Quyền lợi được hưởng khi tham gia nghĩa vụ quân sự

Tải về

Các quyền lợi khi tham gia nghĩa vụ quân sự

Tham gia nghĩa vụ quân sự là vinh dự của mỗi thanh niên đoàn viên. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ vẻ vang này, các thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự còn được hưởng rất nhiều quyền lợi khi tham gia nghĩa vụ quân sự điển hình như trợ cấp tại ngũ, trợ cấp xuất ngũ… Trong bài viết này HoaTieu.vn xin chia sẻ toàn bộ quyền lợi được hưởng khi tham gia nghĩa vụ quân sự theo đúng quy định của nhà nước, mời các bạn cùng tìm hiểu.

Theo khoản 1 Điều 21 của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, thời hạn hục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. Sau 24 tháng phục vụ trong quân ngũ, hạ sĩ quan, binh sĩ sẽ được hưởng các khoản tiền trợ cấp, phụ cấp như sau:

1. Hưởng phụ cấp theo quân hàm hiện hưởng

Cụ thể, theo nội dung hướng dẫn tại Bảng 7 Nghị định 204/2004/NĐ-CP và Điểm b Khoản 2 Điều 3 Thông tư 88/2018/TT-BQP, phụ cấp quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được tính theo hệ số phụ cấp quân hàm hiện hưởng nhân với mức lương cơ sở. Hiện nay, theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP, mức lương cơ sở là 1,39 triệu đồng/tháng.

Như vậy, mức phụ cấp quân hàm hiện nay như sau:

- Binh nhì: Hệ số 0,4 - Mức phụ cấp là: 1.390.000 đồng x 0,4 = 556.000 đồng/tháng;

- Binh nhất: Hệ số 0,45 - Mức phụ cấp là: 1.390.000 đồng x 0,45 = 625.500 đồng/tháng;

- Hạ sĩ: Hệ số 0,5 - Mức phụ cấp là: 1.390.000 đồng x 0,5 = 695.000 đồng/tháng;

- Trung sĩ: Hệ số 0,6 - Mức phụ cấp là: 1.390.000 đồng x 0,6 = 834.000 đồng/tháng;

- Thượng sĩ: Hệ số 0,7 - Mức phụ cấp là: 1.390.000 đồng x 0,7 = 973.000 đồng/tháng.

2. Hưởng phụ cấp tăng thêm nếu kéo dài thời gian tại ngũ

Theo quy định tại Điều 4 của Nghị định 27/2016/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư 95/2016/TT-BQP, ngoài chế độ phụ cấp quân hàm như trên, hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì từ tháng thứ 25 trở đi, hằng tháng được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng. Cách tính hưởng như sau:

Phụ cấp được hưởng từ tháng thứ 25 trở đi = Phụ cấp quân hàm hiện hưởng + Phụ cấp kéo dài thời gian phục vụ

Trong đó:

Phụ cấp kéo dài thời gian phục vụ = Phụ cấp quân hàm hiện hưởng x 250%

Lưu ý: Khoản phụ cấp này không áp dụng đối với hạ sĩ quan, binh sĩ đang chờ chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; chờ đi học, dự thi tuyển sinh; đang học ở các học viện, nhà trường trong, ngoài Quân đội và các trường hợp khác.

3. Hạ sĩ quan, binh sĩ nữ được hưởng thêm phụ cấp khuyến khích

Ngoài đối tượng nam giới, theo Điều 6 Luật nghĩa vụ quân sự 2015, nữ giới cũng có thể tự nguyện tham gia phục vụ tại ngũ trong quân đội và khi quân đội có nhu cầu. Trong trường hợp này, hàng tháng, hạ sĩ quan, binh sĩ nữ được hưởng thêm phụ cấp khuyến khích mức 0,2 so với mức lương cơ sở.

Như vậy, với mức lương cơ sở là 1,39 triệu đồng/tháng, mức phụ cấp khuyến khích với hạ sĩ quan, binh sĩ nữ hiện nay sẽ là 278.000 đồng/tháng.

