Nghị định số 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng

Nghị định số 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ: Về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng.

CHÍNH PHỦ

---------------
Số: 117/2010/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------------------------------

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2010

NGHỊ ĐỊNH
Về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng
___________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

NGHỊ ĐỊNH

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng thuộc lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan Nhà nước, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến việc tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Rừng đặc dụng là loại rừng được xác lập theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, có giá trị đặc biệt về bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường.

2. Ban quản lý khu rừng đặc dụng là tổ chức của Nhà nước, có chức năng, nhiệm vụ của chủ rừng và được Nhà nước bảo đảm các điều kiện để thực hiện trách nhiệm quản lý bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng; bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan; nghiên cứu khoa học; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

3. Khu dự trữ thiên nhiên là khu vực có hệ sinh thái rừng hoặc có cả hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái biển, ngoài các chức năng chung của rừng đặc dụng, được xác lập chủ yếu để bảo tồn bền vững các hệ sinh thái tự nhiên.

4. Khu bảo tồn loài, sinh cảnh là khu vực có hệ sinh thái rừng hoặc có cả hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái biển, ngoài các chức năng chung của rừng đặc dụng, được xác lập chủ yếu để bảo tồn bền vững các loài sinh vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

5. Khu bảo vệ cảnh quan là khu rừng hoặc có một phần diện tích đất ngập nước, biển, ngoài các chức năng chung của rừng đặc dụng, được xác lập để bảo tồn các giá trị cao về lịch sử, văn hóa, cảnh quan tự nhiên.

6. Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học là khu rừng hoặc có một phần diện tích đất ngập nước, biển được xác lập để nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo.

7. Vườn quốc gia là loại rừng đặc dụng có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc gia. Vườn quốc gia có chức năng chung của rừng đặc dụng đồng thời có thể có một trong các chức năng chủ yếu là: bảo tồn và dự trữ thiên nhiên; khu bảo tồn loài - sinh cảnh; bảo vệ cảnh quan.

Điều 4. Phân loại rừng đặc dụng

Hệ thống rừng đặc dụng bao gồm các loại sau:

1. Vườn quốc gia;

2. Khu bảo tồn thiên nhiên gồm khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh;

3. Khu bảo vệ cảnh quan gồm khu rừng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh;

4. Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học.

Điều 5. Tiêu chí xác lập các loại rừng đặc dụng

Việc xác lập các khu rừng đặc dụng phải đảm bảo các tiêu chí đối với từng loại rừng đặc dụng dưới đây.

1. Khu dự trữ thiên nhiên

a) Có ít nhất 01 hệ sinh thái rừng tự nhiên quan trọng đối với quốc gia, quốc tế chưa hoặc ít bị biến đổi có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục hoặc du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Trong trường hợp đặc biệt nếu là rừng trồng thì khu rừng đó phải đảm bảo diễn thế phát triển ổn định tiếp cận và từng bước tái tạo hệ sinh thái tự nhiên;

b) Là sinh cảnh tự nhiên của ít nhất 05 loài sinh vật là các loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật;

c) Diện tích liền vùng tối thiểu trên 5.000 ha, trong đó ít nhất 90% diện tích là các hệ sinh thái tự nhiên (hoặc nếu là rừng trồng thì khu rừng đó phải đảm bảo diễn thế phát triển ổn định tiếp cận và từng bước tái tạo hệ sinh thái tự nhiên).

2. Khu bảo tồn loài - sinh cảnh

a) Có ít nhất 01 loài sinh vật đặc hữu hoặc loài nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật;

b) Phải đảm bảo các điều kiện sinh sống, thức ăn, sinh sản… để bảo tồn bền vững các loài sinh vật đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm;

c) Có diện tích liền vùng đáp ứng yêu cầu bảo tồn bền vững của các loài sinh vật đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm.

3. Khu rừng bảo vệ cảnh quan.

a) Khu rừng có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, trong đó có di tích lịch sử, văn hóa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.

b) Khu rừng có giá trị cao về cảnh quan môi trường, trong đó có danh lam thắng cảnh cần được bảo vệ và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.

c) Khu rừng do cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ theo phong tục tập quán, hoặc theo truyền thống và tín ngưỡng có giá trị về văn hóa, tín ngưỡng, giáo dục, du lịch sinh thái đặc sắc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.

4. Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học

a) Có các hệ sinh thái đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, thực nghiệm khoa học của các tổ chức khoa học, đào tạo có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, thực nghiệm khoa học lâm nghiệm theo quy định của pháp luật;

b) Có quy mô diện tích phù hợp với mục tiêu, yêu cầu nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, phát triển công nghệ, đào tạo lâm nghiệp lâu dài.

5. Vườn quốc gia đáp ứng ít nhất một trong ba tiêu chí sau đây:

a) Có ít nhất 01 mẫu chuẩn hệ sinh thái đặc trưng của một vùng sinh thái hoặc của quốc gia, quốc tế; có diện tích liền vùng tối thiểu trên 10.000 ha, trong đó ít nhất 70% diện tích là các hệ sinh thái tự nhiên; diện tích đất nông nghiệp và đất thổ cư phải nhỏ hơn 5%.

b) Có ít nhất 01 loài sinh vật đặc hữu của Việt Nam hoặc có thể bảo tồn sinh cảnh trên 05 loài sinh vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật; có diện tích liền vùng tối thiểu trên 7.000 ha, trong đó ít nhất 70% diện tích là các hệ sinh thái tự nhiên; diện tích đất nông nghiệp và đất thổ cư phải nhỏ hơn 5%.

c) Có giá trị đặc biệt quan trọng về bảo vệ cảnh quan, nghiên cứu thực nghiệm khoa học của quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đánh giá bài viết
1 251
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi