Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán

Thông tư số 37/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính: Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

BỘ TÀI CHÍNH

---------------
Số: 37/2011/TT-BTC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------------------------------

Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 2011

THÔNG TƯ
Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2010
của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán
——————————

Căn cứ Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính,

Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán như sau:

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (sau đây gọi tắt là vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán) là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý vi phạm quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (sau đây gọi tắt là Nghị định 85) phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 2. Áp dụng các nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính

1. Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán phải được tiến hành kịp thời, công khai, minh bạch và triệt để. Mọi hậu quả do hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán gây ra phải được khắc phục theo quy định của pháp luật.

2. Khi ra quyết định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được quy định tại Điều 8, Điều 9 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Điều 6 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 (sau đây gọi tắt là Nghị định 128) và một số quy định cụ thể sau đây:

a) Một hành vi vi phạm do cùng một cá nhân, tổ chức thực hiện ở cùng một thời điểm thì chỉ xử phạt một lần. Trường hợp đã bị xử phạt về một hành vi vi phạm, nhưng chưa hết 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà lại tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm đó thì áp dụng tình tiết tăng nặng là tái phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 128 khi ra quyết định xử phạt;

b) Nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi cá nhân, tổ chức vi phạm đều bị xử phạt về hành vi đó. Người có thẩm quyền xử phạt căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ ra quyết định xử phạt đối với từng cá nhân, tổ chức cùng thực hiện hành vi vi phạm hành chính;

c) Một cá nhân hoặc tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Khi quyết định xử phạt một cá nhân hoặc tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính, người có thẩm quyền chỉ ra một quyết định xử phạt trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm; nếu các hình thức xử phạt là phạt tiền thì cộng lại thành mức phạt chung.

3. Trường hợp hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán là hệ quả của một hành vi vi phạm khác trong cùng lĩnh vực chứng khoán thì chỉ xử phạt đối với hành vi vi phạm có chế tài xử phạt nặng hơn.

4. Trong trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm bị chuyển hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự mà trước đó đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải hủy bỏ quyết định xử phạt; nếu chưa ra quyết định xử phạt thì không xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đó.

Điều 3. Cách tính thời hạn, thời hiệu xử phạt

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán:

a) Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, thời hiệu xử phạt là 02 năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện.

Thời điểm xác định một số hành vi vi phạm được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt được hướng dẫn cụ thể như sau:

- Đối với hành vi vi phạm quy định về thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng tại khoản 4 và khoản 5 Điều 8 Nghị định 85, thời điểm xác định hành vi vi phạm được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt là ngày kết thúc việc đăng ký mua chứng khoán; trường hợp đã thu tiền mua chứng khoán thì thời điểm để tính thời hiệu xử phạt là ngày kết thúc việc thu tiền mua chứng khoán.

- Đối với hành vi vi phạm về nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quy định tại khoản 1, 2 và điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị định 85, thời điểm xác định hành vi vi phạm được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt là ngày nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước không đúng thời hạn theo quy định;

b) Đối với cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án nhưng hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính về chứng khoán thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, cơ quan đã ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án phải gửi quyết định và hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Trong trường hợp này, thời hiệu xử lý vi phạm là 03 tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ án đến ngày ra quyết định xử lý;

c) Trong thời hiệu quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều này mà tổ chức, cá nhân vi phạm lại thực hiện vi phạm mới trong lĩnh vực chứng khoán hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu tại điểm a và b khoản 1 Điều này. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Ngày chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt là ngày người vi phạm tự giác đến cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán trình báo và nhận thực hiện các biện pháp xử phạt. Cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán phải lập biên bản ghi nhận việc này và lưu một bản vào hồ sơ vi phạm và một bản giao cho người vi phạm.

2. Cách xác định thời hạn, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán:

a) Thời hạn, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán được quy định theo tháng hoặc theo năm thì khoảng thời gian đó được tính theo tháng hoặc theo năm dương lịch, bao gồm cả ngày nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động;

b) Thời hạn được quy định theo ngày thì khoảng thời gian đó được tính theo ngày làm việc, không bao gồm ngày nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động.

Điều 4. Các hình thức xử phạt

1. Hình thức xử phạt chính:

a) Cảnh cáo:

Hình thức phạt cảnh cáo được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính mà Nghị định 85 quy định hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi đó và khi có tình tiết giảm nhẹ;

b) Phạt tiền:

Khi phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống, nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt, nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tiền phạt tối thiểu và mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.

Khi xác định mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì xem xét giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc hai tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng. Sau khi giảm trừ theo nguyên tắc trên, nếu còn một tình tiết tăng nặng và một tình tiết giảm nhẹ thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và thái độ khắc phục hậu quả của người vi phạm, người có thẩm quyền xử lý xem xét áp dụng mức phạt tiền áp dụng đối với trường hợp có một tình tiết tăng nặng hoặc trường hợp không có tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Việc tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định 85 được hướng dẫn cụ thể như sau:

a) Tổ chức, cá nhân có các khoản thu trái pháp luật từ việc thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị tịch thu nộp ngân sách Nhà nước;

b) Khoản thu trái pháp luật bị tịch thu không bao gồm các khoản thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư và các khoản thuế, phí phải nộp theo quy định;

c) Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng phương pháp tính các khoản thu trái pháp luật phù hợp với tình hình thực tế và trường hợp cụ thể.

Đánh giá bài viết
1 177
0 Bình luận
Sắp xếp theo