Nghị định 119/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y

Nghị định 119/2013/NĐ-CP - Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y

Nghị định 119/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, cụ thể hơn là trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi bao gồm 6 chương, 46 điều quy định cụ thể rõ ràng về 3 lĩnh vực trên. Theo đó bán thịt không dấu kiểm soát có thể bị phạt đến 50 triệu.

Nội dung cụ thể của Nghị định số 119/2013/NĐ-CP như sau:

CHÍNH PHỦ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------------

Số: 119/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2013

NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THÚ Y, GIỐNG VẬT NUÔI, THỨC ĂN CHĂN NUÔI

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh giống vật nuôi ngày 24 tháng 3 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi.

Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi (bao gồm cả giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản).

2. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi quy định tại Nghị định này bao gồm:

a) Hành vi vi phạm quy định về phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh cho động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y; sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; hành nghề thú y;

b) Hành vi vi phạm các quy định về quản lý và bảo tồn nguồn gen vật nuôi, khảo nghiệm giống vật nuôi mới; sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu giống vật nuôi; quản lý chất lượng giống vật nuôi;

c) Hành vi vi phạm các quy định về sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi; kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi; xuất khẩu, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi; khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi.

3. Các hành vi vi phạm hành chính khác liên quan đến lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo các Nghị định sau:

a) Hành vi vi phạm quy định về hàng hóa cấm kinh doanh; kinh doanh hàng nhập lậu; kinh doanh hàng giả; tem, nhãn, bao bì hàng giả; quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ áp dụng theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

b) Hành vi vi phạm quy định về nhãn hàng hóa; công bố tiêu chuẩn áp dụng; công bố hợp chuẩn; công bố hợp quy áp dụng theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa;

c) Hành vi vi phạm quy định về quảng cáo áp dụng theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo;

d) Hành vi vi phạm quy định về tái xuất động vật, sản phẩm động vật, bốc dỡ hàng hóa, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không đúng lộ trình áp dụng theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan;

đ) Hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm áp dụng theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm;

e) Hành vi vi phạm quy định về chống người thi hành công vụ áp dụng theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng chống và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình.

Điều 2. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi.

Điều 3. Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi.

3. Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i Khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền;

b) Buộc thực hiện việc kiểm dịch hoặc kiểm dịch lại động vật, sản phẩm động vật;

c) Buộc tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm;

d) Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng giống vật nuôi; động vật, sản phẩm động vật; thức ăn chăn nuôi không đạt chất lượng theo tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

đ) Buộc thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật không đóng dấu, lăn dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y;

e) Buộc thực hiện giết mổ bắt buộc đối với động vật trên cạn mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; buộc xử lý sơ chế, chế biến đối với động vật thủy sản mắc bệnh;

g) Buộc thực hiện biện pháp xử lý vệ sinh thú y đối với động vật, sản phẩm động vật không bảo đảm vệ sinh thú y;

h) Buộc cơ sở chăn nuôi tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi đã sử dụng chất cấm cho đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm trên vật nuôi mới được bán, giết mổ;

i) Buộc khảo nghiệm lại thức ăn chăn nuôi thực hiện không đúng nội dung, trình tự khảo nghiệm;

k) Buộc tái chế thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi không bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

l) Buộc di chuyển cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến địa điểm theo quy hoạch của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

m) Buộc thu hồi các loại giấy tờ bị tẩy xóa, sửa chữa nội dung, sử dụng giấy tờ giả.

Điều 4. Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân, tổ chức

1. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi đối với cá nhân vi phạm là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức vi phạm là 100.000.000 đồng.

2. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi đối với cá nhân vi phạm là 100.000.000 đồng, đối với tổ chức vi phạm là 200.000.000 đồng.

3. Mức phạt tiền quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV của Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

4. Thẩm quyền xử phạt tiền của các chức danh quy định tại Chương V Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.

Chương 2.

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG LĨNH VỰC THÚ Y

MỤC 1. VI PHẠM VỀ PHÒNG BỆNH, CHỮA BỆNH, CHỐNG DỊCH BỆNH CHO ĐỘNG VẬT

Điều 5. Vi phạm về phòng bệnh, chữa bệnh động vật trên cạn

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với chủ vật nuôi có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện việc tiêm phòng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật để phòng các bệnh thuộc danh mục các bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc;

b) Không chấp hành việc lấy mẫu bệnh phẩm để kiểm tra, phát hiện bệnh;

c) Không chấp hành việc tiêm phòng bắt buộc vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác trong vùng ổ dịch cũ, vùng đã và đang bị dịch uy hiếp.

2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với chủ vật nuôi có hành vi vi phạm không báo cho nhân viên thú y xã hoặc cơ quan thú y ở địa phương khi nghi ngờ động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc khi phát hiện động vật bị mắc bệnh, chết nhiều mà không rõ nguyên nhân.

3. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với chủ vật nuôi có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cố ý sử dụng thuốc thú y không có trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam để phòng, chữa bệnh cho động vật;

b) Vứt xác động vật mắc bệnh truyền nhiễm không đúng nơi quy định.

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung; mua, bán, thuê, mượn giấy chứng nhận tiêm phòng cho gia súc, gia cầm.

5. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cơ sở chăn nuôi tập trung, trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống gia súc, gia cầm có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không chấp hành việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ các bệnh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống;

b) Không thực hiện cách ly động vật trước khi nhập đàn đưa vào nuôi tại cơ sở chăn nuôi động vật tập trung;

c) Nuôi mới động vật trong thời gian có quy định tạm ngừng chăn nuôi của cơ quan có thẩm quyền;

d) Chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, ấp nở trứng gia cầm hoặc kinh doanh gia súc, gia cầm tại địa điểm không theo quy hoạch hoặc không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

6. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với chủ vật nuôi có hành vi vi phạm kinh doanh con giống mắc bệnh truyền nhiễm.

7. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng thuốc thú y thuộc danh mục thuốc thú y cấm sử dụng để phòng, trị bệnh cho động vật.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy xác động vật; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này;

b) Buộc thu hồi giấy chứng nhận tiêm phòng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này;

c) Buộc di chuyển cơ sở chăn nuôi đến địa điểm theo quy hoạch đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 5 Điều này;

d) Buộc tiêu hủy thuốc thú y, con giống đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 3, Khoản 6, Khoản 7 Điều này.

Đánh giá bài viết
10 8.895
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi