

b) Chủ xử lý CTNH không hoạt động sau 01 (một) năm kể từ ngày được cấp Giấy phép xử lý CTNH trừ trường hợp bất khả kháng;

Chương IV

MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP ĐẶC THÙ

Điều 23. Vận chuyển xuyên biên giới CTNH

1. Hồ sơ đăng ký vận chuyển xuyên biên giới CTNH:

a) Đơn đăng ký vận chuyển xuyên biên giới CTNH theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 (A) ban hành kèm theo Thông tư này;

b) 01 (một) bản sao hợp đồng xử lý CTNH với đơn vị xử lý CTNH tại quốc gia nhập khẩu;

c) 01 (một) thông báo vận chuyển bằng tiếng Anh theo mẫu quy định của Công ước Basel (http://www.basel.int/techmatters/forms-notif-mov/vCOP8.pdf).

Điều 24. Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại

1. Bao bì, thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ hoặc trung chuyển, phương tiện vận chuyển, hệ thống, thiết bị xử lý chất thải y tế nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định tại Phụ lục 2 (A) và Phụ lục 2 (B) ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường lập, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn bảo đảm phù hợp với điều kiện của địa phương và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế về kế hoạch đã được phê duyệt.

Điều 25. Thu gom, vận chuyển, lưu giữ, trung chuyển CTNH bằng phương tiện, thiết bị không ghi trên Giấy phép xử lý CTNH

1. Sở Tài nguyên và Môi trường lập, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ, trung chuyển CTNH đối với các chủ nguồn thải CTNH có số lượng CTNH phát sinh thấp hơn 600 (sáu trăm) kg/năm hoặc chủ nguồn thải CTNH ở vùng sâu.

Điều 26. Tái sử dụng CTNH

Tổ chức, cá nhân chỉ được phép tự tái sử dụng CTNH phát sinh trong khuôn viên cơ sở phát sinh CTNH của mình và phải đăng ký trong Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH.

Điều 27. Thu gom, vận chuyển CTNH từ các công trình dầu khí ngoài biển vào đất liền

1. Tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển CTNH từ các công trình dầu khí ngoài biển vào đất liền bằng các phương tiện vận chuyển không được ghi trong Giấy phép xử lý CTNH quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Bao bì, thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ hoặc trung chuyển, phương tiện vận chuyển CTNH phải đáp ứng các yêu cầu tại Phụ lục 2 (B) ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Có hợp đồng chuyển giao CTNH với tổ chức, cá nhân có Giấy phép xử lý CTNH hoặc Giấy phép quản lý CTNH phù hợp;

Điều 28. Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý CTNH trong môi trường thí nghiệm

1. Tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển công nghệ khi có nhu cầu tiếp nhận CTNH để thử nghiệm, đánh giá công nghệ trong môi trường thí nghiệm phải có văn bản giải trình kèm theo kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý CTNH theo quy định tại Phụ lục 5 (C) ban hành kèm theo Thông tư này gửi Tổng cục Môi trường để xem xét, chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.

Điều 29. Các trường hợp khác

Các hoạt động sau đây không phải là hoạt động vận chuyển, xử lý CTNH và không phải cấp phép xử lý CTNH:

1. Hoạt động vận chuyển, bảo dưỡng, sửa chữa các phương tiện, thiết bị, sản phẩm (chưa hết hạn sử dụng, còn giá trị sử dụng theo đúng mục đích ban đầu và chưa được chủ nguồn thải xác định là chất thải) để tiếp tục sử dụng theo đúng mục đích ban đầu.

2. Việc vận chuyển mẫu vật là CTNH để mang đi phân tích.

Mời các bạn tham khảo Phụ lục về Danh mục chất thải nguy hại.

Đánh giá bài viết
2 19.277
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi