Đề thi văn Chuyên sư phạm 2022

Đề thi chuyên Văn Sư phạm 2022 - Nhằm giúp các bạn học sinh có thêm tài liệu tham khảo ôn thi vào lớp 10 trường chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc bộ đề thi vào lớp 10 chuyên Sư phạm bao gồm đề Văn chuyên Đại học Sư phạm các năm giúp các em nắm được cấu trúc đề thi vào lớp 10 chuyên sư phạm cũng như nắm được các tác phẩm đã thi để sơ lược lại kiến thức trọng tâm môn Văn vào lớp 10.

1. Đề thi môn Văn chuyên vào lớp 10 năm 2022 Sư phạm

ĐỀ CHÍNH THỨC

(Đề thi gồm có 01 trang) ĐỀ THI TUYÊN SINH VÀO TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN NĂM 2022

Môn thi: Ngữ văn (Dùng riêng cho thí sinh thi vào lớp chuyên Văn)

Thời gian làm bài: 120 phút

Câu 1. (4.0 điểm)

Những con người đã không yêu quê mình thì khi đến nơi khác, họ dám phá sạch.

(Khương Nhung, Tô tem sói, NXB Công an Nhân dân, 2007, tr.312, Trần Đình Hiến).

Trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.

Câu 2. (6.0 điểm)

Lão hạc (truyện ngắn Lão Hạc - Nam Cao), khi bán con chó vàng, “cười như mếu và đôi mắt ầng ậc nước” và nói rằng: “tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó". Hình như cũng biết vợ ông giáo không ưng giúp mình, lão “từ chối tất cả những gì tôi cho lão. Lão từ chối một cách gần như là hách dịch. Và lão cứ xa tôi dần dần.”

Ông Hai (truyện ngắn Làng - Kim Lân) khi đi tản cư, nghe tin đồn cả làng Chợ Dầu của mình “thành Việt gian theo Tây” thì tâm trạng thật nặng nề, thấy “tủi thân”, “trằn trọc không sao ngủ được”, “không bước chân ra đến ngoài, lảng tránh mọi người,... Khi cái tin đồn ấy được “cải chính”, “cái mặt buồn thiu mọi ngày bống tươi vui, rạng rỡ hẳn lên”, ông “lật đật” đi từ nhà này sang nhà khác, “cứ múa tay lên mà khoe cái tin ấy với mọi người”, “Tối hôm ấy, ông Hai lại sang bên gian bác Thứ, lại ngồi trên chiếc chõng tre, vén quần lên tận bẹn mà nói chuyện về cái làng của ông”.

Trình bày cảm nhận về nhân vật lão Hạc và nhân vật ông Hai qua các chi tiết trên. Hãy lí giải điểm chung và điểm riêng của các nhân vật.

2. Đề thi chuyên Sư phạm 2022 môn Văn

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐỀ CHÍNH THỨC

(Đề thi gồm có 02 trang) ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN NĂM 2022

Môn thi: Ngữ văn (Dùng cho mọi thí sinh)

Thời gian làm bài: 90 phút

Câu 1. (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

“Sự hi sinh thời gian sống của thế hệ đi trước là để thể hệ mới, khi bước vào thế kỉ hai mốt, biết dùng thời gian của đời mình một cách có ích nhất, một cách phong phú nhất. Đó không đơn giản là dùng thời gian làm việc hay thời gian chơi, thời gian nghỉ ngơi, mà đó là dùng một thời-gian-tổng-hợp, một thời gian sống sáng tạo và hồn nhiên. Tri thức về thế giới đưa lại những kĩ năng để sáng tạo, còn tri thức về chính bản thân mình đưa lại sự hồn nhiên cho sáng tạo. Con người khi càng tự hiểu mình, thì càng sống hồn nhiên hơn, và sống với nhiều ý tưởng mới, ý tưởng sáng tạo hơn. Những cơ hội của thế kỉ hai mốt mở ra cho cuộc sống sáng tạo và hồn nhiên của con người là rất lớn và rất không đồng đều. Sự không đồng đều ấy có trong một cộng đồng người và có trên toàn thế giới. Làm sao để khắc phục nó là chuyện không đơn giản. Nhưng tất cả lại có một xuất phát giống nhau để tìm đến cơ hội phát triển: đó là sự ý thức, ở đây là tự ý thức về thời gian của riêng mình, thời gian sống của mình trên cõi đời"

(Trích Một cảm xúc thời gian, in trong Mãi mãi là bí mật, Thanh Thảo, NXB Lao động, 2004, tr.388 - 389)

a. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

b. Theo tác giả, lợi ích của việc con người tự hiểu mình là gì?

c. Chỉ ra và nêu tác dụng của cách diễn đạt trong câu: “Đó không đơn giản là dùng thời gian làm việc hay thời gian chơi, thời gian nghỉ ngơi, mà đó là dùng một thời-gian-tổng-hợp, một thời gian sống sáng tạo và hồn nhiên."

d. Viết một đoạn văn (khoảng 10 câu) trình bày suy nghĩ của em về lời nhắn nhủ: “Sự hi sinh thời gian sống của thế hệ đi trước là để thế hệ mới, khi bước vào thế kỉ hai mốt, biết dùng thời gian của đời mình một cách có ích nhất, một cách phong phú nhất.

Câu 2. (6.0 điểm)

Viết bài văn trình bày cảm nhận về những đức tính cao đẹp của “người đồng mình” và mong ước của người cha qua lời tâm tình với con trong đoạn thơ sau: .

Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.

(Trích Nói với con, Y Phương, Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr.72 - 73)

3. Đề thi vào lớp 10 THPT Chuyên Sư phạm - môn Văn chung 2021

ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN NĂM 2021

Môn thi: NGỮ VĂN

(Dùng cho mọi thí sinh thi vào trường chuyên)

Thời gian làm bài: 90 phút (không kể thời gian phát đề)

Câu 1 (3,5 điểm)

Đọc văn bản sau đây rồi thực hiện các yêu cầu:

Giải trí một cách điều độ thì lành mạnh, và đáng tuyên dương, nhưng giải trí quá độ có thể làm hại bản chất con người, và là một việc cần cảnh giác để phòng. Câu châm ngôn “Chỉ làm mà không chơi khiến Jack khù khờ” rất thường được trích dẫn, nhưng chỉ chơi mà không làm còn khiến người ta tệ hơn rất nhiều. Không gì hủy hoại một người trẻ tuổi hơn việc để tâm hồn họ ngập trong lạc thú. Những phẩm chất tốt đẹp nhất trong trí óc anh ta bị hư hỏng; những hưởng thụ tầm thường trở nên nhạt nhẽo; và sự ham thích niềm vui thanh cao hơn sẽ mất đi; và khi họ phải đối diện công việc và các trách nhiệm trong cuộc sống, kết quả thường là chán ghét và cay đắng. Kẻ trác táng hoang phí và vắt kiệt mọi sức mạnh của cuộc sống, làm khô cạn mọi cội nguồn của hạnh phúc đích thực. Sau khi ngăn chặn nguồn động lực, họ chăng tạo ra sự tăng trưởng lành mạnh nào cho tính cách cũng như trí tuệ.”

(Samuel Smiles, Tinh thần tự lực, Phạm Viêm Phương dịch, NXB Tổng hợp TP HCM, 2021, tr.333- 334).

a (0,5 điểm): Theo em, tác giả văn bản trên có phải là người cực đoan khi phê phán giải trí, một nhu cầu tất yếu của con người?

b (1,0 điểm): Tìm và chỉ ra hiệu quả của một biện pháp tu từ trong câu văn: “Kẻ trác táng hoang phí và vắt kiệt mọi sức mạnh của cuộc sống, làm khô cạn mọi cội nguồn của hạnh phúc đích thực”.

c (2,0 điểm): Hãy viết đoạn văn (không quá một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về tác hại của một hình thức giải trí quá độ” mà không ít bạn học sinh mắc phải trong mùa dịch Covid-19.

Câu 2 (6,5 điểm)

Với truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, nhà văn Nguyễn Thành Long đã đem đến cho bạn đọc một vẻ đẹp bình dị mà cao cả nơi Sa Pa “lặng lẽ”.

Hãy viết bài văn (khoảng 4 trang giấy thi) phân tích nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng trong tác phẩm này (theo SGK Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020) để làm sáng tỏ ý kiến trên.

4. Đáp án đề thi vào lớp 10 THPT Chuyên Sư phạm - môn Văn chung 2021

Câu 1: Cách giải:

Học sinh dựa vào bài đọc trình bày quan điểm của mình, lý giải.

Gợi ý:

a. Tác giả không hề cực đoan khi phê phán giải trí. Bởi lẽ tác giả không hề phủ định sạch trơn tác dụng của giải trí. Tác giả đang nói đến tác hại của giải trí ở khía cạnh quá độ.

b. Học sinh tìm và nêu 01 biện pháp tu từ có trong câu văn “Kẻ trác táng hoang phí và vắt kiệt mọi sức mạnh của cuộc sống, làm khô cạn cội nguồn của hạnh phúc đích thực” sử dụng biện pháp liệt kê.

Tác dụng

+ Tạo điểm nhấn cho đoạn văn, tăng sức gợi hình gợi cảm.

+ Nhấn mạnh tác hại của việc giải trí quá độ khi con người ngập tràn trong lạc thú.

c. Học sinh có thể trình bày bất kì hình thức giải trí quá độ nào và nêu lên quan điểm về nó.

Gợi ý: Chơi game, nghiện game.

1. Mở đoạn:

Giới thiệu vấn đề cần bàn luận: Tác hại của việc chơi game quá nhiều.

2. Thân đoạn:

- Giải trí quá độ: Giải trí là nhu cầu của mỗi con người nó khiến con người thư giãn hơn sau những giờ làm việc, học tập mệt mỏi. Nhưng giải trí quá độ nghĩa là biến các công việc giải trí trở thành công việc chính chứ không còn là việc giải trí nữa, tập trung quá nhiều thời gian và nó mà quên đi thế giới bên ngoài mà việc nghiện game của một số bạn trẻ ngày nay là một ví dụ .

- Nghiện game khiến các bạn trẻ sao nhãng việc học tập, công việc. Gây hậu quả xấu, không tốt cho cuộc sống, thậm chí ảnh hưởng tới tương lai của các bạn sau này.

- Nghiện game dẫn đến lối sống xa rời thực tế, chìm đắm trong thế giới ảo mà quên mất những giá trị đích thực của cuộc sống.

- Nghiện game dẫn đến tha hóa con người, con người trở nên trì trệ, ngại giao tiếp, dân sống khép mình với cuộc sống.

- Tuy nhiên chúng ta cũng không phủ nhận tuyệt đối những lợi ích mà việc chơi game mang lại. Điều quan trọng chúng ta phải biết tự làm chủ bản thân biết sử dụng hình thức giải trí đúng lúc, đúng mục đích để đạt được hiệu quả cao nhất.

Học sinh chú ý đưa ra các dẫn chứng xác thực để chứng minh.

3. Kết đoạn: Tổng kết, kết thúc vấn đề.

Câu 2:

1. Mở bài

- Giới thiệu vài nét về tác giả Nguyễn Thành Long và truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa: + Nguyễn Thành Long (1925 - 1991) là cây bút chuyên viết về truyện ngắn và ký từ thời kì kháng chiến chống Pháp với lối viết nhẹ nhàng gợi cảm đầy chất thơ.

+ Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa (1970) ra đời sau chuyến đi thực tế Lào Cai, tiêu biểu cho phong cách Nguyễn Thành Long.

+ Truyện ngắn Lặng lẽ SaPa , nhà văn Nguyễn Thành Long đã đem đến cho bạn đọc một vẻ đẹp bình dị mà cao cả nơi SaPa “lặng lẽ

- Nêu vấn đề nghị luận: Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”.

+ Nhân vật anh thanh niên đang làm nhiệm vụ khí tượng là nhân vật trung tâm của truyện, là một trong những biểu tượng của người lao động xây dựng đất nước sau chiến tranh.

2. Thân bài

a. Phân tích nhân vật anh thanh niên

- Hoàn cảnh sống và làm việc:

+ Anh sống trên trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 m, làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu, quanh năm sống với hoa cỏ.

+ Công việc thực hiện trong điều kiện thời tiết khó khăn, thử thách với mưa sương gió lạnh: đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dựa vào công việc dự báo trước hằng ngày, phục vụ sản xuất và chiến đấu.

+ Công việc đòi hỏi tỉ mỉ, chính xác cũng như tinh thần trách nhiệm cao (nửa đêm đi ốp dù trời mưa tuyết, giá lạnh)

-> Cuộc sống thiếu thốn, khổ cực, cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng chỉ sống trên đỉnh núi một mình.

- Vượt lên hoàn cảnh sống khắc nghiệt, anh có suy nghĩ rất đẹp:

+ Với công việc khắc nghiệt gian khổ, anh luôn yêu và mong muốn được làm việc ở điều kiện lý tưởng (định cao 3000 m).

+ Anh có những suy nghĩ đúng đắn, sâu sắc về cuộc sống con người: “khi ta làm việc, ta với công việc là một, sao lại gọi là một mình được”.

+ Anh thấu hiểu nỗi vất vả của đồng nghiệp

+ Quan niệm về hạnh phúc của anh thật đơn giản và tốt đẹp.

- Hành động, việc làm đẹp:

+ Anh luôn tự giác hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao dù chỉ có một mình không ai giám sát:

+ Nửa đêm đúng giờ ốp dù mưa gió thế nào cũng trở dậy ra ngoài trời làm việc một cách đều đặn và chính xác 4 lần trong một ngày.

+ Chủ động trong công việc và cuộc sống

->Công việc là niềm đam mê, công việc của anh dù thầm lặng ít người biết đến nhưng anh vẫn rất yêu công việc.

- Phong cách sống cao đẹp:

+ Tự sắp xếp công việc, cuộc sống của mình ở trạm một cách ngăn nắp +Yêu thiên nhiên: có vườn rau xanh, có đàn gà đẻ trứng, có vườn hoa rực rỡ...

+ Yêu con người: Cởi mở chân thành với khách, quý trọng tình cảm của mọi người

+ Khiêm tốn, thành thực cảm thấy công việc của mình có những đóng góp chỉ là nhỏ bé.

+ Tự giác, tự nguyện với công việc, hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.

+ Chủ động trong công việc thực hiện, lối sống khoa học, nề nếp.

=> Những phẩm chất của anh thanh niên là đại diện cho những người lao động nhiệt huyết, trung thực, giản dị, khiêm tốn, âm thâm và luôn cống hiến vì Tổ quốc.

b. Từ nhân vật anh thanh niên nêu lên ý nghĩa, tư tưởng của tác phẩm: Truyện ngắn Lặng lẽ SaPa, nhà văn Nguyễn Thành Long đã đem đến cho bạn đọc một vẻ đẹp bình dị mà cao cả nơi SaPa “lặng lẽ”.

- Ngợi ca những con người lao động, hi sinh thầm lặng để cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước.

- Cuộc sống lao động giản dị nhưng cao đẹp ấy sẽ góp phần tạo nên vẻ đẹp tâm hồn trong mỗi con người.

->Anh thanh niên là đại diện tiêu biểu cho những con người yêu nghề, yêu đời, sống hết mình, cống hiến vì đất nước một cách thầm lặng.

3. Kết bài

Khái quát những phẩm chất, tính cách, công việc của anh thanh niên, ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm thể hiện qua nhân vật và cảm nhận của bản thân.

5. Đề thi Văn chuyên Sư phạm 2020

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐỀ CHÍNH THỨC

ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN NĂM 2020

NĂM HỌC: 2020 - 2021

Môn: Ngữ Văn

Câu 1. (2 điểm)

Đọc đoạn văn bản dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường.

Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

[...] Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.”

(Thanh Tịnh, trích Tôi đi học, dẫn theo Ngữ văn 8, Tập Một, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2019)

a. Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích.

b. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ trong câu văn được gạch chân.

c. Nêu tác dụng của dấu hai chấm (:) trong câu văn cuối đoạn trích.

Câu 2. (2 điểm)

Mỗi người đều tự viết nên câu chuyện đời mình.

(Theo Đoàn Công Lê Huy, Tôi muốn hỏi em: Về sau thế nào?)

Lấy câu trên làm câu chủ đề, hãy viết một đoạn văn nghị luận theo phép lập luận diễn dịch (khoảng 12 câu) trình bày suy nghĩ của em.

Câu 3. (6 điểm)

Cảm nhận của em về “khúc tráng ca, ca ngợi con người trong lao động” (lời nhà thơ Huy Cận, dẫn theo Nhà văn nói về tác phẩm, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1994) thể hiện qua 4 khổ thơ dưới đây:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa.

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,

Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

[...] Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng,

Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

[...] Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.

Vẩy bạc đuôi vàng loé rạng đông,

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

Câu hát căng buồm với gió khơi,

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.

Mặt trời đội biển nhô màu mới,

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

(Huy Cận, trích Đoàn thuyền đánh cá, dẫn theo Ngữ văn 9, Tập Một, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2019)

6. Đề thi Văn chuyên Sư phạm 2019

ĐỀ CHÍNH THỨC ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN 2019

Môn thi: Ngữ văn (dùng cho mọi thi sinh thi vào Trường Chuyên)

Thời gian làm bài: 120 phút

Câu 1.

"Tôi qua A Sao vào cuối mùa xuân. Miền Tây xa xôi đang trải qua những tháng ngày tương đối yên tĩnh sau khi căn cứ địch bị quét khỏi thung lũng. Trong lúc A Pách lúi húi nhóm bếp để làm thêm thức ăn, tôi ngồi tựa nửa người trên võng, hai tay vòng dưới gáy, yên lặng ngắm vẻ đẹp của rừng từng trải rộng chung quanh. Rừng thoáng, nhẹ nhõm, mặt đất sạch quang như có người quét tước, những đám rêu xanh lục trải rộng mịn như nhung, trên đó hơi ẩm kết những hạt cườm tấm mưa bụi mát rượi. Không có gió nhưng rừng tùng vẫn reo mơ hồ, như mạch suối ngầm mùa xuân, như điệu nhạc khèn bát ngát của sơn nhân vắng lại từ núi cao. Tâm hồn tôi tự buông thả trong một trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn. Tôi nhắm mắt để nhìn thấy tỏa ra cái vừng sáng dịu dàng của giấc mơ nhẹ, nghe trong tiếng hát kia của loại tùng bách một điều gì đấy thật xa xôi, như là thuộc về muôn đời. Con chim gõ kiến ấn sĩ vẫn gõ đều nhịp thời gian, tiếng trầm và đục, trên một cây tùng nào đó."

(Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đời rừng trong Ai đã đặt tên cho dòng sông, NXB Kim Đồng, 1999, tr. 30-31).

a. Trong đoạn văn bản trên, tác giả đã kết hợp những phương thức biểu đạt nào?

b. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: “Không có gió nhưng rừng tùng vẫn reo mơ hồ, như mạch suối ngầm mùa xuân, như điệu nhạc khèn bát ngát của sơn nhân vắng lại từ núi cao.”

Câu 2.

“...Đất là Mẹ. Điều gì xảy ra với đất đai tức là xảy ra đối với những đứa con của Đất."

(Trích Bức thư của thủ lĩnh da đỏ, dẫn theo SGK Ngữ văn 6, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr.138)

Viết một đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 12 câu) theo cách lập luận quy nạp trình bày suy nghĩ của em về những điều câu văn trên gợi ra.

Câu 3.

Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa

Tu hú kêu trên những cánh đồng xa

Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?

Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.

Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!

Mẹ cùng cha công tác bận không về,

Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,

Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,

Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,

Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,

Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?

Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi

Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh

Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:

“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,

Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”

[....]

Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,

Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:

- Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?...

(Bằng Việt, Bếp lửa, SGK Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam 2017, tr. 144 145)

Cảm nhận của em về ba khổ thơ trên.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 3.844
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm