Nghị định 16/2018/NĐ-CP
Nghị định 16/2018/NĐ-CP - Công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam
Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2018/NĐ-CP về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam, nhằm phục vụ cho việc tàu thuyền đi qua không gây hại, bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển. Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/04/2018.
Nghị định 58/2017/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải
Thông tư 13/2017/TT-BLĐTBXH khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động hàng hải
Thông tư 08/2018/TT-BGTVT Biểu mẫu mới sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hàng hải
CHÍNH PHỦ Số: 16/2018/NĐ-CP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2018 |
NGHỊ ĐỊNH
VỀ VIỆC CÔNG BỐ TUYẾN HÀNG HẢI VÀ PHÂN LUỒNG GIAO THÔNG TRONG LÃNH HẢI VIỆT NAM
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật biên giới quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
Chính phủ ban hành Nghị định về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam phục vụ cho việc tàu thuyền đi qua không gây hại nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công bố tuyến hàng hải, phân luồng giao thông và tàu thuyền tham gia giao thông trong lãnh hải Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Công bố tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công bố bằng các hình thức phù hợp về vị trí, tọa độ và thông số kỹ thuật của tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam.
2. Phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam quy định và chỉ dẫn cho tàu thuyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển.
Điều 4. Nội dung quản lý nhà nước về công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam
1. Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam.
2. Hợp tác quốc tế và tham gia các điều ước quốc tế liên quan đến công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam.
3. Tổ chức lập, công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam.
4. Tổ chức thực hiện quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến công bố, quản lý tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam.
5. Tổ chức thực hiện quản lý bảo vệ môi trường biển, quốc phòng, an ninh; kiểm tra, giám sát các hoạt động trên tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam.
6. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Trách nhiệm quản lý nhà nước về công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam phục vụ cho việc tàu thuyền đi qua không gây hại nhằm bảo đảm an toàn hàng hải.
2. Các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về tuyến hàng hải, phân luồng giao thông và hoạt động của tàu thuyền trong lãnh hải Việt Nam.
3. Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện quản lý nhà nước chuyên ngành về công bố, quản lý tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
Chương II
THIẾT LẬP, CÔNG BỐ TUYẾN HÀNG HẢI VÀ PHÂN LUỒNG GIAO THÔNG TRONG LÃNH HẢI VIỆT NAM
Điều 6. Thiết lập, công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam
1. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam căn cứ quy định tại Điều 109, Điều 110 Bộ luật hàng hải Việt Nam, các quy định khác có liên quan của pháp luật và điều kiện thực tế để tổ chức thiết lập tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam.
2. Trong quá trình thực hiện, Cục Hàng hải Việt Nam phải phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan về phương án thiết lập, công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam. Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến của Cục Hàng hải Việt Nam, các cơ quan chức năng của các bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có văn bản trả lời.
3. Hồ sơ công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam do Cục Hàng hải Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải, gồm:
a) Văn bản đề nghị công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam kèm theo phương án thiết lập, công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam;
b) Hải đồ thể hiện chi tiết tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam;
c) Các tài liệu, thông tin cần thiết liên quan khác (nếu có).
4. Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án thiết lập và công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam trên cơ sở đề nghị của Cục Hàng hải Việt Nam; đồng thời, chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện.
5. Nội dung, hình thức công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 111 và Điều 112 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015.
Điều 7. Phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam
1. Tàu thuyền đi qua lãnh hải Việt Nam nhưng không đi vào nội thủy Việt Nam thực hiện hành trình theo tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam đã được công bố.
2. Tàu thuyền vận chuyển hàng hóa, hành khách và hành lý hoặc tàu quân sự và các loại tàu thuyền khác không vì mục đích thương mại đi qua lãnh hải và nội thủy Việt Nam để vào cảng biển Việt Nam phải hành trình đúng tuyến luồng và thực hiện thủ tục tàu thuyền theo quy định.
3. Tàu thuyền đi qua lãnh hải và nội thủy Việt Nam nhưng không đến cảng biển Việt Nam thì thuyền trưởng của tàu thuyền đó phải thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải khu vực biết về lý do, mục đích tàu thuyền vào nội thủy Việt Nam trong các trường hợp sau đây:
a) Cấp cứu thuyền viên, hành khách trên tàu;
b) Tránh, trú bão;
c) Thực hiện hoạt động tìm kiếm, cứu nạn; chuyển giao người, tài sản, tàu thuyền đã cứu được trên biển;
d) Khắc phục hậu quả sự cố, tai nạn hàng hải đối với tàu thuyền;
đ) Các trường hợp cấp thiết khác theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Yêu cầu chung đối với tàu thuyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam
1. Tất cả các loại tàu thuyền không phân biệt quốc tịch, trọng tải được phép đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam nhưng phải thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tuân thủ quy tắc phòng ngừa va chạm trên biển theo quy định của pháp luật.
2. Tàu thuyền khi đi qua lãnh hải Việt Nam phải treo cờ quốc tịch; thực hiện hành trình liên tục, nhanh chóng và thực hiện đầy đủ các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 82); trừ các trường hợp bất khả kháng, tàu gặp sự cố hàng hải, bị tai nạn; vì mục đích cứu giúp người, tàu thuyền hoặc tàu bay đang gặp nạn trên biển hoặc theo thỏa thuận riêng giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ của quốc gia mà tàu thuyền đó mang cờ.
3. Khi đi trong lãnh hải Việt Nam, tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác của nước ngoài phải hoạt động ở trạng thái nổi trên mặt nước và phải treo cờ quốc tịch theo quy định.
4. Khi đi trong lãnh hải Việt Nam, tàu thuyền nước ngoài chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc chuyên chở chất phóng xạ, chất độc hại, nguy hiểm có các nghĩa vụ sau:
a) Mang đầy đủ tài liệu hồ sơ kỹ thuật liên quan đến tàu thuyền và hàng hóa trên tàu, tài liệu về bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc;
b) Sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam mọi tài liệu liên quan đến thông số kỹ thuật của tàu thuyền và hàng hóa chở trên tàu thuyền;
c) Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa đặc biệt heo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
d) Tuân thủ quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa đặc biệt, kể cả cấm không được đi qua lãnh hải Việt Nam hoặc buộc phải rời ngay khỏi lãnh hải Việt Nam trong trường hợp có dấu hiệu hoặc có bằng chứng rõ ràng về khả năng gây rò rỉ chất độc hại hoặc gây ô nhiễm môi trường.
Điều 9. Thông báo, giám sát tàu thuyền hoạt động trên tuyến hàng hải, luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam
1. Thuyền trưởng của tàu thuyền hoạt động trên tuyến hàng hải, luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam nhưng không vào nội thủy Việt Nam phải thông báo cho Cảng vụ Hàng hải khu vực tàu đi qua bằng các phương tiện thông tin liên lạc phù hợp. Nội dung thông báo, gồm:
a) Tên, quốc tịch, hô hiệu, số IMO của tàu thuyền;
b) Chiều dài, chiều rộng, chiều cao và màu sơn mạn tàu;
c) Số lượng và loại hàng hóa chở trên tàu thuyền (nếu có);
d) Số lượng thuyền viên, hành khách và những người khác đi theo tàu;
đ) Tên cảng rời cuối cùng và cảng đến gần nhất;
e) Các yêu cầu về sự hỗ trợ hoặc chỉ dẫn (nếu có).
2. Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức hướng dẫn các Cảng vụ Hàng hải khu vực giám sát, chỉ dẫn, điều động tàu thuyền hoạt động trên tuyến hàng hải, luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam đã được công bố theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật. Việc giám sát, chỉ dẫn và điều động tàu thuyền trong lãnh hải Việt Nam được thực hiện bằng các phương tiện thông tin liên lạc phù hợp.
3. Trường hợp xảy ra sự cố an ninh hàng hải, tai nạn hàng hải hoặc ô nhiễm môi trường trong lãnh hải Việt Nam, ngay sau khi nhận được thông báo, Cảng vụ Hàng hải khu vực báo cáo ngay Cục Hàng hải Việt Nam để có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.
Điều 10. Hoạt động của các thiết bị, công trình trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam
Hoạt động của các thiết bị, công trình trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam phải thực hiện theo quy định tại Điều 34 Luật biển Việt Nam năm 2012 và theo quy định sau:
1. Tổ chức, cá nhân trước khi tiến hành hoạt động khảo sát, thăm dò, xây dựng công trình, thiết lập vành đai an toàn của công trình hoặc các hoạt động khác trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải.
2. Trình tự thủ tục thực hiện như sau: Tổ chức, cá nhân gửi trực tiếp hoặc gửi bằng hình thức phù hợp khác đến Bộ Giao thông vận tải 01 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau đây:
a) Văn bản đề nghị tiến hành hoạt động khảo sát, thăm dò, xây dựng công trình, thiết lập vành đai an toàn của công trình hoặc các hoạt động khác trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam;
b) Bản sao văn bản, tài liệu, giấy tờ chứng minh sự cần thiết tiến hành hoạt động khảo sát, thăm dò, xây dựng công trình, thiết lập vành đai an toàn của công trình hoặc các hoạt động khác trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam;
c) Bản sao ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan (nếu có).
3. Chậm nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Giao thông vận tải có văn bản chấp thuận và gửi cho người đề nghị thông qua hệ thống bưu chính hoặc chủ đầu tư đến nhận trực tiếp tại Bộ Giao thông vận tải; trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Khi hết hạn sử dụng, thiết bị, công trình trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam phải được tháo dỡ. Chủ đầu tư của các thiết bị, công trình trên biển chưa kịp tháo dỡ vì lý do kỹ thuật hoặc bất khả kháng phải thông báo Cảng vụ Hàng hải khu vực biết về vị trí, kích thước, hình dạng, độ sâu và phải lắp đặt các tín hiệu, báo hiệu hàng hải theo quy định.
5. Chủ đầu tư của công trình phải tiến hành các biện pháp bảo vệ công trình của mình. Chậm nhất 03 ngày làm việc trước khi tiến hành thực hiện theo quy định tại Điều này, chủ đầu tư phải thông báo cho Cảng vụ hàng hải khu vực và các cơ quan tổ chức có liên quan biết để tổ chức quản lý theo quy định.
Điều 11. Quy định về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường khi hoạt động trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam
Tổ chức, cá nhân, tàu thuyền khi hoạt động trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Chương III
CƠ CHẾ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CHUYÊN NGÀNH TRONG LÃNH HẢI VIỆT NAM
Điều 12. Nguyên tắc và trách nhiệm phối hợp hoạt động quản lý
1. Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong quản lý tuyến hàng hải và luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ quản lý tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam theo các quy định của pháp luật, không gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài.
2. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gồm: Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ khi thi hành nhiệm vụ quản lý tuyến hàng hải nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đi qua không gây hại của tàu thuyền trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam.
3. Các vướng mắc phát sinh liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đều phải được trao đổi thống nhất để giải quyết kịp thời; trường hợp không thống nhất, phải kịp thời thông báo cho Cục Hàng hải Việt Nam giải quyết theo quy định của pháp luật.
4. Trong trường hợp có vướng mắc phát sinh vượt quá thẩm quyền giải quyết của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nào thì cơ quan đó phải kịp thời báo cáo bộ, ngành quản lý cấp trên của mình để giải quyết ngay. Khi cần thiết, các bộ, ngành có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để giải quyết nhưng chậm nhất là sau 04 giờ, kể từ khi nhận được báo cáo, các bộ, ngành phải thông báo quyết định xử lý của mình cho cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan biết.
5. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan khác tại khu vực để tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật đối với mọi hoạt động hàng hải trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam.
Điều 13. Nội dung phối hợp hoạt động quản lý tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam
1. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm tổ chức phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, bao gồm:
a) Chủ trì việc phối hợp hoạt động quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành;
b) Tổ chức và chủ trì các hội nghị, cuộc họp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hoặc với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan khác hoạt động trên tuyến hàng hải để trao đổi thống nhất việc giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình quản lý tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam;
c) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền yêu cầu các lực lượng thực hiện truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm pháp luật trong lãnh hải Việt Nam; yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác thông báo kịp thời kết quả quản lý trên tuyến hàng hải đã được công bố và biện pháp giải quyết những vướng mắc phát sinh; yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng của tàu thuyền và các cơ quan, tổ chức liên quan khác cung cấp số liệu, thông tin về hoạt động hàng hải trên tuyến hàng hải;
d) Kiến nghị với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại khu vực để giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền của tỉnh hoặc thành phố đó có liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước chuyên ngành tại tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam.
2. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác có trách nhiệm:
a) Phối hợp chặt chẽ để giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các thủ tục liên quan đến tàu thuyền, hàng hóa, hành khách và thuyền viên khi hoạt động trên tuyến hàng hải theo quy định tại Nghị định này;
b) Thông báo kịp thời cho Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Cảng vụ Hàng hải khu vực biết kết quả giải quyết thủ tục liên quan đến tàu thuyền, hàng hóa, thuyền viên, hành khách khi hoạt động trên tuyến hàng hải;
c) Thông báo ngay cho Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Cảng vụ Hàng hải khu vực biết để phối hợp giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh sau khi nhận và xử lý thông tin từ Cảng vụ Hàng hải khu vực hoặc chủ tàu thuyền cung cấp.
Điều 14. Thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên ngành trên tuyến hàng hải và luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam
1. Quyền tài phán dân sự và quyền tài phán hình sự đối với tàu thuyền trong lãnh hải Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
2. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với tổ chức, cá nhân, tàu thuyền khi hoạt động trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam được thực hiện theo các quy định của Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
3. Việc giám sát trực tiếp trên tàu thuyền của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Tàu thuyền có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
b) Trường hợp cần thiết để bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và phòng, chống, ngăn ngừa dịch bệnh.
4. Người có thẩm quyền khi thực thi nhiệm vụ được giao có hành vi cửa quyền, vụ lợi, sách nhiễu, gây phiền hà hoặc có các biểu hiện tiêu cực khác đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Trách nhiệm của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trên tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam
1. Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trực thuộc thực hiện việc phối hợp hoạt động quản lý nhà nước trên tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam.
2. Kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật.
3. Triển khai thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi và hiệu quả cho hoạt động hàng hải trên tuyến hàng hải.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2018 và thay thế Nghị định số 146/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam.
Điều 17. Tổ chức thực hiện
1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan tổ chức thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Thuộc tính văn bản: Nghị định 16/2018/NĐ-CP
Số hiệu | 16/2018/NĐ-CP |
Loại văn bản | Nghị định |
Lĩnh vực, ngành | Giao thông - Vận tải |
Nơi ban hành | Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành | 02/02/2018 |
Ngày hiệu lực | 01/04/2018 |
- Chia sẻ:Tran Thao
- Ngày:
Tải xuống định dạng .Doc
123,1 KB 31/03/2018 8:47:04 SA
Gợi ý cho bạn
-
Tải Thông tư 55/2019/TT-BGTVT danh mục giấy chứng nhận và tài liệu của tàu biển file Doc, Pdf
-
Thông tư 05/2018/TT-BGTVT Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập
-
Toàn văn Luật Đường bộ 2024 số 35/2024/QH15 mới nhất
-
Thông tư 17/2024/TT-BGTVT tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng viên chức ngành GTVT
-
Tải Thông tư 09/2024/TT-BGTVT Sửa đổi Quy chuẩn Trạm dừng nghỉ đường bộ file Doc, Pdf
-
Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ
-
5 cách Tra cứu phạt nguội 2024 (cập nhật mới)
-
Tải Nghị định 41/2024/NĐ-CP về quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô file Doc, Pdf
-
Thông tư 28/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt vi phạm giao thông của CSGT
-
Tải Thông tư 04/2023/TT-BGTVT file doc, pdf Quy chuẩn về linh kiện, thiết bị phương tiện giao thông đường sắt
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Phân tích khổ 4 bài Tràng giangHướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Cách viết Phiếu đảng viênMẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Bài thu hoạch học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐảngBiên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Mẫu biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viênTop 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Cảm nhận về bài thơ Sóng - Xuân QuỳnhThực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Đáp án bài tập cuối khóa module 9 môn ToánBài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Module rèn luyện phong cách làm việc khoa học của người GVMNBộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Lịch thi vẽ tranh Thiếu nhi Việt Nam mừng đại hội Đoàn 2024Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Cách hủy tờ khai thuế giá trị gia tăngMẫu tờ trình xin kinh phí hoạt động 2024 mới nhất
Cách viết tờ trình xin kinh phí hoạt độngSuy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ NươngTờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công
Bài viết hay Văn bản Giao thông vận tải
Thông tư 41/2019/TT-BGTVT
Quyết định số 1587/QĐ-TTG
Quyết định 2345/QĐ-BGTVT khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không
Công văn 3331/SCT-QLTM đăng ký nhu cầu cung ứng hàng hóa bằng xe máy trên địa bàn Thành phố
Thông tư 06/2021/TT-BGTVT Quy chuẩn khí thải mức 5 với ô tô sản xuất, nhập khẩu mới
Thông tư 39/2015/TT-BGTVT hướng dẫn thi hành Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam-Campuchia
Thuế - Lệ phí - Kinh phí
Giáo dục - Đào tạo
Y tế - Sức khỏe
Thể thao
Bảo hiểm
Chính sách
Hành chính
Cơ cấu tổ chức
Quyền Dân sự
Tố tụng - Kiện cáo
Dịch vụ Pháp lý
An ninh trật tự
Trách nhiệm hình sự
Văn bản Nông - Lâm - Ngư nghiệp
Tài nguyên - Môi trường
Công nghệ - Thông tin
Khoa học công nghệ
Văn bản Giao thông vận tải
Hàng hải
Văn hóa Xã hội
Du lịch
Doanh nghiệp
Xuất - Nhập khẩu
Tài chính - Ngân hàng
Lao động - Tiền lương
Đầu tư - Chứng khoán - Thương mại
Xây dựng - Đô thị - Đất đai - Nhà ở
Lĩnh vực khác