10 thông tin quan trọng về các hạng giấy phép lái xe người dân nên biết

Các thông tin quan trọng về bằng lái xe 

Có thể nói, Giấy phép lái xe là một trong những vật bất ly thân của tài xế khi đi đường. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về Giấy phép lái xe mà mình đang sở hữu. Dưới đây là 10 thông tin cần biết về Giấy phép lái xe.

1/ Giấy phép lái xe là gì? Do cơ quan nào cấp?

Pháp luật không quy định cụ thể về khái niệm “Giấy phép lái xe”. Tuy nhiên, có thể hiểu Giấy phép lái xe là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền cấp cho một cá nhân cụ thể cho phép người đó được phép vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới các loại như xe máy, xe mô tô phân khối lớn, xe ô tô, xe tải, xe buýt, xe khách, xe container hoặc các loại hình xe khác trên các con đường công cộng.

Trong đó, căn cứ Điều 29 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép lái xe gồm:

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Cấp Giấy phép lái xe trong phạm vi cả nước.

- Sở Giao thông vận tải: Cấp Giấy phép lái xe trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2/ Giấy phép lái xe bao gồm những hạng nào?

Căn cứ Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, hiện nay tại Việt Nam có các hạng Giấy phép lái xe sau:

- Giấy phép lái xe hạng A1: Cấp người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 - dưới 175 cm3, xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật.

- Giấy phép lái xe hạng A2: Cấp người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.

- Giấy phép lái xe hạng A3: Cấp người điều khiển xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự.

- Giấy phép lái xe hạng A4: Cấp người điều khiển máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg.

- Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động: Cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển: Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe; ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg; ô tô dùng cho người khuyết tật.

- Giấy phép lái xe hạng B1: Cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển: Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe; ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg; máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.

- Giấy phép lái xe hạng B2: Cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển: Ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1.

- Giấy phép lái xe hạng C: Cấp cho người lái xe để điều khiển: Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên; máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2.

- Giấy phép lái xe hạng D: Cấp cho người lái xe để điều khiển: Ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2 và C.

- Giấy phép lái xe hạng E: Cấp cho người lái xe để điều khiển: Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và D.

- Giấy phép lái xe hạng F: Cấp cho người đã có giấy phép lái xe các hạng B2, C, D và E để điều khiển các loại xe ô tô tương ứng kéo rơ moóc có trọng tải thiết kế lớn hơn 750 kg, sơ mi rơ moóc, ô tô khách nối toa. Cụ thể:

+ Hạng FB2: Cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng B2 có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1 và hạng B2.

+ Hạng FC: cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng C có kéo rơ moóc, ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và hạng FB2.

+ Hạng FD: Cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng D có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D và FB2.

+ Hạng FE: Cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng E có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe: ô tô chở khách nối toa và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FD.

3/ Bao nhiêu tuổi được cấp Giấp phép lái xe?

Theo Điều 59 và Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, độ tuổi để được cấp Giấy phép lái xe được quy định như sau:

- Hạng A1, A2, A3, A4, B1, B2: Đủ 18 tuổi trở lên.

- Hạng C: Đủ 21 tuổi trở lên.

- Hạng D: Đủ 24 tuổi trở lên.

- Hạng E: Đủ 27 tuổi trở lên.

- Hạng FB2: Đủ 21 tuổi trở lên.

- Hạng FD: Đủ 27 tuổi trở lên.

- Hạng FE: Đủ 27 tuổi trở lên.

- Hạng FC: Đủ 24 tuổi trở lên.

4/ Thời hạn sử dụng của Giấy phép lái xe là bao lâu?

Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa bởi Thông tư 01/2021/TT-BGTVT đã chỉ rõ thời hạn của Giấy phép lái xe như sau:

- Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không có thời hạn.

- Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi (nữ) và đủ 60 tuổi (nam); trường hợp người lái xe trên 45 tuổi (nữ) và trên 50 tuổi (nam) thì Giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

- Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

- Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.

Thời hạn này được ghi trực tiếp trên Giấy phép lái xe được cấp cho người dân.

5/ Trường hợp nào phải đổi Giấy phép lái xe?

