Có bao nhiêu mức độ nguy cơ trong uống rượu bia năm 2024

Việc phân loại các cấp độ nguy cơ trong uống rượu bia nhằm xây dựng kế hoạch đánh giá và chiến lược can thiệp cộng đồng để giảm thiểu tác hại do sử dụng rượu bia. Vậy có bao nhiêu cấp độ nguy cơ trong uống rượu, bia? Tác hại của việc uống rượu, bia đến sức khỏe ở mỗi đối tượng như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây của Hoatieu.vn

1. Có bao nhiêu cấp độ nguy cơ trong uống rượu, bia?

Theo Mục 3 Chương I Quyết định số 4946/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu "Hướng dẫn sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và tại cộng đồng", có 4 mức độ nguy cơ do uống rượu, bia, bao gồm:

a) Uống rượu, bia ở mức nguy cơ thấp
Uống rượu, bia ở mức nguy cơ thấp là những người có điểm đánh giá theo bộ công cụ sàng lọc 0 - 7 điểm. Đối với những người thuộc nhóm này, lý tưởng nhất vẫn là không nên uống rượu, bia; nếu đã uống chỉ nên giữ ở mức không quá hai đơn vị cồn/ngày đối với nam giới và không quá một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Với mức độ này, những hậu quả của rượu, bia đối với sức khoẻ thường ở mức tối thiểu.

b) Uống rượu, bia ở mức nguy cơ cao
Uống rượu, bia ở mức nguy cơ cao là những người có điểm đánh giá theo bộ công cụ sàng lọc từ 8 - 15 điểm. Uống rượu, bia ở mức độ này dẫn đến nguy cơ cao gây hại cho người uống. Những người này mặc dù có thể chưa biểu hiện những rối loạn hay tổn thương thực thể do uống rượu, bia gây nên, nhưng họ có nguy cơ cao bị chấn thương, có hành vi bạo lực hoặc hành vi liên quan đến pháp luật, giảm khả năng làm việc hoặc gây ra các vấn đề xã hội do tình trạng nhiễm độc rượu, bia cấp tính gây nên; đồng thời có nguy cơ cao mắc các bệnh không lây nhiễm và bệnh mạn tính khác do uống rượu, bia thường xuyên.

c) Uống rượu, bia ở mức nguy cơ rất cao
Uống rượu, bia ở mức nguy cơ rất cao là những người có điểm đánh giá theo bộ công cụ sàng lọc từ 16 - 19 điểm. Những người uống rượu, bia ở mức này đã thực sự chịu các tổn hại về sức khỏe. Những tổn hại này có thể về thể chất (tổn thương gan, suy chức năng gan, bệnh tim mạch, v.v.) hay rối loạn tâm thần (trầm cảm, loạn thần,v.v.) và/hoặc đã từng bị tai nạn thương tích, gây các hậu quả như bạo lực, vi phạm pháp luật, giảm khả năng lao động và các vấn đề xã hội khác do hậu quả của uống rượu, bia thường xuyên, quá mức.

d) Nguy cơ lệ thuộc/nghiện rượu, bia
Những người có điểm đánh giá theo bộ công cụ sàng lọc ≥20 điểm là người có nguy cơ lệ thuộc vào rượu, bia được đặc trưng bởi sự thèm muốn (có nhu cầu uống mãnh liệt), mất kiểm soát (không thể ngừng uống mặc dù rất muốn dừng), tăng mức độ dung nạp, ảnh hưởng đến thể chất. Những người uống rượu, bia thuộc nhóm này có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe như: suy giảm chức năng não, khiến bản thân không thể tự chủ về ý thức và hành vi, dần dần suy giảm trí nhớ, trí tuệ, rối loạn cảm xúc, hoang tưởng, ảo giác, ảo ảnh, ... ngoài ra còn hủy hoại gan (xơ gan, suy gan, ung thư gan), giãn tĩnh mạch thực quản, xuất huyết dạ dày, viêm tụy, động kinh,...

Quy tắc đánh giá các mức độ nguy cơ dựa theo hướng dẫn trong bộ công cụ sàng lọc AUDIT (Alcohol Use Disorder Identification Test - Công cụ xác định rối loạn do sử dụng rượu, bia) của Tổ chức Y tế thế giới. Khi trả lời 10 câu hỏi của bộ công cụ AUDIT một người có thể có tổng điểm từ 0 đến tối đa là 40.

Có bao nhiêu mức độ nguy cơ trong uống rượu bia

Trên đây là những cấp độ nguy cơ, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi dùng rượu, bia. Tuy nhiên, cần phải khẳng định, không có mức độ uống rượu, bia nào là an toàn, kể cả khi uống rượu, bia ở mức nguy cơ thấp (không uống quá 5 lần/tuần). Bởi rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp và gián gây nên rất nhiều loại bệnh, là một trong mười nguyên nhân gây tử vong cao hàng đầu thế giới, nhất là khi tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia, không chỉ gây mất an toàn cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác.

Trong trường hợp cần phải uống, các bạn lưu ý cần cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống (không quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới và không quá 1 đơn vị cồn/ngày với nữ giới). Nên uống rượu, bia sau khi ăn hoặc kết hợp vừa ăn vừa uống và uống rượu, bia có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng. Sau khi uống rượu, bia tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông... Tóm lại, hãy tự biết trân trọng cơ thể, nhận biết tín hiệu từ thân thể của mình để ngừng uống khi đã thấy đủ.

Để xác định mức độ uống rượu, bia ở cấp độ nguy cơ thấp, hãy cùng Hoatieu.vn tìm hiểu về đơn vị cồn, cách tính đơn vị cồn như sau:

Đơn vị cồn = Dung tích (ml) x Nồng độ (%) x 0,79 (hệ số quy đổi)

Ví dụ: chai bia 330ml và nồng độ cồn 5% sẽ có số gam cồn là:

330 x 0,05 x 0,79 = 13g; tương đương 1,3 đơn vị cồn.

Suy ra, một đơn vị cồn tương đương với:

- 3/4 chai hoặc 3/4 lon bia 330 ml (5%);

- Một chai hoặc một lon nước trái cây/cider/strongbow có cồn loại 330ml (4,5%);

- Một cốc bia hơi 330 ml (4%);

- Một ly rượu vang 100 ml (13,5%);

- Hoặc một ly nhỏ/cốc nhỏ rượu mạnh 40 ml (30%).

=> Như vậy, dù uống bia hay uống rượu thì cũng ít nhiều gây hại đến sức khỏe con người, phụ thuộc vào lượng uống, số lần uống của một người. Vì bản chất nguyên nhân gây hại đến từ chất cồn ethanol có trong đồ uống rượu, bia.

Tìm hiểu thêm Nồng độ cồn của các loại rượu, bia 2024

2. Tác hại của rượu, bia với sức khỏe con người

Theo Mục 2 Chương I Quyết định số 4946/QĐ-BYT có nêu đến Các bệnh tật, rối loạn do tác hại của rượu, bia gây ra, gồm:

  • Ung thư: Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế xếp rượu, bia là chất gây ung thư thuộc Nhóm I, tức là có nguy cơ cao gây ung thư tương tự như thuốc lá, amiang hay bức xạ ion hóa.
  • Bệnh tim mạch: làm tăng nguy cơ gây ra các bệnh lý như đột quỵ, suy tim, tăng huyết áp và phình động mạch chủ.
  • Bệnh hệ tiêu hóa: gây tổn thương gan (gan nhiễm mỡ do rượu, viêm gan cấp do rượu…), xơ gan, làm trầm trọng các tổn thương do vi rút viêm gan C và B, viêm tụy cấp tính và mạn tính, các bệnh lý tại thực quản, dạ dày,…
  • Rối loạn tâm thần: làm suy giảm trí nhớ và khả năng tư duy, lo âu, trầm cảm, loạn thần, kích động, tự sát…
  • Các rối loạn và bệnh lý khác: gây lão hóa sớm, suy giảm miễn dịch, hội chứng nhiễm độc rượu ở bào thai, trẻ đẻ ra nhẹ cân.
  • Thương tích: uống rượu, bia là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông và gây thương tích không chủ ý và cố ý khác.

=> Trên đây là tổng hợp một số tác hại của rượu, bia có thể gây ra cho sức khỏe con người. Người uống rượu, bia không phải sẽ chỉ mắc một trong các loại bệnh nêu trên, mà có thể sẽ mắc đồng thời nhiều loại bệnh. Bên cạnh đó, sử dụng rượu, bia còn khiến người uống mất kiểm soát hành vi bản thân, sử dụng nhiều cũng có nguy cơ gây nghiện. Do đó, mỗi người cần có sự cân nhắc khi sử dụng rượu bia, phải xây dựng cho bản thân lối sống lành mạnh, chỉ uống rượu, bia trong những trường hợp cần thiết và khống chế lượng uống càng thấp càng tốt.

Đọc thêm Mức phạt lỗi uống rượu, bia khi lái xe 2024

3. Tác hại của rượu, bia với sức khỏe nam giới

Bên cạnh những loại bệnh mà người sử dụng rượu, bia có thể mắc nêu ở phần trên, ở mỗi giới tính, độ tuổi, tình trạng sức khỏe khác nhau mà mức độ ảnh hưởng của rượu, bia cũng khác nhau.

Ở nam giới, việc lạm dụng đồ uống có cồn, hời hợt với sức khỏe bản thân sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm sức khỏe như sau:

  • Ảnh hưởng xấu đến ngoại hình: Bởi rượu bia làm khả năng đốt chất béo trong cơ thể chậm lại, như: bụng bia, rụng tóc, rối loạn tế bào da dẫn đến bệnh hồng ban làm cho khuôn mặt đỏ hơn vì mạch máu giãn..
  • Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: Làm giảm nồng độ testosterone (hoocmon quan trọng ở nam giới), Ức chế chức năng của tinh hoàn, ngăn không cho tinh trùng phát triển đúng cách, Làm suy yếu hệ thống thần kinh trung ương khiến bạn gặp tình trạng rối loạn cương dương...
  • Ảnh hưởng ngắn hạn đối với sức khỏe: Nói lắp, Khó thở, Hoa mắt, Buồn ngủ, Nhức đầu, Thiếu máu, Đau dạ dày, Ngộ độc rượu, Mất tập trung và dễ xảy ra tai nạn...
  • Ảnh hưởng lâu dài với các loại bệnh mạn tính, khó chữa: Gút, Suy tim, Đột quỵ, Huyết áp cao, Viêm tuyến tụy, Tổn thương gan, Tổn thương não, Viêm loét dạ dày, Ung thư miệng và cổ họng, Làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2...

4. Tác hại của rượu, bia với sức khỏe phụ nữ

Việc lạm dụng rượu, bia gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đặc biệt với nữ giới, uống rượu sẽ khiến phụ nữ gặp phải nhiều vấn đề như:

  • Tổn thương gan: đôi khi dẫn đến xơ gan cũng như tử vong.
  • Bệnh tim: nguy cơ này với nữ giới cao hơn hẳn nam giới, mặc dù có thể lượng rượu mà nữ giới uống ít hơn.
  • Tổn thương não
  • Ung thư vú:
  • Đặc biệt với phụ nữ có thai, việc tiếp xúc với rượu trước khi sinh có nguy cơ gây ra các vấn đề về thể chất, nhận thức và hành vi ở trẻ em và làm tăng nguy cơ sinh non. Phụ nữ có thai và đang trong thời kỳ cho con bú tuyệt đối không uống đồ uống có cồn.

=> Như vậy, chị em phụ nữ cần nhận thức rõ những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe khi sử dụng rượu, bia, lựa chọn không uống hoặc uống có điều độ để không ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của bản thân.

Tìm hiểu thêm Tại sao dưới 18 tuổi không được uống rượu bia?

Trên đây Hoatieu.vn đã giới thiệu đến bạn đọc Các mức độ nguy cơ trong uống rượu bia và tác hại của rượu bia. Mời bạn đọc tiếp tục tham khảo các bài viết liên quan tại mục Phổ biến pháp luật của Hoatieu.vn

Đánh giá bài viết
2 148
0 Bình luận
Sắp xếp theo