Quyết định 1743/QĐ-TTg 2019
Quyết định số 1743/QĐ-TTg
Quyết định 1743/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngày 03/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1743/QĐ-TTg về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Thủ tướng phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu: Phân tích và đánh giá hiện trạng phát triển các phân ngành năng lượng thực tế triển khai nội dung của các quy hoạch các phân ngành năng lượng gần đây; Đưa ra các phương án dự báo nhu cầu năng lượng theo các loại nhiên liệu và theo các phân ngành kinh tế dựa trên hiện trạng và dự báo xu thế phát triển…
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------------- Số: 1743/QĐ-TTg | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------------- Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia
thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
--------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Tờ trình số 8104/TTr-BCT ngày 25 tháng 10 năm 2019; Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Văn bản số 138/BC-BCT ngày 25 tháng 10 năm 2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung chính như sau:
1. Tên quy hoạch, thời kỳ quy hoạch, phạm vi ranh giới quy hoạch
a) Tên quy hoạch: Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch tổng thể về năng lượng).
b) Thời kỳ quy hoạch: Quy hoạch được lập cho thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
c) Phạm vi ranh giới quy hoạch: quy hoạch phát triển toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng toàn quốc, có xem xét đến yếu tố xuất nhập khẩu năng lượng từ các quốc gia khác. Để có thể đánh giá được phương án quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng cho từng phân ngành, nhu cầu năng lượng được tính toán và dự báo cho toàn bộ các ngành sử dụng năng lượng của nền kinh tế, bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dân dụng và giao thông vận tải.
2. Quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc lập quy hoạch
a) Quan điểm lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng
- Phát triển năng lượng phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo tối ưu hệ thống năng lượng tổng thể, đi trước một bước, bền vững, tiếp tục đa dạng hóa các nguồn năng lượng nhằm cung cấp đầy đủ và ổn định, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên xu thế toàn cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
- Thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các nguồn tài nguyên năng lượng trong nước hợp lý, hiệu quả, kết hợp với khai thác, nhập khẩu năng lượng từ nước ngoài nhằm bảo tồn nguồn tài nguyên trong nước và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
- Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, đa dạng hóa sở hữu và phương thức kinh doanh, hướng tới thỏa mãn tốt nhất nhu cầu người tiêu dùng. Thúc đẩy nhanh việc xóa bao cấp, tiến đến xóa bỏ hoàn toàn việc thực hiện chính sách xã hội thông qua giá năng lượng.
- Phát triển đồng bộ , hài hòa và hợp lý hệ thống năng lượng: điện, dầu khí, than, năng lượng mới và tái tạo; phân bố hợp lý hệ thống năng lượng theo vùng lãnh thổ; cân đối từ khâu thăm dò, khai thác, chế biến; phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng, dịch vụ và tái chế; khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo, năng lượng sạch.
- Ứng dụng thành tựu của kinh tế tri thức, của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm năng lượng, đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh năng lượng; ngày càng nâng cao chất lượng cung cấp và dịch vụ năng lượng.
- Phát triển năng lượng gắn chặt với bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
b) Mục tiêu lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng
- Mục tiêu tổng quát:
Huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển năng lượng để đảm bảo cân đối cung cầu năng lượng với mục tiêu tối ưu chi phí phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước; sử dụng đa dạng và hợp lý các nguồn năng lượng sơ cấp trong và ngoài nước; đẩy mạnh các hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng cường bảo vệ môi trường và hoàn thành các mục tiêu phát triển năng lượng - kinh tế - xã hội bền vững; từng bước xây dựng các thị trường năng lượng cạnh tranh nhằm tăng hiệu quả hoạt động và khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Phân tích và đánh giá hiện trạng phát triển các phân ngành năng lượng (than, dầu, khí, năng lượng tái tạo) giai đoạn 2011 - 2020 (về điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng phân bố, sử dụng không gian...), thực tế triển khai nội dung của các quy hoạch các phân ngành năng lượng gần đây;
+ Dựa trên hiện trạng và dự báo xu thế phát triển kinh tế xã hội, đánh giá nhu cầu năng lượng giai đoạn 2011 - 2020, đưa ra các phương án dự báo nhu cầu năng lượng theo các loại nhiên liệu và theo các phân ngành kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 và giai đoạn 2031 - 2050;
+ Nghiên cứu các phương án phát triển các phân ngành năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng; lựa chọn một số phương án có chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt và có tính khả thi cao, đảm bảo cung cấp năng lượng đẩy đủ cho phát triển kinh tế xã hội, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên năng lượng, xem xét tới việc phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, có xét đến trao đổi xuất nhập khẩu năng lượng; đề xuất các phương án phát triển kết cấu hạ tầng hệ thống năng lượng trên phạm vi cả nước và các vùng lãnh thổ giai đoạn 2021 - 2030 có xét đến năm 2050; phân tích tính khả thi của phương án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng;
+ Đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng, xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội cũng như những cơ hội và thách thức phát triển đối với ngành năng lượng; Đánh giá sự liên kết, đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng tổng thể ngành năng lượng trong nước với khu vực và quốc tế; Lập danh mục các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của các phân ngành năng lượng và thứ tự ưu tiên thực hiện;
+ Đánh giá về tác động môi trường và lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) cho quy hoạch tổng thể về năng lượng với các định hướng bố trí sử dụng đất và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn sinh thái, cảnh quan, di tích đã xếp hạng quốc gia;
+ Nghiên cứu đề xuất các giải pháp chủ yếu về cơ chế chính sách phát triển, tổ chức thực hiện quy hoạch, đảm bảo phát triển bền vững năng lượng quốc gia.
c) Nguyên tắc lập quy hoạch
Quy hoạch ngành quốc gia phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Do đó, nội dung Quy hoạch tổng thể về năng lượng phải đảm bảo tích hợp một cách đồng bộ, đầy đủ và phù hợp trên cơ sở kế thừa các nội dung có liên quan trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Ngoài ra, Quy hoạch tổng thể về năng lượng cũng cần được đặt trong mối liên quan với các quy hoạch khác phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.
3. Nội dung và phương pháp lập quy hoạch
a) Nội dung Quy hoạch tổng thể về năng lượng: gồm 3 tập.
Tập I: Thuyết minh chính
Tập II: Các phụ lục
Tập III: Các bản vẽ
Nội dung chi tiết các phần trong Quy hoạch tổng thể về năng lượng như sau:
Tập 1: Thuyết minh chính, gồm 4 Phần với 14 Chương
Phần I: Hiện trạng năng lượng quốc gia và kết quả thực hiện quy hoạch
Chương 1: Hiện trạng năng lượng quốc gia
Chương 2: Tình hình thực hiện quy hoạch các phân ngành năng lượng
Phần II: Tình hình và dự báo phát triển kinh tế xã hội và định hướng phát triển các phân ngành năng lượng
Chương 3: Tình hình và dự báo phát triển kinh tế - xã hội
Chương 4: Hiện trạng sử dụng năng lượng và tiềm năng tiết kiệm năng lượng
Chương 5: Tiềm năng, khả năng khai thác, cung cấp và định hướng phát triển sản xuất các phân ngành năng lượng
Phần III: Phương án phát triển kết cấu hạ tầng năng lượng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Chương 6: Phương án phát triển tổng thể năng lượng
Chương 7: Phương án quy hoạch phát triển phân ngành than
Chương 8: Phương án quy hoạch phát triển phân ngành dầu khí
Chương 9: Phương án phát triển năng lượng mới và tái tạo
Chương 10: Phương án quy hoạch phát triển điện lực
Chương 11: Nhu cầu vốn đầu tư
Phần IV: Cơ chế, giải pháp và tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể về năng lượng
Chương 12: Cơ chế bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong quy hoạch phát triển tổng thể năng lượng
Chương 13: Giải pháp và tổ chức thực hiện
Chương 14: Kết luận và kiến nghị Tài liệu tham khảo
Tập II: Các phụ lục
Tập III: Các bản vẽ
b) Phương pháp lập Quy hoạch:
Quy hoạch tổng thể về năng lượng được lập theo các bước: (i) dự báo nhu cầu năng lượng quốc gia dựa trên các kịch bản phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu năng lượng sẽ được dự báo có tính đến khả năng tiết kiệm năng lượng cho từng phân ngành; (ii) đánh giá khả năng cung cấp năng lượng sơ cấp cho từng loại than, dầu thô, khí tự nhiên, các dạng năng lượng tái tạo và khả năng trao đổi năng lượng với các nước khác; (iii) xây dựng các kịch bản phát triển tích hợp các chính sách phát triển đối với mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính, mục tiêu tiết kiệm năng lượng và các mục tiêu phát triển khác; (iv) xây dựng mô hình tối ưu hệ thống năng lượng đưa ra phương án phát triển có chi phí nhỏ nhất đáp ứng nhu cầu năng lượng, thỏa mãn khả năng cung cấp, đạt được các mục tiêu chính sách, giảm thiểu các tác động môi trường và biến đổi khí hậu; (v) xây dựng phương án quy hoạch cho từng phân ngành trong hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng. Trong quá trình thực hiện, Quy hoạch tổng thể về năng lượng sẽ được xây dựng phù hợp với các Quy hoạch phát triển tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch vùng, đồng thời hài hòa với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và các quy hoạch liên quan khác nhằm đảm bảo phát triển năng lượng đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
4. Thời hạn lập quy hoạch
Thực hiện trong thời gian 12 tháng kể từ khi Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể về năng lượng được phê duyệt và lựa chọn xong đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng.
5. Thành phần, số lượng, tiêu chuẩn, quy cách hồ sơ quy hoạch
- Thành phần Đề án Quy hoạch tổng thể về năng lượng gồm 3 tập: Tập I: Thuyết minh chính; Tập II: Các Phụ lục tính toán; Tập III: Các bản vẽ, sơ đồ địa lý của quy hoạch.
- Số lượng: 20 bộ Đề án.
- Tiêu chuẩn, quy cách hồ sơ quy hoạch: Bản cứng Đề án được in 2 mặt trên giấy A4 theo quy định. Bản mềm được soạn thảo trên các phần mềm soạn thảo văn bản thông dụng (Word, Excel v.v...).
6. Chi phí lập quy hoạch
- Chi phí lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng sử dụng từ nguồn vốn đầu tư công của Bộ Công Thương được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
- Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định cụ thể về chi phí lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng theo đúng hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về định mức cho hoạt động quy hoạch, quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 2. Thực hiện lập quy hoạch
1. Bộ Công Thương là cơ quan tổ chức lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng, có trách nhiệm đảm bảo việc triển khai thực hiện các bước theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan.
2. Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các Tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Văn phòng Trung ương Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - Kiểm toán Nhà nước; - Các Tập đoàn: EVN, TKV, PVN, Petrolimex; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, KGVX, QHQT, QHĐP, PL; - Lưu: VT, CN (2). nvq | KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG Trịnh Đình Dũng |
Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Tài nguyên môi trường được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Tham khảo thêm
Quyết định 1748/QĐ-TTg 2019 lập Quy hoạch tài nguyên nước
Quyết định 1746/QĐ-TTg 2019 - Mục tiêu quốc gia về xử lý rác thải đại dương
Thông tư 31/2019/TT-BYT - Quy định về sữa tươi sử dụng trong Sữa học đường
Mức đóng kinh phí công đoàn mới nhất 2024
Hướng dẫn mới nhất về đánh giá, phân loại công chức, viên chức năm 2019
Quyết định 1704/QĐ-TTg 2019 giao dự toán ngân sách nhà nước 2020
Quy trình chuyển thẻ bảo hiểm điện tử từ năm 2020
Thông tư 178/2019/TT-BQP
Gợi ý cho bạn
-
Thông tư 21/2022/TT-BTNMT danh mục và thời hạn chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan thuộc lĩnh vực TNMT
-
Nghị định 02/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước
-
Thông tư 07/2019/TT-BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật về thức ăn thủy sản
-
Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT quy định về quản lý chất thải y tế
-
Tải Quyết định 338/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch Quy hoạch năng lượng quốc gia 2021-2030 file doc, pdf
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Phân tích khổ 4 bài Tràng giangHướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Cách viết Phiếu đảng viênMẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Bài thu hoạch học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐảngBiên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Mẫu biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viênTop 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Cảm nhận về bài thơ Sóng - Xuân QuỳnhThực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Đáp án bài tập cuối khóa module 9 môn ToánBài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Module rèn luyện phong cách làm việc khoa học của người GVMNBộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Lịch thi vẽ tranh Thiếu nhi Việt Nam mừng đại hội Đoàn 2024Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Cách hủy tờ khai thuế giá trị gia tăngMẫu tờ trình xin kinh phí hoạt động 2024 mới nhất
Cách viết tờ trình xin kinh phí hoạt độngSuy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ NươngTờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công
Bài viết hay Tài nguyên - Môi trường
Thông tư 07/2015/TT-BTNMT quy định đơn giá thuê đất đối với công ty nông, lâm nghiệp
Quyết định 1743/QĐ-TTg 2019
Đi tiểu bậy sẽ bị phạt đến 3 triệu đồng từ ngày 1/2/2017
Thông tư 30/2017/TT-BNNPTNT
Quyết định số 137/2008/QĐ-TTG
Thông tư quy định thăm dò, phân cấp trữ lượng khoáng sản vàng số 03/2015/TT-BTNMT
Thuế - Lệ phí - Kinh phí
Giáo dục - Đào tạo
Y tế - Sức khỏe
Thể thao
Bảo hiểm
Chính sách
Hành chính
Cơ cấu tổ chức
Quyền Dân sự
Tố tụng - Kiện cáo
Dịch vụ Pháp lý
An ninh trật tự
Trách nhiệm hình sự
Văn bản Nông - Lâm - Ngư nghiệp
Tài nguyên - Môi trường
Công nghệ - Thông tin
Khoa học công nghệ
Văn bản Giao thông vận tải
Hàng hải
Văn hóa Xã hội
Du lịch
Doanh nghiệp
Xuất - Nhập khẩu
Tài chính - Ngân hàng
Lao động - Tiền lương
Đầu tư - Chứng khoán - Thương mại
Xây dựng - Đô thị - Đất đai - Nhà ở
Lĩnh vực khác