05 quy tắc xử phạt của CSGT đối với người lái xe

Nghiêm túc chấp hành các quy định về tham gia giao thông là trách nhiệm của mọi người. Tuy nhiên đôi khi vô tình vi phạm lỗi khi tham gia giao thông các bạn cũng nên hiểu rõ quy tắc xử phạt của CSGT đối với người lái xe. Dưới đây là 05 quy tắc xử phạt của CSGT bạn nên biết.

Khi dừng xe và tiến hành xử phạt người vi phạm giao thông, Cảnh sát giao thông phải tuân theo các quy tắc xử phạt mà mọi người cần phải biết sau đây.

1. Mức tiền phạt là mức trung bình của khung hình phạt

Hình thức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm giao thông không được quy định bằng số tiền cụ thể mà được căn cứ theo khung tiền phạt có mức tối thiểu và mức tối đa, thông thường người vi phạm giao thông bị phạt ở mức trung bình của khung hình phạt dựa theo công thức sau:

Mức phạt cụ thể = (Mức phạt tối đa + Mức phạt tối thiểu)/2

Ví dụ: Lỗi không đội mũ bảo hiểm có khung hình phạt từ 100.000 - 200.000 đồng thì mức phạt cụ thể sẽ là 150.000 đồng.

Nội dung này căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

2. Có tình tiết giảm nhẹ thì phạt ở mức tối thiểu, có tình tiết tăng nặng thì phạt ở mức tối đa

Như đã đề cập ở trên, thông thường người vi phạm bị phạt tiền ở mức trung bình của khung hình phạt. Tuy nhiên, nếu người vi phạm có một trong các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật thì mức tiền phạt được giảm xuống nhưng không giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt, tương tự nếu có một trong các tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt sẽ tăng lên nhưng không tăng quá mức tối đa của khung tiền phạt.

Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng được quy định lần lượt tại Điều 9, Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Ví dụ: Lỗi vượt đèn đỏ đối với xe máy bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng.

+ Trường hợp có tình tiết giảm nhẹ như bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất, tinh thần thì bị xử phạt tối thiểu là 300.000 đồng.

+ Trường hợp có tình tiết tăng nặng như trốn tránh thì bị xử phạt tối đa là 400.000 đồng.

3. Có thể được nộp phạt trực tiếp nếu vi phạm lỗi có mức phạt dưới 250.000 đồng

Theo Điều 56 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012, CSGT sẽ ra quyết định xử phạt tại chỗ, không lập biên bản và người vi phạm nộp tiền trực tiếp cho CSGT khi thuộc các trường hợp sau:

- Xử phạt cảnh cáo (không phải nộp tiền và không lập biên bản);

- Phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức (nộp tiền phạt tại chỗ).

4. Phải lập biên bản khi phát hiện vi phạm bằng thiết bị nghiệp vụ

Cũng theo Khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

5. CSGT có trách nhiệm chứng minh lỗi vi phạm trước khi xử phạt

Tại Điểm đ Khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.

Xem thêm:

Đánh giá bài viết
1 119
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm