6 điểm mới của Luật Dân quân tự vệ sửa đổi

Luật Dân quân tự vệ sửa đổi gồm 8 Chương, 50 Điều đã được Quốc hội khóa XIV thông qua vào chiều 22/11/2019. Sau đây là một số điểm mới nổi bật của Luật dân quân tự vệ 2019, mời các bạn cùng theo dõi.

Dân quân tự vệ là gì?

Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh. Lực lượng này được tổ chức ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) gọi là dân quân; được tổ chức ở cơ quan của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ.

1. Thêm nhiều trường hợp tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ

Theo Luật Dân quân tự vệ 2009, các trường hợp tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ bao gồm:

- Phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi;

- Không đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở y tế cấp xã trở lên;

- Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong quân đội hoặc công an;

- Lao động chính duy nhất trong hộ nghèo;

- Người đang học ở trường phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng, cao đẳng nghề, đại học và học viện.

Tới Luật Dân quân tự vệ 2019, cụ thể Điều 11 đã bổ sung thêm 04 trường hợp:

- Nam giới một mình nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi;

- Có chồng hoặc vợ là công chức, viên chức, công nhân quốc phòng đang phục vụ trong quân đội, công an;

- Lao động chính duy nhất trong hộ cận nghèo, gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã/huyện nơi công dân cư trú hoặc làm việc xác nhận;

- Con duy nhất của thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam, đi-ô-xin suy giảm khả năng lao động từ 61 - 80%.

2. Trúng tuyển công chức được thôi nghĩa vụ trước thời hạn

Kế thừa các trường hợp được thôi nghĩa vụ trước thời hạn như trước đây (sức khỏe không đảm bảo hoặc hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn đột xuất), Luật Dân quân tự vệ mới đã có thêm nhiều trường hợp để phù hợp hơn với thực tiễn:

- Người có lệnh gọi nhập ngũ hoặc lệnh gọi thực hiện nghĩa vụ công an; người có quyết định tuyển dụng công chức, viên chức, công nhân quốc phòng hoặc công an nhân dân;

- Người có giấy báo nhập học vào các trường của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp; có giấy báo nhập học ở các trường hoặc đi lao động ở nước ngoài;

- Dân quân nữ có thai; dân quân tự vệ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi;

- Hết độ tuổi thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ.

3. 6 trường hợp đưa ra khỏi danh sách dân quân tự vệ

Pháp luật hiện hành không có bất cứ quy định nào xác định rõ đối tượng được đưa ra khỏi danh sách dân quân tự vệ. Do vậy, đây được coi là điểm mới đáng chú ý của Luật Dân quân tự vệ sửa đổi áp dụng từ ngày 01/7/2020.

Theo đó, một người được đưa ra khỏi danh sách dân quân tự vệ khi:

- Chết, mất tích;

- Bị kết án kể từ ngày bản án của Tòa án có hiệu lực;

- Bị kỷ luật đến mức tước danh hiệu Dân quân tự vệ;

- Bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;

- Nghiện ma túy theo xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

- Bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã.

4. Doanh nghiệp hoạt động 12 tháng trở lên được tổ chức đơn vị tự vệ

Khoản 2 Điều 17 Luật Dân quân tự vệ nêu rõ, doanh nghiệp được tự tổ chức đơn vị tự vệ khi đáp ứng đủ các điều kiện:

- Đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và sự chỉ huy của cơ quan quân sự địa phương các cấp;

- Đã hoạt động từ đủ 12 tháng trở lên;

- Có số người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên để tổ chức ít nhất 01 tiểu đội tự vệ;

- Theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, đề án và kế hoạch tổ chức dân quân tự vệ của địa phương.

5. Chỉ huy trưởng BCHQS cấp xã do công chức xã đảm nhiệm

Thay vì thành viên Ủy ban nhân dân cấp xã, Điều 20 Luật Dân quân tự vệ mới quy định cụ thể chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là công chức xã. Trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thì chức vụ này do sĩ quan quân đội đảm nhiệm.

Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã phải được đào tạo trình độ trung cấp ngành quân sự cơ sở trở lên và được phong quân hàm sĩ quan dự bị theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

6. Dân quân thường trực được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Đây là một trong những chính sách mới được bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng dân quân tự vệ trong tình hình mới, phù hợp với thực tế các địa phương đã và đang thực hiện.

Theo đó, từ 01/7/2020, dân quân thường trực sẽ được:

- Trợ cấp ngày công lao động;

- Bảo đảm tiền ăn (trước đây chỉ bố trí nơi ăn, nghỉ);

- Hưởng chế độ khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau hoặc ở nơi có yếu tố nguy hiểm, độc hại theo quy định của pháp luật lao động;

- Trợ cấp ngày công lao động tăng thêm trong trường hợp kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ.

- Hưởng trợ cấp 1 lần khi được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình;

- Hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội đang tại ngũ.

Đánh giá bài viết
1 124
0 Bình luận
Sắp xếp theo