Phổ cập giáo dục được hiểu là gì?

Phổ cập giáo dục được hiểu là gì? Giáo dục vẫn là vấn đề quan trọng được nhà nước và xã hội quan tâm. Bởi thế nên pháp luật quy định học tập vừa là quyền và nghĩa vụ của công dân, có học tập thì mới có cơ hội phát triển con người và xã hội. Trong giáo dục có khái niệm phổ cập giáo dục được nhiều người biết tới, nhưng bạn đã hiểu khái niệm này nghĩa là gì? Cùng hoatieu.vn tìm hiểu cụ thể nhé.

1. Phổ cập giáo dục được hiểu là gì?

Theo quy định tại khoản 8 điều 5 Luật giáo dục 2019 quy định:

8. Phổ cập giáo dục là quá trình tổ chức hoạt động giáo dục để mọi công dân trong độ tuổi đều được học tập và đạt đến trình độ học vấn nhất định theo quy định của pháp luật.

Có thể hiểu phổ cập giáo dục là hoạt động giáo dục để mọi công dân trong độ tuổi được học tập đến trình độ học vấn mà pháp luật quy định. Pháp luật cũng quy định rõ về giáo dục bắt buộc là giáo dục mà mọi công dân trong độ tuổi pháp luật quy định phải học đến trình độ tối thiểu và được nhà nước đảm bảo điều kiện học tập.

2. Cấp phổ cập giáo dục bắt buộc

Cụ thể trong điều 14 Luật giáo dục 2019 quy định về cấp phổ cập giáo dục bắt buộc là:

Điều 14. Phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc

1. Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc.

Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

2. Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục.

Cấp tiểu học là giáo dục bắt buộc mà toàn bộ công dân phải đạt đến trình độ tối thiểu này. Bởi chúng ta cũng biết cấp tiểu học thì mọi người sẽ được học những điều căn bản về ngôn ngữ, toán học để ứng dụng trong đời sống và có thể giao tiếp viết chữ. Trong đó việc giao tiếp, viết chữ, đọc là quan trọng nhất nhằm xoá mù chữ cho người dân được thực hiện với công dân từ 6 tuổi đến hết năm 14 tuổi.

Phổ cập giáo dục được hiểu là gì?

3. Ý nghĩa của phổ cập giáo dục

Phổ cập giáo dục rất quan trọng đối với con người và xã hội, là nền tảng căn bản đưa nền giáo dục của nước ta đi lên. Việc phổ cập giáo dục sẽ cung cấp cho con người một lượng kiến thức căn bản, nền tảng để con người tự phát triển bản thân bằng các học hỏi thêm những kiến thức xung quanh. Từ đó thì việc phổ cập giáo dục đã tạo ra một nguồn nhân lực có chất lượng tốt hơn so với thời kỳ trước và nguồn nhân lực này sẽ đóng góp cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Như đã nói ở trên cấp tiểu học là cấp phổ cập giáo dục bắt buộc để con người có nền tảng cơ bản giao tiếp, chữ viết, đọc để tiếp thu kiến thức ngoài xã hội, sách vở, báo chí.

4. Trách nhiệm của công dân trong phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc

Khi nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục thì công dân cũng cần có trách nhiệm theo quy định tại khoản 3, 4 điều 14 Luật giáo dục 2019:

3. Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.

4. Gia đình, người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.

Khi nhà nước đã tạo điều kiện thì ý thức của công dân phải thực hiện việc học tập như một nghĩa vụ và hoàn thành cấp giáo dục bắt buộc nhanh chóng. Những thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm tạo điều kiện để người thân hoàn thành giáo dục bắt buộc mà không được ngăn trở hay gây khó khăn cho người học.

Trên đây là những tìm hiểu của Hoa Tiêu về vấn đề Phổ cập giáo dục được hiểu là gì? Mời bạn đọc tham khảo thêm những thông tin hữu ích trong mục Hỏi đáp pháp luật chuyên mục Dân sự liên quan.

Đánh giá bài viết
1 91
0 Bình luận
Sắp xếp theo