Đánh bài tại nhà ngày Tết có vi phạm pháp luật không 2024?

Đánh bài tại nhà ngày Tết để giải trí có vi phạm pháp luật không? Tụ tập chơi bài ngày Tết mang tính chất giải trí có bị phạt không? đang là vấn đề được nhiều người quan tâm khi kì nghỉ Tết Nguyên đán đang cận kề. Trong ngày nghỉ Tết, bên cạnh việc tất bật chuẩn bị mâm cúng gia tiên, thăm họ hàng nội ngoại, chúc Tết người thân trong gia đình, đi chùa cầu may đầu năm, nhiều người còn tổ chức tụ tập đánh bài giải trí. Tuy nhiên, đây có phải là hành vi phạm pháp không? Mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây của Hoatieu.vn để tìm lời giải đáp.

1. Đánh bài tại nhà để giải trí ngày Tết có bị phạt không?

Đánh bài là trò chơi giải trí phổ biến ở nhiều gia đình vào dịp Tết Nguyên đán. Nhiều người thắc mắc không biết đánh bài tại nhà ngày Tết có phải hành vi vi phạm pháp luật hay không? Vì có rất nhiều bài báo nhắc đến những vụ việc có người bị bắt, bị phạt vì đánh bài ở nhà dịp Tết. Để giải đáp cho câu hỏi này, chúng ta cần phân biệt rõ, đều là đánh bài tại nhà dịp Tết, nhưng chia ra hai trường hợp:

  • Trường hợp đánh bài chỉ để giải trí, không biến tướng thành ăn thua bằng tiền, tài sản, sát phạt lẫn nhau để kiếm lời.
  • Trường hợp đánh bài với mục đích ăn thua bằng tiền hay hiện vật dù chỉ với số tiền rất ít.

Căn cứ Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 120 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) đã có quy định về tội đánh bạc và mức phạt như sau:

1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

=> Có thể thấy, đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích ăn thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Trường hợp đánh bài chỉ để giải trí, không có biểu hiện biến tướng thành ăn thua bằng tiền, tài sản, sát phạt lẫn nhau để kiếm lời sẽ không vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, trường hợp đánh bài tại nhà với mục đích ăn thua bằng tiền hay hiện vật dù chỉ với số tiền rất ít là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt hành chính và phạt tù theo quy định kể trên.

2. Tết cho người khác đánh bài trong nhà mình có bị xử phạt không?

Như đã phân tích ở phần 1, người đánh bài giải trí dịp Tết có hành vi sát phạt, ăn tiền hoặc hiện vật là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt hành chính và chịu trách nhiệm hình sự.

=> Vì vậy, việc cho người khác tụ tập đánh bài ăn tiền trong nhà mình cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà chủ nhà cho người khác đánh bạc ăn tiền ngày Tết trong nhà mình sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

Căn cứ Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về Hành vi đánh bạc trái phép quy định:

- Phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc.

- Hình thức phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của người vi phạm.

Ngoài ra, theo Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Khoản 121 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), người cho người khác mượn địa điểm, mượn nhà tổ chức đánh bạc ăn tiền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc" với các mức phạt như sau:

1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

...

b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên...

Từ những quy định trên, các bạn cần lưu ý, dù là ngày Tết hay ngày bình thường cũng không nên tổ chức hoặc cho người khác mượn nhà để chơi đánh bạc ăn tiền. Thay vào đó nên lựa chọn các hoạt động giải trí lành mạnh khác để đón Tết vui tươi, an toàn. Hoặc nếu đánh bạc mang tính giải trí ngày Tết thì tuyệt đối tránh hành vi biến tướng ăn thua, ăn tiền hoặc tài sản của người khác.

Mời bạn đọc đón xem các bài viết liên quan tại mục Hỏi đáp pháp luật của Hoatieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 63
0 Bình luận
Sắp xếp theo