Những quy định mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2017

Tổng hợp những chính sách có hiệu lực từ tháng 11/2017

Từ tháng 11/2017, một số chính sách sẽ có hiệu lực thi hành. Nổi bật là: Áp dụng quy định xử phạt không đóng Quỹ phòng chống thiên tai; Mức trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung 6 bậc dành cho thí sinh.... Nội dung chi tiết mời các bạn tham khảo.

1. Từ 01/11/2017, áp dụng quy định xử phạt không đóng Quỹ phòng chống thiên tai

- Đối với các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập:

Mức đóng góp: 2/10.000 tổng giá trị tài sản hiện có tại Việt Nam theo báo cáo tài chính hàng năm nhưng tối thiểu 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Đối với công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động:

  • Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các DNNN đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp;
  • NLĐ trong các DN đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng;
  • NLĐ khác, trừ các đối tượng trên, đóng 15.000 đồng/người/năm.

Tại Nghị định 104/2017/NĐ-CP mới được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/11/2017 quy định như sau:

Trường hợp đóng thiếu: phạt tiền bằng số tiền phải đóng góp còn thiếu (mức phạt tối thiểu 50.000 đồng, mức phạt tối đa 50 triệu đồng)

- Đối với cá nhân đến 30/5 đã đóng nhưng chưa đóng đủ mức phải đóng và trong thời gian từ sau 30/5 đến hết 31/12 mới đóng phần còn thiếu

- Đối với tổ chức kinh tế hạch toán độc lập:

  • Đến 30/5 đã đóng lần 1 nhưng chưa đóng đủ số tiền phải đóng và số tiền thiếu của lần 1 đóng trước 30/10 hàng năm.
  • Đến 30/10 hàng năm đã đóng lần 2 nhưng chưa đóng đủ số tiền phải đóng và số tiền thiếu của lần 2 đóng trước 31/12 hàng năm.

Trường hợp chậm đóng: phạt tiền bằng 1.5 lần mức phải đóng

  • Đối với cá nhân đóng trong thời gian từ sau 30/5 đến hết 31/12 hàng năm.
  • Đối với tổ chức kinh tế hạch toán độc lập lần 1 trong thời gian từ sau 30/5 đến 30/10 hàng năm và đóng số tiền còn lại trong thời gian từ sau 30/10 đến hết 31/12 hàng năm.

Trường hợp không đóng: phạt tiền bằng 2 lần mức phải đóng

  • Đối với cá nhân đến hết 31/12 hàng năm chưa đóng đủ quỹ.
  • Đối với tổ chức kinh tế hạch toán độc lập đến hết 30/10 hàng năm chưa đóng lần 1 và đến hết 31/12 chưa đóng số tiền còn lại phải đóng vào quỹ.

Ngoài việc phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm có nghĩa vụ đóng góp theo mức quy định trên.

2. Thêm nhiều văn bản hướng dẫn ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Thứ nhất, đó là kinh doanh rượu được quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/11/2017 và thay thế Nghị định 94/2012/NĐ-CP.

Theo đó, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh cần đáp ứng 2 điều kiện:

- Là DN, HTX, liên hiệp HTX hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.

- Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định.(trong khi trước đây yêu cầu phải đảm bảo yêu cầu về môi trường và chất lượng)

Đối với sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại không bắt buộc phải công bố chất lượng hàng hóa, dán tem rượu, ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định.

Kế đến là kinh doanh thuốc lá theo quy định tại Nghị định 106/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/11/2017.

Cụ thể, bãi bỏ điều kiện về phương tiện vận tải khi cấp Giấy phép kinh doanh thuốc lá như:

- Giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá

- Giấy phép phân phối sản phẩm thuốc lá.

- Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá

Cuối cùng là điều kiện kinh doanh hóa chất được quy định tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 25/11/2017.

Tất cả cần đảm bảo yêu cầu chung đối với nhà xưởng, kho chứa, công nghệ, thiết bị, dụng cụ, bao bì, bảo quản, vận chuyển hóa chất và đối với hoạt động san chiết, đóng gói hóa chất.

3. Chế độ trợ cấp một lần đối với thanh niên xung phong ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 – 1975

Đựơc tính theo số năm thực tế tham gia thanh niên xung phong cơ sở. Trường hợp có thời gian tham gia thanh niên xung phong cơ sở ở các đợt khác nhau hoặc gián đoạn thì được cộng dồn để tính hưởng chế độ:

- Từ đủ 02 năm trở xuống, mức trợ cấp một lần bằng 2.500.000 đồng.

- Trên 02 năm thì từ năm thứ 3 trở đi cứ mỗi năm được cộng thêm 800.000 đồng.

Khi tính thời gian thực hiện chế độ trợ cấp một lần, nếu có tháng lẻ thì từ đủ 6 tháng trở lên được tính tròn một năm, dưới 6 tháng được tính 1/2 năm.

Trường hợp thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam có giấy tờ gốc hoặc giấy tờ liên quan quy định nhưng không thể hiện cụ thể thời gian tham gia kháng chiến thì được hưởng mức 2.500.000 đồng.

Trường hợp thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam đã từ trần trước ngày 20/11/2017 thì thân nhân của người từ trần được hưởng chế độ trợ cấp một lần bằng 3.600.000 đồng.

Ngoài ra, còn có thể được áp dụng chế độ trợ cấp hằng tháng, trợ cấp mai táng, vay vốn sản xuất, kinh doanh.

Xem chi tiết tại Nghị định 112/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/11/2017.

4. Mức trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc

Bao gồm cả đối tượng là người làm công tác cơ yếu hưởng lương hưu như đối với quân nhân.

Mức trợ cấp hàng tháng từ 01/7/2017 = Mức trợ cấp hàng tháng được hưởng tại thời điểm tháng 6/2017 x 1,0744

Mức trợ cấp sau khi đã được điều chỉnh tăng thêm như sau:

  • Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 1.650.000 đồng/tháng;
  • Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 1.725.000 đồng/tháng;
  • Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 1.800.000 đồng/tháng;
  • Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 1.875.000 đồng/tháng;
  • Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 1.950.000 đồng/tháng.

Xem chi tiết tại Thông tư 242/2017/TT-BQP.

5. Tiêu chuẩn tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng

Áp dụng theo Thông tư 241/2017/TT-BQP có hiệu lực từ 15/11/2017, theo đó, để được tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Phẩm chất chính trị, đạo đức thực hiện theo Điều 4 Thông tư liên tịch 50/2016/TTLT-BQP-BCA; Điều 10 Thông tư 263/2013/TT-BQP và các quy định sau:

  • Có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
  • Có năng lực, trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ được giao, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia.
  • Ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, ý thức cảnh giác cách mạng cao, giữ gìn và bảo vệ bí mật quân sự, bí mật nhà nước.

- Sức khỏe:

Đủ tiêu chuẩn sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3 theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP.

- Trình độ đào tạo: Tốt nghiệp đào tạo từ sơ cấp trở lên.

Không tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đối với người thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch 50/2016/TTLT-BQP-BCA; Điều 11 Thông tư 263/2013/TT-BQP.

6. Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung 6 bậc dành cho thí sinh

- Có mặt tại địa điểm thi đúng ngày, giờ quy định để được hướng dẫn và tham dự kỳ thi. Thí sinh đến muộn sau thời điểm tính giờ làm bài sẽ không được dự thi.

- Xuất trình giấy tờ tùy thân còn hiệu lực trước khi vào phòng thi.

- Ngồi đúng chỗ theo số báo danh quy định trong phòng thi; ký tên vào danh sách thí sinh dự thi từng buổi thi theo từng kỹ năng.

- Chỉ được mang vào phòng thi giấy tờ tùy thân, không được mang các tài liệu, thiết bị, dụng cụ khác vào phòng thi, kể cả đồng hồ đeo tay.

- Trong thời gian làm bài thi không được trao đổi, bàn bạc, có hành vi gian lận; phải giữ trật tự; khi muốn có ý kiến hoặc muốn ra ngoài phòng thi phải giơ tay và chỉ được phát biểu ý kiến hoặc ra ngoài phòng thi khi cán bộ coi thi cho phép;khi có sự việc bất thường xảy ra, phải tuân theo hướng dẫn của cán bộ coi thi.

- Sau 2/3 thời gian làm bài của mỗi kỹ năng, thí sinh có thể nộp bài sớm so với quy định (trừ kỹ năng nghe) cùng với đề thi, giấy nháp và chỉ được rời phòng thi khi được cán bộ coi thi cho phép.

- Đối với hình thức thi trên giấy:

+ Khi nhận đề thi, phải kiểm tra số trang của đề thi, ghi số báo danh vào đề thi. Nếu phát hiện thấy đề thi thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhoè, mờ, thiếu chữ phải báo ngay cho cán bộ coi thi;

+ Bài thi chỉ được viết, tô bằng bút do Hội đồng thi cung cấp; không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng trong bài thi; phần viết hỏng phải gạch bỏ, không được tẩy, xóa bằng bất kỳ cách nào; phần tô hỏng (bằng bút chì) trên phiếu trả lời trắc nghiệm phải được tẩy sạch;

+ Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, tất cả thí sinh phải ngừng làm bài ngay để nộp bài thi; ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào Phiếu thu bài thi (kể cả trường hợp không làm được bài). Thí sinh chỉ được rời phòng thi khi cán bộ coi thi cho phép.

- Đối với hình thức thi trên máy vi tính:

+ Tìm hiểu kỹ về hướng dẫn làm bài thi trên máy vi tính từ trang thông tin điện tử của đơn vị tổ chức thi trước khi đăng ký dự thi.

+ Nhận máy vi tính và làm bài thi trên máy vi tính:

+ Nhận máy vi tính, làm quen với máy vi tính; nhận phiếu tài khoản và đăng nhập tài khoản để thực hiện làm bài thi trên máy vi tính;

+ Làm bài thi theo đúng hướng dẫn đối với từng phần thi hoặc từng kỹ năng thi;

+ Trong khi thi, nếu thí sinh gặp sự cố về máy vi tính hay những bất thường khác cần phải báo ngay cho cán bộ coi thi;

+ Không được thoát ra khỏi tài khoản đăng nhập trong suốt quá trình làm bài thi hoặc tái khởi động lại màn hình, máy vi tính, đường truyền bằng bất cứ hình thức nào;

+ Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, tất cả thí sinh thực hiện các thao tác tiếp theo dưới sự hướng dẫn của cán bộ coi thi;

+ Trước khi ra khỏi phòng thi thí sinh phải nộp lại phiếu tài khoản, giấy nháp, ký xác nhận vào phiếu tham dự thi, danh sách kết quả thi (nếu có).

+ Không tiếp xúc với các vị trí được niêm phong ở máy vi tính cho đến hết giờ thi. Không sao chép câu hỏi thi, đề thi dưới bất kỳ hình thức nào. Không sử dụng bất cứ một chương trình nào khác ngoài chương trình thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cài đặt trên máy vi tính trong thời gian thi kể cả để làm nháp bài thi.

Xem thêm tại Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 15/11/2017.

7. Bãi bỏ QCVN 5- 1:2017/BYT đối với các sản phẩm sa dạng lỏng từ 01/11/2017

Căn cứ Thông tư 36/2017/TT-BYT.

8. Từ 01/11/2017, phát wifi miễn phí, chất lượng tại sân bay

Đây là nội dung quan trọng nổi bật tại Thông tư 27/2017/TT-BGTVT, cụ thể doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhà ga hành khách có trách nhiệm bố trí hệ thống wifi miễn phí tại nhà ga hành khách có chất lượng, đảm bảo liên tục truy cập, kết nối, bên cạnh các trách nhiệm khác đã được quy định tại Thông tư 36/2014/TT-BGTVT.

9. Cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu được Chính phủ ban hành ngày 14/9/2017.

Theo đó, các hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh rượu bao gồm:

  • Bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet (quy định hiện hành cấm bán tất cả các sản phẩm rượu qua mạng mà không phân biệt độ cồn);
  • Bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán bằng máy bán hàng tự động;
  • Quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định;
  • Kinh doanh rượu không có Giấy phép kinh doanh hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép;
  • Cho thuê, cho mượn Giấy phép kinh doanh,…

10. Đổi mới điều kiện cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá

Nghị định 106/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá.

Theo đó, để được cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá (SPTL), thương nhân phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Được thành lập theo quy định pháp luật;
  • Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định;
  • Phù hợp với Quy hoạch hệ thống mạng lưới mua bán SPTL được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
  • Có văn bản giới thiệu của Nhà cung cấp SPTL hoặc của các thương nhân phân phối SPTL ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh (không cần hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp bán buôn SPTL như hiện nay).

Đồng thời, Nghị định 106/2017/NĐ-CP đã bãi bỏ điều kiện diện tích điểm kinh doanh thuốc lá phải từ 3m2 trở lên trong điều kiện cấp giấy phép.

Đối với Giấy phép bán lẻ SPTL được cấp theo Nghị định 67 vẫn tiếp tục duy trì hiệu lực đến khi hết thời hạn.

11. Các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội được Nhà nước khuyến khích thành lập

Ngày 12/9/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 103/2017/NĐ-CP về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý cơ sở trợ giúp xã hội.

Theo đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở trợ giúp xã hội để chăm sóc, trợ giúp các đối tượng có nhu cầu với các loại hình sau:

  • Cơ sở bảo trợ xã hội (CSBTXH) chăm sóc người cao tuổi;
  • Cơ sở bảo trợ xã hội (CSBTXH) chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;
  • CSBTXH chăm sóc người khuyết tật;
  • CSBTXH chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí;
  • CSBTXH tổng hợp thực hiện việc chăm sóc nhiều đối tượng bảo trợ xã hội hoặc đối tượng cần trợ giúp xã hội.
  • Trung tâm công tác xã hội thực hiện tư vấn, chăm sóc khẩn cấp hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho đối tượng cần trợ giúp xã hội;
  • Cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định.

12. Điều kiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Theo Thông tư 13/2017/TT-NHNN, từ 15/11, Ngân hàng Nhà nước sẽ công khai danh sách các ngân hàng thương mại đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Các ngân hàng này phải đáp ứng điều kiện gồm trong Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng; Không bị cấm thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong giai đoạn bị kiểm soát đặc biệt.

13. Điều kiện mới về tuyển sinh liên thông trình độ cao đẳng

Thông tư 27/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động thương binh và Xã hội có hiệu lực từ ngày 5/11 quy định một số điều kiện mới về liên thông đào tạo trình độ cao đẳng.

Cụ thể, điều kiện được đưa ra là người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương; người có bằng tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì phải bảo đảm đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; người có bằng tốt nghiệp cao đẳng, cao đẳng nghề có nhu cầu học liên thông để có bằng tốt nghiệp cao đẳng thứ hai.

Đánh giá bài viết
1 175
0 Bình luận
Sắp xếp theo