Việc đổi Giấy phép lái xe sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 37 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT. Theo đó, những trường hợp sau đây cần thực hiện thủ tục đổi Giấy phép lái xe:

- Khuyến khích đổi Giấy phép lái xe bằng giấy bìa sang Giấy phép lái xe bằng vật liệu PET.

- Người có Giấy phép lái xe có thời hạn thực hiện việc đổi giấy phép lái xe trước khi hết thời hạn sử dụng.

- Người có Giấy phép lái xe bị hỏng còn thời hạn sử dụng được đổi giấy phép lái xe.

- Người có Giấy phép lái xe hạng E đủ 55 tuổi (nam) và 50 tuổi (nữ), có nhu cầu tiếp tục lái xe, nếu đủ sức khỏe, được xét đổi giấy phép lái xe từ hạng D trở xuống.

- Trường hợp năm sinh, họ, tên, tên đệm ghi trên Giấy phép lái xe có sai lệch với Giấy chứng minh nhân dân (CMND) hoặc thẻ căn cước công dân (CCCD).

6/ Thủ tục đổi Giấy phép lái xe được thực hiện thế nào?

Căn cứ khoản 7 Điều 2 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT, thủ tục đổi Giấy phép lái xe thông thường do ngành Giao thông vận tải cấp được thực hiện như sau:

* Hồ sơ gồm:- Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe theo mẫu tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này.

- Giấy khám sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp, trừ các đối tượng sau:+ Người có giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3.

+ Người có nhu cầu tách giấy phép lái xe có thời hạn và không thời hạn.- Bản sao giấy phép lái xe, giấy CMND hoặc thẻ CCCD hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy CMND hoặc thẻ CCCD (người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).

* Nơi nộp: Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải ở bất cứ tỉnh, thành phố nào.* Hình thức nộp: Trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến 01 bộ hồ sơ.

- Nộp trực tiếp: Phải chụp ảnh trực tiếp tại cơ quan cấp giấy phép lái xe khi đến thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe và phải xuất trình bản chính các hồ sơ để đối chiếu

- Nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến: Kê khai theo hướng dẫn và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của nội dung đã kê khai; khi nhận giấy phép lái xe, phải nộp lại giấy phép lái xe cũ để lưu hồ sơ.

- Lệ phí: Theo Thông tư 188/2016/TT-BTC, lệ phí đổi giấy phép lái xe là 135.000 đồng/lần.* Thời gian giải quyết: Thời gian đổi giấy phép lái xe không quá 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định.

7/ Khi nào phải cấp lại Giấy phép lái xe?

Việc cấp lại Giấy phép lái xe được thực hiện trong các trường hợp được quy định tại Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT gồm:

- Giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng:

+ Từ 03 tháng đến dưới 01 năm, kể từ ngày hết hạn: Phải sát hạch lại lý thuyết.

+ Từ 01 năm trở lên, kể từ ngày hết hạn: Phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành.

Giấy phép lái xe bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 03 tháng.

8/ Thủ tục cấp lại Giấy phép lái xe mới nhất

Căn cứ Điều 36 Thông tư 02/2017, việc cấp lại Giấy phép lái xe được thực hiện như sau:

* Trường hợp giấy phép lái xe bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 03 tháng:

- Hồ sơ cần chuẩn bị:

+ Đơn đề nghị cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này.

+ Hồ sơ gốc phù hợp với giấy phép lái xe (nếu có).

+ Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ trường hợp cấp lại giấy phép lái xe không thời hạn các hạng A1, A2, A3.

+ Bản sao giấy CMND hoặc thẻ CCCD hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy CMND hoặc thẻ CCCD (người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (người nước ngoài, người Việt Nam định, cư ở nước ngoài).

- Nơi nộp: Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải.

Lưu ý: Gửi 01 bộ hồ sơ, chụp ảnh trực tiếp và xuất trình, bản chính các hồ sơ nêu trên (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu.

- Lệ phí: 135.000 đồng/lần ( theo Thông tư 188/2016/TT-BTC).

- Thời gian giải quyết: 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, chụp ảnh và nộp lệ phí.

* Trường hợp Giấy phép lái xe bị mất, quá thời hạn sử dụng từ 03 tháng trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch:

- Hồ sơ bao gồm:

- Giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng trên 03 tháng: Hồ sơ bao gồm:

+ Bản sao giấy CMND hoặc thẻ CCCD hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy CMND hoặc thẻ CCCD đối với người Việt Nam; hộ chiếu còn thời hạn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

+ Bản sao hộ chiếu còn thời hạn trên 06 tháng và thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài;

+ Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.

+ Đơn đề nghị cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này.

- Giấy phép lái xe bị mất quá hạn phải thi sát hạch:

+ Bản sao giấy CMND hoặc thẻ CCCD hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy CMND hoặc thẻ CCCD đối với người Việt Nam; hộ chiếu còn thời hạn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

+ Bản sao hộ chiếu còn thời hạn trên 06 tháng và thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài;

+ Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.

+ Đơn đề nghị cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này có ghi ngày tiếp nhận hồ sơ của cơ quan tiếp nhận.

+ Bản chính hồ sơ gốc của giấy phép lái xe bị mất (nếu có).

- Nơi nộp: Gửi trực tiếp 01 bộ hồ sơ tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải.

- Lệ phí:

+ Lệ phí cấp lại Giấy phép lái xe: 135.000 đồng/lần.

+ Phí sát hạch lái xe:

Đối với thi sát hạch lái xe máy (hạng xe A1, A2, A3, A4): Sát hạch lý thuyết: 40.000 đồng/lần;

Sát hạch thực hành: 50.000 đồng/lần.

Đối với thi sát hạch lái xe ô tô (hạng xe B1, B2, C, D, E, F): Sát hạch lý thuyết: 90.000 đồng/lần;

Sát hạch thực hành trong hình: 300.000 đồng/lần; Sát hạch thực hành trên đường giao thông công cộng: 60.000 đồng/lần.

- Thời gian giải quyết: Như trường hợp cấp mới.

9/ Không có Giấy phép lái xe bị phạt bao nhiêu tiền?

Theo Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt đối với người tham gia giao thông không có Giấy phép lái xe như sau:

- Phạt tiền từ 800.000 - 1,2 triệu đồng với người điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 (điểm a khoản 5).

- Phạt tiền từ 03 - 04 triệu đồng với người điều khiển xe máy có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên (điểm b khoản 7).

- Phạt tiền từ 04 - 06 triệu đồng với người điều khiển ô tô (điểm b khoản 8).

Tuy nhiên nếu có Giấy phép lái xe nhưng quên mang theo thì mức phạt đối với người vi phạm sẽ nhẹ hơn rất nhiều. Cụ thể:

- Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng: Đối với xe mô tô và các loại xe tương tự.

- Phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng: Đối với xe ô tô, máy kéo và các loại tương tự.

Có thể thấy, mức phạt đối với hành vi “không có” cao hơn gấp nhiều lần hành vi “quên mang” Giấy phép lái xe.

10/ Một số lỗi bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe

Dưới đây là một số lỗi bị tước giấy phép lái xe của ô tô, xe máy được thực hiện theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP:

Xe máy:

STT

Lỗi

Thời hạn tước

1

Chở theo từ 03 người trở lên trên xe

01 - 03 tháng

2

Điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn

3

Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển

4

Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ

5

Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông

6

Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông

7

Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính

8

Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”

9

Điều khiển xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép

10

Điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông

* Ô tô:

STT

Lỗi

Thời hạn tước

1

Điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn

01 - 03 tháng

2

Điều khiển xe ô tô kéo theo xe khác, vật khác (trừ trường hợp kéo theo một rơ moóc, sơ mi rơ moóc hoặc một xe ô tô, xe máy chuyên dùng khác khi xe này không tự chạy được); điều khiển xe ô tô đẩy xe khác, vật khác; điều khiển xe kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc kéo thêm rơ moóc hoặc xe khác, vật khác; không nối chắc chắn, an toàn giữa xe kéo và xe được kéo khi kéo nhau

3

Chở người trên xe được kéo, trừ người điều khiển

4

Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường

5

Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 20
0 Bình luận
Sắp xếp theo