Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản
Thông tư số 01 2022 BNNPTNT
Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 18/1 năm 2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản.
Theo đó, Thuyền trưởng tàu thu mua, chuyển tải thủy sản hằng ngày phải ghi nhật ký thu mua, chuyển tải thủy sản theo mẫu số 02 ban hành tại Phụ lục I Thông tư này.
Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Nông lâm ngư nghiệp được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.
Sau đây là nội dung chi tiết Thông tư số 01 2022 BNNPTNT, mời các bạn cùng theo dõi nội dung chi tiết.
Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT
BỘ NÔNG NGHIỆP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2022/TT-BNNPTNT | Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2022 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ THÔNG TƯ TRONG LĨNH VỰC THỦY SẢN
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản,
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2018/TT- BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm c, điểm e khoản 2 Điều 5 như sau:
“a) Thiết kế điều tra: địa điểm điều tra, thu mẫu tại các cảng cá hoặc địa điểm bốc dỡ thủy sản, đối với các tàu cá không bốc dỡ thủy sản tại cảng cá phải thu được sản lượng đại diện theo nhóm tàu (phân theo nghề khai thác và nhóm tàu cá theo chiều dài lớn nhất của tàu); đối tượng điều tra: phải bảo đảm thống kê được toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương (phân theo nghề khai thác và nhóm tàu cá theo chiều dài lớn nhất của tàu); số ngày khai thác thực tế; thống kê toàn bộ sản lượng thủy sản khai thác của địa phương (phân theo thành phần loài/nhóm loài của sản lượng thuỷ sản khai thác); số liệu sinh học của các nhóm loài thủy sản trong sản lượng khai thác;
c) Thực hiện điều tra: thống kê, phân tích mẫu sinh học nghề cá theo Mẫu số 01, Mẫu số 02 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;
e) Báo cáo kết quả điều tra bao gồm một số nội dung chủ yếu như sau: tổng số tàu cá, cơ cấu tàu cá theo nghề khai thác, nhóm tàu cá theo chiều dài lớn nhất của tàu; tổng sản lượng khai thác, cơ cấu sản lượng thủy sản khai thác theo loài/nhóm loài; giá bán thủy sản theo loài/nhóm loài; hiện trạng sinh học nghề cá, hiện trạng hoạt động khai thác thủy sản và đề xuất giải pháp quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.”
2. Bổ sung Điều 10a vào sau Điều 10 như sau:
“Điều 10a. Điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn biển
Khu bảo tồn biển được xem xét điều chỉnh ranh giới, diện tích để phù hợp với thực tiễn quản lý. Việc điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn biển được thực hiện như sau:
1. Trình tự thực hiện:
a) Ban quản lý khu bảo tồn biển có văn bản đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn biển;
b) Ban quản lý khu bảo tồn biển chủ trì xây dựng dự án điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn biển;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh chủ trì tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư sống hợp pháp trong và xung quanh khu bảo tồn biển về phương án điều chỉnh, bảo đảm tối thiểu 70% ý kiến cộng đồng dân cư và có văn bản lấy ý kiến các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã liên quan; trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý, cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm góp ý bằng văn bản;
d) Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định dự án điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn biển.
2. Hồ sơ gửi thẩm định gồm:
a) Tờ trình đề nghị thẩm định dự án điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn biển;
b) Báo cáo thuyết minh dự án điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn biển;
c) Bảng tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến của các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã liên quan; ý kiến cộng đồng dân cư sống hợp pháp trong và xung quanh khu bảo tồn biển khu vực dự kiến điều chỉnh;
d) Tài liệu liên quan khác (nếu có).
3. Nội dung thẩm định:
a) Sự cần thiết phải điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn biển (cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn);
b) Mục tiêu điều chỉnh;
c) Phương án điều chỉnh;
d) Phương án bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; bảo vệ, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử;
đ) Kinh phí thực hiện;
e) Giải pháp tổ chức thực hiện.
4. Quy trình thẩm định:
a) Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hội đồng thẩm định liên ngành gồm ít nhất 07 thành viên là lãnh đạo các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan và các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, đa dạng sinh học do lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch hội đồng và tổ chức thẩm định theo nội dung tại khoản 3 Điều này;
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xin ý kiến bằng văn bản. Hồ sơ gồm: Văn bản thẩm định và tài liệu quy định tại điểm b, c và d khoản 2 Điều này;
d) Căn cứ ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn biển;
đ) Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế (nếu cần), ban hành quyết định điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn biển. Trường hợp không ban hành quyết định điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn biển phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
5. Báo cáo thuyết minh dự án điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn biển theo Mẫu số 03 Phụ lục I, Quyết định điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn biển theo Mẫu số 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.”
3. Bổ sung khoản 3 vào Điều 12 như sau:
“3. Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản phải đánh dấu ngư cụ theo quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.”
4. Bổ sung khoản 3, khoản 4 vào Điều 15 như sau:
“3. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, tổ chức quản lý cảng cá, hệ thống cộng tác viên địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan về thực hiện điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm.
4. Xây dựng và trình cơ quan thẩm quyền ban hành các tiêu chuẩn nghề khai thác, các định mức kinh tế - kỹ thuật; tài liệu hướng dẫn về loài/nhóm loài thủy sản, phân ô ngư trường khai thác phục vụ điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm.”
5. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 16 như sau:
“a) Bố trí kinh phí, nhân lực để tổ chức thực hiện điều tra nghề cá thương phẩm; tổng hợp, quản lý, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm, nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản trên địa bàn tỉnh trước ngày 20 tháng 12 hằng năm;”
6. Bãi bỏ điểm b khoản 4 Điều 11 và khoản 2 Điều 15.
7. Thay thế Phụ lục I bằng Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; thay thế Phụ lục II bằng Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này; thay thế Phụ lục III bằng Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
8. Bổ sung Phụ lục IV, Phụ lục V vào sau Phụ lục III.
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2018/TT- BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trang phục, biểu trưng, cờ hiệu, cờ truyền thống, thẻ kiểm ngư và màu sơn tàu, xuồng kiểm ngư như sau:
1. Sửa đổi khoản 2 và bổ sung khoản 4 Điều 12
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
“2. Trang phục tăng thêm: ngoài trang phục thường dùng, lực lượng thường xuyên làm việc trên tàu kiểm ngư, đối tượng làm việc tại Phòng Chỉ huy Nghiệp vụ thuộc Cục Kiểm ngư, Phòng nghiệp vụ thuộc Chi cục Kiểm ngư Vùng, Trạm Kiểm ngư, Cơ quan Kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chi đội Kiểm ngư được trang cấp trang phục tăng thêm theo quy định tại Mục 2 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.”
b) Bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, Thủ trưởng cơ quan Kiểm ngư quyết định may sắm trang phục cho Kiểm ngư viên, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Kiểm ngư hoặc cấp phát cho từng cá nhân tự may sắm theo đúng quy định về tiêu chuẩn, hình thức, màu sắc, kiểu dáng trang phục.”
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 14 như sau:
“Điều 14. Thẩm quyền, tiêu chuẩn cấp thẻ kiểm ngư
1. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cấp thẻ kiểm ngư cho công chức làm việc tại cơ quan Kiểm ngư trong phạm vi cả nước. Tổng cục Thủy sản quản lý sử dụng phôi thẻ; quản lý con dấu thu nhỏ và dấu nổi đóng trên thẻ; quyết định cấp thẻ; theo dõi, lưu giữ hồ sơ cấp phát thẻ.
2. Công chức đang làm việc tại cơ quan Kiểm ngư không trong thời gian bị thi hành kỷ luật từ khiển trách trở lên được cấp thẻ khi đáp ứng một trong các điều kiện sau:
a) Được bổ nhiệm vào một trong các ngạch công chức kiểm ngư;
b) Có Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm ngư.
3. Bồi dưỡng, cấp Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm ngư
a) Tổng cục Thủy sản tổ chức bồi dưỡng, cấp Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm ngư;
b) Chương trình khung bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm ngư theo quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Học viên tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm ngư là công chức đang công tác tại cơ quan Kiểm ngư được cử đi học;
d) Học viên được cấp Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm ngư theo Mẫu số 05 Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm ngư và đạt yêu cầu kiểm tra cuối khóa.
4. Công chức được điều động làm việc tại đơn vị nghiệp vụ thuộc Cơ quan Kiểm ngư nhưng chưa được bổ nhiệm vào ngạch công chức chuyên ngành Kiểm ngư nếu đảm bảo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì được cấp thẻ.”
3. Bãi bỏ điểm đ khoản 3 Điều 15.
4. Thay thế cụm từ “VIET NAM FISHERIES RESOURCES SURVEILLANCE” ghi trên hình ảnh tàu, xuồng kiểm ngư quy định tại Mục 1 Phụ lục IV bằng cụm từ “VIET NAM FISHERIES SURVEILLANCE”.
5. Thay thế Phụ lục VI bằng Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, bổ sung khoản 3 vào Điều 4 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Thuyền trưởng tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên hằng ngày phải ghi nhật ký khai thác thủy sản theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; nộp nhật ký khai thác thủy sản cho tổ chức quản lý cảng cá trước thời điểm bốc dỡ thủy sản. Nhật ký khai thác thủy sản được ghi bằng bản giấy có chữ ký của thuyền trưởng hoặc nhật ký điện tử có mã định danh theo từng tàu cá do đơn vị cung cấp thiết bị cài đặt và số thứ tự chuyến biển trong năm tự động cập nhật.”
b) Bổ sung khoản 3 như sau:
“3. Nhật ký khai thác thủy sản bản điện tử; Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác bản điện tử theo đúng mẫu quy định được sử dụng làm căn cứ để xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác.”
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, bổ sung khoản 3 vào Điều 5 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Thuyền trưởng tàu thu mua, chuyển tải thủy sản hằng ngày phải ghi nhật ký thu mua, chuyển tải thủy sản theo Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; nộp nhật ký thu mua, chuyển tải thủy sản cho tổ chức quản lý cảng cá trước thời điểm bốc dỡ thủy sản. Nhật ký thu mua, chuyển tải thủy sản được ghi bằng bản giấy có chữ ký của thuyền trưởng hoặc nhật ký điện tử có mã định danh theo từng tàu cá do đơn vị cung cấp thiết bị cài đặt và số thứ tự chuyến biển trong năm tự động cập nhật.”
b) Bổ sung khoản 3 như sau:
“3. Nhật ký thu mua, chuyển tải thủy sản bản điện tử, Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác bản điện tử theo đúng mẫu quy định được sử dụng làm căn cứ để xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác.”
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 Điều 7 như sau:
“2. Giám sát việc bốc dỡ thủy sản qua cảng
Khi nhận được đề nghị cập cảng của thuyền trưởng tàu cá, tổ chức quản lý cảng cá đối chiếu với danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp và danh sách tàu cá có nguy cơ vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp; trường hợp tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp thì không cho bốc dỡ thủy sản và thông báo cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định; trường hợp tàu cá nằm trong danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp thì bố trí cho tàu cá cập cảng và thông báo cho cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định; trường hợp không nằm trong danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp thì bố trí cho tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản và cử cán bộ giám sát sản lượng, thành phần loài thủy sản bốc dỡ qua cảng.
Trường hợp phát hiện sản lượng thủy sản bốc dỡ thực tế sai lệch trên 20% so với sản lượng khai báo trước khi cập cảng thì lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền hoặc bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
3. Biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng
Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thu mua thủy sản, tổ chức quản lý cảng cá kiểm tra thông tin khai trên Giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng theo Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, xác nhận khi các thông tin đúng với thực tế tàu cá cập cảng bốc dỡ thuỷ sản; lưu bản sao chụp tại tổ chức quản lý cảng cá.
Tổ chức, cá nhân thu mua thủy sản từ mỗi tàu cá cập cảng được cấp 01 giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng theo đúng khối lượng, thành phần loài đã thu mua.”
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:
“Điều 8. Danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp
1. Tàu cá bị đưa vào danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền phía Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ nhưng được trả về hoặc tàu cá bị cơ quan thẩm quyền Việt Nam xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khai thác trái phép tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác mà chưa thi hành xong quyết định xử phạt;
c) Tàu cá bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt về một trong các hành vi sau: Khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn; Vi phạm quy định về quản lý và bảo tồn nguồn lợi thủy sản như không ghi nhật ký khai thác thủy sản hoặc ghi không chính xác so với yêu cầu của tổ chức nghề cá khu vực hoặc báo cáo sai một cách nghiêm trọng; Khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực.
2. Tàu cá được đưa ra khỏi danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài tịch thu, phá hủy;
b) Tàu cá đã xóa đăng ký theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Thủy sản;
c) Đã thi hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
d) Có bằng chứng chứng minh tàu cá không vi phạm.
3. Đăng tải danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp
a) Hằng tuần, căn cứ thông báo bởi cơ quan thẩm quyền nước ngoài, cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng cục Thủy sản lập danh sách tàu cá có dấu hiệu vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xác minh. Trường hợp có đủ căn cứ chứng minh tàu cá vi phạm điểm a khoản 1 Điều này hoặc quá thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày gửi thông báo mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không có ý kiến trả lời thì Tổng cục Thủy sản đưa tàu cá vào danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp;
b) Hằng tuần, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp danh sách tàu cá bị xử phạt và tàu cá đã thi hành xong quyết định xử phạt theo khoản 1 Điều này, gửi Tổng cục Thủy sản để tổng hợp, đưa vào, đưa ra khỏi danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp và đăng tải trên trang thông tin điện tử Tổng cục Thủy sản (https://tongcucthuysan.gov.vn).”
5. Bổ sung Điều 8a sau Điều 8 như sau:
“Điều 8a. Danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp
1. Tàu cá đưa vào danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Tàu cá không có Giấy phép khai thác thủy sản; hoặc Giấy phép hết hạn từ 10 ngày trở lên nhưng không đi khai thác thủy sản;
b) Tàu cá không duy trì tín hiệu giám sát hành trình khi hoạt động trên biển từ 06 giờ trở lên nhưng không báo cáo vị trí theo quy định;
c) Tàu cá vi phạm quy định về khu vực cấm khai thác thủy sản, vùng khai thác thủy sản;
d) Tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhưng chưa bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ và được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thông báo cho cơ quan có thẩm quyền phía Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Thông tư này.
2. Tàu cá đưa ra khỏi danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Tàu cá đã khắc phục điểm a, b khoản 1 Điều này;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp
a) Hằng tuần, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều này của địa phương gửi Tổng cục Thủy sản, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố ven biển khác và các cơ quan chức năng trong tỉnh (Tổ chức quản lý cảng cá, Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản) để theo dõi, kiểm tra, xử lý theo quy định;
b) Hằng ngày, Tổng cục Thủy sản rà soát, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều này và đăng tải trên trang thông tin điện tử Tổng cục Thủy sản để các cơ quan chức năng tra cứu, theo dõi, kiểm tra, xử lý theo quy định.”
6. Bổ sung khoản 7 vào Điều 14 như sau:
“7. Xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản và quy chế quản lý, sử dụng phần mềm để truy xuất nguồn gốc thủy sản bằng điện tử thống nhất trong toàn quốc.”
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 15 như sau:
“1. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc chấp hành các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao đối với hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu; Xác nhận cam kết, chứng nhận sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu để chế biến xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu; kiểm tra hồ sơ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đối với hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu trong quá trình thực hiện các hoạt động lấy mẫu thẩm tra an toàn thực phẩm, thẩm định và chứng nhận lô hàng thủy sản xuất khẩu.”
8. Sửa đổi, bổ sung khoản 12 Điều 16 như sau:
“12. Báo cáo Tổng cục Thủy sản về kết quả thực hiện chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo Mẫu số 01 Phụ lục VII, kết quả hoạt động của cảng cá trên địa bàn theo Mẫu số 03 Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này; lưu trữ hồ sơ liên quan đến việc chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày chứng nhận.”
9. Sửa đổi, bổ sung khoản 5, khoản 7, khoản 8 Điều 17 như sau:
“5. Hằng ngày ghi chép, cập nhật sản lượng, thành phần loài thủy sản bốc dỡ qua cảng theo Mẫu số 02 Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này; cập nhật dữ liệu sản lượng, thành phần loài thủy sản bốc dỡ qua cảng vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia để làm căn cứ kiểm tra, xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác.
7. Cấp phát mẫu nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản cho tổ chức, cá nhân có tàu cá; thu nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản; lập danh sách tàu cá đã nộp nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản và gửi về cơ quan quản lý thủy sản cấp tỉnh trước ngày 20 hằng tháng; kịp thời cập nhật dữ liệu từ nhật ký, báo cáo khai thác vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia để làm căn cứ kiểm tra, xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác.
8. Trước ngày 20 hằng tháng, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp kết quả hoạt động của cảng cá trên địa bàn theo Mẫu số 03 Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này; lưu trữ hồ sơ liên quan đến việc cấp Giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng, giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày xác nhận.
Cấp lại Giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng theo đề nghị của tổ chức, cá nhân; số của giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng được cấp lại trùng với số của bản gốc giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng đã cấp và có thêm ký hiệu “R” ở phía sau phần số đã cấp; thời hạn của giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng cấp lại bằng thời hạn còn lại của giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng đã cấp tính từ ngày cấp lại.”
10. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 19 như sau:
“2. Lưu trữ đầy đủ hồ sơ để truy xuất nguồn gốc, phân biệt các lô nguyên liệu đã sản xuất, lô nguyên liệu chưa sản xuất, còn đang bảo quản trong kho của cơ sở, đảm bảo cơ sở chỉ tiếp nhận, chế biến nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp. Lưu trữ hồ sơ xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác trong nước, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, xác nhận cam kết hoặc chứng nhận sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày được xác nhận, chứng nhận. Được lựa chọn một trong các cơ quan thẩm quyền quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này để nộp hồ sơ đề nghị chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.”
11. Sửa đổi, bổ sung Điều 20 như sau:
“Điều 20. Điều khoản chuyển tiếp
1. Nhật ký khai thác thủy sản, Nhật ký thu mua, chuyển tải thủy sản đã thực hiện trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng làm căn cứ để xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.
2. Giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng, Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, Giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, Giấy xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu, Giấy chứng nhận sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn.
3. Chủ tàu cá, thuyền trưởng tàu cá sử dụng Nhật ký khai thác thủy sản theo Mẫu số 01 Phụ lục VII, Nhật ký thu mua, chuyển tải thủy sản theo Mẫu số 02 Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này (mẫu đã được sửa đổi, bổ sung) kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2022.”
12. Thay thế Mẫu số 01 Phụ lục I bằng Mẫu số 01 Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này; thay thế Mẫu số 02 Phụ lục I bằng Mẫu số 02 Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này; thay thế Mẫu số 02 Phụ lục II bằng Mẫu số 03 Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này; thay thế Mẫu số 04 Phụ lục II bằng Mẫu số 04 Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này; thay thế Mẫu số 02 Phụ lục III bằng Mẫu số 05 Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này; thay thế Mẫu số 02 Phụ lục VII bằng Mẫu số 06 Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này; thay thế Mẫu số 03 Phụ lục VII bằng Mẫu số 07 Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về thuyền viên tàu cá, tàu công vụ thủy sản như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 5 như sau:
“3. Tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn:
Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư này.”
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:
“Điều 11. Quy định về chứng chỉ chuyên môn của thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng và thợ máy tàu cá
1. Quy định chứng chỉ thuyền viên tàu cá
a) Thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, thợ máy tàu cá phải có chứng chỉ các hạng tối thiểu theo nhóm tàu cá như sau:
TT | Chức danh | Chứng chỉ thuyền viên theo nhóm tàu | ||
|
| Nhóm III từ 12- <15m | Nhóm II từ 15 - <24m | Nhóm I từ 24m trở lên |
1 | Thuyền trưởng | Thuyền trưởng tàu cá hạng III | Thuyền trưởng tàu cá hạng II | Thuyền trưởng tàu cá hạng I |
2 | Thuyền phó | - | - | Thuyền trưởng tàu cá hạng II |
3 | Máy trưởng | Máy trưởng tàu cá hạng III | Máy trưởng tàu cá hạng II | Máy trưởng tàu cá hạng I |
4 | Thợ máy | - | - | Thợ máy tàu cá |
b) Người có chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng I đủ điều kiện đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng tàu cá hạng II và hạng III. Người có chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng II đủ điều kiện đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng tàu cá hạng III và thuyền phó tàu cá hạng I.
Người có chứng chỉ máy trưởng tàu cá hạng I đủ điều kiện đảm nhiệm chức danh máy trưởng tàu cá hạng II và hạng III. Người có chứng chỉ máy trưởng tàu cá hạng II đủ điều kiện đảm nhiệm chức danh máy trưởng tàu cá hạng III.
Người có chứng chỉ máy trưởng tàu cá hạng I, hạng II, hạng III được đảm nhiệm chức danh thợ máy.
2. Tiêu chuẩn của học viên tham gia chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy tàu cá:
a) Tiêu chuẩn chung: Là công dân Việt Nam, có lý lịch rõ ràng, đủ 18 tuổi trở lên, có trình độ học vấn và sức khoẻ phù hợp với chức danh thuyền viên đăng ký bồi dưỡng; có hồ sơ hợp lệ, đóng học phí theo quy định;
b) Học viên tham gia học bồi dưỡng cấp chứng chỉ thuyền viên ở hạng nào phải hoàn thành nội dung, chương trình của hạng đó quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Học viên phải tham gia học và được cấp chứng chỉ tại cơ sở bồi dưỡng có đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn, ngành nghề, chương trình bồi dưỡng phù hợp với chức danh thuyền viên tàu cá.
4. Nội dung, chương trình khung bồi dưỡng thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy tàu cá như sau:
a) Đối với trường hợp học viên tham gia học lần đầu thì phải tham gia học đủ nội dung, số tiết học theo khung chương trình quy định tại Mục A Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Đối với trường hợp học viên tham gia học nâng hạng phải tham gia học các nội dung, số tiết học nâng hạng theo khung chương trình tại Mục B Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Trên cơ sở chương trình khung quy định tại khoản 4 Điều này, cơ sở bồi dưỡng xây dựng chương trình chi tiết, giáo trình bồi dưỡng; tổ chức tuyển sinh, bồi dưỡng; thi công nhận, cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy tàu cá theo mẫu phôi chứng chỉ thống nhất tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.”
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 44 như sau:
“3. Chịu sự kiểm tra, hướng dẫn về nghiệp vụ bồi dưỡng thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy tàu cá của Tổng cục Thủy sản và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; báo cáo kết quả đào tạo thuyền viên tàu cá về Tổng cục Thủy sản và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố có đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá định kỳ 06 tháng trước ngày 20 tháng 6 và báo cáo hằng năm trước ngày 20 tháng 12 theo mẫu đề cương báo cáo tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này.”
4. Bổ sung khoản 4 vào Điều 45 như sau:
“4. Trường hợp chứng chỉ thuyền viên tàu cá bị mất, hư hỏng, sai thông tin trên chứng chỉ hoặc người đã có chứng chỉ theo mẫu cũ có nhu cầu cấp lại thì được cơ sở bồi dưỡng thuyền viên tàu cá xem xét cấp lại chứng chỉ theo mẫu quy định tại Thông tư này. Số của chứng chỉ cấp lại phải ghi thêm ký hiệu CL vào sau số hiệu của chứng chỉ (theo cấu trúc: Số hiệu……/CCTVTC/CL).”
5. Thay thế Phụ lục I bằng Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này.
6. Bổ sung Phụ lục III bằng Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 5. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2018/TT- BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 như sau:
“2. Nhiệm vụ của đăng kiểm viên hạng III:
a) Kiểm tra, đánh giá trạng thái kỹ thuật hằng năm các loại tàu cá, tàu công vụ thủy sản;
b) Kiểm tra, đánh giá trạng thái kỹ thuật trên đà, định kỳ các loại tàu cá, tàu công vụ thủy sản theo chuyên môn được đào tạo.”
2. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 và khoản 2 Điều 6 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 6 như sau:
“d) Đã được cấp thẻ, dấu kỹ thuật đăng kiểm viên tàu cá hạng III và có thời gian giữ hạng liên tục tối thiểu 36 tháng kể từ ngày được cấp thẻ đăng kiểm viên tàu cá hạng III;”
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 như sau:
“2. Nhiệm vụ của đăng kiểm viên hạng II:
a) Thẩm định thiết kế kỹ thuật đóng mới, cải hoán, phục hồi, thiết kế thi công, thiết kế hoàn công tàu cá, tàu công vụ thủy sản, máy móc, trang thiết bị lắp đặt lên tàu cá, tàu công vụ thủy sản theo chuyên môn được đào tạo;
b) Kiểm tra, đánh giá trạng thái kỹ thuật đóng mới, lần đầu, trên đà, định kỳ, cải hoán, bất thường các loại tàu cá, tàu công vụ thủy sản;
c) Kiểm tra, giám sát chế tạo vật liệu, máy móc và trang thiết bị lắp đặt lên tàu cá, tàu công vụ thủy sản.”
3. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1, khoản 2 Điều 7 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 7 như sau:
“d) Đã được cấp thẻ, dấu kỹ thuật đăng kiểm viên tàu cá hạng II và có thời gian giữ hạng liên tục tối thiểu 36 tháng kể từ khi được cấp thẻ đăng kiểm viên tàu cá hạng II;”
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7 như sau:
“2. Nhiệm vụ của đăng kiểm viên hạng I:
Tham gia giám định kỹ thuật, xác định nguyên nhân tai nạn đối với tàu cá, tàu công vụ thủy sản và các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.”
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 8 như sau:
“4. Cá nhân được cấp Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá theo Mẫu số 02.ĐKV Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này khi hoàn thành khóa bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá và đạt yêu cầu kiểm tra cuối khóa. Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá được cấp lại trong trường hợp bị mất, bị hỏng; cá nhân có nhu cầu cấp lại nộp đơn đề nghị theo Mẫu số 05.ĐKV Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này về Tổng cục Thủy sản.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá, Tổng cục Thủy sản cấp lại Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá theo Mẫu số 02.ĐKV Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này; trường hợp không cấp lại Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá, Tổng cục Thủy sản trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
“Điều 9. Cấp, cấp lại thẻ, dấu kỹ thuật đăng kiểm viên tàu cá
1. Cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại thẻ, dấu kỹ thuật đăng kiểm viên tàu cá: Tổng cục Thủy sản.
2. Hồ sơ cấp, cấp lại thẻ, dấu kỹ thuật đăng kiểm viên tàu cá bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp/cấp lại thẻ, dấu kỹ thuật đăng kiểm viên tàu cá theo Mẫu số 03.ĐKV Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản sao Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá hạng I hoặc hạng II hoặc hạng III (đối với trường hợp cấp lần đầu);
c) 02 ảnh màu (3 x 4 cm).
3. Trình tự thực hiện:
a) Cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp tại Tổng cục Thủy sản hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng (cổng thông tin một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến, phần mềm điện tử, email, fax) nếu có;
b) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Tổng cục Thủy sản kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay khi cá nhân đến nộp hồ sơ;
c) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng: Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, Tổng cục Thủy sản xem xét tính đầy đủ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, Tổng cục Thủy sản có văn bản thông báo rõ cho cá nhân bổ sung;
d) Trong thời hạn 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Tổng cục Thủy sản thẩm định, xem xét quyết định cấp thẻ, dấu kỹ thuật đăng kiểm viên tàu cá theo Mẫu số 04.ĐKV Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này; trường hợp không cấp, Tổng cục Thủy sản trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
đ) Tổng cục Thủy sản trả kết quả trực tiếp tại nơi nhận hồ sơ hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính.
4. Thẻ đăng kiểm viên tàu cá có thời hạn 36 tháng kể từ ngày cấp. Thẻ đăng kiểm viên được cấp lại trong trường hợp hết hạn hoặc bị mất, bị hỏng. Trường hợp thẻ đăng kiểm viên tàu cá hết hạn từ 24 tháng trở lên, để được cấp lại thẻ, đăng kiểm viên tàu cá phải tham gia chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá và được cấp Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá.”
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 11 như sau:
“2. Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá theo Mẫu số 01.CN Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Hồ sơ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương.”
7. Bổ sung khoản 5 Điều 11 như sau:
“5. Trong trường hợp vì lý do thiên tai, dịch bệnh không thể tổ chức kiểm tra thực tế tại cơ sở theo quy định tại điểm d khoản 3, khoản 4 Điều này thì áp dụng hình thức kiểm tra trực tuyến; hoặc tạm hoãn hoạt động kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở đăng kiểm tàu cá tối đa 6 tháng.
Tổng cục Thủy sản hướng dẫn kỹ thuật, nghiệp vụ đánh giá trực tuyến để cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá.”
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 17 như sau:
“Điều 17. Cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá
1. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá là cơ sở đăng kiểm tàu cá.
2. Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá theo Mẫu số 03.BĐ Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản chụp hồ sơ thiết kế đã được thẩm định (đối với trường hợp đóng mới, cải hoán tàu cá).
3. Trình tự thực hiện:
a) Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp tại cơ sở đăng kiểm tàu cá hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng (email, fax) nếu có;
b) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Cơ sở đăng kiểm tàu cá kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay khi tổ chức, cá nhân đến nộp hồ sơ;
c) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng: Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, cơ sở đăng kiểm tàu cá xem xét tính đầy đủ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, cơ sở đăng kiểm tàu cá có văn bản thông báo rõ cho tổ chức, cá nhân bổ sung;
d) Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, cơ sở đăng kiểm tàu cá thống nhất thời gian và địa điểm kiểm tra với tổ chức, cá nhân đề nghị;
đ) Cơ sở đăng kiểm tàu cá tiến hành giám sát an toàn kỹ thuật tàu cá theo quy chuẩn kỹ thuật tàu cá và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan. Đối với vật liệu, máy móc, trang thiết bị quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này, theo tiến độ thi công, trước khi lắp đặt trên tàu cá, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá phải nộp (bản sao và xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực để đối chiếu) Giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy (đối với vật liệu, máy móc, trang thiết bị sản xuất trong nước) hoặc Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chứng nhận chất lượng (đối với vật liệu, máy móc, trang thiết bị nhập khẩu) hoặc chứng nhận kiểm định theo quy định của pháp luật;
e) Trường hợp máy chính là máy thủy đã qua sử dụng không đáp ứng theo quy định tại điểm đ khoản này thì phải được cơ sở đăng kiểm tàu cá kiểm tra, đánh giá theo Mẫu số 07.BĐ Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;
g) Trường hợp kết quả không đạt yêu cầu, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành giám sát kỹ thuật, cơ sở đăng kiểm tàu cá thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho tổ chức, cá nhân; trường hợp kết quả đạt yêu cầu, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi hoàn thành kiểm tra, cơ sở đăng kiểm tàu cá cấp cho chủ tàu các giấy tờ:
Biên bản kiểm tra kỹ thuật tàu cá theo Mẫu số 04a.BĐ đến Mẫu số 04n.BĐ Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;
Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá theo Mẫu số 05.BĐ Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;
Sổ đăng kiểm tàu cá đối với trường hợp kiểm tra đóng mới, lần đầu theo Mẫu số 06.BĐ Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;
h) Cơ sở đăng kiểm tàu cá trả kết quả trực tiếp tại nơi nhận hồ sơ hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính.”
9. Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 2 Điều 21 như sau:
“e) Bản sao chụp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên.”
10. Sửa đổi, bổ sung điểm b, bổ sung điểm đ khoản 1; sửa đổi, bổ sung điểm b, điểm c khoản 2 Điều 22 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 22 như sau:
“b) Thay đổi tên tàu, hô hiệu (nếu có) hoặc các thông số của tàu nhưng không làm ảnh hưởng đến tính năng kỹ thuật của tàu cá;”
b) Bổ sung điểm đ vào khoản 1 Điều 22 như sau:
“đ) Tàu đã được cấp Giấy xác nhận đã đăng ký.”
c) Sửa đổi, bổ sung điểm b, điểm c khoản 2 Điều 22 như sau:
“b) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá hoặc Giấy xác nhận đã đăng ký, Giấy chứng nhận đăng ký tàu công vụ thủy sản cũ; trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá bị mất, chủ tàu phải khai báo và nêu rõ lý do;
c) Bản sao chụp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên;”
11. Sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 23 như sau:
“c) Bản sao có chứng thực các giấy tờ đối với tàu nhập khẩu, thuê tàu trần từ nước ngoài về cảng đầu tiên của Việt Nam, gồm: Văn bản cho phép nhập khẩu hoặc thuê tàu trần, hợp đồng đóng tàu và thanh lý hợp đồng đóng tàu đối với tàu đóng mới, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật hoặc giấy chứng nhận phân cấp còn hiệu lực từ 06 tháng trở lên do tổ chức đăng kiểm nước có tàu cấp;”
12. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 24 như sau:
“d) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 21 Thông tư này cấp Giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu cá theo Mẫu số 11.ĐKT Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này; bàn giao Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá cũ đã cắt góc phía trên bên phải và hồ sơ đăng ký gốc của tàu cho chủ tàu. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;”
13. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 26 như sau:
“2. Hằng năm xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá và thông báo trên trang thông tin điện tử Tổng cục Thủy sản; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan.”
14. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 28 như sau:
“1. Vào Sổ quản lý kỹ thuật tàu cá, tàu công vụ thủy sản theo Mẫu số 02.BC Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này trước khi cấp Gi ấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu công vụ thủy sản; nhập dữ liệu tàu cá, tàu công vụ thủy sản đã được đăng kiểm vào phần mềm cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia “VNFISHBASE”theo quy định.”
15. Bổ sung khoản 4 vào Điều 32 như sau:
“4. Trường hợp đối với máy chính là máy thủy đã qua sử dụng đã được lắp đặt xuống tàu cá trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành thì phải được cơ sở đăng kiểm tàu cá kiểm tra, đánh giá theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 17 Thông tư này; trường hợp vật liệu, máy móc, trang thiết bị quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này không có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận chất lượng hoặc giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, trước khi lắp đặt trên tàu cá, chủ tàu cá phải thực hiện kiểm định theo quy định của pháp luật. Việc kiểm định đối với vật liệu, máy móc, trang thiết bị trước khi sử dụng, lắp đặt theo quy định được thực hiện từ ngày 01 tháng 04 năm 2023.”
16. Bãi bỏ các điểm b, c và đ khoản 1 Điều 5; điểm b và điểm c khoản 1 Điều 6; điểm b và điểm c khoản 1 Điều 7.
17. Thay thế cụm từ “tàu kiểm ngư” tại Thông tư bằng cụm từ “tàu công vụ thủy sản”.
18. Thay thế Phụ lục I bằng Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này; thay thế Phụ lục II bằng Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này; t hay thế Phụ lục III bằng Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này; thay thế Phụ lục IV bằng Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này; thay thế Phụ lục V bằng Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này; thay thế Phụ lục VI bằng Phụ lục XV ban hành kèm theo Thông tư này; thay thế Phụ lục VII bằng Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư này; thay thế Phụ lục X bằng Phụ lục XVII ban hành kèm theo Thông tư này.
19. Bổ sung Phụ lục XI bằng Phụ lục XVIII ban hành kèm theo Thông tư này.
..........................
Tải Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT .pdf
2,1 MB 25/01/2022 4:45:09 CH
Cơ quan ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Người ký: | Phùng Đức Tiến |
Số hiệu: | 01/2022/TT-BNNPTNT | Lĩnh vực: | Nông lâm ngư nghiệp |
Ngày ban hành: | 18/01/2022 | Ngày hiệu lực: | 04/03/2022 |
Loại văn bản: | Thông tư | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng hiệu lực: | Còn hiệu lực |
- Chia sẻ:Nguyễn Huyền Trang
- Ngày:
Bài liên quan
-
Quốc khánh 2024 được nghỉ mấy ngày?
-
Doanh nghiệp không công khai quy chế lương, thưởng bị xử phạt như thế nào?
-
Quy định bay nội địa mới nhất
-
Người dân được đốt loại pháo hoa nào trong dịp Tết 2024
-
Lịch nghỉ Tết âm 2023 học sinh Hà Nội
-
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có thể xuất HĐĐT trên điện thoại và máy tính bảng
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Phân tích khổ 4 bài Tràng giangHướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Cách viết Phiếu đảng viênMẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Bài thu hoạch học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐảngBiên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Mẫu biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viênTop 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Cảm nhận về bài thơ Sóng - Xuân QuỳnhThực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Đáp án bài tập cuối khóa module 9 môn ToánBài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Module rèn luyện phong cách làm việc khoa học của người GVMNBộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Lịch thi vẽ tranh Thiếu nhi Việt Nam mừng đại hội Đoàn 2024Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Cách hủy tờ khai thuế giá trị gia tăngMẫu tờ trình xin kinh phí hoạt động 2024 mới nhất
Cách viết tờ trình xin kinh phí hoạt độngSuy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ NươngTờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công
Bài viết hay Văn bản Nông - Lâm - Ngư nghiệp
Công văn 3438/BNN-TCTS 2019
Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ
Quy định về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp
Thông tư số 71/2010/TT-BNNPTNT
Thông tư 20/2019/TT-BNNPTNT
Thông tư 25/2018/TT-BNNPTNT về Thủ tục đánh giá rủi ro cấp phép nhập khẩu thủy sản sống
Thuế - Lệ phí - Kinh phí
Giáo dục - Đào tạo
Y tế - Sức khỏe
Thể thao
Bảo hiểm
Chính sách
Hành chính
Cơ cấu tổ chức
Quyền Dân sự
Tố tụng - Kiện cáo
Dịch vụ Pháp lý
An ninh trật tự
Trách nhiệm hình sự
Văn bản Nông - Lâm - Ngư nghiệp
Tài nguyên - Môi trường
Công nghệ - Thông tin
Khoa học công nghệ
Văn bản Giao thông vận tải
Hàng hải
Văn hóa Xã hội
Du lịch
Doanh nghiệp
Xuất - Nhập khẩu
Tài chính - Ngân hàng
Lao động - Tiền lương
Đầu tư - Chứng khoán - Thương mại
Xây dựng - Đô thị - Đất đai - Nhà ở
Lĩnh vực khác