Thông tư 06/2021/TT-BGTVT Quy chuẩn khí thải mức 5 với ô tô sản xuất, nhập khẩu mới
QCVN về khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu
Thông tư 06/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
QCVN về khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới
Ngày 06/4/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã ra Thông tư 06/2021/TT-BGTVT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
Theo đó, Quy chuẩn quy định mức giới hạn khí thải, các phép thử và phương pháp thử, các yêu cầu về quản lý và tổ chức thực hiện việc kiểm tra khí thải mức 5 trong kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe ô tô sản xuất, lắp ráp và xe ô tô nhập khẩu mới. Các loại ô tô được áp dụng trong Quy chuẩn bao gồm các loại xe ô tô có ít nhất bốn bánh, được phân loại thành các xe ô tô khối lượng chuẩn thấp, xe ô tô khối lượng chuẩn cao.
Nội dung Thông tư 06 2021 BGTVT
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI Số: 06/2021/TT-BGTVT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 2021 |
THÔNG TƯ
Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới
__________
Căn cứ Luật giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải
Căn cứ Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Môi trường;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
Mã số đăng ký: QCVN 109:2021/BGTVT.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Khuyến khích các cơ sở sản xuất, lắp ráp; tổ chức, cá nhân nhập khẩu xe ô tô và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan áp dụng Thông tư này sớm hơn thời điểm có hiệu lực nêu trên.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: - Bộ trưởng (để b/c); - Các Thứ trưởng Bộ GTVT; - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; - Các cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Bộ Khoa học và Công nghệ (để đăng ký); - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); - Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ; - Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT; - Báo Giao thông, Tạp chí GTVT; - Lưu: VT, MT(H.Lưu). | KT. BỘ TRƯỞNG Lê Đình Thọ |
QCVN 109:2021/BGTVT
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ KHÍ THẢI MỨC 5 ĐỐI VỚI XE Ô TÔ SẢN XUẤT, LẮP RÁP VÀ NHẬP KHẲU MỚI
National technical regulation on the fifth level of gaseous pollutants emission for new assembled, manufactured and imported automobiles
Lời nói đầu
QCVN 109:2021/BGTVT do Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Vụ Môi trường trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số ......./2021/TT-BGTVT ngày.... tháng ... năm 2021.
Quy chuẩn này được biên soạn trên cơ sở:
- Các Tiêu chuẩn quốc gia: TCVN 6785:2015, TCVN 6567:2015, TCVN 6565:2006;
- Các Quy định của Ủy ban Kinh tế Châu Âu của Liên hợp quốc: ECE 83 - Rev. 04 và ECE 49 - Rev. 05;
- Các Chỉ thị của Hội đồng Nghị viện Châu Âu: DIRECTIVE 2005/78/EC, DIRECTIVE 715/2007/EC và DIRECTIVE 2007/46/EC.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ KHÍ THẢI MỨC 5 ĐỐI VỚI XE Ô TÔ SẢN XUẤT, LẮP RÁP VÀ NHẬP KHẨU MỚI
National technical regulation on the fifth level of gaseous pollutants emission for new assembled, manufactured and imported automobiles
PHẦN I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn này quy định mức giới hạn khí thải, các phép thử và phương pháp thử, các yêu cầu về quản lý và tổ chức thực hiện việc kiểm tra khí thải mức 5 trong kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe ô tô sản xuất, lắp ráp (sản xuất, lắp ráp sau đây được viết tắt là “SXLR”) và xe ô tô nhập khẩu mới.
Các loại xe ô tô được áp dụng trong Quy chuẩn này bao gồm các xe ô tô có ít nhất bốn bánh, được phân loại thành các xe ô tô khối lượng chuẩn thấp, xe ô tô khối lượng chuẩn cao được giải thích tại các điểm 4.1 và 4.2 Điều 4 Phần I Quy chuẩn này.
Các xe ba bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg (được coi là xe ô tô theo TCVN 6211:2003) được kiểm tra khí thải theo QCVN o4:2009/BGTVT và QCVN 77:2014/BGTVT.
Quy chuẩn này không áp dụng đối với các loại xe ô tô sau đây:
- Xe ô tô được thiết kế, chế tạo để chạy trên các loại địa hình và đường không thuộc hệ thống giao thông đường bộ;
- Xe ô tô điện (ô tô chỉ sử dụng điện làm nguồn động lực).
2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ sở SXLR hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu (tổ chức, cá nhân nhập khẩu sau đây viết tắt là “cơ sở nhập khẩu“) xe ô tô và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thử nghiệm, kiểm tra chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô (sau đây được viết tắt là “xe”).
3. Tài liệu viện dẫn
QCVN 04:2009/BGTVT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy SXLR và nhập khẩu mới;
QCVN 77:2014/BGTVT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 3 đối với xe mô tô hai bánh SXLR và nhập khẩu mới;
TCVN 6529:1999 (ISO 1176: 1990): Phương tiện giao thông đường bộ - Khối lượng - Thuật ngữ, định nghĩa và mã hiệu;
TCVN 6211:2003 (ISO 3833:1977): Phương tiện giao thông đường bộ - Kiểu - Thuật ngữ và định nghĩa;
TCVN 6565:2006: Phương tiện giao thông đường bộ - Khí thải nhìn thấy được (khói) từ động cơ cháy do nén - Yêu cầu và phương pháp thử trong phê duyệt kiểu.
TCVN 9725:2013: Phương tiện giao thông đường bộ - Đo công suất hữu ích của động cơ đốt trong và công suất lớn nhất trong 30 min của hệ động lực điện - Yêu cầu và phương pháp thử trong phê duyệt kiểu;
TCVN 6567:2015: Phương tiện giao thông đường bộ - Động cơ cháy do nén, động cơ cháy cưỡng bức sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng và động cơ sử dụng khí tự nhiên lắp trên ô tô - Yêu cầu và phương pháp thử trong phê duyệt kiểu;
TCVN 6785:2015: Phương tiện giao thông đường bộ - Phát thải chất gây ô nhiễm từ ô tô theo nhiên liệu dùng cho động cơ - Yêu cầu và phương pháp thử trong phê duyệt kiểu;
4. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
4.1. Xe khối lượng chuẩn thấp (Light reference mass vehicles): bao gồm các xe loại M1, M2, N1, N2 có khối lượng chuẩn không lớn hơn 2.610 kg;
4.2. Xe khối lượng chuẩn cao (Heavy reference mass vehicles): bao gồm các xe loại M1, M2, N1, N2 có khối lượng chuẩn lớn hơn 2.610 kg và các xe M3, N3;
4.3. Xe loại M (Category M of Motor Vehicles): xe được dùng để chở người và có ít nhất 04 bánh, bao gồm các loại xe từ M1 đến M3 dưới đây:
4.3.1.M1: xe được dùng để chở không quá 09 người, kể cả lái xe;
4.3.2.M2: xe được dùng để chở quá 09 người, kể cả lái xe; khối lượng toàn bộ lớn nhất không lớn hơn 5.000 kg;
4.3.3.M3: xe được dùng để chở quá 09 người, kể cả lái xe; khối lượng toàn bộ lớn nhất lớn hơn 5.000 kg.
4.3.4. Các xe M2 và M3 có thể phân thành các nhóm như sau:
4.3.4.1. Đối với xe chở quá 22 người, không kể lái xe, được phân làm 03 nhóm:
4.3.4.1.1. Nhóm I (Class I): xe được thiết kế có khu vực dành cho hành khách đứng cho phép hành khách di chuyển thường xuyên;
4.3.4.1.2. Nhóm II (Class II): xe được thiết kế chủ yếu để chở hành khách ngồi và được thiết kế cho phép chở hành khách đứng trên lối đi hoặc trong khu vực có diện tích không vượt quá không gian dành cho 02 ghế đôi;
4.3.4.1.3. Nhóm III (Class III): xe được thiết kế dành riêng cho việc chở hành khách ngồi.
4.3.4.2. Đối với xe chở không quá 22 người, không kể lái xe, được phân thành 02 nhóm:
4.3.4.2.1. Nhóm A (Class A): xe được thiết kế để chở hành khách đứng;
4.3.4.2.1. Nhóm B (Class B): xe không được thiết kế để chở hành khách đứng.
4.4. Xe loại N (Category N of Motor Vehicles): xe được dùng để chở hàng và có ít nhất 04 bánh, bao gồm các loại từ N1 đến N3 dưới đây:
4.4.1.N1: xe được dùng để chở hàng, có khối lượng toàn bộ lớn nhất không lớn hơn 3.500 kg;
4.4.2.N2: xe được dùng để chở hàng, có khối lượng toàn bộ lớn nhất lớn hơn 3.500 kg nhưng không lớn hơn 12.000 kg;
4.4.3.N3: xe được dùng để chở hàng, có khối lượng toàn bộ lớn nhất lớn hơn 12.000 kg.
4.5. Xe sát-xi (Incomplete Vehicles): là xe ở dạng bán thành phẩm, có thể tự di chuyển, có buồng lái hoặc không có buồng lái, không có thùng chở hàng, không có khoang chở khách, không gắn thiết bị chuyên dùng.
4.6. Xe sử dụng nhiên liệu khí đơn (Mono-fuel gas vehicles): là loại xe được thiết kế chủ yếu để chạy bằng một trong các loại nhiên liệu: khí thiên nhiên (NG) hoặc khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), nhưng cũng có thể có hệ thống nhiên liệu xăng chỉ để khởi động xe hoặc các trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, dung tích thùng xăng không được vượt quá 15 lít.
4.7. Xe sử dụng nhiên liệu kép (Bi-fuel vehicles): là loại xe có thể sử dụng xen kẽ 02 loại nhiên liệu: xăng và NG hoặc xăng và LPG.
4.8. Xe Hybrid (Hybrid vehicles).
4.8.1. Định nghĩa chung về xe Hybrid (Hybrid Vehicles).
Xe Hybrid (HV) là loại xe có ít nhất 02 bộ chuyển hóa năng lượng khác nhau và 02 hệ thống tích trữ năng lượng khác nhau (ở trên xe) để tạo ra chuyển động cho xe.
4.8.2. Định nghĩa về xe Hybrid điện (Hybrid Electric Vehicles).
Xe Hybrid điện (HEV) là loại xe sử dụng hai loại năng lượng từ hai nguồn năng lượng được tích trữ trên xe sau đây:
4.8.2.1. Nhiên liệu;
4.8.2.2. Thiết bị tích điện năng (ắc quy, tụ điện ...).
4.9. Xe sử dụng nhiên liệu điêzen sinh học linh hoạt (Flex fuel biodiesel vehicle)
Loại xe sử dụng nhiên liệu linh hoạt, có thể chạy bằng nhiên liệu điêzen hoặc hỗn hợp điêzen và điêzen sinh học.
4.10. Xe sử dụng nhiên liệu thay thế (Alternative fuel vehicle):
Loại xe được thiết kế có thể chạy ít nhất bằng một loại nhiên liệu dạng khí khi ở nhiệt độ và áp suất môi trường hoặc nhiên liệu mà thực chất không được chiết xuất từ dầu mỏ.
4.11. Xe sử dụng nhiên liệu linh hoạt (Flex fuel vehicle):
Loại xe có một hệ thống nhiên liệu nhưng có thể chạy bằng các hỗn hợp khác nhau của hai hay nhiều loại nhiên liệu.
4.12. Xe sử dụng nhiên liệu ethanol linh hoạt (Flex fuel ethanol vehicle):
Loại xe sử dụng nhiên liệu linh hoạt có thể chạy bằng xăng hoặc hỗn hợp nhiên liệu xăng và ethanol, trong đó ethanol (E85) có thể chiếm đến 85%.
4.13. Xe được thiết kế đáp ứng nhu cầu đặc biệt của xã hội (Vehicles designed to fulfil specific social needs): các xe điêzen loại M1 dưới đây:
4.13.1. Xe chuyên dùng, có khối lượng chuẩn lớn hơn 2.000 kg;
4.13.2. Xe có khối lượng chuẩn lớn hơn 2.000 kg và được thiết kế để chở 07 người trở lên (gồm cả người lái);
4.13.3. Xe có khối lượng chuẩn lớn hơn 1.760 kg, có nội thất được thiết kế đặc biệt để phù hợp với việc có sử dụng xe lăn bên trong xe.
4.14. Kiểu loại xe (Vehicle type): loại xe trong đó gồm các xe có cùng các đặc điểm cơ bản sau đây:
4.14.1. Đối với xe khối lượng chuẩn thấp;
4.14.1.1. Khối lượng quán tính tương đương được xác định theo khối lượng chuẩn (định nghĩa tại điểm 4.16 Điều 4 Phần I Quy chuẩn này);
4.14.1.2. Các đặc điểm của xe và động cơ, được xác định tại Phụ lục A Quy chuẩn này.
4.14.2. Đối với xe khối lượng chuẩn cao: các đặc điểm của xe và động cơ được xác định tại Phụ lục C Quy chuẩn này.
4.15. Khối lượng bản thân (Unladen mass): là khối lượng của xe hoàn chỉnh với trang thiết bị tiêu chuẩn và nhiên liệu (tối thiểu 90% thể tích thùng nhiên liệu) ở trạng thái sẵn sàng hoạt động; không bao gồm lái xe, hành khách, hàng hóa.
4.16. Khối lượng chuẩn (Reference mass - Rm): khối lượng bằng khối lượng bản thân của xe cộng thêm 100 kg để thử khí thải theo các quy định tại Phụ lục Q TCVN 6785:2015.
4.17. Khối lượng toàn bộ lớn nhất(1) (Maximum mass): khối lượng lớn nhất cho phép về mặt kỹ thuật do cơ sở SXLR quy định (khối lượng này có thể lớn hơn khối lượng lớn nhất do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định).
Chú thích:(1) thuật ngữ này còn được gọi là “Khối lượng toàn bộ thiết kế lớn nhất (Maximum design total mass)" và cũng được định nghĩa như trên trong TCVN 6529:1999.
4.18. Mức 5 (Level 5): là tiêu chuẩn về phép thử và giới hạn chất gây ô nhiễm có trong khí thải tương ứng với mức Euro 5 được quy định trong quy định kỹ thuật về khí thải xe cơ giới của Ủy ban Kinh tế Châu Âu của Liên hợp quốc (ECE) áp dụng đối với xe cơ giới SXLR và nhập khẩu mới.
4.19. Nhiên liệu sử dụng của động cơ (Fuel requirement by the engine): loại nhiên liệu thường dùng của động cơ, bao gồm:
4.19.1. Xăng (xăng không chì, xăng E5, xăng E10, ...);
4.19.2. Khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG);
4.19.3. Khí tự nhiên (NG, biomethane, ...);
4.19.4. Nhiên liệu điêzen (điêzen DO, điêzen B5, điêzen B7, ...);
4.19.5. Ethanol (E85, E75, ...);
4.19.6. Hỗn hợp của ethanol và xăng ;
4.19.7. Hỗn hợp của nhiên liệu điêzen sinh học và nhiên liệu điêzen;
4.19.8. Hydrô.
4.20. Khí gây ô nhiễm (Gaseous pollutants): cacbon monoxit (CO), các nitơ oxit (NOx) được biểu thị tương đương là nitơ dioxit (ký hiệu là NO2) và hydro cacbon (HC), mê tan (CH4), hydro cacbon không bao gồm mê tan (NMHC) có công thức hoá học giả thiết là:
4.20.1. Đối với nhiên liệu xăng: C1H1,89O0,016 (E5), C1H1.93O0.033 (E10);
4.20.2. Đối với nhiên liệu điêzen: C1H1,86O0,005 (B5), C1H1.86O0.007 (B7);
4.20.3. Đối với LPG: C1H2,525 hoặc C1H2,61 đối với động cơ xe khối lượng chuẩn cao;
4.20.4. Đối với NG: CH4 hoặc C1H3,76 đối với động cơ xe khối lượng chuẩn cao;
4.20.5. Đối với xăng ethanol (E85): C1H2,74O0,385 (E85), C1H2,61O0,329 (E75).
4.21. Hạt gây ô nhiễm (Particulate pollutants): các thành phần được lấy ra từ khí thải đã được pha loãng bằng các bộ lọc ở nhiệt độ lớn nhất 325 K (52oC).
4.22. Khói (Smoke): các hạt lơ lửng trong dòng khí thải của động cơ điêzen có khả năng hấp thụ, phản xạ hoặc khúc xạ ánh sáng.
4.23. Khí thải từ đuôi ống xả (Tail emissions):
4.23.1. Đối với động cơ cháy cưỡng bức: bao gồm khí gây ô nhiễm và hạt gây ô nhiễm (“khí gây ô nhiễm” sau đây viết tắt là “khí”, “hạt gây ô nhiễm” sau đây viết tắt là ‘hạt’ ký hiệu là PM).
4.23.2. Đối với động cơ cháy do nén: bao gồm khói, khí và hạt.
4.24. Khí thải do bay hơi (Evaporative emissions): khí HC bị thất thoát khi bay hơi từ hệ thống nhiên liệu của xe, khác với khí HC phát thải tại đuôi ống xả (sau đây được gọi chung là “hơi nhiên liệu”) theo 02 dạng sau:
4.24.1. Bay hơi từ thùng nhiên liệu (Tank breathing losses): khí HC bay hơi từ thùng nhiên liệu do sự thay đổi nhiệt độ ở bên trong thùng (công thức hoá học giả thiết là C1H2,33).
4.24.1. Bay hơi do xe ngấm nóng (Hot soak losses): khí HC bay hơi từ hệ thống nhiên liệu của xe đỗ sau khi đã chạy được một khoảng thời gian (công thức hoá học giả thiết là C1H2,20).
4.25. Các te động cơ (Engine crankcase): các khoang trong hoặc ngoài động cơ được thông với bình hứng dầu bôi trơn bằng các ống dẫn bên trong hoặc ngoài động cơ, các loại khí và hơi trong các-te có thể thoát ra ngoài qua các ống dẫn đó.
4.26. Thiết bị khởi động nguội (Cold start device): thiết bị làm giàu tạm thời hỗn hợp không khí - nhiên liệu để động cơ dễ khởi động.
4.27. Thiết bị trợ giúp khởi động (Starting aid): thiết bị giúp cho động cơ khởi động mà không cần làm giàu hỗn hợp không khí - nhiên liệu của động cơ, ví dụ: bugi sấy, thay đổi thời gian phun v.v...
4.28. Thể tích làm việc động cơ (Engine capacity):
4.28.1. Đối với động cơ có pít tông chuyển động tịnh tiến: là thể tích làm việc danh định của động cơ.
4.28.2. Đối với các động cơ có pít tông quay (Wankel): là thể tích bằng 02 lần thể tích làm việc danh định của động cơ.
4.29. Lam đa (A) (Lambda): là hệ số dư lượng không khí.
4.30. Thiết bị kiểm soát ô nhiễm (Pollution control device or Anti-poluttion Device): các thiết bị của xe có chức năng kiểm soát, hạn chế khí thải từ ống xả và hơi nhiên liệu.
4.31. Hệ thống xử lý sau xả (Exhaust afftertreatment system): bao gồm bộ biến đổi xúc tác, lọc hạt, hệ thống khử NOx và hạt hoặc bất kỳ hệ thống giảm phát thải khác được lắp trên động cơ. Hệ thống này không bao gồm thiết bị thiết bị tuần hoàn khí thải (EGR).
4.32. Lỗi chức năng (Malfunction): sự suy giảm hoặc lỗi (gồm cả lỗi về điện) của hệ thống kiểm soát khí thải dẫn đến:
4.32.1. Khí thải vượt quá giới hạn ngưỡng OBD;
4.32.2. Các hệ thống xử lý sau xả không đạt dải tính năng theo quy định dẫn đến phát thải chất ô nhiễm nào đó vượt quá giới hạn ngưỡng OBD (nếu có).
Tất cả các trường hợp mà hệ thống OBD không thể đáp ứng yêu cầu giám sát trong Quy chuẩn này đều được coi là lỗi chức năng.
4.33. Thiết bị báo lỗi chức năng (Malfunction Indicator - MI): thiết bị chỉ báo bằng tín hiệu hình ảnh hoặc âm thanh hoặc cả hai để cảnh báo rõ ràng cho người lái biết có lỗi chức năng của bộ phận liên quan đến phát thải được nối với hệ thống OBD hoặc của chính hệ thống OBD.
4.34. Hệ thống OBD (On-Board diagnostic System): hệ thống chẩn đoán trên xe để kiểm soát khí thải với khả năng phát hiện được lỗi chức năng nhờ sử dụng mã lỗi được lưu trong hệ thống máy tính của xe.
4.35. Phép thử loại I (Type I - test): phép thử để kiểm tra khối lượng trung bình của khí thải ở đuôi ống xả sau khi khởi động động cơ ở trạng thái nguội.
4.36. Phép thử loại II (Type II - test): phép thử để kiểm tra nồng độ của CO ở chế độ tốc độ không tải nhỏ nhất của động cơ.
4.37. Phép thử loại III (Type III - test): phép thử để kiểm tra khí thải từ các te động cơ.
4.38. Phép thử loại IV (Type IV - test): phép thử để kiểm tra hơi nhiên liệu đối với động cơ cháy cưỡng bức.
4.39. Phép thử loại V (Type V - test): phép thử để thử nghiệm độ bền các thiết bị chống ô nhiễm.
4.40. Phép thử OBD (On Board Diagnosis test): phép thử để kiểm tra chức năng của hệ thống chẩn đoán trên xe.
4.41. Phép thử ESC (European Stationary Cycle test): phép thử theo chu trình gồm 13 chế độ có trạng thái ổn định được áp dụng theo TCVN 6567:2015.
4.42. Phép thử ELR (European Load Response test): phép thử theo chu trình gồm một chuỗi các bước thử có tải ở tốc độ động cơ không đổi được áp dụng theo TCVN 6567:2015.
4.43. Phép thử ETC (European Transient test): phép thử theo chu trình gồm 1800 chế độ chuyển tiếp diễn ra rất nhanh theo từng giây một, được áp dụng theo TCVN 6567:2015.
4.44. Kiểu loại động cơ (Engine type): loại động cơ trong đó bao gồm các động cơ có cùng những đặc điểm chủ yếu quy định trong Phụ lục C của Quy chuẩn này.
4.45. Động cơ cháy cưỡng bức (Positive ignition (P.I.) engine): động cơ làm việc theo nguyên lý cháy cưỡng bức, sau đây viết tắt là động cơ P.I. (động cơ xăng, ...).
4.46. Động cơ cháy do nén (Compression ignition (C.I.) engine): động cơ làm việc theo nguyên lý cháy do nén, sau đây viết tắt là động cơ C.I. (động cơ điêzen,...).
4.47. Động cơ nhiên liệu khí (Gas engine): động cơ sử dụng nhiên liệu là khí tự nhiên (NG) hoặc khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG).
4.48. Công suất hữu ích (Net power): công suất ở cuối trục khuỷu của động cơ, đo được trên băng thử (kW) bằng phương pháp đo quy định trong TCVN 9725:2013.
4.49. Tốc độ danh định (Rated speed): tốc độ lớn nhất ở chế độ toàn tải của động cơ do bộ điều tốc khống chế theo quy định của cơ sở SXLR. Trường hợp không có bộ điều tốc thì đó là tốc độ tương ứng với công suất lớn nhất của động cơ theo quy định của cơ sở SXLR.
4.50. Phần trăm tải (Percent load): tỉ lệ phần trăm giữa giá trị mômen xoắn hữu ích và mômen xoắn hữu ích lớn nhất ở một giá trị tốc độ động cơ xác định.
4.51. Công suất lớn nhất theo công bố Pmax (Declared maximum power): công suất lớn nhất tính theo kW (công suất hữu ích) theo công bố của cơ sở SXLR trong tài liệu kỹ thuật.
4.52. Tốc độ tại mômen xoắn lớn nhất (Maximum torque speed): tốc độ động cơ mà ở đó mô men xoắn của động cơ có giá trị lớn nhất theo quy định của cơ sở SXLR.
4.53. Tốc độ động cơ A, B và C (Engine speed A, B và C): các tốc độ thử nằm trong dải tốc độ hoạt động của động cơ được sử dụng cho thử ESC và thử ELR như quy định tại Phần II Phụ lục B - Phụ lục B.1 TCVN 6567:2015.
4.54. Tốc độ cao ncao (High speed nhigh): tốc độ cao nhất của động cơ mà tại đó công suất động cơ bằng 70% công suất cực đại theo công bố.
4.55. Tốc độ thấp nth (Low speed nlow): tốc độ thấp nhất của động cơ mà tại đó công suất động cơ bằng 50% công suất cực đại theo công bố.
4.56. Tốc độ chuẩn nch (Reference speed nref): tốc độ được sử dụng để tính toán các giá trị tốc độ tương đối của phép thử ETC, tốc độ này được xác định như quy định tại Phần II Phụ lục B - Phụ lục b1 TCVN 6567:2015.
4.57. Miền kiểm soát (Control area): miền nằm giữa tốc độ động cơ A và C và nằm giữa các giá trị 25% và 100% tải.
4.58. Hệ thống tái sinh định kỳ (Periodically regenerating system): là thiết bị chống ô nhiễm (bộ biến đổi xúc tác, bẫy hạt, ...) cần phải có một quá trình tái sinh định kỳ nhỏ hơn 4.000 km dưới điều kiện hoạt động bình thường của xe. Trong các chu kỳ xảy ra quá trình tái sinh, khí thải có thể không đạt tiêu chuẩn. Nếu quá trình tái sinh của một thiết bị chống ô nhiễm xảy ra trong quá trình thực hiện phép thử loại I và cũng xảy ra trong chu trình chuẩn bị xe, hệ thống này sẽ được coi là hệ thống tái sinh liên tục.
..............................................
Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Giao thông vận tải được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.
Cơ quan ban hành: | Bộ Giao thông Vận tải | Người ký: | Lê Đình Thọ |
Số hiệu: | 06/2021/TT-BGTVT | Lĩnh vực: | Giao thông |
Ngày ban hành: | 06/04/2021 | Ngày hiệu lực: | 01/01/2022 |
Loại văn bản: | Thông tư | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng hiệu lực: | Còn hiệu lực |
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Bài liên quan
-
Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm THCS, THPT 2021
-
Thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông mới nhất 2024
-
Lịch thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024 TP HCM
-
Không có nơi thường trú, tạm trú thì làm căn cước ra sao?
-
Hướng dẫn các bước cá nhân tự quyết toán thuế TNCN online mới nhất năm 2024
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Phân tích khổ 4 bài Tràng giangHướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Cách viết Phiếu đảng viênMẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Bài thu hoạch học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐảngBiên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Mẫu biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viênTop 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Cảm nhận về bài thơ Sóng - Xuân QuỳnhThực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Đáp án bài tập cuối khóa module 9 môn ToánBài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Module rèn luyện phong cách làm việc khoa học của người GVMNBộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Lịch thi vẽ tranh Thiếu nhi Việt Nam mừng đại hội Đoàn 2024Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Cách hủy tờ khai thuế giá trị gia tăngMẫu tờ trình xin kinh phí hoạt động 2024 mới nhất
Cách viết tờ trình xin kinh phí hoạt độngSuy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ NươngTờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công
Bài viết hay Văn bản Giao thông vận tải
Nghị định 169/2016/NĐ-CP về xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam
Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT
Tốc độ tối đa trong khu dân cư giới hạn bao nhiêu?
Mức phạt đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy vi phạm luật giao thông đường bộ
Hướng dẫn chi tiết cách đăng ký, sang tên xe qua mạng
Nghị định của Chính phủ về quỹ bảo trì đường bộ
Thuế - Lệ phí - Kinh phí
Giáo dục - Đào tạo
Y tế - Sức khỏe
Thể thao
Bảo hiểm
Chính sách
Hành chính
Cơ cấu tổ chức
Quyền Dân sự
Tố tụng - Kiện cáo
Dịch vụ Pháp lý
An ninh trật tự
Trách nhiệm hình sự
Văn bản Nông - Lâm - Ngư nghiệp
Tài nguyên - Môi trường
Công nghệ - Thông tin
Khoa học công nghệ
Văn bản Giao thông vận tải
Hàng hải
Văn hóa Xã hội
Du lịch
Doanh nghiệp
Xuất - Nhập khẩu
Tài chính - Ngân hàng
Lao động - Tiền lương
Đầu tư - Chứng khoán - Thương mại
Xây dựng - Đô thị - Đất đai - Nhà ở
Lĩnh vực khác