Giáo viên sẽ bị kỷ luật nếu tự ý đi du lịch nước ngoài?

Quy định về việc đi du lịch nước ngoài của giáo viên

Việc đi du lịch nước ngoài là nhu cầu của rất nhiều người không chỉ riêng giáo viên. Tuy nhiên, hiện nay có thông tin cho rằng giáo viên tự ý đi du lịch nước ngoài sẽ bị kỷ luật. Vậy có thật sự như vậy không?

1. Giáo viên có phải xin phép khi muốn đi du lịch nước ngoài?

Theo quy định tại Điều 13 Luật Viên chức năm 2010, giáo viên được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật lao động.

Theo đó, ngoài những ngày nghỉ phép được hưởng nguyên lương như nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ, nghỉ kết hôn… theo quy định tại Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT và Bộ luật Lao động thì giáo viên còn có thể xin nghỉ phép không hưởng lương.

Để xin nghỉ phép không hưởng lương, giáo viên có thể tham khảo thêm Mẫu đơn xin nghỉ phép của giáo viên chuẩn.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 19 Luật Viên chức, những việc giáo viên không được làm gồm:

Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; Gây bè phái, mất đoàn kết, tự ý bỏ việc, tham gia đình công;

- Những việc khác không được làm theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Có thể thấy, pháp luật về viên chức không có quy định cấm giáo viên đi nước ngoài hoặc nếu đi nước ngoài thì phải xin phép. Nhưng khi đi nước ngoài du lịch bắt buộc phải tiết kiệm, không được lãng phí…

Mặt khác, theo quy định tại Điều 8 Nghị định 127/2018/NĐ-CP, ngoài việc phải thực hiện theo quy định của Luật Viên chức và các văn bản liên quan, giáo viên còn chịu sự quản lý và tuân thủ các quy định cụ thể của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền tại địa phương mình.

Riêng vấn đề đi du lịch nước ngoài của giáo viên, một số tỉnh, thành phố yêu cầu bắt buộc phải xin phép. Đơn cử như của TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 29/10/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn số 4050/GDĐT-TC quy định về hồ sơ đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, nếu giáo viên đi nước ngoài vì việc riêng như tham quan, du lịch, thăm người thân… thì phải có:

- Đơn xin phép đi nước ngoài;

- Đơn cam kết về việc đi nước ngoài có xác nhận của thủ trưởng đơn vị “Đồng ý cho ông/bà (họ và tên) nghỉ phép, nhà trường sắp xếp và không phân công nhiệm vụ trong thời gian nghỉ phép”.

Không chỉ vậy, tại Điều 4 Quyết định 12/2018/QĐ-UBND, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh cấm viên chức tự ý đi nước ngoài mà không xin phép cơ quan chủ quản, cấp có thẩm quyền; tự ý đi nước ngoài trước khi được sự chấp thuận của cơ quan chủ quản, cấp có thẩm quyền…

Như vậy, tùy vào tình hình và quy định của từng địa phương, giáo viên có thể phải xin phép các cấp lãnh đạo nếu muốn đi du lịch ở nước ngoài.

2. Giáo viên là Đảng viên tự ý đi du lịch nước ngoài bị kỷ luật?

Trong trường hợp thông thường, tùy vào quy định của từng địa phương khác nhau, giáo viên có thể phải làm đơn trình bày xin phép được đi du lịch. Tuy nhiên, với giáo viên là Đảng viên, quy định này có phải điều kiện bắt buộc không?

Tại điểm d khoản 1 Điều 26 Quy định 102-QĐ/TW, Đảng viên nếu tự ý ra nước ngoài mà không báo cáo hoặc chưa được sự đồng ý của cấp ủy trực tiếp quản lý và cấp ủy nơi sinh hoạt thì bị kỷ luật bằng các hình thức sau:

- Khiển trách: Nếu gây ra hậu quả ít nghiêm trọng;

- Cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ): Đã bị kỷ luật khiển trách mà còn tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng;

- Khai trừ: Nếu gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.

Nói tóm lại, căn cứ vào quy định của từng địa phương, giáo viên tự ý đi nước ngoài có thể bị kỷ luật. Riêng giáo viên là Đảng viên muốn đi nước ngoài bắt buộc phải xin phép nếu không có thể bị kỷ luật bằng hình thức nặng nhất là khai trừ khỏi Đảng.

3. Quy định hồ sơ đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức TP Hồ Chí Minh

Ngày 29/10/2019 UBND TP Hồ Chí Minh ban hành công văn 4050/GDĐT-TC Về quy định hồ sơ đi nước ngoài đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Đối với đi nước ngoài về việc riêng (tham quan, du lịch, thăm người thân):

- Thủ trưởng đơn vị ghi rõ ý kiến trên đơn xin phép của cá nhân: đồng ý cho ông/bà (họ và tên) nghỉ phép, nhà trường sắp xếp và không phân công nhiệm vụ trong thời gian nghỉ phép;

- Trường hợp cán bộ quản lý xin nghỉ phép, nội dung đơn xin phép phải ghi rõ trong thời gian nghỉ phép sẽ ủy quyền cho (ông/bà …, chức vụ …) điều hành, giải quyết công việc;

- Trường hợp đơn vị có công văn xin phép tổ chức đi theo đoàn : Thủ trưởng đơn vị xác nhận rõ trong công văn: các cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia đoàn đi tham quan, du lịch, nhà trường không phân công nhiệm vụ trong thời gian nghỉ phép.

- Căn cứ quy định về chế độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, thủ trưởng đơn vị quyết định giải quyết việc nghỉ phép của cán bộ, công chức, viên chức một cách hợp lý theo đúng quy định, đồng thời chịu trách nhiệm về việc sắp xếp, bố trí người thay thế trong thời gian cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ phép.

- Thời gian nộp hồ sơ về phòng Tổ chức cán bộ - Sở Giáo dục và Đào tạo trước 30 ngày làm việc, kể từ ngày cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ đi nước ngoài.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Giáo dục đào tạo của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 393
0 Bình luận
Sắp xếp theo