Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu

Tải về

Quy chuẩn Việt Nam 01: 2020 về thiết kế cửa hàng xăng dầu

Thông tư 15/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu ngày 30/6/2020.

QCVN 01:2020/BCT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ YÊU CẦU THIẾT KẾ CỬA HÀNG XĂNG DẦU

National Technical Regulation on Design requirements for Petrol filling stations

LỜI NÓI ĐẦU

QCVN 01:2020/BCT do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu biên soạn, Vụ Thị trường trong nước trình duyệt, Bộ Công Thương ban hành theo Thông tư số 15/2020/TT-BCT ngày 30 tháng 6 năm 2020.

Quy chuẩn này thay thế Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu số QCVN 01:2013/BCT và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu trên mặt nước số QCVN 10:2015/BCT.

QCVN 01:2020/BCT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ YÊU CẦU THIẾT KẾ CỬA HÀNG XĂNG DẦU

National Technical Regulation on Design requirements for Petrol filling stations

CHƯƠNG I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chuẩn này quy định về yêu cầu kỹ thuật cơ bản trong thiết kế xây dựng mới, đóng mới, cải tạo mở rộng, hoán cải các cửa hàng xăng dầu trên mặt đất và trên mặt nước thuộc chủ quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với:

1. Các tổ chức và cá nhân có hoạt động xây dựng mới, đóng mới, cải tạo mở rộng, hoán cải các cửa hàng xăng dầu trên mặt đất và trên mặt nước.

2. Các thương nhân có hoạt động kinh doanh xăng dầu.

3. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cửa hàng xăng dầu là nơi có hoạt động bán lẻ xăng dầu qua cột bơm cho các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy. Cửa hàng xăng dầu có thể kết hợp kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng đóng trong chai, các loại dầu mỡ nhờn, cung cấp dịch vụ tiện ích cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Cửa hàng xăng dầu trên mặt đất là cửa hàng xăng dầu được xây dựng cố định trên mặt đất hoặc một phần trên mặt đất.

Cửa hàng xăng dầu trên mặt nước là cửa hàng xăng dầu xây cố định trên mặt nước hoặc tàu vỏ thép, xà lan đã được cải hoán hoặc các phương tiện nổi khác.

2. Dịch vụ tiện ích là các dịch vụ phục vụ cho hoạt động của người và phương tiện tham gia giao thông như: rửa xe, sửa chữa, bảo dưỡng xe, bãi đỗ xe, dịch vụ dừng nghỉ, cửa hàng bách hóa, máy rút tiền tự động, trạm nạp, thay thế pin cho các phương tiện chạy bằng điện.

3. Khu bán hàng

Là nơi bố trí cột bơm xăng dầu và các gian bán hàng (dầu mỡ nhờn, khí dầu mỏ hóa lỏng đóng trong chai...).

4. Các hạng mục xây dựng khác

Gồm các hạng mục cung cấp dịch vụ tiện ích, phòng nghỉ trực ban, phòng trưng bày sản phẩm, văn phòng làm việc tại cửa hàng, khu vệ sinh, khu sinh hoạt của nhân viên, khu để máy phát điện, chất thải, nơi cấp nước, v.v...

5. Đảo bơm

Là diện tích dành riêng để lắp đặt cột bơm xăng dầu, thiết bị thanh toán (nếu có) và được nâng cao hơn so với mặt bằng của cửa hàng.

6. Đường ống công nghệ

Là đường ống (bao gồm ống và các mối liên kết) cùng các thiết bị lắp trên đường ống dùng để dẫn xăng dầu và hơi xăng dầu.

Đường ống công nghệ gồm có: ống nhập (dùng để dẫn xăng dầu từ phương tiện vận chuyển xăng dầu vào bể chứa), họng nhập kín (thiết bị được gắn cố định ở đầu ống nhập dùng để nối kín với ống dẫn xăng dầu từ phương tiện vận chuyển vào bể chứa), ống xuất (dùng để dẫn xăng dầu từ bể chứa đến cột bơm) và các ống dẫn hơi (dùng để dẫn hơi xăng dầu từ bể chứa đến van thở, từ cột bơm đến bể chứa hoặc từ bể chứa đến phương tiện vận chuyển xăng dầu).

7. Van thở

Là thiết bị để kiểm soát áp suất dư (áp suất dương) và áp suất chân không (áp suất âm) trong bể để đảm bảo an toàn cho bể chứa và chống tổn thất do bay hơi xăng dầu trong quá trình vận hành.

8. Nhập kín

Là phương pháp nhập xăng dầu từ phương tiện vận chuyển xăng dầu vào bể chứa theo chu trình kín qua họng nhập kín.

9. Nước thải của cửa hàng xăng dầu bao gồm:

a) Nước thải nhiễm xăng dầu gồm nước thải phát sinh từ các nguồn: nước rửa xe, nước vệ sinh nền bãi khu rửa xe, bảo dưỡng xe, nước súc rửa bể, nước mưa chảy tràn khu vực có khả năng nhiễm xăng dầu.

b) Nước thải sinh hoạt không nhiễm xăng dầu, nước mặt.

10. Hệ thống thu hồi hơi xăng dầu

Là hệ thống các thiết bị nhằm thu hồi và hạn chế hơi xăng dầu thoát ra ngoài không khí khi nhập xăng dầu vào bể chứa hoặc khi bán cho các phương tiện giao thông tại cửa hàng xăng dầu.

Điều 4. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết cho việc áp dụng quy chuẩn này, trường hợp các tài liệu viện dẫn được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng phiên bản mới nhất.

TCVN 4090:1985 Kho tàng, trạm và đường ống dẫn xăng dầu - Đường ống chính dẫn dầu và sản phẩm dầu - Tiêu chuẩn thiết kế.

TCVN 5684:2003 An toàn cháy các công trình dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ - Yêu cầu chung.

TCVN 4054:2005 Đường ô tô - yêu cầu thiết kế.

TCVN 5334:2007 Thiết bị điện kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ - Yêu cầu an toàn trong thiết kế, lắp đặt và sử dụng.

TCVN 3890:2009 Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình - Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng.

TCVN 5307:2009 Kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ - Yêu cầu thiết kế.

QCVN 29:2010/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải của kho và cửa hàng xăng dầu.

QCVN 72:2013/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa; Sửa đổi 1:2015 QCVN 72:2013/BGTVT; Sửa đổi 2:2018 QCVN 72:2013/BGTVT.

QCVN 07-6:2016/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp xăng dầu, khí đốt.

TCVN 6223:2017 Cửa hàng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) - Yêu cầu chung về an toàn.

QCVN 01:2019/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.

QCVN 06:2020/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.

CHƯƠNG II. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

Điều 5. Phân cấp cửa hàng xăng dầu

Cửa hàng xăng dầu được phân cấp theo tổng dung tích chứa xăng dầu như quy định trong Bảng 1.

Bảng 1: Phân cấp cửa hàng xăng dầu

Loại hình cửa hàng

Tổng dung tích (m3)

Cửa hàng xăng dầu trên mặt đất và cửa hàng xăng dầu xây dựng cố định trên mặt nước

Cửa hàng xăng dầu trên mặt nước (xà lan, tàu vỏ thép và phương tiện nổi khác)

Cấp 1

Từ 150 đến 210

Từ 100 đến 200

Cấp 2

Trên 100 đến dưới 150

Từ 16 đến dưới 100

Cấp 3

Nhỏ hơn hoặc bằng 100

Nhỏ hơn 16

Điều 6. Yêu cầu chung

1. Vị trí xây dựng, neo đậu cửa hàng xăng dầu, các dịch vụ tiện ích thuộc cửa hàng xăng dầu phải đảm bảo yêu cầu an toàn giao thông, xây dựng, vệ sinh môi trường, phòng cháy và chữa cháy theo quy định pháp luật hiện hành.

2. Việc sử dụng các thiết bị công nghệ để thanh toán phải được thực hiện ngoài vùng nguy hiểm hoặc các thiết bị phải là loại phòng nổ.

3. Đối với cửa hàng xăng dầu có kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng đóng chai trong khu vực cửa hàng, phải tuân thủ các quy định về yêu cầu an toàn tại TCVN 6223:2017 Cửa hàng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) - Yêu cầu chung về an toàn.

4. Cửa hàng xăng dầu phải xây dựng phương án phòng ngừa sự cố tràn dầu theo quy định của pháp luật.

5. Tuân thủ các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định cùa pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

6. Quy định đối với với cửa hàng xăng dầu trên mặt đất

Ngoài các yêu cầu từ Khoản 1 đến Khoản 5 Điều này, cửa hàng xâng dầu trên mặt đất phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Khoảng cách giữa các hạng mục xây dựng trong cửa hàng xăng dầu không nhỏ hơn quy định trong Bảng 2.

Bảng 2: Khoảng cách tối thiểu giữa các hạng mục xây dựng trong cửa hàng

Hạng mục

Bể chứa đặt ngầm

(m)

Cột bơm

(m)

Gian bán hàng

(m)

1. Bể chứa đặt ngầm

0,5

Không quy định

2

2. Họng nhập kín

Không quy định

Không quy định

3

3. Cột bơm

Không quy định

Không quy định

Không quy định

4. Các hạng mục xây dựng khác có thể phát sinh tia lửa

2

2

2

Chú thích:

1) Không quy định khoảng cách an toàn giữa các bể chứa với gian bán hàng phía tường không có cửa sổ, cửa đi.

2) Không quy định khoảng cách an toàn giữa cột bơm với tường nhà nhưng phải đảm bảo thuận tiện cho việc lắp đặt, thao tác và sửa chữa.

b) Kết cấu và vật liệu cho khu bán hàng và các hạng mục xây dựng khác phải có bậc chịu lửa I, II theo quy định tại QCVN 06:2020/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình; phải đảm bảo khả năng chịu lực ổn định trước tác động của trọng tải, ăn mòn của môi trường xung quanh trong suốt thời hạn sử dụng công trình.

c) Đường và bãi đỗ xe dành cho xe ra vào mua hàng và nhập hàng phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Chiều rộng một làn xe đi trong cửa hàng không nhỏ hơn 3,5 m. Đường hai làn xe đi không nhỏ hơn 6,5 m.

- Bãi đỗ xe để xuất, nhập xăng dầu không được phủ bằng vật liệu có nhựa đường.

d) Cửa hàng xăng dầu tiếp giáp với công trình xây dựng khác phải có tường bao kín có chiều cao không nhỏ hơn 2,2 m (so với cốt nền sân bên trong cửa hàng), bằng vật liệu không cháy. Đối với các hạng mục công trình dân dụng và các công trình xây dựng khác ngoài cửa hàng (không bao gồm nơi sản xuất có phát lửa hoặc tia lửa và công trình công cộng) có bậc chịu lửa I, II, trường hợp mặt tường về phía cửa hàng xăng dầu là tường ngăn cháy thì không yêu cầu khoảng cách an toàn từ hạng mục đó đến tường rào cửa hàng xăng dầu nhưng phải tuân thủ các quy định về xây dựng hiện hành.

đ) Khu vực đặt cột bơm xăng dầu nếu có mái che bán hàng, chiều cao của mái che không nhỏ hơn 4,75 m.

7. Quy định đối với cửa hàng xăng dầu trên mặt nước

Ngoài các yêu cầu từ Khoản 1 đến Khoản 5 Điều này, cửa hàng xăng dầu trên mặt nước phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Kết cấu và vật liệu cho khu bán hàng và các hạng mục xây dựng khác phải có bậc chịu lửa II, III theo quy định tại QCVN 06:2020/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình hoặc QCVN 72:2013/BGTVT Quy chuẩn quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa.

b) Phải có phương án phòng chống lụt bão, phải xác định vị trí neo đậu tránh bão theo quy định. Đối với cửa hàng xăng dầu xây cố định phải có biện pháp chống, néo và sơ tán để tránh bão theo quy định.

Điều 7. Phân cấp vùng nguy hiểm Cửa hàng xăng dầu

Phân cấp vùng nguy hiểm cháy nổ đối với các hạng mục công trình tại cửa hàng xăng dầu trên mặt đất được quy định trong Bảng 3.

Bảng 3: Phân cấp vùng nguy hiểm cháy nổ

Tên hạng mục công trình

Cấp vùng nguy hiểm

1. Các khu vực tồn chứa, kinh doanh xăng dầu:

- Bể chứa xăng dầu, họng nhập, hố thao tác

- Xem hình 2, 3, 4

- Van thở

- Xem hình 5, 6

- Cột bơm xăng dầu

- Xem hình 7

- Cột bơm xăng dầu khi bán hàng cho phương tiện giao thông

- Xem hình 8

- Phương tiện khi nhập hàng tại cửa hàng xăng dầu

- Xem hình 9, 10

2. Các khu vực tồn chứa và kinh doanh sản phẩm dầu mỏ khác:

- Kho chứa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng

- Z1

- Kho chứa dầu mỡ nhờn

- Z2

3. Các hạng mục xây dựng khác

- Vùng không nguy hiểm

Chú thích: Định nghĩa vùng nguy hiểm cháy nổ, chi tiết các hình vẽ về phân cấp

vùng nguy hiểm cháy nổ xem tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quy chuẩn này.

Điều 8. Bể chứa xăng dầu

1. Đối với cửa hàng xăng dầu trên mặt đất

a) Vật liệu làm bể chứa xăng dầu là vật liệu chịu xăng dầu và không cháy.

b) Lắp đặt bể chứa xăng dầu tại cửa hàng phải tuân thủ các quy định sau đây:

- Không được lắp đặt bể chứa xăng dầu nổi trên mặt đất.

- Không được lắp đặt bể chứa xăng dầu và hố thao tác trong hoặc dưới các gian bán hàng.

- Khi lắp đặt bể chứa xăng dầu phải tính đến khả năng bị đẩy nổi và phải có biện pháp chống nổi bể.

- Xung quanh bể chứa phải phủ cát hoặc đất mịn với chiều dày không nhỏ hơn 0,3 m.

- Bể chứa lắp đặt dưới mặt đường xe chạy phải áp dụng các biện pháp bảo vệ kết cấu bể.

- Đối với bể chứa bằng vật liệu không dẫn điện phải có biện pháp triệt tiêu tĩnh điện khi xuất, nhập xăng dầu.

c) Bề mặt ngoài của bể chứa bằng thép lắp đặt ngầm phải có lớp bọc chống ăn mòn có cấp độ không thấp hơn mức tăng cường quy định tại TCVN 4090:1985 Kho tàng, trạm và đường ống dẫn xăng dầu - Đường ống chính dẫn dầu và sản phẩm dầu - Tiêu chuẩn thiết kế.

d) Khoảng cách an toàn từ bể chứa xăng dầu đến các công trình bên ngoài cửa hàng được quy định trong Bảng 4.

2. Đối với cửa hàng xăng dầu trên mặt nước

a) Vật liệu làm bể chứa xăng dầu là vật liệu chịu xăng dầu và không cháy.

b) Đối với bể chứa bằng vật liệu không dẫn điện phải có biện pháp triệt tiêu tĩnh điện khi xuất, nhập xăng dầu.

c) Ở khu vực bể chứa xăng dầu phải thường xuyên vệ sinh công nghiệp và niêm yết biển báo “không phận sự miễn vào”.

Điều 9. Cột bơm xăng dầu

1. Đối với cửa hàng xăng dầu trên mặt đất.

a) Vị trí lắp đặt cột bơm xăng dầu trong cửa hàng xăng dầu phải phù hợp các yêu cầu sau:

- Cột bơm phải được đặt tại các vị trí thông thoáng. Trường hợp cột bơm đặt trong nhà, phải đặt trong gian riêng biệt, có biện pháp thông gió và có cánh cửa mở quay ra ngoài.

- Đảm bảo các phương tiện có thể dừng đỗ dễ dàng dọc theo cột bơm và không làm cản trở các phương tiện giao thông khác ra, vào cửa hàng.

b) Cột bơm phải được đặt trên đảo bơm. Đảo bơm phải được thiết kế phù hợp với các yêu cầu sau:

- Cao độ phải cao hơn mặt bằng bãi đỗ xe ít nhất 0,15 m.

- Chiều rộng không được nhỏ hơn 1,0 m.

- Đầu đảo bơm phải cách mép cột đỡ mái che bán hàng hoặc cột bơm ít nhất 0,5 m.

c) Khoảng cách an toàn từ cột bơm đến các công trình bên ngoài cửa hàng được quy định trong Bảng 4.

..........................................................

Mời các bạn xem chi tiết toàn bộ nội dung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu QCVN 01: 2020/BCT tại file Tải về.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 1.533
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm