Quyết định 1819/QĐ-TTg

Tải về

Quyết định 1819/QĐ-TTg - Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020

Quyết định 1819/QĐ-TTg năm 2017 về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 16/11/2017. Qua đó, xác định mục tiêu cụ thể của Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020 cần đạt được. Mời các bạn tham khảo.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1819/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2017

QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 và số 32/2016/QH14 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:

  • Ban Bí thư Trung ương Đảng;
  • Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
  • Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
  • Thành viên BCĐ liên ngành về TCC ngành NN;
  • UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
  • Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
  • Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
  • Văn phòng thường trực TCC ngành nông nghiệp (Bộ NN&PTNT);
  • VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các vụ: KTTH, KGVX, TH, CN, QHĐP;
  • Lưu: VT, NN (3b).

KT. THỦ TƯỚNG

PHÓ THỦ TƯỚNG




Trnh Đình Dũng

KẾ HOẠCH

CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ)

Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 đã ban hành Nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 và số 32/2016/QH14 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

Tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt khoảng 3%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 3,5%/năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%; lao động nông nghiệp được đào tạo đạt khoảng 22%.

Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; hầu hết dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

II. ĐỊNH HƯỚNG GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

1. Cơ cấu lại theo lĩnh vực, sản phẩm

Tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường để phân loại thành 3 cấp sản phẩm:

- Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia (những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên và thịt lợn, thịt gia cầm), tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược, kế hoạch và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến;

- Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, các địa phương căn cứ lợi thế và nhu cầu thị trường, lựa chọn nhóm sản phẩm này để quy hoạch và đầu tư theo hướng như đối với sản phẩm quốc gia nhưng quy mô cấp địa phương; có chính sách và giải pháp mở rộng quy mô, sức cạnh tranh để bổ sung vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia;

- Nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương, có quy mô nhỏ, gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể, sẽ được xây dựng và phát triển cùng với xây dựng nông thôn mới ở huyện, xã theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Trong các lĩnh vực cụ thể:

a) Trồng trọt

Tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực quốc gia; đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững; giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật; giám sát, dự báo và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống sâu bệnh.

Chuyển mạnh đất lúa năng suất và hiệu quả thấp sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn, hoặc nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương; tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng ngô, đậu tương để chủ động nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi; giảm dần diện tích trồng sắn; phát triển sản xuất rau, hoa công nghệ cao và cây dược liệu; tiếp tục phát triển các cây công nghiệp dài ngày ở những nơi có lợi thế, theo quy hoạch.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trồng trọt khoảng 2,0 - 2,5%/năm; tốc độ tăng thu nhập trên 01 ha đất trồng trọt đạt khoảng 3%/năm.

b) Chăn nuôi

Rà soát chiến lược phát triển ngành với từng đối tượng nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực; đồng thời duy trì và phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi tiên tiến, kết hợp với phát triển chăn nuôi hữu cơ, sinh thái.

Tập trung cải tạo giống theo hướng tăng tỷ lệ giống tiến bộ, có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị hiếu;

Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; tổ chức lại hệ thống giết mổ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường; giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc thú y và các chất phụ gia trong chăn nuôi, chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất chăn nuôi từ 4,5 - 5,0%/năm; tốc độ tăng thu nhập từ sản xuất chăn nuôi đạt tối thiểu 5%/năm.

c) Thủy sản

Đẩy mạnh khai thác xa bờ, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị chế biến, bảo quản trên tàu nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch; tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi giữa khai thác - cung ứng dịch vụ hậu cần và thu mua trên biển - chế biến thủy sản, gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi.

Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, từ cung ứng giống, vật tư đầu vào, kỹ thuật, nuôi đến chế biến thủy sản; phát triển mạnh nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái.

Nuôi trồng thủy sản có chứng nhận với các sản phẩm chủ lực (tôm, cá tra, nhuyễn thể,...); phát triển một số sản phẩm nuôi có tiềm năng (cá quả, rô phi, thác lác,...), phát triển nuôi biển (tôm hùm, cá biển, rong biển,...).

Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản khoảng 4,5 - 5,0%/năm; tốc độ tăng thu nhập từ sản xuất thủy sản đạt tối thiểu 5%/năm; sản lượng thủy sản đạt 7 triệu tấn.

d) Lâm nghiệp

Quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả rừng tự nhiên; thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Phát triển mô hình nông lâm kết hợp.

Nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, phát triển lâm nghiệp đa chức năng, trồng rừng gỗ lớn, gỗ quý và lâm sản ngoài gỗ, nhất là các loại dược liệu. Phát triển các vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến gỗ, sản xuất giấy, ván nhân tạo...; tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác trong lâm nghiệp.

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ môi trường rừng; quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp khoảng 5,5 - 6%/năm; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%.

đ) Diêm nghiệp

Cải tạo, nâng cấp và hiện đại hóa đồng muối, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng sản lượng muối công nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản xuất muối, tập trung vùng có lợi thế ở miền Trung; nhân rộng mô hình sản xuất muối sạch. Mục tiêu sản xuất muối đạt 2,0 triệu tấn vào năm 2020.

Chuyển đổi diện tích sản xuất muối thủ công, chất lượng và hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản hoặc ngành nghề khác.

e) Công nghiệp bảo quản, chế biến và làng nghề

Phát triển mạnh mẽ để vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa tiêu thụ kịp thời nông sản cho nông dân và đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng; khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh và ứng dụng công nghệ cao; giảm xuất khẩu sản phẩm thô.

Phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, Tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi.

Xây dựng và phát triển chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với dịch vụ du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến khoảng 7 - 8%/năm.

Thuộc tính văn bản: Quyết định 1819/QĐ-TTg

Số hiệu1819/QĐ-TTg
Loại văn bảnQuyết định
Lĩnh vực, ngànhLĩnh vực khác
Nơi ban hànhThủ tướng Chính phủ
Người kýNguyễn Thị Phương Hoa
Ngày ban hành16/11/2017
Ngày hiệu lực16/11/2017
Đánh giá bài viết
1 268
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm