Quy tắc ứng xử và việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn

Quy tắc ứng xử và việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ

Quy tắc ứng xử trong công chức, viên chức, cán bộ là điều rất cần thiết để đảm bảo ứng xử đạo đức, chuẩn mực, tư cách của mỗi cá nhân trong quan hệ giao tiếp, không làm những việc trái đạo đức và pháp luật. Sau đây là một số quy tắc ứng xử và việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn đã được Hoatieu sưu tầm xin chia sẻ để bạn đọc cùng tham khảo.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 quy định: “Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội phải thực hiện quy tắc ứng xử, bao gồm các chuẩn mực xử sự là những việc phải làm hoặc không được làm phù hợp với pháp luật và đặc thù nghề nghiệp nhằm bảo đảm liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ”.

Những việc mà người có chức vụ, quyền hạn không được làm:

- Nhũng nhiễu trong giải quyết công việc;

- Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;

- Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;

- Thành lập giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;

- Sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Những việc khác mà người có chức vụ, quyền hạn không được làm theo quy định của Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, Luật Doanh nghiệp và luật khác có liên quan.

Quy định về tặng quà và nhận quà tặng

Việc tặng quà và nhận quà tặng là một tục lệ truyền thống của dân tộc bày tỏ tình cảm trong giao dịch ứng xử qua lại thể hiện tình cảm với nhau, nhưng nhiều khi cá nhân, tổ chức có thể vịn vào đó để lợi dụng thực hiện hành vi đưa và nhận hối lộ, đây là “hành vi ẩn” rất khó phát hiện để xử lý.

Vì vậy, quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn có rất nhiều nội dung nên Luật PCTN chỉ đưa ra một số quy định có tính nguyên tắc, cụ thể tải Điều 22 quy định:

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không dược sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng, trừ trường hợp tặng quà vì mục đích từ thiện, đối ngoại và trong trường hợp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

- Chính phủ quy định chi tiết việc tặng quà và nhận quà tặng.

Đây là những quy định chuẩn mực, khá nghiêm khắc, nhằm ngăn chặn tình trạng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân lợi dụng danh nghĩa để tặng quà nhân những ngày có sự kiện lớn, đặc biệt, như lễ, tết … để chạy chọt vì mục đích riêng tư. Do đó người có chức vụ, quyền hạn cần quan tâm và căn cứ vào đó để điều chỉnh hành vi ứng xử cho phù hợp khi có tình huống xảy ra với mình để nhằm đảm bảo tính liêm chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Kiểm soát xung đột lợi ích

“Xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ (khoản 8, Điều 3 Luật PCTN năm 2018)”. Đây là khái niệm mới trong Luật PCTN và cũng là lần đầu tiên được điều chỉnh đưa vào Luật PCTN và với tầm quan trọng của việc kiểm soát xung đột lợi ích cần thiết phải điều chỉnh bằng pháp luật. Chính vì vậy, tại Điều 23 của Luật PCTN năm 2018 đã quy định:

- Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích thì phải báo cáo người có thẩm quyền để xem xét, xử lý.

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện có xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thì phải thông tin, báo cáo cho người trực tiếp quản lý, sử dụng người đó để xem xét, xử lý.

- Người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn khi phát hiện có xung đột lợi ích và nếu thấy việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì phải xem xét, áp dụng một số biện pháp sau đây:

+ Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích;

+ Đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích;

+ Tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác;

+ Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Cho thấy Luật PCTN đã đưa ra những quy định mang tính nguyên tắc nhằm tạo điều kiện kiểm soát xung đột lợi ích. Đây là một chế định quan trọng trong công tác đấu tranh Phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay là cần thiết.

Chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức

Luật PCTN năm 2018 tiếp tục quy định nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác và thời hạn phải định kỳ chuyển đổi, kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác. Căn cứ vào các Điều 24, Điều 25, Điều 26 Luật quy định cụ thể như sau:

- Nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác:

+ Cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền có trách nhiệm định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình nhằm phòng ngừa tham nhũng. Việc luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ.

+ Việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác phải bảo đảm khách quan, hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

+ Việc chuyển đổi vị trí công tác phải thực hiện theo kế hoạch và được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

+ Không được lợi dụng định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức vì vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức.

+ Quy định tại các khoản 1,2,3 và 4 Điều 24 cũng được áp dụng đối với những người sau đây mà không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kĩ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân.

- Vị trí công tác và thời hạn phải định kỳ chuyển đổi

+ Người có chức vụ, quyền hạn làm việc tại một số vị trí liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác phải được chuyển đổi vị trí công tác.

+ Thời hạn định kỳ chuyển dổi vị trí công tác là từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.

+ Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có một vị trí phải định kỳ chuyển đổi công tác mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù so với vị trí khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì việc chuyển đổi vị trí công tác do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng người có chức vụ, quyền hạn đề nghị với cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đổi.

+ Chính phủ quy định chi tiết vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương.

Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị , tổ chức chính trị- xã hội quy định chi tiết vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

- Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác:

+ Định kỳ hàng năm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải ban hành và công khai kế họach chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn theo thẩm quyền quản lý cán bộ.

+ Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác phải nêu rõ mục đích, yêu cầu trường hợp cụ thể phải chuyển đổi vị trí công tác, thời gian thực hiện chuyển đổi, quyền, nghĩa vụ của người phải chuyển đổi vị trí công tác và biện pháp tổ chức thực hiện.

Như vậy, Luật PCTN năm 2018 quy định việc chuyển đổi vị trí công tác rất rõ ràng với mục đích là phòng ngừa tham nhũng và chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý.

Những chế định đã trình bày phần trên, đó là những quy định ràng buộc đối với người có chức vụ, quyền hạn và những công chức, viên chức của nhà nước đòi hỏi trong thi hành nhiệm vụ, công vụ hoặc trong sinh hoạt cộng đồng dân cư phải chuẩn mực, tiêu biểu và thực hiện nghiêm túc, chấp hành đúng các chủ trương nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần cùng Đảng, Nhà nước xây dựng một nhà nước pháp quyền trong sạch, vững mạnh./.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 108
0 Bình luận
Sắp xếp theo