Nghị định 163/2024/NĐ-CP về thi hành Luật Viễn thông
Nghị định số 163 2024 của Chính phủ
- Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
- Chương II. KINH DOANH DỊCH VỤ VIỄN THÔNG
- Mục 1. SỞ HỮU TRONG KINH DOANH DỊCH VỤ VIỄN THÔNG
- Điều 3. Sở hữu trong kinh doanh dịch vụ viễn thông
- Mục 2. THIẾT LẬP MẠNG VÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG
- Điều 4. Thiết lập mạng viễn thông
- Điều 5. Phân loại dịch vụ viễn thông
- Điều 6. Thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý
- Điều 7. Doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý
- Điều 8. Cung cấp dịch vụ viễn thông
- Điều 9. Bán lại dịch vụ viễn thông
- Điều 10. Doanh thu dịch vụ viễn thông
- Điều 11. Quản lý, sử dụng thẻ trả trước dịch vụ viễn thông di động và tài khoản SIM di động
- Điều 12. Chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số thuê bao viễn thông
- Điều 13. Thủ tục ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông
- Điều 14. Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh dịch vụ viễn thông
- Điều 15. Bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động viễn thông
- Mục 3. XÁC THỰC, LƯU GIỮ, SỬ DỤNG THÔNG TIN THUÊ BAO DI ĐỘNG MẶT ĐẤT VÀ XỬ LÝ SIM DI ĐỘNG MẶT ĐẤT CÓ THÔNG TIN THUÊ BAO KHÔNG ĐÚNG QUY ĐỊNH
- Điều 16. Các hình thức đăng ký thông tin thuê bao di động mặt đất
- Điều 17. Giấy tờ sử dụng để đăng ký thông tin thuê bao di động mặt đất
- Điều 18. Xác thực thông tin thuê bao di động mặt đất
- Điều 19. Thông tin thuê bao di động mặt đất
- Điều 20. Cung cấp dịch vụ viễn thông cho thuê bao di động mặt đất sau khi đăng ký thông tin thuê bao
- Điều 21. Đăng ký thông tin thuê bao di động mặt đất đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng viễn thông di động
- Điều 22. Lưu giữ thông tin thuê bao di động mặt đất
- Điều 23. Sử dụng thông tin thuê bao di động mặt đất
- Điều 24. Trách nhiệm của thuê bao di động mặt đất
- Điều 25. Trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong việc xử lý thuê bao có thông tin thuê bao di động mặt đất không đúng quy định
- Mục 4. CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CƠ BẢN TRÊN INTERNET VÀ DỊCH VỤ TRUNG TÂM DỮ LIỆU, DỊCH VỤ ĐIỆN TOÁN ĐÁM MÂY
- Điều 26. Đăng ký, lưu trữ, quản lý thông tin người sử dụng dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet
- Điều 27. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam
- Điều 28. Đăng ký, lưu trữ, quản lý thông tin người sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây
- Điều 29. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam
- Điều 30. Cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây trong hoạt động của cơ quan nhà nước
- Chương III. GIẤY PHÉP VIỄN THÔNG
- Điều 31. Vốn điều lệ và điều kiện về triển khai mạng viễn thông để thiết lập mạng viễn thông công cộng cố định mặt đất
- Điều 32. Vốn điều lệ và điều kiện về triển khai mạng viễn thông để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất
- Điều 33. Vốn điều lệ và điều kiện về triển khai mạng viễn thông để thiết lập mạng viễn thông công cộng cố định vệ tinh và di động vệ tinh
- Điều 34. Xác định đáp ứng quy định về vốn đầu tư trọng điều kiện về triển khai mạng viễn thông
- Điều 35. Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
- Điều 36. Trường hợp sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
- Điều 37. Thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
- Điều 38. Gia hạn giấy phép viễn thông
- Điều 39. Cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
- Điều 40. Cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển
Ngày 24/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 163/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông.
Theo Nghị định số 163/2024/NĐ-CP ngày 24/12/2024, thông tin thuê bao di động mặt đất chỉ được đăng ký theo một trong các hình thức sau:
1. Trực tiếp tại điểm do chính doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di dộng mặt đất trực tiếp sở hữu, thiết lập (có địa chỉ xác định hoặc lưu động).
2. Trực tiếp tại các điểm có địa chỉ xác định do doanh nghiệp khác thiết lập, được doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất ký hợp đồng ủy quyền để thực hiện việc đãng ký thông tin thuê bao.
3. Trực tuyến thông qua sử dụng ứng dụng của chính doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sở hữu...
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 163/2024/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2024 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT VIỄN THÔNG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 24 tháng 11 năm 2023;
Căn cứ Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện ngày 09 tháng 11 năm 2022;
Căn cứ Luật Phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông.
Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định chi tiết khoản 8 Điều 5; khoản 3 Điều 11; điểm h, k và m khoản 2 Điều 13; điểm d khoản 4 Điều 13; khoản 1 Điều 17; khoản 6 Điều 19; khoản 6 Điều 20; khoản 4 Điều 21; điểm b khoản 2 Điều 22; khoản 4 Điều 23; điểm d khoản 2 và khoản 3 Điều 28; điểm h khoản 2 và khoản 5 Điều 29; khoản 5 Điều 33; điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 36; điểm b khoản 2 Điều 39; khoản 3 Điều 41; khoản 4 Điều 47; khoản 4 Điều 61; khoản 3 Điều 63; khoản 10 Điều 65 của Luật Viễn thông đối với các hoạt động viễn thông sau đây:
a) Kinh doanh dịch vụ viễn thông;
b) Giấy phép viễn thông;
c) Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động;
d) Công trình viễn thông.
2. Các biện pháp thi hành Luật Viễn thông bao gồm:
a) Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh dịch vụ viễn thông;
b) Phí quyền hoạt động viễn thông;
c) Quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng viễn thông.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động viễn thông tại Việt Nam.
Chương II. KINH DOANH DỊCH VỤ VIỄN THÔNG
Mục 1. SỞ HỮU TRONG KINH DOANH DỊCH VỤ VIỄN THÔNG
Điều 3. Sở hữu trong kinh doanh dịch vụ viễn thông
1. Một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc danh mục dịch vụ viễn thông áp dụng quy định về sở hữu trong kinh doanh dịch vụ viễn thông theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông thuộc danh mục dịch vụ viễn thông quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) khi có thay đổi trong danh sách tổ chức, cá nhân sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp.
Mục 2. THIẾT LẬP MẠNG VÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG
Điều 4. Thiết lập mạng viễn thông
1. Thiết lập mạng viễn thông là việc đầu tư và lắp đặt thiết bị viễn thông, hệ thống thiết bị viễn thông, đường truyền dẫn để hình thành mạng viễn thông.
2. Mạng viễn thông công cộng bao gồm:
a) Mạng viễn thông cố định mặt đất;
b) Mạng viễn thông cố định vệ tinh;
c) Mạng viễn thông di động mặt đất;
d) Mạng viễn thông di động vệ tinh;
đ) Các mạng viễn thông công cộng khác do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.
3. Mạng viễn thông dùng riêng quy định tại điểm b khoản 5 Điều 19 Luật Viễn thông bao gồm mạng viễn thông dùng riêng sử dụng đường truyền dẫn hữu tuyến thuê của doanh nghiệp viễn thông và có các thành viên của mạng thuộc các cơ quan, tổ chức khác nhau.
4. Mạng viễn thông dùng riêng quy định tại điểm d khoản 5 Điều 19 Luật Viễn thông bao gồm mạng viễn thông dùng riêng sử dụng băng tần số vô tuyến điện được cấp phép cho chủ mạng và mạng viễn thông dùng riêng sử dụng đường truyền dẫn vệ tinh.
Điều 5. Phân loại dịch vụ viễn thông
1. Dịch vụ viễn thông cơ bản bao gồm:
a) Dịch vụ thoại;
b) Dịch vụ nhắn tin;
c) Dịch vụ fax;
d) Dịch vụ hội nghị truyền hình;
đ) Dịch vụ kênh thuê riêng;
e) Dịch vụ truyền số liệu;
g) Dịch vụ truyền dẫn cho phát thanh, truyền hình;
h) Dịch vụ truyền dẫn cho kết nối máy tới máy;
i) Dịch vụ mạng riêng ảo;
k) Dịch vụ kết nối Internet;
l) Dịch vụ cho thuê toàn bộ hoặc một phần mạng viễn thông;
m) Dịch vụ viễn thông cộng thêm của dịch vụ viễn thông cơ bản là dịch vụ tăng thêm tính năng, tiện ích cho người sử dụng dịch vụ viễn thông, là một phần không tách rời và được cung cấp cùng với các dịch vụ viễn thông cơ bản;
n) Các dịch vụ viễn thông cơ bản khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng bao gồm:
a) Dịch vụ thư điện tử;
b) Dịch vụ thư thoại;
c) Dịch vụ fax gia tăng giá trị;
d) Dịch vụ truy nhập Internet;
đ) Dịch vụ trung tâm dữ liệu;
e) Dịch vụ điện toán đám mây;
g) Dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet;
h) Các dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
3. Trên cơ sở đặc điểm công nghệ, phương thức truyền dẫn, phạm vi liên lạc, hình thức cung cấp dịch vụ, hình thức thanh toán giá dịch vụ, dịch vụ viễn thông quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều này có thể được phân ra chi tiết hoặc kết hợp với nhau thành các loại hình dịch vụ cụ thể gắn với các yếu tố nêu trên.
4. Căn cứ phân loại dịch vụ quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này, tình hình phát triển thị trường và chính sách quản lý viễn thông trong từng thời kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành danh mục dịch vụ viễn thông.
Điều 6. Thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý
Thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý là các thị trường dịch vụ viễn thông thỏa mãn đồng thời các tiêu chí sau:
1. Thị trường dịch vụ viễn thông mà doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ phải được cấp phép theo quy định của pháp luật về viễn thông.
2. Chỉ số đo mức độ tập trung của thị trường trên 1800.
Chỉ số đo mức độ tập trung của thị trường được tính bằng tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp viễn thông tham gia cung cấp dịch vụ trên thị trường dịch vụ viễn thông đó và được tính theo công thức sau:
Tổng bình phương mức thị phần = S12 + S22 + ... S(n)2
Trong đó: S1,.. S(n) là mức thị phần tương ứng của doanh nghiệp thứ 1 đến doanh nghiệp thứ n.
3. Tỷ trọng doanh thu dịch vụ chiếm từ 10% trở lên trên tổng doanh thu các dịch vụ viễn thông của toàn thị trường.
Điều 7. Doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý
1. Thị phần của doanh nghiệp trên thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý được xác định theo tỷ lệ phần trăm của một trong các yếu tố sau của doanh nghiệp: doanh thu dịch vụ viễn thông, số lượng thuê bao viễn thông phát sinh lưu lượng hoặc số lượng đơn vị dịch vụ bán ra khác trên tổng doanh thu dịch vụ viễn thông, tổng số lượng thuê bao viễn thông phát sinh lưu lượng hoặc tổng số lượng đơn vị dịch vụ bán ra khác của các doanh nghiệp trên thị trường dịch vụ viễn thông đó.
2. Doanh nghiệp viễn thông được xác định có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên hoặc có sức mạnh thị trường đáng kể trên thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý theo quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Doanh nghiệp viễn thông được xác định có sức mạnh thị trường đáng kể trên thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý nếu có thị phần từ 10% đến dưới 30% trên thị trường dịch vụ viễn thông đó và thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Có tổng tài sản ghi tại bảng cân đối kế toán trong hệ thống báo cáo tài chính của năm kế trước chiếm từ 30% trở lên trên tổng tài sản trong báo cáo tài chính của năm kế trước của các doanh nghiệp viễn thông trên thị trường dịch vụ viễn thông đó;
b) Có dung lượng đường trục Bắc Nam chiếm từ 30% trở lên trên tổng dung lượng đường trục Bắc Nam của các doanh nghiệp viễn thông tham gia thị trường dịch vụ viễn thông đó;
Dung lượng đường trục Bắc Nam là dung lượng thiết kế của đường truyền dẫn viễn thông hữu tuyến đi qua đồng thời 3 địa điểm là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
c) Đối với thị trường dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông di động mặt đất (sau đây gọi là dịch vụ viễn thông di động mặt đất), ngoài các tiêu chí quy định tại điểm a, điểm b khoản này, doanh nghiệp còn được xác định có sức mạnh thị trường đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Có số lượng điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có địa chỉ xác định do chính doanh nghiệp sở hữu, thiết lập chiếm từ 30% trở lên trên tổng số lượng điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có địa chỉ xác định của các doanh nghiệp viễn thông tham gia thị trường dịch vụ viễn thông di động mặt đất;
Có tỷ lệ phần trăm dân số được phủ sóng mạng viễn thông di động mặt đất của doanh nghiệp chiếm từ 90% tổng dân số cả nước trở lên.
Điều 8. Cung cấp dịch vụ viễn thông
1. Cung cấp dịch vụ viễn thông là việc sử dụng thiết bị, thiết lập hệ thống thiết bị viễn thông tại Việt Nam để thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình khởi phát, xử lý, lưu trữ, truy xuất, chuyển tiếp, định tuyến, kết cuối thông tin hoặc bán lại dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông thông qua việc giao kết hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp viễn thông nhằm mục đích sinh lợi.
2. Trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác, việc cung cấp dịch vụ viễn thông (không bao gồm dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet) qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, trong đó bao gồm dịch vụ viễn thông có phạm vi liên lạc quốc tế.
Trường hợp cung cấp dịch vụ viễn thông qua mạng viễn thông cố định vệ tinh, mạng viễn thông di động vệ tinh, doanh nghiệp viễn thông tham gia thỏa thuận thương mại với tổ chức nước ngoài phải có phương án để tất cả lưu lượng do các thiết bị đầu cuối thuê bao vệ tinh tạo ra trên lãnh thổ đất liền Việt Nam đều phải đi qua Trạm cổng mặt đất (Trạm Gateway) đặt trên lãnh thổ Việt Nam và kết nối với mạng viễn thông công cộng.
Điều 9. Bán lại dịch vụ viễn thông
Việc bán lại dịch vụ viễn thông (không bao gồm dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet) được quy định như sau:
1. Trước khi bán lại dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông cố định cho người sử dụng dịch vụ viễn thông tại một địa điểm có địa chỉ và phạm vi xác định mà mình được quyền sử dụng hợp pháp, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thực hiện đăng ký kinh doanh, ký hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông với doanh nghiệp viễn thông.
2. Trước khi bán lại dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông cố định cho người sử dụng dịch vụ viễn thông tại hai địa điểm trở lên có địa chỉ và phạm vi xác định mà mình được quyền sử dụng hợp pháp, doanh nghiệp phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ tương ứng.
3. Trước khi bán lại dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông di động trong đó thực hiện giao kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông với người sử dụng dịch vụ hoặc quyết định giá dịch vụ viễn thông cung cấp cho người sử dụng, doanh nghiệp phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ tương ứng.
Trường hợp bán lại dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông di động mặt đất, doanh nghiệp bán lại dịch vụ viễn thông phải có thỏa thuận bằng văn bản về việc thuê mạng viễn thông di động mặt đất, mua dịch vụ viễn thông, lưu lượng viễn thông với doanh nghiệp đã được cấp phép để triển khai kinh doanh dịch vụ viễn thông.
Điều 10. Doanh thu dịch vụ viễn thông
1. Doanh thu dịch vụ viễn thông là doanh thu thu được từ việc kinh doanh dịch vụ viễn thông quy định tại Điều 5 Nghị định này và được ghi nhận theo quy định của pháp luật kế toán, bao gồm:
a) Doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông (không bao gồm doanh thu quy định tại điểm b, c và d khoản này);
b) Doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ viễn thông cho các doanh nghiệp viễn thông trong nước;
c) Doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ viễn thông cho các đối tác nước ngoài hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam;
d) Doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho người sử dụng dịch vụ viễn thông là đối tượng thụ hưởng dịch vụ viễn thông công ích.
2. Doanh thu dịch vụ viễn thông quy định tại khoản 1 Điều này được sử dụng để phục vụ hoạt động quản lý nghiệp vụ viễn thông, xác định thị phần của doanh nghiệp viễn thông, tính khoản đóng góp của doanh nghiệp viễn thông vào Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam và là cơ sở để xác định phí quyền hoạt động viễn thông.
Điều 11. Quản lý, sử dụng thẻ trả trước dịch vụ viễn thông di động và tài khoản SIM di động
1. Thẻ trả trước dịch vụ viễn thông di động bao gồm thẻ vật lý và thẻ phi vật lý.
a) Thẻ vật lý là thẻ có hình thức hiện hữu vật chất, lưu giữ các thông tin về thẻ được quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Thẻ phi vật lý là thẻ không hiện hữu bằng hình thức vật chất nhưng vẫn chứa các thông tin về thẻ được quy định tại khoản 2 Điều này. Thẻ phi vật lý có thể được doanh nghiệp phát hành thẻ in ra khi có yêu cầu.
2. Thông tin trên thẻ trả trước dịch vụ viễn thông di động phải bao gồm các nội dung sau:
a) Tên doanh nghiệp viễn thông (tên viết tắt hoặc logo thương mại của doanh nghiệp viễn thông);
b) Tên hoặc nhãn hiệu thương mại của thẻ (nếu có);
c) Số thẻ (bao gồm mã thẻ và số seri thẻ);
d) Mệnh giá thẻ thể hiện bằng đồng Việt Nam (VNĐ);
đ) Thời hạn hiệu lực của thẻ tối đa không quá 02 năm;
e) Ngoài các thông tin trên, doanh nghiệp viễn thông được quy định thêm các thông tin khác trên thẻ phù hợp với quy định của pháp luật.
3. Doanh nghiệp viễn thông phát hành và sử dụng thẻ trả trước dịch vụ viễn thông di động có trách nhiệm:
a) Đảm bảo khả năng cung cấp dịch vụ cho khách hàng; không được phát hành thẻ trả trước dịch vụ viễn thông di động mà không đảm bảo khả năng cung cấp dịch vụ;
b) Quản lý số lượng, giá trị thẻ và số thẻ (bao gồm mã thẻ và số seri thẻ) đã phát hành cho đại lý, trạng thái thẻ đã được kích hoạt hoặc chưa kích hoạt và thực hiện các biện pháp chống làm giả khi phát hành thẻ;
c) Ban hành quy trình nội bộ về quản lý phát hành và sử dụng thẻ trả trước dịch vụ viễn thông di động trong đó quy định trách nhiệm của các bên liên quan, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật;
d) Chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp phòng, chống việc sử dụng thẻ trả trước dịch vụ viễn thông di động cho các hoạt động bất hợp pháp;
đ) Chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp quản lý và cơ chế kiểm tra phát hiện, phòng ngừa rủi ro về lợi dụng quy đổi giá trị trong tài khoản SIM di động thành tiền hoặc tài sản. Trường hợp phát hiện vụ việc về lợi dụng quy đổi giá trị trong tài khoản SIM di động thành tiền hoặc tài sản phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong việc quản lý dịch vụ viễn thông di động và dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động được thanh toán bằng tài khoản SIM di động:
a) Bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khi thanh toán bằng tài khoản SIM di động theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm;
b) Cung cấp đầy đủ, chính xác, rõ ràng và công khai tới người sử dụng dịch vụ về các dịch vụ được triển khai, mức giá dịch vụ, điều khoản và các điều kiện, quyền và lợi ích của người sử dụng dịch vụ;
c) Có cơ chế về xử lý, giải quyết khiếu nại, tranh chấp của người sử dụng dịch vụ theo quy định của pháp luật hiện hành;
d) Các trách nhiệm khác trong việc hợp tác cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo quy định của pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Điều 12. Chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số thuê bao viễn thông
1. Chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số (chuyển mạng) là tính năng cho phép thuê bao viễn thông (sử dụng số thuê bao di động mặt đất dùng cho phương thức giao tiếp giữa người với người - số thuê bao di động H2H) của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất này (doanh nghiệp chuyển đi) chuyển sang sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất khác (doanh nghiệp chuyển đến) và giữ nguyên số (bao gồm mã mạng và số thuê bao).
2. Dịch vụ chuyển mạng là hoạt động thương mại giữa thuê bao di động mặt đất với doanh nghiệp chuyển đến kết hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất khác và Trung tâm chuyển mạng.
Trung tâm chuyển mạng là hệ thống thiết bị do Bộ Thông tin và Truyền thông thiết lập để xử lý giao dịch chuyển mạng tập trung và duy trì cơ sở dữ liệu thuê bao chuyển mạng, cung cấp thông tin định tuyến theo quy trình nghiệp vụ chuyển mạng cho các doanh nghiệp viễn thông di động.
3. Hoạt động của Trung tâm chuyển mạng theo nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận. Đơn vị được Bộ Thông tin và Truyền thông giao nhiệm vụ quản lý, vận hành, khai thác Trung tâm chuyển mạng (sau đây gọi là Đơn vị quản lý, vận hành, khai thác Trung tâm chuyển mạng) có trách nhiệm sau:
a) Đảm bảo cơ sở hạ tầng viễn thông của Trung tâm chuyển mạng để các doanh nghiệp kết nối tới;
b) Cung cấp thông tin định tuyến trong cơ sở dữ liệu thuê bao chuyển mạng cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu định tuyến để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông theo quy định của pháp luật;
c) Chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp chuyển đi, doanh nghiệp chuyển đến để giải quyết khiếu nại của khách hàng liên quan đến dịch vụ chuyển mạng khi có yêu cầu.
4. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất có trách nhiệm sau:
a) Triển khai cung cấp dịch vụ chuyển mạng cùng thời điểm chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất đảm bảo kịp thời, dựa trên các điều khoản và điều kiện hợp lý, không phân biệt đối xử đối với các thuê bao viễn thông di động mặt đất;
b) Ban hành, công khai giá dịch vụ và các điều khoản sử dụng, điều kiện chuyển mạng, thủ tục chuyển mạng. Giá dịch vụ chuyển mạng được xác định theo nguyên tắc đảm bảo bù đắp chi phí của doanh nghiệp và chi phí xử lý giao dịch chuyển mạng tập trung;
c) Cung cấp công cụ để thuê bao tự tra cứu khả năng chuyển mạng của mình. Trường hợp thuê bao chưa đủ điều kiện chuyển mạng, doanh nghiệp chuyển đi phải cung cấp thông tin chi tiết, gồm: thông tin về lý do chưa đáp ứng điều kiện chuyển mạng; thông tin về số tiền bồi thường thiệt hại và cách thức thanh lý hợp đồng đã giao kết với thuê bao (nếu có), trường hợp hợp đồng đã giao kết không quy định về số tiền bồi thường thiệt hại và cách thức thanh lý hợp đồng khi thuê bao chuyển mạng thi doanh nghiệp chuyển đi không được từ chối cho thuê bao chuyển mạng với lý do thuê bao chưa thanh lý hợp đồng đã giao kết; thông tin hướng dẫn thuê bao đăng ký, thực hiện chuyển mạng;
d) Đảm bảo cho thuê bao đăng ký chuyển mạng qua hình thức trực tuyến;
đ) Đối soát các số thuê bao đã chuyển mạng theo nguyên tắc doanh nghiệp chuyển đến trả tiền sử dụng số thuê bao cho doanh nghiệp chuyển đi. Mức tiền sử dụng số thuê bao đối với mỗi số thuê bao đã chuyển mạng áp dụng theo mức phí sử dụng số thuê bao di động H2H cao nhất mà doanh nghiệp chuyển đi đang trả cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu.
5. Doanh nghiệp tham gia chuyển mạng có trách nhiệm thanh toán một lần chi phí xử lý giao dịch chuyển mạng tập trung theo số lượng giao dịch chuyển mạng hàng tháng và hàng năm thanh toán chi phí duy trì cơ sở dữ liệu thuê bao chuyển mạng thành công, cung cấp thông tin định tuyến theo nguyên tắc sau:
a) Mức thu chi phí xử lý giao dịch chuyển mạng tập trung do các bên thoả thuận đảm bảo bù đắp chi phí trực tiếp thực tế của đơn vị quản lý, vận hành, khai thác Trung tâm chuyển mạng đối với giao dịch phát sinh trong tháng;
b) Mức thu chi phí duy trì cơ sở dữ liệu thuê bao chuyển mạng thành công và cung cấp thông tin định tuyến do các bên thỏa thuận đảm bảo bù đắp chi phí trực tiếp thực tế của đơn vị quản lý, vận hành, khai thác Trung tâm chuyển mạng và được phân bổ theo đầu thuê bao lưu giữ trong cơ sở dữ liệu thuê bao chuyển mạng.
6. Doanh nghiệp chuyển đến có trách nhiệm rà soát, thống kê định kỳ hàng tháng các số thuê bao chuyển đến đã tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều quá 30 ngày. Trong 15 ngày tiếp theo kể từ thời điểm rà soát, doanh nghiệp chuyển đến thực hiện thủ tục thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ đối với các số thuê bao trên và hoàn trả về doanh nghiệp gốc của thuê bao chuyển mạng đến (doanh nghiệp gốc là doanh nghiệp được phân bổ khối số có chứa số của thuê bao chuyển mạng), trừ trường hợp số thuê bao được phân bổ qua phương thức đấu giá.
7. Trường hợp doanh nghiệp chuyển đến ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông di động mặt đất hoặc bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động mặt đất, số của thuê bao đã chuyển mạng sang doanh nghiệp chuyển đến được hoàn trả về doanh nghiệp gốc (trừ trường hợp số thuê bao được phân bổ qua phương thức đấu giá).
8. Trường hợp doanh nghiệp gốc ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông di động mặt đất hoặc bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động mặt đất, các số thuê bao đã phân bổ cho doanh nghiệp gốc và đã chuyển mạng được Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) phân bổ theo quy định như sau:
a) Trường hợp doanh nghiệp chuyển đến là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất có hạ tầng mạng thì số của thuê bao đã chuyển mạng được phân bổ cho doanh nghiệp chuyển đến.
b) Trường hợp doanh nghiệp chuyển đến là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất không có hạ tầng mạng thì số của thuê bao đã chuyển mạng được phân bổ cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất có hạ tầng mạng đang cho doanh nghiệp chuyển đến thuê mạng viễn thông di động mặt đất, mua dịch vụ viễn thông di động mặt đất. Doanh nghiệp được phân bổ các số của thuê bao đã chuyển mạng có trách nhiệm cho doanh nghiệp chuyển đến thuê lại các số của thuê bao đã chuyển mạng trên nguyên tắc không sinh lợi từ việc cho thuê số thuê bao.
9. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định điều kiện chuyển mạng, thủ tục chuyển mạng; trách nhiệm của các bên tham gia chuyển mạng; quy trình kỹ thuật thực hiện chuyển mạng.
Điều 13. Thủ tục ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông
1. Doanh nghiệp viễn thông không phải là doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu, doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích khi ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ các dịch vụ viễn thông phải gửi hồ sơ thông báo ngừng kinh doanh dịch vụ đến Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) ít nhất 30 ngày trước ngày dự định ngừng kinh doanh.
2. Doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu, doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích khi ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ dịch vụ viễn thông trực tiếp liên quan đến phương tiện thiết yếu, dịch vụ viễn thông thống lĩnh thị trường, dịch vụ viễn thông công ích nhưng không chấm dứt hoạt động phải gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị được ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông tới Bộ Thông tin và Truyền thông ít nhất 60 ngày trước ngày dự định ngừng kinh doanh. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chấp thuận hoặc từ chối bằng văn bản cho doanh nghiệp biết.
3. Doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu, doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích khi ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông do chấm dứt hoạt động phải gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị được ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông tới Bộ Thông tin và Truyền thông ít nhất 60 ngày trước ngày dự định ngừng kinh doanh. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan có liên quan cho ý kiến đối với phương án tổ chức lại doanh nghiệp hoặc phương án phá sản, giải thể doanh nghiệp và trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp biêt. Trên cơ sở văn bản trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện phương án tổ chức lại hoặc phương án phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật.
4. Thông báo ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông nêu tại khoản 1 Điều này theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, bao gồm các thông tin sau:
a) Dịch vụ ngừng kinh doanh, thời gian bắt đầu ngừng kinh doanh, lý đó ngừng kinh doanh, phạm vi ngừng kinh doanh;
b) Biện pháp và cam kết bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết và của các bến có liên quan.
5. Hồ sơ đề nghị ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông nêu tại các khoản 2, 3 Điều này bao gồm:
a) Đơn đề nghị ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Báo cáo tình hình kinh doanh đối với dịch vụ dự kiến ngừng kinh doanh: Doanh thu, lợi nhuận, sản lượng, thị phần, số người sử dụng dịch vụ;
c) Biện pháp và cam kết bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết và của các bên có liên quan;
d) Phương án bảo đảm cung cấp cho người sử dụng dịch vụ viễn thông các dịch vụ viễn thông thay thế, chuyển người sử dụng dịch vụ viễn thông sang sử dụng dịch vụ viễn thông tương ứng của doanh nghiệp viễn thông khác hoặc thoả thuận bồi thường cho người sử dụng dịch vụ trong trường hợp ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông mà không chấm dứt hoạt động.
đ) Phương án tổ chức lại hoặc phương án phá sản, giải thể doanh nghiệp, biện pháp bảo đảm tiếp tục duy trì việc cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng trong trường hợp ngừng kinh doanh do chấm dứt hoạt động.
6. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm thông báo cho người sử dụng dịch vụ viễn thông và các bên có liên quan, công bố trên phương tiện thông tin đại chúng về việc ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông ít nhất 30 ngày trước khi chính thức ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông.
7. Trường hợp phải sửa đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông do ngừng kinh doanh dịch vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) có trách nhiệm yêu cầu doanh nghiệp viễn thông thực hiện việc sửa đổi, bổ sung giấy phép theo quy định.
8. Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm hoàn trả tài nguyên viễn thông đã được phân bổ đối với dịch vụ hoặc phần dịch vụ ngừng kinh doanh (nếu có).
Điều 14. Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh dịch vụ viễn thông
1. Tranh chấp trong kinh doanh dịch vụ viễn thông là tranh chấp giữa các doanh nghiệp viễn thông phát sinh trực tiếp trong quá trình kinh doanh dịch vụ viễn thông, bao gồm:
a) Tranh chấp về chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 81 Nghị định này;
b) Tranh chấp về hoạt động bản buôn trong viễn thông.
2. Đối với các tranh chấp trong kinh doanh dịch vụ viễn thông quy định tại khoản 1 Điều này, ngoài việc giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc pháp luật khác có liên quan, doanh nghiệp viễn thông có thể đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông giải quyết tranh chấp theo trình tự, thủ tục như sau:
a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp trong kinh doanh dịch vụ viễn thông theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) có trách nhiệm tổ chức giải quyết tranh chấp giữa các bên. Các bên tranh chấp có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin, chứng cứ có liên quan và có nghĩa vụ tham gia giải quyết tranh chấp. Kết quả giải quyết tranh chấp phải được lập thành văn bản.
b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc giải quyết tranh chấp, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) ra quyết định giải quyết tranh chấp. Các bên tranh chấp có nghĩa vụ thi hành quyết định giải quyết tranh chấp, kể cả trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp và có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
3. Đối với các tranh chấp khác giữa các doanh nghiệp viễn thông ngoài trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, việc giải quyết tranh chấp thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc pháp luật khác có liên quan.
Điều 15. Bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động viễn thông
Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động viễn thông như sau:
1. Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo quy định đối với mạng viễn thông; phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý, ứng cứu sự cố, giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn thông tin, tấn công mạng theo yêu cầu và điều phối của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin).
2. Bảo đảm an toàn thông tin mạng khi cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng đầu cuối theo yêu cầu và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
3. Thực hiện hoặc phối hợp thực hiện ngăn chặn, xử lý thông tin vi phạm pháp luật trên mạng viễn thông mình quản lý theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin), Bộ Công an theo quy định của pháp luật.
4. Bảo đảm thiết bị mạng đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Mục 3. XÁC THỰC, LƯU GIỮ, SỬ DỤNG THÔNG TIN THUÊ BAO DI ĐỘNG MẶT ĐẤT
VÀ XỬ LÝ SIM DI ĐỘNG MẶT ĐẤT CÓ THÔNG TIN THUÊ BAO KHÔNG ĐÚNG QUY ĐỊNH
Điều 16. Các hình thức đăng ký thông tin thuê bao di động mặt đất
Thông tin thuê bao di động mặt đất chỉ được đăng ký theo một trong các hình thức sau:
1. Trực tiếp tại điểm do chính doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất trực tiếp sở hữu, thiết lập (có địa chỉ xác định hoặc lưu động).
2. Trực tiếp tại các điểm có địa chỉ xác định do doanh nghiệp khác thiết lập, được doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất ký hcrp đồng ủy quyền để thực hiện việc đăng ký thông tin thuê bao.
3. Trực tuyến thông qua sử dụng ứng dụng của chính doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sở hữu. Việc đăng ký thông tin thuê bao theo hình thức trực tuyến chỉ áp dụng đối với 03 số thuê bao đầu tiên trên 01 giấy tờ quy định tại Điều 17 Nghị định này. Trường hợp ứng dụng dùng để đăng ký trực tuyến không xác thực được thông tin thuê bao theo quy định tại Điều 18 Nghị định này thì phải đăng ký trực tiếp tại các điểm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Trong từng thời kỳ, khi cần thiết, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc thiết lập điểm đăng ký thông tin thuê bao và đăng ký thông tin thuê bao theo hình thức trực tuyến.
Điều 17. Giấy tờ sử dụng để đăng ký thông tin thuê bao di động mặt đất
Khi đăng ký thông tin thuê bao viễn thông dùng cho dịch vụ viễn thông di động mặt đất, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xuất trình bản gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản gốc hoặc bản điện tử hoặc thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc giấy tờ sau đây:
1. Trường hợp đăng ký số thuê bao viễn thông dùng cho dịch vụ viễn thông di động mặt đất thực hiện phương thức giao tiếp giữa người với người (số thuê bao di động H2H):
a) Đối với người có quốc tịch Việt Nam: Giấy tờ tuỳ thân (bao gồm thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước công dân hoặc căn cước điện tử hoặc tài khoản định danh điện tử (VNelD) hoặc các giấy tờ khác có thể sử dụng để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật) còn thời hạn sử dụng và doanh nghiệp viễn thông có thể truy cập Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tham chiếu, xác thực thông tin thuê bao theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.
b) Đối với người có quốc tịch nước ngoài: Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng ở Việt Nam theo thị thực nhập cảnh hoặc theo thời hạn lưu trú tối đa với các nước được miễn thị thực hoặc tài khoản định danh điện tử theo quy định của pháp luật.
c) Đối với người trúng đấu giá số thuê bao di động H2H: Ngoài các giấy tờ quy định tại điểm a khoản này, thì phải xuất trình giấy tờ theo quy định của pháp luật về quản lý kho số viễn thông để xác nhận quyền sở hữu số thuê bao trúng đấu giá.
d) Trường hợp tổ chức đăng ký thông tin thuê bao: Mỗi cá nhân thuộc tổ chức được giao sử dụng SIM thuê bao phải thực hiện việc đăng ký, xác thực thông tin thuê bao.
2. Trường hợp đăng ký số thuê bao viễn thông dùng cho dịch vụ viễn thông di động mặt đất không thực hiện phương thức giao tiếp giữa người với người:
a) Đối với cá nhân: theo quy định tại khoản 1 Điều này.
b) Đối với tổ chức: Giấy tờ chứng minh pháp nhân theo quy định của pháp luật về dân sự hoặc giấy tờ đăng ký thành lập tổ chức theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là giấy tờ tổ chức) và giấy tờ tuỳ thân của người đại diện theo pháp luật của tổ chức. Trường hợp người đến đăng ký thông tin thuê bao không phải là người đại diện theo pháp luật của tổ chức thì phải xuất trình văn bản ủy quyền hợp pháp của người đại diện theo pháp luật và giấy tờ tùy thân của mình.
3. Đối với người chưa đủ 6 tuổi hoặc chưa được cấp các giấy tờ tùy thân quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, việc đăng ký thông tin thuê bao phải do cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện. Đối với người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi và đã được cấp các giấy tờ tùy thân quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, được đăng ký thông tin thuê bao nhưng phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ thể hiện bằng văn bản, bao gồm cả dưới dạng điện tử hoặc định dạng khác kiểm chứng được.
Ngoài giấy tờ xuất trình theo quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 Điều này, cha, mẹ hoặc người giám hộ có trách nhiệm xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Xác thực thông tin thuê bao di động mặt đất
Sau khi nhận giấy tờ sử dụng để đăng ký thông tin thuê bao (trực tiếp hoặc trực tuyến), doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện các quy định sau:
1. Đối chiếu, kiểm tra giấy tờ là trùng khớp với cá nhân, tổ chức thực hiện giao kết hợp đồng, đăng ký thông tin theo quy định.
2. Thực hiện các biện pháp xác thực thông tin thuê bao di động mặt đất (đối với cả hình thức đăng ký trực tiếp và trực tuyến) đảm bảo tối thiểu các yêu cầu sau:
a) Xác thực, đảm bảo trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tối thiểu 03 trường thông tin trên giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định này, bao gồm số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh;
b) Khi đăng ký, kích hoạt từ SIM thuê bao di động H2H thứ hai trở đi phải xác thực thông qua mã xác thực một lần (mã OTP) gửi đến SIM đăng ký, kích hoạt trước đó;
c) Áp dụng giải pháp cuộc gọi ghi hình (video call) để thực hiện thu thập, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng trong quá trình đăng ký thông tin thuê bao đảm bảo hiệu quả như quy trình nhận biết, xác minh thông tin khách hàng qua phương thức gặp mặt trực tiếp; giải pháp video call phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu sau: đảm bảo an toàn, bảo mật theo quy định của pháp luật; độ phân giải cao; tín hiệu liên tục; cho phép tương tác âm thanh, hình ảnh với khách hàng theo thời gian thực để đảm bảo nhận diện người thật; thể hiện hình ảnh nhân viên giao dịch và khách hàng đăng ký thông tin thuê bao di động mặt đất;
d) Trong từng thời kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn việc xác thực thông tin thuê bao di động mặt đất (bao gồm nghiên cứu, bổ sung việc xác thực trường thông tin ảnh chân dung trên giấy tờ tùy thân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).
3. Từ chối giao kết hợp đồng, cung cấp dịch vụ với các cá nhân, tổ chức không đáp ứng một trong các nội dung sau: xuất trình giấy tờ để đăng ký thông tin thuê bao không đúng quy định hoặc giấy tờ để đăng ký thông tin thuê bao được xuất trình không rõ, không bảo đảm việc số hóa giấy tờ được rõ ràng, sắc nét, đầy đủ thông tin hoặc giấy tờ tùy thân có thông tin không trùng khớp sau xác thực hoặc không xác thực được.
Điều 19. Thông tin thuê bao di động mặt đất
Thông tin thuê bao di động mặt đất bao gồm:
1. Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu hoặc số định danh điện tử.
2. Địa chỉ trên giấy tờ để đăng ký thông tin thuê bao.
3. Số thuê bao viễn thông.
4. Thông tin riêng khác mà người sử dụng cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp:
a) Thông tin trên giấy tờ để đăng ký thông tin thuê bao;
b) Bản số hóa toàn bộ các giấy tờ để đăng ký thông tin thuê bao;
c) Ảnh chân dung người đăng ký thông tin thuê bao có thời gian (ngày, giờ) chụp;
d) Bản số hóa bản xác nhận thông tin thuê bao di động mặt đất.
5. Họ tên nhân viên giao dịch; thời gian thực hiện đăng ký thông tin thuê bao; địa chỉ và số điện thoại liên hệ của điểm (với hình thức đăng ký thông tin thuê bao trực tiếp).
6. Bản số hoá hợp đồng theo mẫu hoặc hợp đồng theo mẫu.
Điều 20. Cung cấp dịch vụ viễn thông cho thuê bao di động mặt đất sau khi đăng ký thông tin thuê bao
Doanh nghiệp viễn thông chỉ được cung cấp dịch vụ viễn thông cho thuê bao di động mặt đất sau khi bảo đảm đầy đủ các nội dung sau:
1. Thuê bao viễn thông di động mặt đất đã hoàn thành đăng ký thông tin thuê bao theo quy định.
2. Doanh nghiệp đã hoàn thành việc xác thực, lưu giữ thông tin thuê bao di động mặt đất đầy đủ, chính xác theo quy định.
Điều 21. Đăng ký thông tin thuê bao di động mặt đất đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng viễn thông di động
1. Đối với 03 số thuê bao đầu tiên, cá nhân, tổ chức xuất trình giấy tờ và ký vào bản giấy hoặc bản điện tử bản xác nhận thông tin thuê bao. Bản xác nhận thông tin thuê bao bao gồm các thông tin thuê bao được quy định tại Điều 19 Nghị định này.
2. Đối với số thuê bao thứ tư trở lên, thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất tại điểm có địa chỉ xác định do chính doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất thiết lập.
Điều 22. Lưu giữ thông tin thuê bao di động mặt đất
1. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm bảo đảm các điểm đăng ký thông tin thuê bao, ứng dụng đăng ký thông tin thuê bao tuân thủ đầy đủ các quy định về xác thực, lưu giữ thông tin thuê bao; hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin thuê bao được xác thực, lưu giữ, quản lý đúng quy định tại các điểm, ứng dụng đăng ký thông tin thuê bao di động mặt đất.
2. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm xây dựng hệ thống kỹ thuật, cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung để nhập, lưu giữ, quản lý thông tin trong suốt thời gian sử dụng dịch vụ của thuê bao, bao gồm: thông tin thuê bao quy định tại Điều 19; ngày bắt đầu sử dụng dịch vụ của thuê bao; trạng thái hoạt động của thuê bao: đang hoạt động, tạm dừng dịch vụ một chiều (chỉ nhận được cuộc gọi đến) hoặc tạm dừng dịch vụ hai chiều (không thực hiện được cuộc gọi đi và không nhận được cuộc gọi đến); số lượng số thuê bao mà cá nhân, tổ chức đang sử dụng; ngày chấm dứt sử dụng dịch vụ đối với các thuê bao đã chấm dứt sử dụng dịch vụ. Đối với các thuê bao đã chấm dứt sử dụng dịch vụ phải tiếp tục lưu giữ thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tối thiểu 02 năm.
3. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực giấy tờ tuỳ thân.
4. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin; chứng minh thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tập trung của doanh nghiệp viễn thông đã được đối chiếu, xác thực, nhập, lưu giữ, quản lý theo đúng các quy định; bố trí nhân sự, phương tiện kỹ thuật tại chi nhánh của doanh nghiệp ở địa phương để phục vụ việc thanh tra, kiểm tra thông tin thuê bao của các cá nhân, tổ chức đã giao kết hợp đồng tại địa phương.
5. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm bảo đảm bí mật thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật.
Điều 23. Sử dụng thông tin thuê bao di động mặt đất
Thông tin thuê bao di động mặt đất chỉ được sử dụng cho các mục đích sau đây:
1. Phục vụ công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
2. Phục vụ công tác quản lý nhà nước về viễn thông.
3. Phục vụ hoạt động quản lý nghiệp vụ, khai thác mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp viễn thông đang cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất cho thuê bao.
Điều 24. Trách nhiệm của thuê bao di động mặt đất
1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của các giấy tờ dùng để đăng ký thông tin thuê bao di động mặt đất và việc sử dụng số thuê bao tương ứng với giấy tờ của tổ chức, cá nhân sử dụng để đăng ký thông tin thuê bao di động mặt đất.
2. Cá nhân chỉ thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung sử dụng các số thuê bao cho bản thân mình, con đẻ hoặc con nuôi dưới 15 tuổi và những người thuộc quyền giám hộ của mình theo quy định của pháp luật; cho các thiết bị dùng cho bản thân mình hoặc gia đình mình. Tổ chức chỉ thực hiện việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung sử dụng các số thuê bao cho các cá nhân, thiết bị thuộc tổ chức.
3. Chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật trong việc sử dụng các số thuê bao đã được cung cấp.
4. Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cập nhật lại thông tin thuê bao của mình theo quy định khi có thay đổi giấy tờ tùy thân đã xuất trình khi giao kết hợp đồng hoặc khi tự kiểm tra thông tin thuê bao của mình, phát hiện thông tin thuê bao của mình không đúng hoặc khi nhận được thông báo của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất về thông tin thuê bao không đúng quy định.
5. Yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất chấm dứt hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với các số thuê bao sử dụng thông tin trên giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ tổ chức của mình.
6. Bị tạm dừng, dừng cung cấp dịch vụ với số thuê bao trong trường hợp có thông tin không đúng quy định.
Điều 25. Trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong việc xử lý thuê bao có thông tin thuê bao di động mặt đất không đúng quy định
1. Khi rà soát, phát hiện hoặc khi nhận được văn bản thông báo của cơ quan quản lý nhà nước về thuê bao di động mặt đất có thông tin thuê bao không đúng quy định, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất có trách nhiệm thông báo liên tục trong vòng 05 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo quy định. Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều (chỉ nhận được cuộc gọi đến) sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo, đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện; tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông nếu không thực hiện; thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 05 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện.
Trong từng thời kỳ, khi cần thiết, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc xử lý thuê bao có thông tin thuê bao di động mặt đất không đúng quy định.
2. Thường xuyên rà soát, khi phát hiện hoặc khi nhận được văn bản thông báo của cơ quan quản lý nhà nước về thuê bao có thông tin thuê bao không đúng quy định, phải thông báo tới toàn bộ các thuê bao trong cùng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với thuê bao đó, yêu cầu thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo quy định.
3. Trong hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất phải có quy định cụ thể việc thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ đối với thuê bao di động mặt đất không thực hiện lại việc đăng ký thông tin thuê bao.
4. Đối với các số thuê bao đã bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất có quyền cung cấp cho cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu trừ trường hợp số thuê bao được phân bổ qua hình thức đấu giá.
5. Triển khai, hướng dẫn để cá nhân, tổ chức tự kiểm tra được thông tin thuê bao di động mặt đất của mình trên ứng dụng của doanh nghiệp viễn thông hoặc nhắn tin theo cú pháp “TTTB” kết hợp với “Số giấy tờ tùy thân” gửi 1414, gửi lại bản tin thông báo cho cá nhân, tổ chức biết tối thiểu các thông tin sau: họ tên; ngày sinh; danh sách toàn bộ các số thuê bao mà cá nhân đang sử dụng (đối với thuê bao là cá nhân); tên tổ chức, số giấy tờ tổ chức (đối với thuê bao là tổ chức). Phương thức kiểm tra phải bảo đảm bí mật thông tin theo nguyên tắc là cá nhân, tổ chức chỉ kiểm tra được thông tin của số thuê bao của chính mình, không kiểm tra được thông tin của cá nhân, tổ chức khác.
Trong từng thời kỳ, khi cần thiết, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc tự kiểm tra thông tin thuê bao di động mặt đất của tổ chức, cá nhân.
6. Thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức đang sử dụng số thuê bao có nhu cầu cập nhật, chuẩn hóa thông tin thuê bao của mình.
7. Khi nhận được yêu cầu của các cá nhân, tổ chức yêu cầu chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông đối với các số thuê bao sử dụng thông tin trên giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ tổ chức của mình, phải xác minh, thông báo tới thuê bao phải cập nhật lại thông tin thuê bao theo quy định tại khoản 1 Điều này, thông báo kết quả tới cá nhân, tổ chức yêu cầu.
8. Đăng tải trên ứng dụng, trang thông tin điện tử của doanh nghiệp danh sách các địa điểm đăng ký thông tin thuê bao quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 16 Nghị định này theo từng tỉnh, thành phố bao gồm tối thiểu các thông tin sau: tên, địa chỉ của điểm; loại hình (cố định của doanh nghiệp viễn thông, lưu động của doanh nghiệp viễn thông hay điểm ủy quyền); tên doanh nghiệp được ủy quyền; thời hạn được ủy quyền; số điện thoại liên hệ; thời gian hoạt động (đối với điểm lưu động); tên, đường dẫn để tải ứng dụng đăng ký thông tin thuê bao theo hình thức trực tuyến.
Mục 4. CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CƠ BẢN TRÊN INTERNET VÀ DỊCH VỤ TRUNG TÂM DỮ LIỆU, DỊCH VỤ ĐIỆN TOÁN ĐÁM MÂY
Điều 26. Đăng ký, lưu trữ, quản lý thông tin người sử dụng dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet
1. Khi giao kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, người sử dụng dịch vụ phải cung cấp tối thiểu các thông tin bao gồm: Tên đăng ký dịch vụ, số điện thoại di động (trường hợp sử dụng số điện thoại di động để định danh người sử dụng dịch vụ), thông tin định danh khác của người sử dụng dịch vụ (trường hợp không sử dụng số điện thoại di động để định danh người sử dụng dịch vụ).
2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có trách nhiệm sau:
a) Thực hiện xác thực người sử dụng dịch vụ thông qua số điện thoại di động (trường hợp sử dụng số điện thoại di động để định danh người sử dụng dịch vụ) hoặc thông qua thông tin định danh khác của người sử dụng dịch vụ (trường hợp không sử dụng số điện thoại di động để định danh người sử dụng dịch vụ) trước khi cung cấp dịch vụ;
b) Lưu trữ thông tin người sử dụng dịch vụ đã cung cấp khi giao kết hợp đồng quy định tại khoản 1 Điều này và các thông tin về việc sử dụng dịch vụ của người sử dụng. Thời hạn lưu trữ và việc cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật về an ninh mạng.
Điều 27. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam
1. Tổ chức nước ngoài được cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam và có các quyền quy định khoản 2 Điều 62 Luật Viễn thông và quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam có nghĩa vụ sau:
a) Thực hiện thông báo cung cấp dịch vụ theo quy định tại Điều 45 Nghị định này;
b) Thực hiện quy định tại khoản 3, 6 Điều 5, Điều 6, Điều 9, điểm b, d, l khoản 2 Điều 13, khoản 3 Điều 20, điểm d, đ, e khoản 2 Điều 38, điểm a khoản 2 Điều 40 của Luật Viễn thông và quy định tại Điều 26 Nghị định này;
c) Thực hiện các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo đảm an ninh mạng theo quy định của pháp luật;
d) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 28. Đăng ký, lưu trữ, quản lý thông tin người sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây
1. Khi giao kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, người sử dụng dịch vụ phải cung cấp tối thiểu các thông tin sau:
a) Đối với cá nhân: Họ và tên, số điện thoại liên hệ hoặc địa chỉ thư điện tử;
b) Đối với tổ chức: Tên tổ chức, địa chỉ tổ chức, thông tin của đầu mối liên hệ (họ và tên, số điện thoại liên hệ hoặc địa chỉ thư điện tử).
2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây có trách nhiệm lưu trữ các thông tin quy định tại khoản 1 Điều này. Thời hạn lưu trữ thực hiện theo quy định của pháp luật về an ninh mạng.
Điều 29. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam
1. Tổ chức nước ngoài được cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam và có các quyền quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật Viễn thông và quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam có nghĩa vụ sau:
a) Thực hiện thông báo cung cấp dịch vụ theo quy định tại Điều 45 Nghị định này;
b) Thực hiện quy định tại khoản 3, 6 Điều 5, Điều 6, Điều 9, điểm b, d khoản 2 Điều 13, khoản 3 Điều 20, điểm đ, e, g, h, i khoản 2 Điều 29, điểm a khoản 2 Điều 40 của Luật Viễn thông và quy định tại Điều 28 Nghị định này;
c) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 30. Cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây trong hoạt động của cơ quan nhà nước
1. Dữ liệu của cơ quan nhà nước sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây chỉ được lưu trữ tại Việt Nam.
2. Hệ thống thông tin phục vụ việc cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây cho cơ quan nhà nước phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thông tin mạng khi đưa vào vận hành khai thác.
3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây cho cơ quan nhà nước có trách nhiệm phối hợp, cung cấp đầy đủ thông tin, thiết kế hạ tầng kỹ thuật, các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin phục vụ vận hành và bảo vệ hệ thống thông tin cho đơn vị thuê dịch vụ theo yêu cầu để triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng.
Chương III. GIẤY PHÉP VIỄN THÔNG
Điều 31. Vốn điều lệ và điều kiện về triển khai mạng viễn thông để thiết lập mạng viễn thông công cộng cố định mặt đất
1. Doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, loại mạng viễn thông công cộng cố định mặt đất không sử dụng băng tần số vô tuyến điện phải đáp ứng điều kiện về vốn điều lệ và điều kiện về triển khai mạng viễn thông như sau:
a) Thiết lập mạng viễn thông trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
Vốn điều lệ: Tối thiểu 05 tỷ đồng Việt Nam và đã góp đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Điều kiện về triển khai mạng viễn thông: Cam kết thực hiện đầu tư tổng số vốn đầu tư vào mạng lưới tối thiểu 15 tỷ đồng Việt Nam trong 03 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép để thiết lập mạng viễn thông.
b) Thiết lập mạng viễn thông trong phạm vi khu vực (từ 02 đến 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương):
Vốn điều lệ: Tối thiểu 30 tỷ đồng Việt Nam và đã góp đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Điều kiện về triển khai mạng viễn thông: Cam kết thực hiện đầu tư tổng số vốn đầu tư vào mạng lưới tối thiểu 100 tỷ đồng Việt Nam trong 03 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép để thiết lập mạng viễn thông.
c) Thiết lập mạng viễn thông trong phạm vi toàn quốc (trên 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương):
Vốn điều lệ: Tối thiểu 100 tỷ đồng Việt Nam và đã góp đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Điều kiện về triển khai mạng viễn thông: Cam kết thực hiện đầu tư tổng số vốn đầu tư vào mạng lưới tối thiểu 300 tỷ đồng Việt Nam trong 03 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép để thiết lập mạng viễn thông.
2. Doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, loại mạng viễn thông công cộng cố định mặt đất có sử dụng băng tần số vô tuyến điện phải đáp ứng điều kiện vốn điều lệ và điều kiện về triển khai mạng viễn thông như sau:
a) Thiết lập mạng trong phạm vi khu vực (từ 02 đến 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương):
Vốn điều lệ: Tối thiểu 100 tỷ đồng Việt Nam và đã góp đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Điều kiện về triển khai mạng viễn thông: Cam kết thực hiện đầu tư tổng số vốn đầu tư vào mạng lưới tối thiểu 300 tỷ đồng Việt Nam trong 03 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép để thiết lập mạng viễn thông.
b) Thiết lập mạng trong phạm vi toàn quốc (trên 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương):
Vốn điều lệ: Tối thiểu 300 tỷ đồng Việt Nam và đã góp đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Điều kiện về triển khai mạng viễn thông: Cam kết thực hiện đầu tư tổng số vốn đầu tư vào mạng lưới tối thiểu 1000 tỷ đồng Việt Nam trong 03 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép để thiết lập mạng viễn thông.
3. Trường hợp doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này có sử dụng băng tần số vô tuyến điện hoặc kênh tần số vô tuyến điện được cấp thông qua đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện hoặc cấp lại giấy phép sử dụng băng tần thì điều kiện về triển khai mạng viễn thông thực hiện theo cam kết triển khai mạng viễn thông khi tham gia đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện hoặc đề nghị cấp lại giấy phép sử dụng băng tần theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.
Điều 32. Vốn điều lệ và điều kiện về triển khai mạng viễn thông để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất
1. Doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, loại mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần cấp thông qua đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện hoặc được cấp lại giấy phép sử dụng băng tần phải đáp ứng điều kiện về vốn điều lệ và điều kiện về triển khai mạng viễn thông như sau:
a) Vốn điều lệ: Tối thiểu 500 tỷ đồng Việt Nam và đã góp đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
b) Điều kiện về triển khai mạng viễn thông: Thực hiện theo cam kết triển khai mạng viễn thông khi tham gia đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện hoặc đề nghị cấp lại giấy phép sử dụng băng tần theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.
2. Doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, loại mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng kênh tần số vô tuyến điện phải đáp ứng điều kiện về vốn điều lệ và điều kiện về triển khai mạng viễn thông như sau:
a) Vốn điều lệ: Tối thiểu 20 tỷ đồng Việt Nam và đã góp đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
b) Điều kiện về triển khai mạng viễn thông: Cam kết thực hiện đầu tư tổng số vốn đầu tư vào mạng lưới tối thiểu 60 tỷ đồng Việt Nam trong 03 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép để thiết lập mạng viễn thông.
Trường hợp doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, loại mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng kênh tần số vô tuyến điện cấp thông qua đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì điều kiện về triển khai mạng viễn thông thực hiện theo cam kết triển khai mạng viễn thông khi tham gia đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.
3. Doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, loại mạng viễn thông công cộng di động mặt đất không sử dụng băng tần số vô tuyến điện (mạng viễn thông di động ảo) phải đáp ứng điều kiện về vốn điều lệ và điều kiện về triển khai mạng viễn thông như sau:
a) Vốn điều lệ: Tối thiểu 300 tỷ đồng Việt Nam và đã góp đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
b) Điều kiện về triển khai mạng viễn thông: Cam kết thực hiện đầu tư tổng số vốn đầu tư vào mạng lưới tối thiểu 1000 tỷ đồng Việt Nam trong 03 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép để thiết lập mạng viễn thông và có thỏa thuận bằng văn bản về việc thuê mạng viễn thông di động mặt đất với doanh nghiệp đã được cấp phép để triển khai kinh doanh dịch vụ viễn thông.
Điều 33. Vốn điều lệ và điều kiện về triển khai mạng viễn thông để thiết lập mạng viễn thông công cộng cố định vệ tinh và di động vệ tinh
Doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng, loại mạng viễn thông công cộng cố định vệ tinh hoặc di động vệ tinh phải đáp ứng điều kiện về vốn điều lệ và điều kiện về triển khai mạng viễn thông như sau:
1. Vốn điều lệ: Tối thiểu 30 tỷ đồng Việt Nam và đã góp đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
2. Điều kiện về triển khai mạng viễn thông: Cam kết thực hiện đầu tư tổng số vốn đầu tư vào mạng lưới tối thiểu 100 tỷ đồng Việt Nam trong 03 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép để thiết lập mạng viễn thông.
Điều 34. Xác định đáp ứng quy định về vốn đầu tư trọng điều kiện về triển khai mạng viễn thông
1. Doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng được coi là đáp ứng quy định về vốn đầu tư trong điều kiện về triển khai mạng viễn thông nếu số tiền đầu tư tại văn bản cam kết thực hiện điều kiện về triển khai mạng viễn thông không thấp hơn vốn đầu tư tối thiểu tương ứng quy định tại Điều 31, Điều 32 và Điều 33 Nghị định này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Đối với doanh nghiệp đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp được coi là đáp ứng quy định về vốn đầu tư trong điều kiện về triển khai mạng viễn thông nếu thuộc một trong hai trường hợp như sau:
a) Số tiền đã đầu tư thực tế để thiết lập mạng viễn thông trước đó (tính theo giá trị tại thời điểm đầu tư) không thấp hơn tổng số vốn đầu tư tối thiểu tương ứng quy định tại Điều 31, Điều 32 và Điều 33 Nghị định này.
b) Số tiền đầu tư ghi trong văn bản cam kết thực hiện điều kiện về triển khai mạng viễn thông không thấp hơn phần chênh lệch giữa tổng số vốn đầu tư tối thiểu tương ứng quy định tại các Điều 31, Điều 32 và Điều 33 Nghị định này với phần doanh nghiệp đã đầu tư để thiết lập mạng viễn thông thực tế trước đó (tính theo giá trị tại thời điểm đầu tư).
Điều 35. Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng
Doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng phải gửi 01 bộ hồ sơ tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ. Hồ sơ đề nghị cấp phép bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (hoặc giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về doanh nghiệp) bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền in từ các văn bản điện tử từ cơ sở dữ liệu quốc gia đối với trường hợp thông tin gốc được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc bản sao đối chiếu với bản chính;
c) Bản sao Điều lệ đang có hiệu lực của doanh nghiệp và có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp;
d) Kế hoạch kinh doanh trong 05 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp giấy phép theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
đ) Kế hoạch kỹ thuật trong 05 năm đầu tiên theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và tương ứng với kế hoạch kinh doanh trong 05 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp giấy phép;
e) Tài liệu chứng minh việc góp đủ vốn điều lệ quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
g) Văn bản cam kết thực hiện điều kiện về triển khai mạng viễn thông theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này đối với trường hợp đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 35 Luật Viễn thông.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng
Doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng phải gửi 01 bộ hồ sơ tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ. Hồ sơ đề nghị cấp phép bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (hoặc giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về doanh nghiệp) bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền in từ các văn bản điện tử từ cơ sở dữ liệu quốc gia đối với trường hợp thông tin gốc được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc bản sao đối chiếu với bản chính;
c) Bản sao Điều lệ đang có hiệu lực của doanh nghiệp và có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp;
d) Kế hoạch kinh doanh trong 05 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp giấy phép theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
đ) Kế hoạch kỹ thuật trong 05 năm đầu tiên tương ứng với kế hoạch kinh doanh trong 05 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp giấy phép theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng cho doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 4 Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ. Hồ sơ đề nghị cấp phép bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (hoặc giấy chứng nhận hoặc giấy phép tương đương hợp lệ khác theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp) bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền in từ các văn bản điện tử từ cơ sở dữ liệu quốc gia đối với trường hợp thông tin gốc được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc bản sao đối chiếu với bản chính;
c) Bản sao có chứng thực quyết định của cấp có thẩm quyền về sử dụng băng tần để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.
4. Thời hạn và quy trình xử lý hồ sơ
a) Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) xét tính hợp lệ của hồ sơ trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Viễn thông thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn xét tính hợp lệ của hồ sơ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) xét cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông cho doanh nghiệp theo thẩm quyền.
Trường hợp từ chối cấp phép, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn xét tính hợp lệ của hồ sơ, Cục Viễn thông thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho doanh nghiệp đề nghị cấp phép biết.
b) Trường hợp cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp thông qua đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, thời hạn và quy trình xử lý hồ sơ thực hiện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.
c) Trường hợp doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, cơ quan cấp phép có trách nhiệm gửi Bộ Công an một bản sao để phối hợp kiểm soát, bảo đảm an ninh thông tin.
5. Giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông (giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng) theo Mẫu số 28 và Mẫu số 29 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này bao gồm các thông tin chính sau đây:
a) Tên doanh nghiệp bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, tên viết tắt; địa điểm trụ sở chính; thông tin về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
b) Số giấy phép, ngày cấp giấy phép, ngày hết hạn giấy phép;
c) Loại mạng viễn thông, phạm vi thiết lập mạng viễn thông;
d) Loại hình dịch vụ viễn thông, phạm vi cung cấp dịch vụ viễn thông được phép kinh doanh;
đ) Các quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp phải tuân thủ khi kinh doanh dịch vụ viễn thông.
6. Công bố nội dung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp có trách nhiệm công khai nội dung giấy phép quy định tại điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản 5 Điều này.
7. Doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) việc chính thức khai thác mạng viễn thông công cộng, chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông theo Mẫu số 45 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày chính thức khai thác mạng viễn thông công cộng, chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông.
Điều 36. Trường hợp sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
1. Trong thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông (giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng), doanh nghiệp đã được cấp phép phải làm thủ tục đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép khi có ít nhất một trong những thay đổi sau:
a) Thay đổi tên doanh nghiệp được cấp phép theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
b) Ngừng một phần hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông tại giấy phép đã được cấp;
c) Thay đổi cấu hình mạng viễn thông được quy định tại giấy phép.
2. Trong thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông (giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng), doanh nghiệp đã được cấp phép phải làm thủ tục đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc cấp lại giấy phép khi có ít nhất một trong những thay đổi sau:
a) Thay đổi phạm vi thiết lập mạng viễn thông, phạm vi cung cấp dịch vụ viễn thông, bổ sung loại hình dịch vụ viễn thông được cấp phép;
b) Thay đổi nhu cầu sử dụng tài nguyên viễn thông và cần xác định tính khả thi khi phân bổ tài nguyên viễn thông.
2. Trong thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông (giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng), doanh nghiệp phải thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) khi có sự thay đổi thông tin liên quan đến doanh nghiệp như sau:
a) Doanh nghiệp thông báo trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thay đổi địa chỉ trụ sở chính hoặc người đại diện theo pháp luật hoặc vốn điều lệ;
b) Trước ngày 15 của tháng cuối cùng hàng quý, doanh nghiệp thông báo nếu có sự thay đổi tỷ lệ góp vốn giữa các thành viên góp vốn bằng hoặc vượt quá tỷ lệ vốn điều lệ hoặc cổ phần có quyền biểu quyết quy định tại Điều 3 Nghị định này.
Điều 37. Thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
1. Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông (giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng) tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) và chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của hồ sơ.
2. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông (giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng) đối với trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 36 Nghị định này bao gồm các tài liệu sau:
a) Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (hoặc giấy chứng nhận hoặc giấy phép tương đương hợp lệ khác theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về doanh nghiệp) bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền in từ các văn bản điện tử từ cơ sở dữ liệu quốc gia đối với trường hợp thông tin gốc được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc bản sao đối chiếu với bản chính (trường hợp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy chứng nhận, giấy phép tương đương có thay đổi so với thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép);
c) Báo cáo tình hình thực hiện giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông kể từ ngày được cấp giấy phép đến ngày nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông (giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng) đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 36 và khoản 2 Điều 36 Nghị định này bao gồm các tài liệu sau:
a) Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (hoặc giấy chứng nhận hoặc giấy phép tương đương hợp lệ khác theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về doanh nghiệp) bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền in từ các văn bản điện tử từ cơ sở dữ liệu quốc gia đối với trường hợp thông tin gốc được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc bản sao đối chiếu với bản chính (trường hợp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy chứng nhận, giấy phép tương đương có thay đổi so với thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép);
c) Báo cáo tình hình thực hiện giấy phép kể từ ngày được cấp giấy phép đến ngày nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
d) Kế hoạch kinh doanh và kế hoạch kỹ thuật sửa đổi, bổ sung theo Mẫu số 07 và Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Trường hợp đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông (giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng) tại khoản 2 Điều 36 mà phải xét điều kiện về vốn điều lệ, quy định về vốn đầu tư trong điều kiện về triển khai mạng viễn thông, ngoài tài liệu quy định tại khoản 3 Điều này, doanh nghiệp nộp thêm các tài liệu sau:
a) Tài liệu chứng minh việc góp đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
b) Tài liệu chứng minh số tiền đã đầu tư để thiết lập mạng viễn thông trong trường hợp đã đầu tư thiết lập mạng viễn thông trước đó;
c) Văn bản cam kết thực hiện điều kiện về triển khai mạng viễn thông theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này để đáp ứng điều kiện về triển khai mạng viễn thông theo đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép (trong trường hợp doanh nghiệp chưa đầu tư đủ số vốn đầu tư tối thiểu tương ứng quy định tại Điều 31, Điều 32, Điều 33 Nghị định này).
5. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng cho doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 4 Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện bao gồm các tài liệu sau:
a) Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (hoặc giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp) bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền in từ các văn bản điện tử từ cơ sở dữ liệu quốc gia đối với trường hợp thông tin gốc được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc bản sao đối chiếu với bản chính (trường hợp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận, giấy phép tương đương có thay đổi so với thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép);
c) Bản sao có chứng thực quyết định của cấp có thẩm quyền về sử dụng băng tần để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.
6. Thời hạn và quy trình giải quyết hồ sơ:
a) Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) xét tính hợp lệ của hồ sơ trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Viễn thông thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn xét tính hợp lệ của hồ sơ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) xét cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp theo thẩm quyền.
Trường hợp từ chối sửa đổi, bổ sung giấy phép, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn xét tính hợp lệ của hồ sơ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho doanh nghiệp đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép biết.
b) Trường hợp sửa đổi, bổ sung giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng do thay đổi nhu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện cần được cấp thông qua đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, cấp lại giấy phép sử dụng băng tần, thời hạn và quy trình xử lý hồ sơ thực hiện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.
c) Trường hợp doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, cơ quan cấp phép có trách nhiệm gửi Bộ Công an một bản sao giấy phép để phối hợp kiểm soát, bảo đảm an ninh thông tin.
7. Giấy phép sửa đổi, bổ sung có giá trị hiệu lực kể từ ngày ký giấy phép sửa đổi, bổ sung tới ngày hết giá trị hiệu lực của giấy phép đề nghị sửa đổi, bổ sung.
8. Việc công bố nội dung sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 35 Nghị định này.
9. Doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 73 Luật Viễn thông khi có thay đổi thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 36 Nghị định này phải thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo quy định tại Điều 39 Nghị định này.
Điều 38. Gia hạn giấy phép viễn thông
1. Các trường hợp được xét gia hạn khi giấy phép đã được cấp có thời hạn bằng thời hạn tối đa bao gồm:
a) Doanh nghiệp đề nghị gia hạn giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông;
b) Doanh nghiệp đề nghị gia hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi theo quyết định đã được ban hành.
2. Khi giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông còn thời hạn tối đa 90 ngày và ít nhất 30 ngày trước ngày giấy phép hết hạn, doanh nghiệp muốn gia hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông đã được cấp phải gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị gia hạn tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ.
3. Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm:
a) Đơn đề nghị gia hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Báo cáo tình hình thực hiện giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông kể từ ngày được cấp đến ngày đề nghị gia hạn theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
c) Tài liệu về việc doanh nghiệp đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi đối với trường hợp gia hạn quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
4. Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng cho doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 4 Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện bao gồm các tài liệu sau:
a) Đơn đề nghị gia hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (hoặc giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp) bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền in từ các văn bản điện tử từ cơ sở dữ liệu quốc gia đối với trường hợp thông tin gốc được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc bản sao đối chiếu với bản chính (trường hợp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận, giấy phép tương đương có thay đổi so với thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép);
c) Bản sao có chứng thực quyết định của cấp có thẩm quyền về sử dụng băng tần đề phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.
5. Thời hạn và quy trình xử lý hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông:
a) Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) xét tính hợp lệ của hồ sơ trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Viễn thông thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp.
b) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn xét tính hợp lệ của hồ sơ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) xét gia hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông cho doanh nghiệp theo thẩm quyền.
Trường hợp doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, cơ quan cấp phép có trách nhiệm gửi Bộ Công an một bản sao để phối hợp kiểm soát, bảo đảm an ninh thông tin.
Trường hợp từ chối gia hạn, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn xét tính hợp lệ của hồ sơ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho doanh nghiệp đề nghị gia hạn biết.
6. Giấy phép viễn thông gia hạn có hiệu lực kể từ ngày hết hạn của giấy phép đề nghị được gia hạn.
7. Thời hạn của giấy phép viễn thông gia hạn được xét theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 39 Luật Viễn thông.
8. Việc công bố nội dung gia hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 35 Nghị định này.
9. Doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 73 Luật Viễn thông muốn tiếp tục kinh doanh khí giấy phép hết hạn thì phải thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo quy định tại Điều 39 Nghị định này.
Điều 39. Cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
1. Trong thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông (giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng), doanh nghiệp muốn cấp lại giấy phép phải gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) và chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của hồ sơ.
Trường hợp đề nghị cấp lại do giấy phép hết hiệu lực, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép khi giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông còn thời hạn tối đa 90 và ít nhất 60 ngày trước ngày giấy phép hết hạn. Yêu cầu về thời hạn nộp hồ sơ này không áp dụng đối với các giấy phép hết hạn trước ngày thứ 60 kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
2. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm:
a) Các tài liệu của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông tương ứng tại Điều 35 Nghị định này;
b) Báo cáo tình hình thực hiện giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông kể từ ngày được cấp tới ngày đề nghị cấp lại giấy phép theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Tài liệu chứng minh số tiền đã đầu tư để thiết lập mạng viễn thông trong trường hợp đã đầu tư thiết lập mạng viễn thông trước đó và cần xét đáp ứng quy định về vốn đầu tư trong điều kiện về triển khai mạng viễn thông.
3. Việc xét cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được thực hiện dựa trên việc xét đáp ứng điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông quy định tại Điều 36 Luật Viễn thông, có xem xét việc tuân thủ quy định trong giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông đề nghị được cấp lại và quyền lợi hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông.
4. Thời hạn và quy trình xử lý hồ sơ:
a) Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) xét tính hợp lệ của hồ sơ trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Viễn thông thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn xét tính hợp lệ của hồ sơ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) xét cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông cho doanh nghiệp theo thẩm quyền.
Trường hợp từ chối cấp phép, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn xét tính hợp lệ của hồ sơ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho doanh nghiệp đề nghị cấp phép biết.
b) Trường hợp cấp lại giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng do thay đổi nhu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện cần được cấp thông qua đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện hoặc cấp lại giấy phép sử dụng băng tần, thời hạn và quy trình xử lý hồ sơ thực hiện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.
c) Trường hợp doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, cơ quan cấp phép có trách nhiệm gửi Bộ Công an một bản sao để phối hợp kiểm soát, bảo đảm an ninh thông tin.
5. Giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông cấp lại có hiệu lực kể từ ngày ký giấy phép. Trường hợp cấp lại do giấy phép hết hiệu lực, giấy phép cấp lại có hiệu lực kể từ ngày hết hạn của giấy phép đề nghị cấp lại.
6. Thời hạn của giấy phép cấp lại được xét theo đề nghị của doanh nghiệp nhưng không quá thời hạn tối đa quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật Viễn thông của giấy phép đề nghị cấp lại.
7. Việc công bố nội dung cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 35 Nghị định này.
8. Doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 73 Luật Viễn thông muốn cấp lại giấy phép phải thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông đối với cả giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông tương ứng đã được cấp theo quy định của Điều này. Việc cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được thực hiện theo nguyên tắc sau:
a) Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng được cấp lại thay thế cho giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông đề nghị cấp lại;
b) Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng được cấp lại thay thế cho giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông đề nghị cấp lại.
Điều 40. Cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển
1. Cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển
Tổ chức đề nghị cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển phải gửi 01 bộ hồ sơ bản gốc và 04 bộ hồ sơ bản sao tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp phép. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển theo Mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao hợp lệ giấy tờ pháp lý của tổ chức đề nghị cấp phép (quyết định thành lập, giấy phép hoạt động hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài hoặc tài liệu tương đương khác theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về doanh nghiệp) bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền in từ các văn bản điện tử từ cơ sở dữ liệu quốc gia đối với trường hợp thông tin gốc được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc bản sao đối chiếu với bản chính;
c) Bàn sao điều lệ hoạt động của tổ chức, văn bản quy định cơ cấu tổ chức chung hoặc hình thức liên kết, hoạt động chung giữa các thành viên;
d) Đề án lắp đặt cáp viễn thông trên biển bao gồm các nội dung chính sau: các văn bản pháp lý liên quan đến phê duyệt đầu tư tuyến cáp (nếu có); tổng quan về tổ chức đề nghị cấp phép; sự cần thiết đầu tư tuyến cáp; hiện trạng mạng lưới, nhu cầu phát triển thị trường, xác định rõ tính chất, mục tiêu và phạm vi của tuyến cáp; hình thức đầu tư, tổng vốn đầu tư, tỷ lệ góp vốn của các thành viên, tỷ lệ sở hữu dung lượng, các trạm cập bờ trên toàn tuyên cáp; thông số kỹ thuật của tuyến cáp (tổng chiều dài toàn tuyến, tổng chiều dài trong vùng biển Việt Nam, tọa độ điểm vào, tọa độ điểm ra vùng biển của Việt Nam); dự kiến tọa độ tuyến cáp đề nghị lắp đặt, đường đi của tuyến cáp phải trình bày trên bản đồ thể hiện đúng chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, địa giới hành chính của Việt Nam theo quy định pháp luật đo đạc và bản đồ (bản đồ hành chính Việt Nam tỷ lệ 1:9.000.000); số đôi sợi, công nghệ sử dụng, dung lượng thiết kế, dung lượng trang bị; kế hoạch thi công (lịch trình chi tiết và phương án thi công để thực hiện việc khảo sát, dọn dẹp, chạy neo, kiểm tra sau rải và chôn lấp); dự kiến thời điểm bắt đầu khảo sát, thời điểm bắt đầu lắp đặt, ngày chính thức khai thác một phần hoặc toàn bộ tuyến cáp; kế hoạch bảo dưỡng tuyến cáp trong vùng biển Việt Nam trong 05 năm đầu kể từ ngày chính thức khai thác một phần hoặc toàn bộ tuyến cáp; phương án đảm bảo an toàn cho phương tiện, con người trong quá trình thi công, đảm bảo an toàn, an ninh cho các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển tại vùng biển tuyến cáp đi qua; phương án đảm bảo an ninh, môi trường biển trong quá trình khảo sát, thi công tuyến cáp và các vấn đề liên quan đến khảo sát biển, hoạt động ngâm dưới biển; cam kết về việc đảm bảo an toàn và bồi thường cho các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển của Việt Nam nếu do lỗi của tàu, thuyền vào khảo sát, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa, thu hồi tuyến cáp gây ra hư hỏng các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển này.
2. Thời hạn, quy trình xử lý hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển:
a) Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) tiếp nhận và xét tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ; gửi hồ sơ lấy ý kiến các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn xét tính hợp lệ của hồ sơ. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến, các cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản. Văn bản trả lời phải nêu rõ đồng ý cấp phép theo nội dung hồ sơ nhận được hoặc đồng ý cấp phép kèm theo các điều kiện, biện pháp thực hiện mà tổ chức đề nghị cấp phép phải đáp ứng hoặc thực hiện bổ sung để được cấp phép.
b) Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ ý kiến trả lời của các cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) xét cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển theo thẩm quyền.
Trường hợp từ chối cấp giấy phép, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối cho tổ chức đề nghị cấp giấy phép biết.
3. Tổ chức được cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển có trách nhiệm gửi văn bản tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) để thông báo ngày chính thức khai thác một phần hoặc toàn bộ tuyến cáp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày chính thức khai thác.
4. Trong thời hạn hiệu lực của giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển, tổ chức được cấp giấy phép phải thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển khi thay đổi tên tổ chức được cấp phép hoặc thay đổi vị trí lắp đặt tuyến cáp trong vùng biển Việt Nam.
Trường hợp thay đổi trụ sở chính của tổ chức được cấp phép, thay đổi tỷ lệ sở hữu dung lượng của các thành viên tuyến cáp hoặc thay đổi trạm cập bờ trên toàn tuyến cáp ngoài vùng biển Việt Nam, tổ chức được cấp phép phải gửi văn bản thông báo tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) về nội dung thay đổi trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chính thức thay đổi.
5. Tổ chức đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển phải gửi 01 bộ hồ sơ bản gốc và 04 bộ hồ sơ bản sao tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển bao gồm:
a) Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển theo Mẫu số 13 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Nội dung chi tiết của việc sửa đổi, bổ sung giấy phép và các tài liệu có liên quan khác.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) tiếp nhận và xét tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn xét tính hợp lệ của hồ sơ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) xét sửa đổi, bổ sung giấy phép theo thẩm quyền trên cơ sở việc tuân thủ nội dung giấy phép đã được cấp và các quy định pháp luật có liên quan. Trường hợp thay đổi vị trí lắp đặt tuyến cáp, Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến các cơ quan như quy định tại khoản 2 Điều này và thời gian xét sửa đổi, bổ sung có thể kéo dài nhưng không được quá 40 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn xét tính hợp lệ của hồ sơ.
Trường hợp từ chối sửa đổi, bổ sung giấy phép, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối cho tổ chức đề nghị cấp giấy phép biết.
7. Gia hạn giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển (đối với trường hợp giấy phép có thời hạn cấp lần đầu ngắn hơn thời hạn tối đa theo quy định)
Chậm nhất 90 ngày trước thời điểm giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển đã được cấp hết hạn, tổ chức được cấp phép muốn gia hạn giấy phép phải gửi 01 bộ hồ sơ bản gốc tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép. Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển bao gồm:
a) Đơn đề nghị gia hạn giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Báo cáo về việc tuân thủ nội dung giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển đã được cấp và các quy định của pháp luật có liên quan.
8. Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) tiếp nhận và xét tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn xét tính hợp lệ của hồ sơ, Bộ Thông tin và Truyền thông xét gia hạn giấy phép trên cơ sở việc tuân thủ nội dung giấy phép đã được cấp và các quy định pháp luật có liên quan. Trường hợp cần lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, thời gian xét gia hạn giấy phép có thể kéo dài nhưng không vượt quá 40 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn xét tính hợp lệ của hồ sơ.
Trường hợp từ chối gia hạn giấy phép, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho tổ chức đề nghị gia hạn giấy phép biết.
9. Giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển được cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn theo Mẫu số 30 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và được gửi một bản sao cho Bộ Công an để phối hợp kiểm soát, bảo đảm an ninh thông tin.
10. Tổ chức được cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển đề nghị cho phép tàu, thuyền vào vùng biển Việt Nam để khảo sát, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa, thu hồi tuyến cáp viễn thông trên biển phải gửi 01 bộ hồ sơ bản gốc và 02 bộ hồ sơ bản sao tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị. Hồ sơ đề nghị cho phép tàu, thuyền vào vùng biển Việt Nam bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cho phép tàu, thuyền vào vùng biển Việt Nam của tổ chức đã được cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển bao gồm thông tin cụ thể về phân đoạn tuyến cáp cần khảo sát, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa, thu hồi theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển và thông số kỹ thuật của tàu, thuyền dự kiến vào vùng biển Việt Nam;
c) Danh sách thuỷ thủ đoàn và thông tin về thời gian dự kiến nhập cảnh, quá cảnh, xuất cảnh, mục đích, nơi ở của thành viên thuỷ thủ đoàn (nếu nhập cảnh, quá cảnh tại Việt Nam);
d) Kế hoạch thi công: Lịch trình chi tiết, phương án thi công, thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc, tọa độ vị trí thực hiện hoạt động khảo sát, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa, thu hồi tuyến cáp;
đ) Thông báo chính thức về sự cố tuyến cáp do Trung tâm vận hành và quản lý tuyến cáp ban hành (trường hợp tàu, thuyền vào để sửa chữa);
e) Thông báo việc ngừng khai thác tuyến cáp do các chủ sở hữu tuyến cáp ban hành (trường hợp tàu, thuyền vào để thu hồi).
11. Căn cứ việc tuân thủ giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển, tuân thủ văn bản cho phép tàu, thuyền vào vùng biển Việt Nam đã cấp (nếu có) và hồ sơ đề nghị cho phép tàu, thuyền vào vùng biển Việt Nam của tổ chức, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) phối hợp với Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng cho phép tàu, thuyền vào vùng biển Việt Nam để khảo sát, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa, thu hồi tuyến cáp viễn thông trên biển theo đề nghị của tổ chức đã được cấp giấy phép và phù hợp với các quy định của pháp luật.
Trường hợp thuỷ thủ đoàn nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam thì lấy thêm ý kiến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an. Văn bản cho phép tàu, thuyền vào vùng biển Việt Nam thực hiện theo Mẫu số 31 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
12. Trường hợp tổ chức nước ngoài đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển, đề nghị cho phép tàu, thuyền vào vùng biển Việt Nam thì hồ sơ đề nghị tương ứng phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt và công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trường hợp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện các thủ tục nêu trên phải gửi kèm hợp đồng ủy quyền của tổ chức nước ngoài cho tổ chức, cá nhân Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.
13. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày hoàn tất hoạt động khảo sát, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa, thu hồi tuyến cáp, tổ chức đề nghị cho phép tàu, thuyền vào vùng biển Việt Nam có trách nhiệm gửi báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong quá trình thực hiện các hoạt động trên như sau:
a) Báo cáo kết quả của hoạt động khảo sát, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa, thu hồi tuyến cáp, các tình huống bất thường xảy ra trong vùng biển Việt Nam (nếu có);
b) Gửi dữ liệu nhận dạng tự động của tàu thuyền (dữ liệu định dạng Excel) tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) theo địa chỉ thư điện tử baocaovt@mic.gov.vn.
…………………
Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Công nghệ - Thông tin được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.
Nghị định 163/2024/NĐ-CP về thi hành Luật Viễn thông
356,8 KB 30/12/2024 8:46:00 SANghị định 163/2024/NĐ-CP pdf
31/12/2024 9:09:18 SA
Cơ quan ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Hồ Đức Phớc |
Số hiệu: | 163/2024/NĐ-CP | Lĩnh vực: | Viễn thông |
Ngày ban hành: | 24/12/2024 | Ngày hiệu lực: | 24/12/2024 |
Loại văn bản: | Nghị định | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng hiệu lực: | Còn hiệu lực |
- Chia sẻ:Hoa Trịnh
- Ngày:
Bài liên quan
-
Các đối tượng được miễn thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2025
-
Phụ lục Nghị định 158/2024/NĐ-CP về vận tải đường bộ
-
Những đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng từ 1/1/2025
-
Cách xác thực tài khoản Tik Tok bằng Số điện thoại
-
Không xác thực tài khoản mạng xã hội có sao không?
-
Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách từ 1/1/2025
-
Thông tư 86/2024/TT-BTC quy định về đăng ký thuế
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2025 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2025
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2025
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2025
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27
Bài viết hay Công nghệ - Thông tin
Thông tư 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp
Quyết định 1497/QĐ-TTg 2018
Quyết định 370/2013/QĐ-TTg
Quyết định 19/2013/QĐ-UBND
Quyết định 1101/QĐ-BHXH về tài liệu đặc tả khuôn dạng hồ sơ, chuẩn trao đổi dữ liệu giữa tổ chức cung cấp dịch vụ I-VAN và BHXH
Thông tư 03/2018/TT-BTTTT
Thuế - Lệ phí - Kinh phí
Giáo dục - Đào tạo
Y tế - Sức khỏe
Thể thao
Bảo hiểm
Chính sách
Hành chính
Cơ cấu tổ chức
Quyền Dân sự
Tố tụng - Kiện cáo
Dịch vụ Pháp lý
An ninh trật tự
Trách nhiệm hình sự
Văn bản Nông - Lâm - Ngư nghiệp
Tài nguyên - Môi trường
Công nghệ - Thông tin
Khoa học công nghệ
Văn bản Giao thông vận tải
Hàng hải
Văn hóa Xã hội
Du lịch
Doanh nghiệp
Xuất - Nhập khẩu
Tài chính - Ngân hàng
Lao động - Tiền lương
Đầu tư - Chứng khoán - Thương mại
Xây dựng - Đô thị - Đất đai - Nhà ở
Lĩnh vực khác