4. Hưởng trợ cấp một lần khi xuất ngũ

- Nếu phục vụ 24 tháng trong quân đội:

Căn cứ Khoản 2 Điều 7 Thông tư 95/2016/TT-BQP, hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được hưởng mức trợ cấp một lần khi xuất ngũ bằng 2 tháng lương cơ sở cho mỗi năm phục vụ trong Quân đội (đủ 12 tháng).

Trường hợp có tháng lẻ thì tính như sau:

Dưới 01 tháng không được hưởng trợ cấp xuất ngũ;

Từ đủ 01 tháng đến đủ 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương cơ sở;

Từ trên 06 tháng đến 12 tháng được hưởng trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở.

- Trợ cấp thêm do kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ:

Hạ sĩ quan, binh sĩ có thời gian phục vụ tại ngũ kéo dài theo quy định, ngoài mức hưởng nêu trên, khi xuất ngũ sẽ được trợ cấp thêm như sau:

Thời gian phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 25 đến dưới 30 tháng được trợ cấp thêm 01 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng;

Thời gian phục vụ tại ngũ đủ 30 tháng được trợ cấp thêm 02 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.

5. Được cộng dồn thời gian phục vụ vào thời gian tính đóng BHXH

Theo nội dung tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư 95/2016/TT-BQP, thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH theo quy định.

Trường hợp trước khi nhập ngũ, có thời gian làm việc, đóng BHXH bắt buộc tại cơ quan Nhà nước, tổ chức, cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế, nếu xuất ngũ về địa phương thì được cộng nối thời gian công tác có đóng BHXH trước đó với thời gian tại ngũ để tính hưởng chế độ BHXH theo quy định và do Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng giải quyết.

Trường hợp trước khi nhập ngũ có thời gian làm việc, đóng BHXH bắt buộc tại cơ quan Nhà nước, tổ chức, cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế, sau đó xuất ngũ về cơ quan cũ hoặc các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế, tiếp tục đóng BHXH thì được cộng thời gian trước đó với thời gian tại ngũ và thời gian công tác có đóng BHXH sau này để làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH theo quy định.

6. Hưởng trợ cấp tạo việc làm

Theo Khoản 4 Điều 7 Thông tư 95/2016/TT-BQP, hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 khi xuất ngũ, được trợ cấp tạo việc làm bằng 06 tháng tiền lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời điểm xuất ngũ.

Như vậy, mức trợ cấp này hiện nay là: 1,39 triệu đồng x 6 = 8,34 triệu đồng.

7. Được hưởng 100% mức lương và phụ cấp trong giai đoạn làm việc tập sự

Theo quy định tại Khoản 3, 4 và 5 Điều 8 Nghị định 27/2016/NĐ-CP, hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ khi về địa phương được chính quyền các cấp ưu tiên sắp xếp việc làm; được cộng điểm trong tuyển sinh, tuyển dụng công chức, viên chức; được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo trong thời gian tập sự.

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế phải có trách nhiệm nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm và tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ cho hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ.

Hạ sĩ quan, binh sĩ trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thì được bảo lưu kết quả, được tiếp nhận vào học tại các trường đó.

Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, khi xuất ngũ nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề thì được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP.

8. Được cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường khi từ đơn vị về nơi cư trú

Hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được đơn vị trực tiếp quản lý tổ chức buổi gặp mặt chia tay trước khi xuất ngũ, mức chi 50.000 đồng/người; được đơn vị tiễn và đưa về địa phương nơi cư trú theo quy định hoặc cấp tiền tàu, xe (loại phổ thông) và phụ cấp đi đường từ đơn vị về nơi cư trú.

Lưu ý: Từ ngày 01/7/2019, theo Khoản 8 Điều 4 Nghị quyết 70/2018/QH14, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,39 triệu đồng lên mức 1,49 triệu đồng/tháng. Do đó, các mức phụ cấp, trợ cấp nêu trên cũng sẽ được điều chỉnh tăng lên tương ứng kể từ ngày 01/7/2019.

Đánh giá bài viết
1 242
Quyền lợi được hưởng khi tham gia nghĩa vụ quân sự
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm