Cách sử dụng làn đường khi tham gia giao thông

Cách đi đúng làn đường khi tham gia giao thông

Một trong những nguyên tắc cơ bản khi tham gia giao thông là đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ. Trong bài viết này HoaTieu.vn sẽ chia sẻ cho các bạn cách đi đúng làn đường khi tham gia giao thông để các bạn cùng tham khảo.

Tuỳ từng tuyến đường sẽ có biển báo hiệu chỉ dẫn phân làn xe trên tuyến đường có 3 làn xe khác nhau. Đường đôi có dải phân cách cứng, mỗi bên chia 3 làn đường bằng vạch kẻ trắng, làn đường trong cùng được kẻ bằng vạch trắng liền, không có bảng chỉ dẫn làn đường thì xe đi vào làn đường nào?

Hướng dẫn đi đúng làn đường

Luật Giao thông đường bộ quy định: Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn; Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái; Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.

Như vậy, đối với đường có nhiều làn đường được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép. Đối với đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe ô tô, mô tô phải di chuyển ở làn đường bên trái, xe thô sơ phải di chuyển ở làn đường bên phải trong cùng.

Theo quy định của QCVN 41:2012/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2012 quy định: Vạch kẻ đường khi sử dụng độc lập thì mọi người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa của vạch kẻ đường. Vạch kẻ đường khi sử dụng kết hợp với đèn tín hiệu, biển báo hiệu thì mọi người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa, hiệu lệnh của cả vạch kẻ đường và đèn tín hiệu, biển báo hiệu theo thứ tự quy định.

Điểm f Mục G.1 Phụ lục G QCVN 41: 2012/BGTVT ban hành theo Thông tư số 17/2012/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2012 quy định về các loại vạch tín hiệu giao thông và mầu vạch được phân loại như sau:

- Vạch đứt khúc trắng: Khi vạch theo chiều dọc đường với tác dụng phân chia các làn xe cùng chiều để lái xe nhận biết điều khiển xe chạy an toàn. Nếu vạch ở đầu đường thì có tác dụng hướng dẫn xe chạy đúng tuyến đường.

- Vạch liền trắng: Khi vạch theo chiều dọc đường với tác dụng phân cách giữa làn xe có động cơ và làn xe không có động cơ, hoặc giới hạn ngoài của đường dành riêng cho xe chạy. Khi vạch ở đầu đường có tác dụng hướng dẫn xe chạy hoặc xe dừng.

Xe đang lưu thông trên đoạn đường phân làn loại xe, đến khu vực ngã tư phân làn theo hướng đi, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn. Khi gặp đèn đỏ, thì dừng lại ở phần đường theo cách phân làn hướng đi.

Thường thì biển báo hiệu chỉ dẫn phân làn xe trên tuyến đường có 3 làn xe sẽ như sau:

1. Làn thứ nhất (vẽ ký hiệu ô tô): Chỉ dẫn làn đường dành cho các loại ô tô.

2. Làn thứ hai (vẽ ký hiệu ô tô bên trên, xe máy bên dưới): Chỉ dẫn làn đường dành cho các loại ô tô và xe máy đi chung đây được coi là làn hỗn hợp.

3. Làn thứ ba (vẽ ký hiệu xe máy bên trên, xe thô sơ bên dưới): Chỉ dẫn làn đường dành cho xe máy và xe thô sơ đi chung đây được coi là làn hỗn hợp.

Vậy bạn sẽ đi theo biển báo chỉ dẫn phân làn xe để đi được đúng làn đường và không bị xử phạt vi phạm giao thông đường bộ.

Mức phạt khi đi sai làn

Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô

– Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng nếu:

Chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước.

– Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng nếu:

Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc.

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu:

Vượt trong các trường hợp cấm vượt; không có báo hiệu trước khi vượt; vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép, trừ trường hợp tại đoạn đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường mà xe chạy trên làn đường bên phải chạy nhanh hơn xe đang chạy trên làn đường bên trái.

Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy

– Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng nếu:

Chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước.

– Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng nếu:

Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố.

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu:

Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; vượt xe hoặc chuyển làn đường trái quy định gây tai nạn giao thông.

Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

– Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng nếu:

Không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định.

– Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng nếu:

Chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc.

Tóm lại, mỗi người chúng ta cần phải lưu ý các tuyến đường, làn đường khi tham gia giao thông nhằm tránh những trường hợp nguy hiểm, những vụ tai nạn thảm khóc để đảm bảo an toàn cho chính mình và mọi người xung quanh. Đồng thời giúp chúng ta tuân thủ chấp hành tốt theo đúng quy định pháp luật khi tham gia giao thông. Đảm bảo an toàn cho mọi người mọi nhà!

Đánh giá bài viết
1 2.594
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi