Đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết đại hội XIII của Đảng 2024

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp với nhiều nội dung đổi mới đáng chú ý về xây dựng Đảng. Sau khi tham dự các hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đảng viên cần thực hiện làm bài thu hoạch Đại hội Đảng lần thứ 13. Sau đây là một số đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết đại hội XIII của Đảng về tư tưởng Chính trị, mời các bạn cùng tham khảo.

1. Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng

Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tổ chức xây dựng kế hoạch học tập, nghiên cứu, quán triệt nghị quyết.

Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch học tập, nghiên cứu, quán triệt nghị quyết của Đảng phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Kế hoạch phải ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo theo đúng tinh thần chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; đồng thời, sát với thực tiễn của địa phương, đơn vị.

Xây dựng và thực hiện đúng kế hoạch đề ra là thể hiện phương pháp làm việc khoa học, mang lại chất lượng, hiệu quả trong mọi lĩnh vực; trái ngược với kiểu làm việc tùy tiện, ngẫu hứng, chất lượng và hiệu quả thấp. Trong kế hoạch phải xác định rõ mục đích, yêu cầu; nội dung, hình thức; báo cáo viên và thành phần tham gia nghiên cứu, học tập; thời gian, địa điểm, trang trí khánh tiết; tổ chức thực hiện và công tác bảo đảm, phù hợp với đối tượng cán bộ, đảng viên ở từng cấp và theo từng loại hình tổ chức cơ sở đảng. Sau khi đã có kế hoạch phải phổ biến đến các đối tượng và tổ chức thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch đã đề ra. Nếu có tình huống phát sinh ngoài kế hoạch cần giải quyết kịp thời, hợp lý.

Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tổ chức hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết

Đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chỉ đạo, trực tiếp quán triệt học tập, tổ chức triển khai thực hiện và trực tiếp giới thiệu nghị quyết của Đảng tại cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị mình.

Hội nghị học tập, quán triệt phải được tổ chức nghiêm túc, phải dành thời gian thích hợp cho thảo luận, giải đáp thắc mắc, trao đổi thống nhất chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết. Coi trọng kết hợp giữa nghe giới thiệu, truyền đạt của báo cáo viên tại hội nghị với tự nghiên cứu của cán bộ, đảng viên.

Tại mỗi hội nghị học tập, quán triệt cần thiết phải thành lập ban tổ chức hội nghị do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban để giúp cấp ủy tăng cường quản lý, theo dõi việc học tập, nghiên cứu nghị quyết của cán bộ, đảng viên, khắc phục tình trạng tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập không cao. Sau quán triệt học tập, phải tổ chức cho cán bộ, đảng viên viết thu hoạch (có gợi ý nội dung và yêu cầu cụ thể) bằng nhiều hình thức như: viết bài thu hoạch cá nhân và nộp về ban tổ chức hội nghị hoặc ban tổ chức hội nghị mở chuyên mục để cán bộ, đảng viên viết bài, gửi bày tỏ quan điểm, ý kiến, nhận thức của mình và đề xuất các giải pháp để thực hiện nghị quyết ...

Ban tổ chức hội nghị có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo cấp ủy cùng cấp và cấp ủy cấp trên kết quả học tập, nghiên cứu của cán bộ, đảng viên; kịp thời biểu dương hoặc phê bình, nhắc nhở và làm cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ và chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hàng năm.

Ba là, đa đạng hóa hình thức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nghị quyết của Đảng

Từng bước đa dạng hóa hình thức tổ chức quán triệt học tập, tuyên truyền, phổ biến nghị quyết của Đảng; tùy theo yêu cầu của từng nghị quyết, để áp dụng hình thức tổ chức cho phù hợp, như: (1) Duy trì hình thức tổ chức hội nghị ở các cấp: Tổ chức hội nghị dành cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện và hội nghị dành cho đảng viên ở cơ sở. Đối với hội nghị dành cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, các cấp ủy đảng cần căn cứ vào điều kiện thực tế, số lượng đảng viên để tổ chức các lớp với quy mô và hình thức học tập thật sự hiệu quả. (2) Dần từng bước tổ chức theo hình thức trực tuyến. (3) Tổ chức theo hình thức truyền hình, truyền thanh trực tiếp: Tuỳ theo tính chất, nội dung, có thể tổ chức Hội nghị truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; các điểm hội nghị tại các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và các xã, phường, thị trấn trong tỉnh cùng dự học thông qua theo dõi truyền hình, truyền thanh trực tiếp và được thông báo rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cùng theo dõi. (4) Tổ chức theo nhóm: Đối với những nghị quyết chuyên đề, sau khi tổ chức học tập, quán triệt cho cán bộ, đảng viên bằng các hình thức trên, các cấp ủy (cấp trên cơ sở trở lên), cơ quan, đơn vị cần tổ chức hội nghị nghiên cứu chuyên sâu dành cho cán bộ, đảng viên thuộc ngành, lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện nghị quyết.

Công tác biên soạn, chuẩn bị tài liệu, trên cơ sở các tài liệu nghiên cứu, học tập nghị quyết của Trung ương, tùy theo nội dung, yêu cầu của nghị quyết, Ban Tuyên giáo các cấp nghiên cứu biên soạn tài liệu học tập theo hình thức hỏi - đáp đối với đối tượng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, gắn với tình hình thực tiễn của địa phương cho phù hợp. Cấp ủy các cấp chỉ đạo mua, in sao tài liệu, đảm bảo 100% các chi bộ, trưởng thôn bản, tổ dân phố được cung cấp tài liệu để triển khai học tập nghị quyết của Đảng.

Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền miệng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tuyên giáo, báo cáo viên các cấp

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức công tác tuyên truyền miệng ở các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở theo hướng đa dạng hóa, tăng tính thuyết phục, thiết thực, phù hợp và sát thực. Nội dung tuyên truyền phải đúng định hướng, nhanh nhạy, được chọn lọc, phân tích, lý giải, bình luận sâu sắc trên các lĩnh vực, các vấn đề dư luận quan tâm, hoặc đang có các luồng thông tin khác nhau thuộc lĩnh vực mà nghị quyết đề cập đến.

Trường hợp cần thiết (nhất là đối với nghị quyết chuyên đề) có thể mời báo cáo viên cấp trên hoặc có sự hỗ trợ của báo cáo viên cùng cấp trong giới thiệu, truyền đạt. Xây dựng đội ngũ báo cáo viên làm công tác tuyên truyền miệng ở các cấp, các ngành có chất lượng cao, là lực lượng sắc xảo, nhạy bén, tinh nhuệ trên lĩnh vực chính trị tư tưởng và trong triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Báo cáo viên ngoài việc làm rõ các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong nghị quyết, điều quan trọng hơn là phải hiểu sâu sắc, vận dụng sát, hiện thực hóa nghị quyết ở từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là những thành tựu, yếu kém, khuyết điểm, nguyên nhân chủ quan ở cấp mình. Tăng tính đối thoại, thảo luận dân chủ đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng.

Năm là, đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ công tác quán triệt, học tập, tuyên truyền, phổ biến nghị quyết

Các cấp ủy quan tâm bố trí đầy đủ, kịp thời kinh phí (kinh phí cho báo cáo viên, kinh phí cho người học, kinh phí phục vụ công tác tổ chức hội nghị, tài liệu...); tăng cường đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc triển khai, quán triệt học tập, tuyên truyền, phổ biến nghị quyết của Đảng như: Hội trường, trang thiết bị kỹ thuật; phương tiện tuyên truyền, nhất là hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở...

2. Giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết đại hội XIII của Đảng 2024

Đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết đại hội XIII của Đảng 2024
Đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết đại hội XIII của Đảng 2024

Đây là các mẫu giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết đại hội XIII của Đảng có liên hệ với dịch tình hình dịch covid 19 và bối cảnh công nghệ số hiện đại ngày nay. Mời các bạn tham khảo.

Một là, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết từ cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đến các cán bộ, đảng viên. Chú trọng hơn nữa đến công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên hiểu và xác định rõ việc học tập nghị quyết là nhu cầu tự thân, vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân. Đây được xem là giải pháp cơ bản, lâu dài góp phần khắc phục có hiệu quả biểu hiện “lười học” nghị quyết của Đảng, theo đúng tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai nghị quyết. Sự lãnh đạo, chỉ đạo cần sát sao, quyết liệt, đồng bộ, có sự kiểm tra, đôn đốc thường xuyên; phát huy tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong việc xây dựng, thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động nhằm cụ thể hóa nghị quyết. Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của tập thể và cá nhân người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ba là, cân nhắc, lựa chọn hình thức lớp học phù hợp với từng đối tượng, đổi mới cách thức tổ chức lớp học, cách học với các hình thức đa dạng, như tổ chức hội nghị chung, lớp học chuyên đề; thông qua sinh hoạt chi bộ; qua việc tự nghiên cứu tài liệu; đảng viên thuộc lĩnh vực nào thì tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu ở lĩnh vực đó.

Tiếp tục mở rộng việc tổ chức hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết, coi đây là hình thức cơ bản; phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng kỹ thuật số, đặc biệt là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Đây là hình thức không chỉ mang tính thời sự cao, mà còn cho phép tổ chức với quy mô lớn, tiết kiệm thời gian và chi phí. Tuy nhiên, cần chú ý phân bổ thời gian cho việc trao đổi, giải đáp, tương tác giữa báo cáo viên và đại biểu ở các điểm cầu; đầu tư nâng cấp thiết bị, bảo đảm chất lượng đường truyền trong quá trình nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết. Tùy điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, cần linh hoạt kết hợp hình thức trực tuyến với nghiên cứu, học tập, quán triệt trực tiếp.

Bên cạnh việc tổ chức các lớp học, các cấp ủy cần quan tâm chú ý đến việc hướng dẫn tự nghiên cứu, tra cứu khai thác tài liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cung cấp đầy đủ tài liệu cho cán bộ, đảng viên, phát huy tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tăng cường kiểm tra đánh giá nhận thức đối với cán bộ, đảng viên; chú trọng công tác sơ kết, tổng kết việc học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Đảng.

Bốn là, lựa chọn, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống; có trình độ chuyên sâu về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu truyền đạt có hiệu quả nội dung nghiên cứu, học tập, quán triệt. Báo cáo viên ngoài việc làm rõ các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong nghị quyết, cần phải am hiểu sâu sắc, biết vận dụng một cách phù hợp nội dung của nghị quyết ở từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị; gia tăng tính đối thoại, thảo luận dân chủ đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng trong quá trình truyền đạt nghị quyết.

Năm là, nghiên cứu xây dựng các tài liệu theo hướng chuyên sâu, phù hợp với từng nhóm đối tượng, cấp phát tới từng chi bộ để cán bộ, đảng viên dễ dàng học tập, nghiên cứu và tuyên truyền. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, ứng dụng sách học tập nghị quyết điện tử, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên các báo, tạp chí lớn của Trung ương, qua internet, mạng xã hội, tạo điều kiện cho người học tiếp cận tài liệu nghiên cứu, học tập một cách thuận tiện, nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi.

Sáu là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, sinh động, sáng tạo, bằng nhiều phương tiện, như sử dụng các kênh thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương (cổng thông tin điện tử, báo, tạp chí...), mạng xã hội, hoạt động sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội thi tìm hiểu, thi báo cáo viên giỏi... Trong quá trình tuyên truyền, cần chú ý nắm bắt, lắng nghe tâm tư, thắc mắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung nghị quyết để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, nâng cao hiệu quả định hướng, tạo sự đồng thuận trong nhận thức của toàn xã hội; kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc nghị quyết.

Bảy là, chú trọng xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Đảng một cách rõ ràng, thiết thực, khắc phục tối đa những hạn chế mà Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra: “Chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế; năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp”. Cần bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện nghị quyết theo phương châm “kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần”, bởi những kết quả đạt được trên thực tế chính là thước đo chính xác nhất cho việc triển khai, đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Tám là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Kết quả nghiên cứu, học tập và thực hiện chương trình hành động phải được coi là cơ sở quan trọng để kiểm điểm, đánh giá tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên hằng năm và cả nhiệm kỳ. Sau mỗi đợt nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần chú ý chỉ đạo thực hiện công tác sơ kết, rút kinh nghiệm; từ đó, đề ra biện pháp khắc phục triệt để “bệnh hình thức”, qua loa, đại khái; đồng thời, kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của các tập thể, cá nhân.

3. Giải pháp xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức

Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức luôn là việc làm thường xuyên quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy, tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị; đấu tranh bảo vệ, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội đối với Cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuyên truyền sâu rộng để nhận diện và chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.

Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo việc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết. Thực hiện nghiêm túc việc học tập nghị quyết gắn với thảo luận, triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án ... cụ thể hóa nghị quyết. Cán bộ, đảng viên nêu cao ý thức tự giác học tập Nghị quyết, tiếp thu đầy đủ nội dung nghị quyết, nắm chắc, hiểu sâu nội dung liên quan trực tiếp chức năng, nhiệm vụ để tham mưu thực hiện sát đúng và có hiệu quả.

Ba là, đa dạng hình thức tổ chức nghiên cứu, học tập, tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết trực tuyến từ Trung ương đến cơ sở. Phát huy vai trò của báo chí, văn hóa, văn nghệ trong định hướng tư tưởng chính trị, định hướng nhân cách, định hướng các giá trị sống phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Bốn là, đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh coi đây là công việc thường xuyên, nền nếp, thành nhu cầu tự thân của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, cơ quan, đơn vị. Chủ động phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Kiên quyết đấu tranh phòng và chống quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm… đi đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ, kịp thời phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm theo qui định.

Năm là, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, cán bộ cấp chiến lược phải thường xuyên nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, nhân cách văn hóa, đạo đức cách mạng, trình độ trí tuệ, phong cách và phương pháp công tác, thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống, phong cách, công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức là ý chí của Đảng, là tình cảm và nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam. Vì vậy, mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm xây dựng "Đảng ta là đạo đức, là văn minh" như Bác Hồ kính yêu từng căn dặn, hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống./.

4. Giải pháp triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển kinh tế

Một là, phát triển kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước thành hai trụ cột quan trọng của nền kinh tế; không tách biệt riêng rẽ kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước và các thành phần kinh tế khác, mà cần xác định được mối quan hệ tương tác giữa chúng, đặt trong sự phát triển kinh tế chung của đất nước.

Hai là, chú trọng phát triển kinh tế bền vững, gắn với các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Ba là, chú trọng phát triển nền kinh tế số dựa trên nền tảng tri thức và công nghệ.

Trên cơ sở đó, cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và giám sát thực hiện thể chế; các bộ, ngành và địa phương là cơ quan triển khai để phát huy tính năng động, sáng tạo, đúng đường lối trong thực hiện.

Liên hệ thực tế đối với bản thân

Tham khảo thêm: Liên hệ về trách nhiệm cá nhân về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước

Trên đây là những đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết đại hội XIII của Đảng 2024. Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 2.811
0 Bình luận
Sắp xếp theo