Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT

Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn.

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

___________

Số: 74/2011/TT-BNNPTNT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

__________________________

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2011

THÔNG TƯ
Quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý
thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn
____________________

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa số 05/2007/QH12 ngày 21/11/2007;

Căn cứ Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm sản và các cơ quan liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc thực vật: Cơ sở trồng trọt; cơ sở sơ chế gắn liền với cơ sở trồng trọt; cơ sở thu gom; cơ sở sơ chế (độc lập); cơ sở bảo quản, vận chuyển; cơ sở chế biến; cơ sở kinh doanh (bao gồm cả thực phẩm nhập khẩu); (sau đây gọi tắt là cơ sở).

2. Cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn: Cơ sở chăn nuôi; cơ sở giết mổ; cơ sở sơ chế; cơ sở bảo quản, vận chuyển; cơ sở chế biến; cơ sở kinh doanh (bao gồm cả thực phẩm nhập khẩu); (sau đây gọi tắt là cơ sở).

3. Thông tư này không áp dụng đối với:

a) Hộ gia đình, cá nhân sản xuất thực phẩm nông lâm sản có quy mô nhỏ để sử dụng tại chỗ và không đưa ra tiêu thụ trên thị trường;

b) Cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm sản nhưng không dùng làm thực phẩm;

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Truy xuất nguồn gốc thực phẩm: là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh.

2. Thu hồi sản phẩm: là áp dụng các biện pháp nhằm đưa sản phẩm không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm ra khỏi chuỗi sản xuất kinh doanh thực phẩm.

3. Nguyên tắc truy xuất một bước trước - một bước sau: là cơ sở phải lưu giữ thông tin để bảo đảm khả năng nhận diện được cơ sở sản xuất kinh doanh/ công đoạn sản xuất trước và cơ sở sản xuất kinh doanh/ công đoạn sản xuất tiếp theo sau trong quá trình sản xuất kinh doanh đối với một sản phẩm được truy xuất.

4. Lô hàng sản xuất (mẻ sản xuất): là một lượng hàng xác định được sản xuất theo cùng một quy trình công nghệ, cùng điều kiện sản xuất và cùng một khoảng thời gian sản xuất liên tục.

5. Lô hàng nhận: là một lượng nguyên liệu được một cơ sở thu mua, tiếp nhận một lần để sản xuất.

6. Lô hàng giao: là một lượng thành phẩm của một cơ sở được giao nhận một lần.

Điều 4. Nguyên tắc kiểm tra hệ thống truy xuất nguồn gốc

Việc kiểm tra hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm sản được tiến hành đồng thời với hoạt động kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm sản theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 5. Cơ quan kiểm tra

1. Kiểm tra việc tuân thủ quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn của các cơ sở:

a) Cấp trung ương: là các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành theo phân công, phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Cấp địa phương: là cơ quan chuyên môn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công theo phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Kiểm tra việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản bị cảnh báo mất an toàn thực phẩm:

a) Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan kiểm tra việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản bị cảnh báo mất an toàn thực phẩm theo thông tin cảnh báo của nước nhập khẩu, từ các cơ quan kiểm tra nêu tại Điểm a Khoản 1 Điều này và từ các nguồn thông tin cảnh báo khác.

b) Chi Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản hoặc đơn vị được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan kiểm tra việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản bị cảnh báo mất an toàn thực phẩm theo thông tin cảnh báo của cơ quan kiểm tra nêu tại Điểm b Khoản 1 Điều này và từ các nguồn thông tin khác của địa phương.

Đánh giá bài viết
1 469
0 Bình luận
Sắp xếp theo