Quyết định 322/QĐ-TTg

Tải về

Quyết định 322/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18 tháng 02 năm 2013 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-----------------
Số: 322/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------------

Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2013

QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ CHIẾN THẮNG BẠCH ĐẰNG, TỈNH QUẢNG NINH

-----------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 06 năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 06 năm 2009;

Xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tờ trình số 10/TTr-BVHTTDL ngày 05 tháng 01 năm 2013) và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh (Tờ trình số 1682/TTr-UBND ngày 23 tháng 04 năm 2012),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt "quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh” với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên quy hoạch: Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh.

2. Mục tiêu của quy hoạch:

a) Bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng nhằm giáo dục và ghi nhớ truyền thống yêu nước đối với các thế hệ người Việt Nam, giới thiệu với quốc tế về lịch sử dân tộc Việt Nam và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

b) Từng bước hiện đại và đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, đổi mới phương hướng đầu tư gắn mục tiêu bảo tồn với khai thác, phát huy giá trị di tích.

c) Hoạch định các tuyến du lịch liên kết di tích, đưa các không gian bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể vào quy hoạch chung để định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

d) Xác định một chương trình, kế hoạch dài hạn các công việc sẽ thực hiện đối với khu vực di tích, với những định hướng cơ bản, những nguyên tắc, những giải pháp cần tuân thủ, trình tự các bước thực hiện làm cơ sở tiền đề cho việc xã hội hóa lập và thực thi các dự án bảo tồn. Qua đó làm rõ nhiệm vụ bảo tồn với từng di tích, di chỉ khảo cổ, các hiện vật liên quan tới di tích.

đ) Hướng cộng đồng nhân dân sinh sống trong vùng quy hoạch cùng tham gia công tác bảo tồn di tích và di sản văn hóa phi vật thể. Từng bước đưa các giá trị kinh tế gắn với việc bảo tồn di tích thông qua hoạt động du lịch, phát triển làng nghề truyền thống, bảo đảm điều kiện sinh sống tốt hơn cho nhân dân vùng di tích.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu quy hoạch:

a) Đối tượng nghiên cứu: Bao gồm các di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể và cảnh quan môi trường.

b) Phạm vi nghiên cứu quy hoạch: Toàn bộ các di tích, di chỉ, các hiện vật có liên quan tới Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng (trận chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ ba dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo, tháng 03 năm Mậu Tý 1288), liên hệ mở rộng các điểm di tích, du lịch sinh thái xung quanh. Mối liên kết với hệ thống các di tích, điểm danh lam thắng cảnh trong khu vực.

Quy mô quy hoạch tổng thể là 380 ha, bao gồm 11 điểm di tích đình, đền, miếu, bãi cọc... và khu vực bảo vệ, dịch vụ du lịch, phát huy giá trị di tích bao quanh. Trong đó:

- Khu vực bảo vệ I: 79,47 ha.

- Khu vực bảo vệ II: 114,78 ha.

- Khu vực phục vụ du lịch - hỗ trợ phát huy giá trị di tích: 167,75 ha.

4. Nội dung quy hoạch:

Định hướng phát triển không gian di tích, không gian du lịch, phân khu chức năng:

- Lấy cụm di tích đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, Bến Đò Cổ gắn với bãi cọc Yên Giang làm trung tâm, từ đó dẫn du khách tới các di tích khác.

- Khu di tích phân thành các loại: Đền, đình, bãi cọc;

- Khu phát huy giá trị: Quảng trường, đài tưởng niệm, dịch vụ du lịch;

- Khu bảo vệ cảnh quan, rừng ngập mặn lân cận;

Về bố cục không gian: Chia làm 3 khu vực với các chức năng như sau:

- Khu vực bảo vệ I (79,47 ha): Phạm vi ranh giới được xác định trên cơ sở tuân thủ Luật di sản văn hóa; là khu vực bảo tồn di tích tương ứng với khu vực bảo vệ 1 của các di tích. Có phương án bảo tồn, tôn tạo cho từng di tích dựa trên các tài liệu lịch sử, kết quả khảo cổ và khảo sát điền dã. Xây dựng bia, biển giới thiệu di tích, các biển chỉ dẫn đường đi bảo đảm thẩm mỹ và đồng bộ. Đối với các công trình tín ngưỡng, tôn giáo được phân làm hai nhóm chính:

+ Đối với di tích: Bảo tồn giá trị nguyên gốc của di tích, tu bổ phần công trình bị hư hỏng. Phục hồi trên cơ sở đầy đủ cứ liệu khoa học.

+ Đối với di chỉ khảo cổ học: Mở rộng khu vực bảo vệ một đối với các điểm di tích khảo cổ hiện nay, tiến hành khoanh vùng, cắm mốc giới để bảo tồn tại chỗ một cách hiệu quả nhất di chỉ khảo cổ học. Tiến hành trưng bày bằng các phương pháp hiện đại nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giới thiệu đến khách thăm quan.

- Khu vực bảo vệ II (114,78 ha): Phạm vi ranh giới được xác định trên cơ sở tạo vành đai bảo vệ cảnh quan cho khu vực bảo vệ I của di tích; là vùng đệm để bảo vệ cảnh quan di tích trước các hoạt động khai thác, xây dựng trong khu vực và của khu vực dân cư xung quanh. Đây là khu vực bảo vệ cảnh quan di tích tương ứng với khu vực bảo vệ II của các di tích.

+ Đối với các công trình tín ngưỡng tôn giáo, khu vực bảo vệ II có thể xây dựng một số công trình có quy mô nhỏ, không lấn át cảnh quan di tích, phục vụ việc phát huy giá trị di tích.

+ Đối với các khu vực có dấu hiệu khảo cổ tập trung trong các khu vực nuôi trồng thủy sản, trồng lúa, trồng sú vẹt cần được bảo vệ nguyên trạng, nghiêm cấm chuyển đổi mục đích sang đất xây dựng để không làm sáo trộn tầng văn hóa, phục vụ việc khai quật khảo cổ, làm rõ vị trí, quy mô của trận địa Bạch Đằng lịch sử.

- Khu vực phát huy giá trị di tích: Khu công viên khảo cổ; khu công trình công cộng; khu văn hóa lễ hội; các công trình đầu mối kỹ thuật.

+ Khu vực cây xanh, bảo vệ cảnh quan.

5. Các nhóm dự án thành phần: Quy hoạch được nghiên cứu, tổng hợp lại trên cơ sở nghiên cứu của 06 nhóm dự án. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng, các yếu tố lịch sử - văn hóa, xác định mục tiêu, qua đó phân tích, đề xuất định hướng, xây dựng danh mục các dự án thành phần. Các nhóm dự án gồm:

a) Nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo di tích;

b) Nhóm dự án bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa phi vật thể;

c) Nhóm dự án cảnh quan môi trường;

d) Nhóm dự án công trình phục vụ công tác quản lý;

đ) Nhóm dự án đào tạo nguồn nhân lực, thông tin quảng bá;

e) Nhóm quy hoạch xây dựng, hạ tầng.

6. Nguồn vốn:

- Vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

- Vốn từ ngân sách địa phương.

- Vốn thu từ khai thác các hoạt động du lịch.

- Vốn huy động từ sự đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, nguồn vốn đóng góp của nhân dân.

- Các nguồn vốn hợp pháp khác.

7. Trình tự ưu tiên, thời gian và phân kỳ đầu tư:

Thời gian thực hiện: Từ năm 2012 - 2025 cụ thể:

- Giai đoạn 2010 - 2015: Chuẩn bị đầu tư; triển khai một số dự án về bảo tồn di tích và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng...;

- Giai đoạn 2015 - 2020: Thực hiện nội dung chính của quy hoạch; tiếp tục đầu tư xây dựng các dự án về khảo cổ và di sản văn hóa phi vật thể, hạ tầng, công trình phụ trợ; các dự án đào tạo nguồn lực...;

- Giai đoạn 2020 - 2025: Hoàn thiện các dự án thành phần, các hạng mục phụ trợ; các dự án bảo tồn, tôn vinh giá trị phi vật thể, bảo tồn môi trường, sinh thái rừng, cảnh quan, thông tin liên lạc...

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ:

a) Chỉ đạo chủ đầu tự tiếp tục khai thác, nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, khảo cổ để xác định, bổ sung các căn cứ khoa học làm sáng tỏ hơn giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng làm cơ sở cho việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư các nhóm dự án thành phần;

b) Lập, phê duyệt các nhóm dự án thành phần trên cơ sở quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng được duyệt. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Yên phối hợp với Ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh công bố quy hoạch, tiến hành cắm mốc giới, di dời các hộ dân trong khu vực di tích, bàn giao đất để triển khai các dự án đầu tư;

c) Ban hành quy chế quản lý khu di tích, đất đai, cảnh quan môi trường, quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng, các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn khu di tích và trong từng vùng cụ thể. Ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động vi phạm di tích và cảnh quan thiên nhiên thuộc quy hoạch.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm: Chỉ đạo và thỏa thuận về chuyên môn đối với các dự án thành phần thuộc quy hoạch. Theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch đảm bảo đúng mục tiêu đã đề ra. Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh quản lý, phát huy có hiệu quả khu di tích.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong phạm vi chức năng của mình xem xét, cân đối phần vốn thuộc ngân sách Nhà nước để thực hiện các nhóm dự án đầu tư được phê duyệt trong phạm vi quy hoạch này.

4. Các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp, theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện. Quy hoạch, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch chuyển ngành đã có trong khu vực.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải,
Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường,
Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT,
các Vụ: KTTH, KTN, V.III;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

(đã ký)

Nguyễn Thiện Nhân

Đánh giá bài viết
1 145
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm