Nghị định số 79/2007/QĐ-TTG

Nghị định số 79/2007/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện Công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học”.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------------------

Số: 79/2007/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------------------------------

Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học
đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện Công ước
Đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học”
_________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện Công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học” (sau đây gọi tắt là Kế hoạch hành động quốc gia) với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2010:

a) Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trên cạn:

- Củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống rừng đặc dụng (góp phần đạt tỷ lệ che phủ rừng 42 - 43%);

- Phục hồi 50% diện tích rừng đầu nguồn đã bị suy thoái;

- Bảo vệ có hiệu quả các loài động vật, thực vật quý, hiếm, nguy cấp có nguy cơ bị tuyệt chủng;

- Ba khu bảo tồn thiên nhiên được công nhận là khu di sản thiên nhiên thế giới hoặc khu dự trữ sinh quyển thế giới và năm khu bảo tồn thiên nhiên được công nhận là di sản ASEAN.

b) Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước và biển:

- Nâng tổng diện tích các khu bảo tồn đất ngập nước và biển có tầm quan trọng quốc tế và quốc gia lên trên 1,2 triệu ha;

- Phục hồi được 200.000 ha rừng ngập mặn;

- Xây dựng năm (05) khu đất ngập nước đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được công nhận là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar).

c) Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học nông nghiệp:

Công bố, hoàn thiện hệ thống bảo tồn nhằm bảo tồn có hiệu quả các giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật nông nghiệp bản địa, quý, hiếm, có giá trị kinh tế - xã hội cao.

d) Sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật:

- Xây dựng và phát triển mô hình sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật; kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn và loại trừ việc khai thác, kinh doanh, tiêu thụ các động thực vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp;

- Kiểm soát, đánh giá và ngăn chặn các loại sinh vật lạ xâm lấn;

- Kiểm định 100% các giống, loài, nguồn gen sinh vật nhập khẩu.

đ) Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về đa dạng sinh học và an toàn sinh học:

- Kiện toàn và tăng cường năng lực quản lý nhà nước cho hệ thống tổ chức, nhất là cho cơ quan đầu mối quốc gia và các cơ quan có thẩm quyền trong hệ thống về đa dạng sinh học và an toàn sinh học, đáp ứng nhu cầu quản lý đối với hai lĩnh vực này;

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đa dạng sinh học và an toàn sinh học;

- Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, chú trọng đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ về bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học và quản lý an toàn sinh học;

- Tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; phấn đấu có trên 50% dân số thường xuyên được tiếp cận thông tin về đa dạng sinh học, an toàn sinh học và tham gia ý kiến trong việc ra quyết định cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học;

- Bảo đảm 100% sinh vật biến đổi gen và sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen được phép lưu hành trên thị trường đã qua đánh giá rủi ro tại Việt Nam, được dán nhãn và bị theo dõi, giám sát theo quy định của pháp luật.

2. Định hướng đến năm 2020:

a) Bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững đa dạng sinh học về các nguồn gen, loài sinh vật và hệ sinh thái phong phú của Việt Nam; quản lý an toàn sinh học một cách có hiệu quả để bảo vệ sức khỏe nhân dân, môi trường và đa dạng sinh học; có những đóng góp thiết thực vào công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trong khu vực và toàn cầu; thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về đa dạng sinh học và an toàn sinh học mà Việt Nam là thành viên;

b) Hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật quản lý đa dạng sinh học và an toàn sinh học ở nước ta;

c) Hoàn chỉnh hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên (trên cạn, đất ngập nước và biển); phục hồi được 50% hệ sinh thái tự nhiên đặc thù, nhạy cảm đã bị phá huỷ.

Đánh giá bài viết
1 253
0 Bình luận
Sắp xếp theo