Tự ý nghỉ ngang có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

Trợ cấp thất nghiệp là khoản tiền cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả cho người lao động sau khi chấm dứt sử dụng lao động với người sử dụng lao động nhằm giúp đỡ người lao động vượt qua khó khăn. Tự ý nghỉ ngang có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không? Đây là câu hỏi rất nhiều người lao động quan tâm, thắc mắc, để giải đáp được mời các bạn tham khảo nội dung bài viết dưới đây của Hoatieu.vn nhé.

1. Nghỉ việc ngang là gì?

Nghỉ ngang bản chất là thuật ngữ phổ thông mà mọi người hay dùng để chỉ việc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định của pháp luật.

Theo đó, đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định của pháp luật được hiểu là: Người lao động tự ý nghỉ việc không có lý do hoặc lý do không đúng quy định của pháp luật; không tuân thủ quy định về việc thông báo cho người sử dụng lao động biết trước về việc nghỉ việc của mình.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu được nghỉ việc ngang là việc người lao động tự ý nghỉ việc khi không có lý do hoặc lý do không chính đáng; không thông báo cho người sử dụng lao động biết trước 30 ngày đối với hợp đồng xác định thời hạn hoặc 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn.

2. Tự ý nghỉ ngang có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

Câu hỏi: Tôi làm công ty khoảng 3 năm và tự ý nghỉ ngang. Vậy tôi có thể rút trợ cấp thất nghiệp được không?

Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 của Luật này;

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết.

Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013 quy định đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp như sau:

1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Như vậy, trường hợp của bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (tự ý nghỉ ngang) sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đánh giá bài viết
1 84
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi