Án treo có phải là hình phạt không?

Án treo có phải là hình phạt không? Án treo hay tù treo là thuật ngữ được sử dụng nhiều trong pháp luật hình sự. Người ta thường cho rằng đây là hình phạt giảm án cho những người bị kết án tù. Vậy án treo có phải là hình phạt không? Điều kiện để người bị kết án phạt tù hưởng án treo là gì? Mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây của HoaTieu.vn để biết thêm chi tiết.

1. Án treo là gì?

Tù treo là gì?

Án treo được áp dụng trong trường hợp nào?
Án treo được áp dụng trong trường hợp nào?

Án treo hay còn được gọi với cái tên là tù treo.

Theo Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, án treo được quy định tại Điều 1 như sau:

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

2. Án treo có phải là hình phạt không?

- Theo Điều 1 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP đã nêu tại phần 1, án treo không phải là một hình phạt mà là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được áp dụng cho người bị kết án phạt tù không quá 03 năm.

- Án treo cho phép người phạm tội miễn chấp hành hình phạt tù nhằm khuyến khích họ cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội, đồng thời cũng cảnh cáo rằng nếu phạm tội mới trong thời gian thử thách thì họ sẽ phải chấp hành hình phạt tù được hưởng án treo của bản án trước đó.

- Người được hưởng án treo ngoài thời gian chấp hành án treo còn phải chấp hành thêm thời gian thử thách.

- Toàn án ấn định thời gian thử thách cho người hưởng án treo là gấp đôi mức hình phạt tù, nhưng tối thiếu không được dưới 1 năm và tối đa không quá 5 năm.

- Trong thời gian chấp hành án treo và thử thách, nếu người này vi phạm thêm tội mới thì sẽ phải dừng chấp hành án treo và thi hành hình phạt tù của bản án trước cộng thêm mức hình phạt của tội mới.

- Nếu người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách, có nhiều tiến bộ, toà án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.

Do đó, có thể nói án treo là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù nhưng có nhiều điều kiện đi kèm nhằm đảm bảo những đối tượng vi phạm pháp luật khi được hưởng sự khoan hồng của nhà nước sẽ cải tạo và trở thành công dân có ích. Ngược lại nếu họ có những hành vi tiếp tục vi phạm pháp luật sẽ phải chịu mức hình phạt của cả bản án trước đó dù có thể họ đã sắp chấp hành xong án treo.

3. Điều kiện để người bị kết án phạt tù được hưởng án treo

Án treo không phải là một hình phạt mà là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện
Án treo không phải là một hình phạt mà là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện

Căn cứ Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về án treo như sau:

Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Như vậy, căn cứ theo Điều 2 Nghị Quyết 02/2018/NQ-HĐTP (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP) và Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 thì người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Bị xử phạt tù không quá 03 năm.

- Có nhân thân tốt.

  • Nhân thân tốt ở đây được hiểu là người bị xử phạt tù ngoài lần phạm tội này thì luôn chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

- Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

- Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

- Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Khi xem xét, quyết định cho bị cáo hưởng án treo Tòa án phải xem xét thận trọng, chặt chẽ các điều kiện để bảo đảm việc cho hưởng án treo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với các trường hợp hướng dẫn tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều 3 Nghị quyết này.

4. Án treo có được đi khỏi địa phương không?

Căn cứ Điều 92 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được hưởng án treo như sau:

1. Người được hưởng án treo có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép theo quy định tại khoản 2 Điều này, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.

2. Người được hưởng án treo khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục; trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người được hưởng án treo khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú. Trường hợp người được hưởng án treo vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục kèm theo tài liệu có liên quan.

Theo quy định trên có thể kết luận người được hưởng án treo vẫn có thể đi khỏi địa phương nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải có sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục. Khi đến nơi cứ trú mới phải báo cáo với cơ quan công an địa phương đó.

Trường hợp người được hưởng án treo xin phép Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục ra khỏi nơi cư trú nhưng không được sự đồng ý thì các cơ quan, đơn vị này phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Án treo có được đi làm không?

Việc lao động, học tập của người bị phát án treo được quy định tại Điều 88 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 như sau:

1. Người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người lao động nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức thì được bố trí công việc bảo đảm yêu cầu giám sát, giáo dục, được hưởng tiền lương và chế độ khác phù hợp với công việc mà họ đảm nhiệm, được tính vào thời gian công tác, thời gian tại ngũ theo quy định của pháp luật.

2. Người được hưởng án treo được cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận học tập thì được hưởng quyền lợi theo quy chế của cơ sở đó.

3. Người được hưởng án treo không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú tạo điều kiện tìm việc làm.

4. Người được hưởng án treo thuộc đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, người đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

Như vậy, người hưởng án treo không những có quyền đi làm bình thường mà còn được địa phương nơi người đó cư trú tạo điều kiện tìm việc làm.

Bài viết trên đã giải đáp thắc mắc xoay quanh vấn đề về án treo. Hy vọng sẽ giúp cho bạn đọc có thêm thông tin hữu ích về những chế tài của luật hình sự nước ta.

Mời các bạn tham khảo bài viết Hỏi đáp pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 85
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Lê Anh Dũng
    Lê Anh Dũng

    Thông tin hữu ích

    Thích Phản hồi 04/07/22
    • Khon9 c0n gj
      Khon9 c0n gj

      Thế mà mình cứ nghĩ án treo thì chỉ ở trong nhà và hạn chế ra ngoài cơ, hóa ra vẫn đc đi làm bình thường

      Thích Phản hồi 04/07/22
      • Cô bé bướng bỉnh
        Cô bé bướng bỉnh

        THông tin hay quá

        Thích Phản hồi 04/07/22