Quy định pháp luật về thụ lý vụ án dân sự

Điều kiện như thế nào để đơn khởi kiện được thụ lý và hoạt động thụ lý của Tòa án có phát sinh hay không phụ thuộc vào việc thời hiệu quyền khởi kiện vụ án dân sự của đương sự có đúng với các quy định của pháp luật không. Bài viết này Hoatieu.vn sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn.

1. Thụ lý vụ án dân sự là gì?

Thụ lý vụ án dân sự: là việc Tòa án nhận đơn khởi kiện của người khởi kiện vào sổ thụ lý vụ án dân sự để giải quyết.

Thụ lý vụ án là sự mở đầu trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, là cơ sở để các giai đoạn tố tụng sau đó được thực hiện. Nếu không có việc thụ lý vụ án của tòa án sẽ không có các bước tiếp theo của quá trình tố tụng. Thụ lý vụ án dân sự bao gồm hai hoạt động cơ bản là nhận đơn khởi kiện xem xét và vào sổ thụ lý vụ án dân sự để giải quyết.

2. Đặc điểm thụ lý vụ án dân sự

  • Là một hoạt động của tòa án có thẩm quyền thực hiện.
  • Chỉ được thực hiện khi có yêu cầu khởi kiện của chủ thể có quyền khời kiện.
  • Thụ lý vụ án dân sự không phải là một hoạt động tố tụng độc lập mà nó là cả một quy trình gồm nhiều bước khác nhau để đi đến kết quả là tòa án vào sổ thụ lý vụ án dân sự.

3. Ý nghĩa của thụ lý vụ án dân sự

Thụ lý vụ án dân sự có ý nghĩa pháp lý quan trọng vì nó đặt trách nhiệm cho tòa án phải giải quyết vụ án trong thời gian nhất định. Sau khi thụ lý vụ án, thẩm phán phải triệu tập các đương sự đến tòa án để xác minh và hòa giải; đối với những việc pháp luật quy định không được hòa giải thì phải khẩn trương hoàn thành hồ sơ để đưa vụ án ra xét xử tại phiên tòa. Thụ lý vụ án dân sự còn có ý nghĩa thiết thực bảo đảm việc bảo vệ kịp thời những quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong các lĩnh vực dân sự, kinh tế, lao động và hôn nhân gia đình; giải quyết kịp thời các mâu thuẩn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, tạo niềm tin của dân vào các cơ quan trực tiếp thụ lý giải quyết.

4. Điều kiện thụ lý vụ án dân sự

Về chủ thể khởi kiện

Chủ thể khởi kiện vụ án dân sự là các chủ thể theo quy định của pháp luật được tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Các chủ thể này bao gồm cá nhân, cơ quan, hoặc tổ chức đáp ứng được những điều kiện do pháp luật quy định.

a) Cá nhân khi khởi kiện vụ án dân sự phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự đồng thời phải có quyền lợi bị xâm phạm hoặc tranh chấp.

b) Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, hoặc của người khác.

Điều kiện về thẩm quyền Tòa án.

Tòa án chỉ thụ lý vụ án dân sự đối với những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Vụ án được được khởi kiện phải đúng với cấp tòa án có thẩm quyền giải quyết quy định tại Điều 35, 36, 37 và 38 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Vụ án được khởi kiện phải đúng thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ quy định tại Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự.

Việc xác định thẩm quyền là một điều kiện cần thiết để đảm bảo cho hoạt động bình thường và hợp lý của bộ máy nhà nước. Đồng thời việc phân định thẩm quyền giữa các Tòa án cũng góp phần cho các Tòa án thực hiện đúng nhiệm vụ của mình và người dân dễ dàng thực hiện quyền khởi kiện. Thẩm quyền của Tòa án đươc xác định một cách chính xác sẽ tránh được sự chồng chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ của Tòa án với các cơ quan nhà nước khác và các bộ phận trong một Tòa án, góp phần giải quyết đúng đắn.

Đối với những việc pháp luật quy định phải yêu cầu cơ quan khác giải quyết trước thì chủ thể khởi kiện chỉ được khởi kiện vụ án khi các cơ quan hữu quan đã giải quyết mà họ không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan đó. Trường hợp nhiều Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án thì Tòa án thụ lý đơn đầu tiên có thẩm quyền. Tuy nhiên, trừ một số trường hợp Tòa án sẽ không có thẩm quyền, tức là người khởi kiện không thể khởi kiện ra Tòa

Điều kiện về thời hiệu

Theo khoản 3 Điều 150 Bộ luật dân sự 2015 thì Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Việc pháp luật quy định thời hiệu khởi kiện vừa có ý nghĩa bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, pháp nhân không bị xâm phậm vừa đảm bảo việc giải quyết vụ án dân sự được thuận lợi. Vì vậy, việc khởi kiện vụ án dân sự phải được tiến hành trong thời hiệu khởi kiện.

Theo Bộ luật dân sự, thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự (Điều 429); về yêu cầu bồi thường thiệt hại (Điều 588) là 03 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Thời hiệu khởi kiện về thừa kế (Điều 623 BLDS) đối với yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm; đối với yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế;Theo Bộ luật Lao động 2012, thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân (Điều 202), tranh chấp lao động tập thể về quyền (Điều 207) là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm

Trên đây là ý kiến tư vấn cá nhân của Hoatieu.vn. Mời các bạn tham khảo thêm một số bài viết hữu ích khác như: Mẫu đơn khởi kiện ly hôn và cách viết, Mẫu đơn kháng cáo vụ án hình sự từ chuyên mục Hỏi đáp pháp luật của trang Hoatieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 422
0 Bình luận
Sắp xếp theo