Quyết định 2788/2013/QĐ-BCT

Quyết định 2788/2013/QĐ-BCT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành.

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------------------------

Số: 2788/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 03 tháng 05 năm 2013

QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRƯỜNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ CÔNG THƯƠNG TRUNG ƯƠNG

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 125/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ Quy định về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;

Xét đề nghị của Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương tại Văn bản số 119/TTr-TCBTTW ngày 12 tháng 3 năm 2013 về việc trình phê duyệt chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương (sau đây gọi tắt là Trường) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, pháp luật, hành chính nhà nước và kỹ năng nghiệp vụ thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đối với cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ quản lý doanh nghiệp ngành Công Thương; đào tạo nghề ở các cấp trình độ; nghiên cứu khoa học và công nghệ; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.

Trường có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.

- Tên tiếng Việt: Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương;

- Tên tiếng Anh: Vietnam Institute of Trade and Industry Studying; viết tắt: VITIS;

- Trụ sở: 193 Vĩnh Hưng - Hoàng Mai - Hà Nội;

- Website: www.vitis.edu.vn.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Xây dựng quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển Trường theo yêu cầu phát triển nguồn nhân lực (công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương), trình Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

2. Về đào tạo, bồi dưỡng:

a) Xây dựng, đề xuất với cấp có thẩm quyền chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương, tổ chức thực hiện theo phân công của Bộ Công Thương;

b) Tổ chức hoặc tham gia với các đơn vị liên quan biên soạn và lựa chọn giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương theo quy định của Bộ Công Thương và quy định của pháp luật;

c) Phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; kinh phí hoạt động của Trường cho các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng hàng năm trình Bộ Công Thương quyết định và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;

d) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương theo vị trí việc làm, theo tiêu chuẩn ngạch công chức (cán sự, ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và tương đương), theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương theo quy định của pháp luật;

đ) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương theo quy định của pháp luật;

e) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng hành chính và kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương (quản lý thị trường; công tác thương vụ ở nước ngoài; thanh tra chuyên ngành Công Thương; xúc tiến thương mại…);

g) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cơ bản, nâng cao và chuyên sâu về hội nhập kinh tế quốc tế cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương (bao gồm cả hình thức kết hợp ở trong nước và ngoài nước) theo quy định của pháp luật;

h) Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức đối với công chức, viên chức trong thời gian tập sự và bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện quy hoạch cán bộ;

i) Tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức, pháp luật, các quy định có liên quan quản lý nhà nước của ngành Công Thương, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, kiến thức khác cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;

k) Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ, ngành Công Thương theo quy định;

l) Phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên cao cấp cho các đối tượng công chức, viên chức ngành Công Thương;

m) Tổ chức đào tạo nghề thuộc ngành Công Thương ở các cấp trình độ cho các đối tượng theo quy định của pháp luật;

n) Hợp tác đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ, chuẩn hóa về chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành Công Thương cho công chức, viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật;

o) Hoạt động giáo dục và thực hiện chương trình giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên theo quy định của pháp luật, khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

p) Hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thực hiện đào tạo nghề, giáo dục định hướng, tư vấn, tạo nguồn cho xuất khẩu lao động theo quy định hiện hành;

q) Thực hiện quản lý và cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ, giấy chứng nhận tốt nghiệp cho người học, sau khi tốt nghiệp cấp học, trình độ đào tạo, bồi dưỡng sau khi hoàn thành một chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, Bộ trưởng Bộ Công Thương và quy định của pháp luật.

3. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

a) Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn trong lĩnh vực công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực cho ngành Công Thương theo nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật;

b) Điều tra, khảo sát, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về cán bộ, công chức, viên chức quản lý nhà nước và doanh nghiệp phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương;

c) Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng các chương trình, đề án, đề tài công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương theo phân công của Bộ;

d) Tổ chức các hội thảo khoa học liên quan đến phát triển ngành Công Thương, hội nhập kinh tế quốc tế, công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương;

đ) Thực hiện hợp tác với các tổ chức liên quan trong và ngoài nước về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức theo nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật;

4. Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thuộc phạm vi quản lý của Trường theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo thống kê kết quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức hàng năm theo quy định.

5. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của Trường; thực hiện các chính sách, chế độ tiền lương, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ chính sách khác đối với công chức, viên chức, đội ngũ giảng viên theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ.

6. Quản lý tài chính, tài sản được giao, tổ chức sử dụng và quản lý ngân sách, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được phân bổ theo quy định của pháp luật.

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Công Thương giao và theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

a) Các Phòng chức năng:

- Phòng Tổ chức Hành chính;

- Phòng Quản trị;

- Phòng Kế hoạch, Tài chính;

- Phòng Đào tạo;

- Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế;

- Phòng Thông tin và Thư viện.

b) Các Khoa:

- Khoa Quản lý Nhà nước về Thương mại và Công nghiệp;

- Khoa Đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức quản lý thị trường;

- Khoa Thương mại điện tử và Quản trị doanh nghiệp;

- Khoa Công nghệ Điện tử - Nhiệt lạnh;

- Khoa Kinh tế.

c) Tổ bộ môn Ngoại ngữ - Tin học.

d) Các Trung tâm phục vụ đào tạo, bồi dưỡng:

- Trung tâm Bồi dưỡng công chức, viên chức;

- Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo doanh nghiệp;

- Trung tâm Hợp tác đào tạo;

- Trung tâm Tư vấn và Đào tạo ngắn hạn;

Việc thành lập, sáp nhập hoặc giải thể các đơn vị thuộc Trường do Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét và quyết định, theo đề nghị của Hiệu trưởng.

Điều 4. Lãnh đạo Trường

1. Hội đồng Trường; Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng.

Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng do Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Việc thành lập, quy định quy chế hoạt động của Hội đồng Trường thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Trường có trách nhiệm xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành: điều lệ tổ chức và hoạt động của Trường; quy chế hoạt động của Hội đồng Trường theo phân cấp quản lý của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Hiệu trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Trường.

3. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trường; Các phó Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

4. Hiệu trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ cấp phòng, khoa, bộ môn, Giám đốc Trung tâm thuộc Trường theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1773/QĐ-BCT ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Bộ Công Thương về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương;

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Các Đ/c Thứ trưởng;
- Đảng ủy Bộ Công Thương;
- Công đoàn, đoàn TNCS HCM Cơ quan Bộ Công Thương;
- Công đoàn Công Thương Việt Nam;
- Đảng ủy Khối công nghiệp TP. Hà Nội;
- Đảng ủy Khối công nghiệp TP. Hồ Chí Minh;
- Đảng ủy Khối thương mại TP. Hồ Chí Minh;
- Các cơ quan có liên quan;
- Lưu: VT, TCCB.

BỘ TRƯỞNG

(Đã ký)


Vũ Huy Hoàng

Đánh giá bài viết
1 69
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi