Nhiều quy định mới về hỗ trợ tiền cho giáo viên, sinh viên có hiệu lực từ tháng 11/2020

Các chính sách mới sắp có hiệu lực với giáo viên, sinh viên sư phạm 

Từ tháng 11/2020, nhiều chính sách quan trọng với giáo viên, sinh viên sẽ có hiệu lực thi hành như: Giáo viên không được phê bình học sinh trước lớp, giáo viên mầm non được hỗ trợ 800.000 đồng/ tháng, hỗ trợ 3,63 triệu đồng/ tháng tiền sinh hoạt cho sinh viên sư phạm…

Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông. Theo đó, từ 1/11 việc đánh giá học sinh được thực hiện theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành; bảo đảm tính toàn diện, công bằng, trung thực, khách quan, vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên khuyến khích học sinh tiến bộ. Giáo viên cấp 2, cấp 3 không còn được phê bình học sinh trước lớp, trước trường khi học sinh vi phạm khuyết điểm.

Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm nêu rõ, từ 15/11 sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học là 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Nghị định 105/2020/NĐ-CP về chính sách phát triển giáo dục mầm non nêu rõ, từ 1/11, giáo viên mầm non tại các trường dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp sẽ được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/ tháng.

Điều kiện được hỗ trợ gồm: Có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non; Có hợp đồng lao động với người đại diện trường; Trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân tại khu công nghiệp.

Theo Nghị định 110/2020/NĐ-CP, từ 1/11/2020, tăng mức tiền thưởng đối với học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia như sau: Giải Nhất: 4 triệu đồng (trước đây là 1 triệu đồng); Giải Nhì: 2 triệu đồng (trước đây 700.000 đồng); Giải Ba: 1 triệu đồng (trước đây là 400.000 đồng).

Đối với học sinh đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế các môn học: Huy chương Vàng hoặc giải Nhất: 55 triệu đồng; Huy chương Bạc hoặc giải Nhì: 35 triệu đồng; Huy chương Đồng hoặc giải Ba: 25 triệu đồng; Khuyến khích: 10 triệu đồng…

Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 20/11 quy định về bảng lương viên chức giảng dạy trong trường cao đẳng sư phạm. Cụ thể, chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78; Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Thông tư 36/2020/TT-BGDĐT về chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm chính thức có hiệu lực từ 20/11.

Theo đó, thời gian làm việc của giảng viên trong năm học là 44 tuần (tương đương 1.760 giờ hành chính). Thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo được tính bằng giờ chuẩn giảng dạy, trong đó một tiết giảng lý thuyết trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) 50 phút được tính bằng một giờ chuẩn giảng dạy.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 671
0 Bình luận
Sắp xếp theo