Quyết định 16/2013/QĐ-UBND tỉnh Kon Tum

Tải về

Quyết định 16/2013/QĐ-UBND về Quy định trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------------------------

Số: 16/2013/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 20 tháng 03 năm 2013

QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON KUM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân;

Căn cứ Nghị định số 144/2005/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ quy định về công tác phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong việc xây dựng và kiểm tra thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 630/1998/QĐ-UBND ngày 20/6/1998 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc ban hành quy định tạm thời về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Các ban xây dựng đảng, đơn vị thuộc Tỉnh ủy;
- TAND, VKSND, Cục THADS tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên;
- Đài PTTH Kon Tum, Báo Kon Tum, Cổng
TTĐT tỉnh;
- Thường trực HĐND các huyện, thành phố;
- VPUB: CVP, các PVP, các Phòng thuộc Khối
NCTH;
- Lưu VT, NC4.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Nguyễn Văn Hùng

QUY ĐỊNH
VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2013/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định về trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum, bao gồm:

a) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân do Ủy ban nhân dân cùng cấp trình;

b) Quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân các cấp.

2. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Kon Tum phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật hiện hành và Quy định này.

3. Việc soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

2. Các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;

3. Cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ trong việc soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật;

4. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân; xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân.

Điều 3. Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

1. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của văn bản trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính khả thi của văn bản, tính hợp lý của quy định trong văn bản; bảo đảm sự phù hợp và không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành phải phù hợp với Hiến pháp và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Nội dung văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể, chi tiết; không lặp lại nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên;

2. Bảo đảm phù hợp về thể thức, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tuân thủ đúng, đầy đủ về trình tự, thủ tục soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Quy định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Bảo đảm yêu cầu kiểm soát thủ tục hành chính trong quá trình soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính tại Mục 2 Chương II của Quy định này;

3. Bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và minh bạch trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (trừ trường hợp văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước).

4. Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải căn cứ yêu cầu của công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, kết quả công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và kết quả tổng kết, đánh giá việc thực hiện pháp luật. Bảo đảm tiến độ, yêu cầu theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của cấp có thẩm quyền đã ban hành hàng năm.

Điều 4. Quy trình soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

1. Công tác chuẩn bị soạn thảo văn bản

a) Nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về những vấn đề nội dung văn bản soạn thảo đề cập.

b) Tập hợp, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến dự thảo văn bản; tổng kết tình hình thi hành pháp luật, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến văn bản soạn thảo; khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến nội dung chính của văn bản soạn thảo; tổ chức nghiên cứu thông tin, tư liệu có liên quan đến văn bản soạn thảo.

c) Xác định mục đích, yêu cầu, phạm vi, đối tượng điều chỉnh và các nội dung cần được quy định trong dự thảo văn bản.

2. Xây dựng dự thảo văn bản

Cơ quan được giao chủ trì soạn thảo trực tiếp tổ chức thực hiện việc soạn thảo hoặc sử dụng phương thức ký hợp đồng soạn thảo với cơ quan, tổ chức khác.

3. Gửi dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lập ý kiến hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc bằng các hình thức thích hợp khác để lấy ý kiến tham gia.

4. Chỉnh lý dự thảo văn bản, dự thảo tờ trình, hoàn chỉnh hồ sơ gửi cơ quan tư pháp cùng cấp thẩm định tính pháp lý.

5. Hoàn thiện dự thảo văn bản và các tài liệu có liên quan, lập hồ sơ trình văn bản. Văn bản dự thảo trình Ủy ban nhân dân phải là văn bản đã được chỉnh lý sau cùng theo những nội dung được góp ý, thẩm định. Trường hợp cần bổ sung nội dung sau khi góp ý, thẩm định, cơ quan soạn thảo phải trình bày rõ trong tờ trình khi trình Ủy ban nhân dân.

6. Họp thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trong trường hợp cần thiết mà Ủy ban nhân dân không thể họp được thì Ủy ban nhân dân xem xét, quyết định ban hành văn bản Quy phạm pháp luật bằng hình thức phiếu lấy ý kiến thành viên Ủy ban nhân dân nếu đa số các thành viên đồng ý.

7. Ký, phát hành văn bản; gửi văn bản đăng Công báo, niêm yết.

Điều 5. Tổ chức lấy ý kiến góp ý, thẩm định

1. Việc lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có thể được thực hiện nhiều lần, bằng hình thức tổ chức cuộc họp góp ý hoặc lấy ý kiến bằng văn bản (kể cả việc lấy ý kiến của cơ quan thẩm định). Việc tổ chức lấy ý kiến được thực hiện theo quy định tại Điều 23, Điều 24 Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số đỉều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Điều 14, Điều 15 Quy định này.

Trường hợp dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh có quy định về thủ tục hành chính, cơ quan soạn thảo phải lấy ý kiến của cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính cấp tỉnh trước khi chuyển Sở Tư pháp thẩm định theo quy định của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính.

2. Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải được cơ quan tư pháp cùng cấp thẩm định. Đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao cho cơ quan tư pháp chủ trì soạn thảo thì Văn phòng Ủy ban nhân dân cùng cấp tiến hành thẩm định.

Thời hạn gửi hồ sơ đề nghị thẩm định và thời hạn tổ chức thẩm định thực hiện theo quy định tại Điều 24, Điều 38, Điều 42 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.

Điều 6. Trình bày thể thức của văn bản quy phạm pháp luật

1. Văn bản quy phạm pháp luật phải được đánh số thứ tự và ký hiệu theo quy định tại Điều 7 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.

2. Văn bản quy phạm pháp luật phải được ban hành đúng thể thức, bảo đảm đầy đủ các yếu tố, thành phần thể thức văn bản theo hướng dẫn của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ về thể thức văn bản và các quy định pháp luật có liên quan.

Điều 7. Công bố và niêm yết văn bản quy phạm pháp luật

Trách nhiệm đăng báo, đăng Công báo, đưa tin, niêm yết văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.

Điều 8. Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

Cơ quan tư pháp các cấp, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thường xuyên rà soát, định kỳ hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương; nếu phát hiện có quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không phù hợp với tình hình phát triển, yêu cầu quản lý nhà nước của địa phương phải kịp thời kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành.

Điều 9. Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp pháp luật

1. Văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và các văn bản khác có liên quan trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của địa phương do các cơ quan nhà nước cấp trên ban hành phải được hệ thống hóa và xây dựng thành hệ cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh để phục vụ cho công tác soạn thảo, thẩm định, ban hành, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật và hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền các cấp.

2. Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, quản lý hệ cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, thường xuyên cập nhật, bổ sung kịp thời những văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, thực hiện tin học hóa hệ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, khai thác, sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 337
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm