Chính sách nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 02/2016

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 02/2016

HoaTieu.vn xin giới thiệu đến các bạn những chính sách nổi bật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01 – 10/02/2016 bao gồm các chính sách về: bảo hiểm thất nghiệp, Chính sách hỗ trợ người lao động bị thu hồi đất, Biểu mẫu cấp, quản lý thẻ căn cước công dân, quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, ...

1. Hướng dẫn mới về bảo hiểm thất nghiệp

Ngày 01/02/2016, Thông tư 139/2015/TT-BQP hướng dẫn Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp trong Bộ Quốc phòng chính thức có hiệu lực. Theo đó:

Thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp:

  • Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng.
  • Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
  • Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm.

2. Chính sách hỗ trợ người lao động bị thu hồi đất

Người lao động bị thu hồi đất, nếu có nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm và đang trong độ tuổi lao động sẽ nhận được các chính sách hỗ trợ theo Quyết định 63/2015/QĐ-TTg. Cụ thể:

Người lao động bị thu hồi đất tham gia đào tạo nghề được hỗ trợ như sau:

  • Đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng: Được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định 46/2015/QĐ-TTg.
  • Đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng: Được hỗ trợ học phí cho một khóa học.
  • Mức học phí được hỗ trợ bằng mức thu học phí thực tế của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng tối đa không quá mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập theo quy định của pháp luật.
  • Vay vốn theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

Ngoài ra, Người lao động bị thu hồi đất còn được hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước và hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Quyết định 63/2015/QĐ-TTg có hiệu lực từ 01/02/2016.

3. Biểu mẫu cấp, quản lý thẻ căn cước công dân

Theo Thông tư 66/2015/TT-BCA, các biểu mẫu được sử dụng trong cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân, tàng thư căn cước công dân (ký hiệu là CC), bao gồm:

  • Tờ khai căn cước công dân (mẫu số CC01).
  • Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân (mẫu số CC02).
  • Giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân (mẫu số CC03).
  • Danh sách đề xuất duyệt hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân (mẫu số CC04).
  • Phiếu giao nhận hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân cần tra cứu (mẫu số CC05).
  • Đề xuất phê duyệt hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân (mẫu số CC06).
  • Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân (mẫu số CC07).
  • Báo cáo công tác cấp, quản lý căn cước công dân (mẫu số CC08).
  • Phiếu điều chỉnh thông tin căn cước công dân (mẫu số CC09).
  • Phiếu chuyển hồ sơ căn cước công dân (mẫu số CC10).
  • Túi hồ sơ căn cước công dân (mẫu số CC11).

Thông tư 66/2015/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 02/02/2016.

4. Đánh giá, phân loại người nộp thuế

Từ ngày 04/02/2016, dựa trên các điều kiện đánh giá quy định tại Khoản 3 Điều 16 Thông tư 204/2015/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, người nộp thuế được phân thành các loại sau:

  • Loại 1. Người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế tốt.
  • Loại 2. Người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế ở mức độ trung bình.
  • Loại 3. Người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế ở mức độ thấp.

5. Giờ làm việc tiêu chuẩn cho người lao động

Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc sản xuất có tính thời vụ và công việc gia công hàng theo đơn đặt hàng sẽ có hiệu lực ngày 10/02/2016. Theo đó:

  • Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 9 giờ.
  • Giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm theo tuần, tháng như sau:
    • Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần không quá 64 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 48 giờ.
    • Tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 32 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 24 giờ.
  • Tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ.

Thông tư này thay thế Thông tư 33/2011/TT-BLĐTBXH.

6. Trách nhiệm của thương nhân khi bán hàng miễn thuế

Từ ngày 10/02/2016, Thông tư 207/2015/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 148/2015/TT-BTC hướng dẫn thi hành Quy chế kinh doanh bán hàng miễn thuế bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, thương nhân kinh doanh bán hàng miễn thuế cần lưu ý một số nội dung nổi bật như sau:

  • Hàng hóa bán tại cửa hàng miễn thuế được thực hiện lưu giữ tại cửa hàng miễn thuế bao gồm cả kho chứa hàng miễn thuế trong thời gian quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 47 Luật Hải quan 2014.
  • Việc sắp xếp, bố trí lưu giữ các mặt hàng trong kho chứa hàng miễn thuế phải được phân chia theo khu vực từng loại hàng, để thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát hải quan.
  • Các chứng từ liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế như tờ khai tạm nhập, tờ khai tái xuất, phiếu xuất kho, các bảng kê, báo cáo thanh khoản được lưu trữ theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan 2014.
  • Đối với các chứng từ bị điều chỉnh bởi quy định của Luật kế toán, thời hạn lưu trữ thực hiện theo quy định điều chỉnh tương ứng.

7. Đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng

Theo Nghị định 119/2015/NĐ-CP, các đối tượng sau phải mua bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng:

  • Trừ các công trình liên quan quốc phòng, an ninh, bí mật nhà nước, chủ đầu tư hoặc nhà thầu trong trường hợp phí BH công trình đã được tính vào giá hợp đồng phải mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng các công trình sau:
    • Công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng theo Phụ lục II Nghị định 46/2015/NĐ-CP , văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
    • Công trình đầu tư xây dựng có ảnh hưởng lớn đến môi trường thuộc danh mục dự án phải đánh giá tác động môi trường theo Phụ lục II, III Nghị định 18/2015/NĐ-CP , văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
    • Công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp theo quy định pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

Nhà thầu tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng với công việc khảo sát, thiết kế xây dựng của công trình từ cấp II trở lên.
Nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm với người lao động thi công trên công trường.

Nghị định 119/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/02/2016.

Đánh giá bài viết
1 151
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo