Không phạt người sinh con thứ 3

Đề xuất bỏ hộ khẩu, bỏ phạt sinh con thứ 3

Vấn đề về quy định xử phạt đối với người sinh con thứ 3 trở lên luôn được mọi người quan tâm. Bộ Y tế sẽ đề nghị các địa phương rà soát, bãi bỏ các quy định vi phạm pháp luật này. Như vậy, sẽ không còn phạt người sinh con thứ 3 do Bộ Y tế đề xuất bỏ hộ khẩu, bỏ phạt sinh con thứ 3 nhằm giảm phiền toái cho người dân.

Lần đầu tiên sau hơn 50 năm, VN thay đổi chính sách dân số, từ sinh đẻ có kế hoạch sang “nới” mức sinh, đồng thời với những thay đổi căn bản về quy mô, phân bố, chất lượng dân số.

Đồng thời dự thảo nghị quyết của Hội nghị T.Ư 6 vừa qua cũng hướng đến thay đổi chính sách “hộ khẩu”, bằng cách bãi bỏ dần những rào cản trong tiếp cận dịch vụ công giữa người có hộ khẩu và người di cư, kể cả di cư đến đô thị.

Tại cuộc họp báo do Bộ Y tế tổ chức chiều 17-10, phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Văn Tân nói:

- Từ những năm 1960 và đặc biệt từ năm 1993 đến nay định hướng của công tác dân số là mỗi cặp vợ chồng có 1-2 con, nay vận động mỗi gia đình sinh đủ 2 con, duy trì mức sinh thay thế (hiện nay là 2,1 con/bà mẹ tuổi sinh đẻ).

Những vùng có mức sinh cao như Tây Nguyên, Tây Bắc thì vận động để giảm về mức sinh thay thế, vùng có mức sinh thấp như Đông Nam Bộ (đặc biệt là TP.HCM), ĐBSCL thì vận động để nâng mức sinh lên mức sinh thay thế, nghĩa là có cả 2 chiều là giảm chỗ cần giảm, nâng chỗ cần nâng, trước đây chỉ có một chiều là vận động giảm sinh.

Rà soát, không phạt người sinh con thứ 3

Ông Nguyễn Văn Tân nói thêm: "Từ nghị quyết T.Ư 4 khóa VII năm 1993 đến nay, về mặt luật pháp, Nhà nước không có quy định khống chế số con, nhưng có chính sách vận động mỗi gia đình nên có 1-2 con, ngoại trừ đảng viên thì năm 2008 quyết định 94 của T.Ư Đảng nêu kỷ luật mức cảnh cáo với đảng viên sinh con thứ 3, khai trừ đảng viên sinh con thứ 4. Năm 2013 có “nới” theo hướng giảm mức phạt: đảng viên sinh con thứ 3 bị khiển trách, con thứ 4 cảnh cáo và con thứ 5 bị khai trừ.

Còn lại không có quy định khống chế số con trong mỗi gia đình nên không có bãi bỏ, sinh bao nhiêu con là quyền của người dân. Nếu có rà soát là rà soát các quy định với đảng viên, trước đây có đề nghị là bãi bỏ ngay các quy định xử lý kỷ luật đảng viên sinh từ con thứ 3, nhưng sau khi được Hội nghị T.Ư 6 vừa qua góp ý thì chúng tôi đã đề nghị từng bước sửa đổi các quy định hiện có, theo hướng không xử phạt đảng viên sinh con thứ 3, thứ 4 nếu họ có mong muốn ấy".

Như ông nói không có quy định xử phạt, nhưng hiện tại nhiều địa phương vẫn có hương ước, thậm chí có quy định yêu cầu người sinh con thứ 3 phải nộp tiền mới được làm giấy khai sinh cho các cháu. Việc bãi bỏ các quy định này như thế nào?

- Pháp lệnh dân số không quy định phạt người sinh con thứ 3, thứ 4, nhưng thực tế vẫn còn 7 địa phương có việc “phạt”. Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các địa phương để sửa đổi các nội dung không phù hợp với luật pháp. Nhưng tôi xin phép không nêu tên 7 địa phương này.

Nếu thay đổi chính sách dân số theo hướng nới mức sinh, theo ông, có xảy ra tình trạng bùng nổ dân số trở lại?

Chúng tôi đã khảo sát trên Internet với hơn 700.000 người, 73% trong số này mong muốn có 2 con, 8,3% mong có 1 con, 9,3% mong có 3 con, trên 8% mong có nhiều hơn 3 con. Với tỉ lệ như trên, điều chỉnh một chút về mức sinh thì chưa có vấn đề gì lớn.

Mức sinh đã tăng do giảm mức kỷ luật với đảng viên?

Theo ông Nguyễn Văn Tân, năm 2011 bình quân mỗi phụ nữ VN trong độ tuổi sinh đẻ có 1,99 con, nay là 2,1 con.

Có hai lý do dẫn đến việc tăng này: việc giảm mức kỷ luật đối với đảng viên năm 2013 và giảm đối tượng được miễn phí phương tiện tránh thai. Trước năm 2010 gần như miễn phí toàn bộ phương tiện tránh thai và kế hoạch hóa gia đình, nay tỉ lệ người được miễn phí còn 56% và số này đang tiếp tục giảm.

Về khu vực đã sinh thêm con sau việc nới lỏng chính sách dân số như trên, theo ông Tân, phần lớn vẫn là khu vực có học vấn cao, mức sống khá hơn ở các tỉnh miền Bắc. Còn miền Nam thì có nới cũng không thấy sinh thêm con.

TP.HCM mức sinh thấp nhất cả nước

Hiện mức sinh ở khu vực Đông Nam Bộ dưới 1,7 con/bà mẹ, ĐBSCL là 1,8 con, hai vùng này đều có mức sinh dưới mức sinh thay thế. Đặc biệt là TP.HCM có năm đã xuống đến 1,3 con/bà mẹ, hiện ở mức khoảng 1,45 con/bà mẹ.

Tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 17-10, Bộ Y tế đã thông báo một số điểm mới trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đại diện Bộ Y tế đề nghị bãi bỏ các quy định về hộ khẩu - điều kiện đang cản trở và hạn chế quyền công dân, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số.

Hộ khẩu làm khó người dân

Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế - cho rằng tất cả những gì gây cản trở cho người dân cần phải bỏ, trong đó có quy định về hộ khẩu.

"Sổ hộ khẩu đang được coi là giấy tờ căn cứ để xét duyệt chuyện học hành, xin việc... Cá nhân tôi phản đối những quy định như sổ hộ khẩu. Người dân phải có nghĩa vụ đăng ký tại nơi cư trú và khi thay đổi cũng phải đăng ký lại nhưng không nhất thiết phải lệ thuộc vào sổ hộ khẩu. Trên thế giới, rất hiếm nước như Việt Nam còn duy trì quy định về sổ hộ khẩu" - ông Tân nhìn nhận.

Lần đầu tiên trong suốt 20 năm qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận định nếu duy trì chính sách giảm sinh quá lâu sẽ để lại những hệ lụy rất khó giải quyết. Do đó, nghị quyết lần này đã chuyển hướng công tác dân số sang giải quyết toàn diện các vấn đề: quy mô, cơ cấu, phân bổ, nâng cao chất lượng dân số.

Nếu định hướng từ trước đến nay là đi theo một chiều trên phạm vi cả nước, vận động mọi người dân sinh ít, khẩu hiệu mỗi cặp vợ chồng sinh 1-2 con hoặc dừng lại 2 con để nuôi dạy cho tốt… thì nghị quyết lần này không đặt ra vấn đề tiếp tục giảm sinh. Theo nghị quyết, trước mắt duy trì mức sinh thay thế, cụ thể tiếp tục vận động giảm sinh ở nơi có mức sinh cao, đồng thời vận động sinh đủ 2 con ở nơi thấp hơn mức sinh thay thế.

Không quy định cấm người dân hạn chế số con

Một trong những nội dung được dư luận quan tâm là "nới" mức sinh tại những vùng có tỉ lệ sinh thấp. Ông Nguyễn Văn Tân cho biết về mặt chính sách pháp luật, Việt Nam không có quy định khống chế người dân sinh bao nhiêu con. Tuy nhiên, chúng ta có chính sách vận động mỗi gia đình sinh đủ 2 con để nuôi dạy cho tốt, trừ những đảng viên thì có một số quy định hạn chế. Theo Nghị quyết của Đảng năm 2008, đảng viên sinh con thứ 3 bị kỷ luật, sinh con thứ 4 bị khai trừ. Đến năm 2013, quy định đã nới lỏng hơn: đảng viên sinh con thứ 3 bị cảnh cáo, thứ 4 bị kỷ luật, đến con thứ 5 mới bị khai trừ. Rất ít đảng viên vi phạm điều này.

Qua rà soát, Bộ Y tế ghi nhận có 7 địa phương quy định vi phạm pháp luật là cấm người dân sinh con thứ 3, nếu vi phạm thì xử phạt. Nhận định đây là những nội dung không phù hợp với quy định pháp luật, Bộ Y tế sẽ làm việc với Sở Tư pháp các tỉnh để yêu cầu các địa phương rà soát và bỏ những quy định trên .

Theo ông Tân, với những quy định trong hương ước, quy ước của làng, xã thì Bộ Y tế không có quyền can thiệp, kể cả việc xử phạt người sinh con thứ 3, bởi đây là những quy định người dân tự nguyện cam kết với nhau.

Đến năm 2025, nam giới cao 1,67 m

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế, cho biết bộ đặt mục tiêu đến năm 2025, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam khoảng 74,5, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 67. Tỉ lệ tham gia BHYT đạt 95%. Tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%.

Đặc biệt, Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2025, chiều cao trung bình của thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 1,67 m (hiện nay là 1,63 m) và nữ là 1,56 m (hiện nay 1,53 m). Chiều cao của nam và nữ thanh niên Việt Nam thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới lần lượt là 13,1 cm và 10,7 cm.

Đánh giá bài viết
1 156
0 Bình luận
Sắp xếp theo