Quyền lợi của giáo viên khi tham gia nâng chuẩn 2024

Luật giáo dục 2019 có hiệu lực từ 1/7/2020, và theo đó quy định về nâng chuẩn trình độ giáo viên đã có nhiều thay đổi so với quy định cũ. Vậy khi tham gia nâng chuẩn giáo viên sẽ được những quyền lợi gì. Mời các bạn cùng theo dõi nội dung sau đây của HoaTieu.vn.

1. Quyền lợi của giáo viên khi tham gia nâng chuẩn

Căn cứ theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP về việc quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 18-8-2020.

Quyền lợi của giáo viên khi tham gia nâng chuẩn
Quyền lợi của giáo viên khi tham gia nâng chuẩn

Quyền lợi của giáo viên khi tham gia nâng chuẩn (đối tượng giáo viên được cử đi học nâng chuẩn đào tạo theo lộ trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo) bao gồm:

  • Được hưởng 100% lương và các chế độ phụ cấp theo quy định của pháp luật;
  • Được tính thời gian đào tạo và thời gian công tác liên tục;
  • Được hỗ trợ tiền đóng học phí như quy định hiện hành đối với sinh viên sư phạm;
  • Được cơ quan quản lý, sử dụng tạo điều kiện về thời gian.

2. Nghĩa vụ giáo viên đi học nâng chuẩn

Ngoài những quyền lợi nêu trên, giáo viên được cử đi học nâng chuẩn phải đảm bảo các nghĩa vụ:

  • Thực hiện các quy định về đào tạo, quy chế và quy định về thời gian đào tạo;
  • Chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo trong thời gian tham gia các hoạt động đào tạo;
  • Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo;
  • Trong suốt thời gian khóa học, giáo viên vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ công tác theo quy định khi không phải tham gia các hoạt động đào tạo. Trường hợp giáo viên không hoàn thành chương trình đào tạo theo thời gian quy định dẫn đến phải kéo dài thời gian đào tạo thì phải tự túc các khoản chi phí đào tạo phát sinh trong thời gian đào tạo kéo dài.

3. Giáo viên học liên thông nâng chuẩn có được hỗ trợ học phí không?

Một đối tượng được cử đi học nâng chuẩn là Giáo viên diện liên thông. Vậy Giáo viên học liên thông nâng chuẩn có được hỗ trợ học phí không?

Để trả lời các thắc mắc này, chúng ta cần hiểu các chính sách hỗ trợ tiền học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm được áp dụng theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 116 năm 2020, các đối tượng được hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt gồm:

  • Sinh viên sư phạm trình độ đại học, cao đẳng theo hình thức đào tạo chính quy, liên thông chính quy.
  • Sinh viên đại học, cao đẳng sư phạm học văn bằng hai và có kết quả học lực văn bằng một đạt loại giỏi.

Do đó, chỉ có 02 đối tượng này được hưởng chế độ hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt. Đồng nghĩa, sinh viên trung cấp sư phạm hoặc các học viên học thạc sĩ sư phạm sẽ không được nhận chính sách hỗ trợ này.

Đặc biệt, khoản 3 Điều 3 Nghị định 116/2020/NĐ-CP nêu rõ: Nghị định này không áp dụng đối với giáo viên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Có thể hiểu rằng, chính sách hỗ trợ học phí theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP chỉ áp dụng với sinh viên sư phạm hệ đại học, cao đẳng chính quy, liên thông và văn bản hai hệ đại học, cao đẳng chính quy (có học lực văn bằng một loại giỏi) mà không áp dụng với giáo viên học liên thông khi nâng chuẩn trình độ đào tạo.

Theo quy định thì các đối tượng giáo viên thực hiện nâng chuẩn trình độ gồm:

  • Giáo viên mầm non chưa có bằng cao đẳng sư phạm trở lên tính từ 01/7/2020 thì còn 07 năm công tác để được nghỉ hưu.
  • Giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân ngành sư phạm tiểu học hoặc chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ 01/7/2020 còn đủ 08 năm công tác (giáo viên có trình độ trung cấp), có đủ 07 năm (giáo viên trình độ cao đẳng) đến tuổi nghỉ hưu.
  • Giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân ngành sư phạm hoặc chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ 01/7/2020 còn đủ 07 năm công tác đến tuổi nghỉ hưu.

Vậy những thông tin trên đã trình bày những quyền lợi và nghĩa vụ giáo viên khi được cử đi học nâng chuẩn cùng một số thông tin liên quan được nhiều bạn thắc mắc. Có thể thấy, mặc dù quy định giáo viên bắt buộc phải nâng chuẩn trình độ đào tạo nhưng khi tham gia nâng chuẩn trình độ đào tạo thì nhà nước đã hỗ trợ rất nhiều, giáo viên cũng sẽ không bị thiệt thòi khi tham gia nâng chuẩn trình độ đào tạo.

Xem thêm

Đánh giá bài viết
1 737
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm