Luật bình đẳng giới số 73/2006/QH11
Luật bình đẳng giới 2020
- Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Áp dụng điều ước quốc tế về bình đẳng giới
- Điều 4. Mục tiêu bình đẳng giới
- Điều 5. Giải thích từ ngữ
- Điều 6. Các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới
- Điều 7. Chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới
- Điều 8. Nội dung quản lý nhà nước về bình đẳng giới
- Điều 9. Cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới
- Điều 10. Các hành vi bị nghiêm cấm
- Chương II. BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG CÁC LĨNH VỰC CỦA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI VÀ GIA ĐÌNH
- Điều 11. Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị
- Điều 12. Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế
- Điều 13. Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động
- Điều 14. Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
- Điều 15. Bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ
- Điều 16. Bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao
- Điều 17. Bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế
- Điều 18. Bình đẳng giới trong gia đình
- Chương III. CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM BÌNH ĐẲNG GIỚI
- Điều 19. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới
- Điều 20. Bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật
- Điều 21. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
- Điều 22. Thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới
- Điều 23. Thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới
- Điều 24. Nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới
- Chương IV. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, GIA ĐÌNH VÀ CÁ NHÂN TRONG VIỆC THỰC HIỆN VÀ BẢO ĐẢM BÌNH ĐẲNG GIỚI
- Điều 25. Trách nhiệm của Chính phủ
- Điều 26. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới
- Điều 27. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ
- Điều 28. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp
- Điều 29. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên
- Điều 30. Trách nhiệm của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam
- Điều 31. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội trong việc thực hiện bình đẳng giới tại cơ quan, tổ chức mình
- Điều 32. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khác trong việc thực hiện bình đẳng giới tại cơ quan, tổ chức mình
- Điều 33. Trách nhiệm của gia đình
- Điều 34. Trách nhiệm của công dân
- Chương V. THANH TRA, GIÁM SÁT VÀ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI
- Điều 35. Thanh tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới
- Điều 36. Giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới
- Điều 37. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới
- Điều 38. Tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới
- Điều 39. Nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới
- Điều 40. Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế
- Điều 41. Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình
- Điều 42. Các hình thức xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới
- Chương VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Luật bình đẳng giới số 73/2006/QH11 có hiệu lực ngày 01/07/2007 hiện vẫn đang là Luật bình đẳng giới mới nhất, quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới. Mời các bạn tham khảo để hiểu rõ hơn về luật này.
Quyết định 515/QĐ-TTg Bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công, viên chức
Công văn 1464/LĐTBXH-BDG triển khai tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực 2016
Mời các bạn tham khảo Luật bình đẳng giới mới nhất dưới đây. Các bạn có thể tải Luật bình đẳng giới PDF hoặc file DOC trong file Tải về.
QUỐC HỘI
| CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2006 |
QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Khoá XI, kỳ họp thứ 10 (Từ ngày 17 tháng 10 đến ngày 29 tháng 11 năm 2006)
LUẬT
BÌNH ĐẲNG GIỚI
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;Luật này quy định về bình đẳng giới.
Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, gia đình và công dân Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân).
2. Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam.
Điều 3. Áp dụng điều ước quốc tế về bình đẳng giới
Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 4. Mục tiêu bình đẳng giới
Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Điều 5. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Giới chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội.
2. Giới tính chỉ các đặc điểm sinh học của nam, nữ.
3. Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
4. Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ.
5. Phân biệt đối xử về giới là việc hạn chế, loại trừ, không công nhận hoặc không coi trọng vai trò, vị trí của nam và nữ, gây bất bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
6. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thực hiện trong một thời gian nhất định và chấm dứt khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được.
7. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới bằng cách xác định vấn đề giới, dự báo tác động giới của văn bản, trách nhiệm, nguồn lực để giải quyết vấn đề giới trong các quan hệ xã hội được văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.
8. Hoạt động bình đẳng giới là hoạt động do cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân thực hiện nhằm đạt mục tiêu bình đẳng giới.
9. Chỉ số phát triển giới (GDI) là số liệu tổng hợp phản ánh thực trạng bình đẳng giới, được tính trên cơ sở tuổi thọ trung bình, trình độ giáo dục và thu nhập bình quân đầu người của nam và nữ.
Điều 6. Các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới
1. Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
2. Nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới.
3. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới.
4. Chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới.
5. Bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật.
6. Thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân.
Điều 7. Chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới
1. Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.
2. Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình.
3. Áp dụng những biện pháp thích hợp để xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
4. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới.
5. Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ những điều kiện cần thiết để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước.
Điều 8. Nội dung quản lý nhà nước về bình đẳng giới
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
2. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới.
3. Ban hành và tổ chức thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
4. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.
5. Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hoạt động về bình đẳng giới.
6. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.
7. Thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo về bình đẳng giới.
8. Hợp tác quốc tế về bình đẳng giới.
Điều 9. Cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
2. Bộ hoặc cơ quan ngang bộ được Chính phủ phân công chủ trì chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới quy định tại khoản 2 Điều này thực hiện quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về bình đẳng giới trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ.
Điều 10. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Cản trở nam, nữ thực hiện bình đẳng giới.
2. Phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức.
3. Bạo lực trên cơ sở giới.
4. Các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.
Chương II. BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG CÁC LĨNH VỰC CỦA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI VÀ GIA ĐÌNH
Điều 11. Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị
1. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội.
2. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.
3. Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
4. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức.
5. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm:
a) Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;
b) Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Điều 12. Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế
1. Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động.
2. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế bao gồm:
a) Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật;
b) Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động
1. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác.
2. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh.
3. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm:
a) Quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động;
b) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ;
c) Người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.
Điều 14. Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
1. Nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng.
2. Nam, nữ bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo.
3. Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
4. Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
5. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo bao gồm:
a) Quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập, đào tạo;
b) Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ
1. Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ.
2. Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận các khoá đào tạo về khoa học và công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát minh, sáng chế.
Điều 16. Bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao
1. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao.
2. Nam, nữ bình đẳng trong hưởng thụ văn hoá, tiếp cận và sử dụng các nguồn thông tin.
Điều 17. Bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế
1. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khoẻ sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế.
2. Nam, nữ bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn tình dục, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
3. Phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số, trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
Điều 18. Bình đẳng giới trong gia đình
1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
2. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.
3. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.
4. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.
5. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.
Chương III. CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM BÌNH ĐẲNG GIỚI
Điều 19. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới
1. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới bao gồm:
a) Quy định tỷ lệ nam, nữ hoặc bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng tham gia, thụ hưởng;
b) Đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực cho nữ hoặc nam;
c) Hỗ trợ để tạo điều kiện, cơ hội cho nữ hoặc nam;
d) Quy định tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù cho nữ hoặc nam;
đ) Quy định nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam;
e) Quy định việc ưu tiên nữ trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam;
g) Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được quy định tại khoản 5 Điều 11, khoản 2 Điều 12, khoản 3 Điều 13, khoản 5 Điều 14 của Luật này.
2. Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ có thẩm quyền quy định biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới quy định tại khoản 1 Điều này, có trách nhiệm xem xét việc thực hiện biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và quyết định chấm dứt thực hiện khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được.
Điều 20. Bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật
1. Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới.
2. Các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới là một căn cứ quan trọng của việc rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật.
Điều 21. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
1. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bao gồm:
a) Xác định vấn đề giới và các biện pháp giải quyết trong lĩnh vực mà văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh;
b) Dự báo tác động của các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khi được ban hành đối với nữ và nam;
c) Xác định trách nhiệm và nguồn lực để giải quyết các vấn đề giới trong phạm vi văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.
2. Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, chuẩn bị báo cáo việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này và phụ lục thông tin, số liệu về giới có liên quan đến dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
3. Cơ quan thẩm định văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung đánh giá bao gồm:
a) Xác định vấn đề giới trong dự án, dự thảo;
b) Việc bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong dự án, dự thảo;
c) Tính khả thi của việc giải quyết vấn đề giới được điều chỉnh trong dự án, dự thảo;
d) Việc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng dự án, dự thảo theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Chính phủ quy định việc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Điều 22. Thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới
1. Uỷ ban của Quốc hội phụ trách lĩnh vực giới có trách nhiệm tham gia với Hội đồng dân tộc, Uỷ ban khác của Quốc hội để thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đối với các dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trước khi trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.
2. Nội dung thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới bao gồm:
a) Xác định vấn đề giới trong dự án, dự thảo;
b) Việc bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong dự án, dự thảo;
c) Việc tuân thủ thủ tục và trình tự đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng dự án, dự thảo;
d) Tính khả thi của dự án, dự thảo để bảo đảm bình đẳng giới.
Điều 23. Thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới
1. Thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới là biện pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới.
2. Việc thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới được đưa vào chương trình giáo dục trong nhà trường, trong các hoạt động của cơ quan, tổ chức và cộng đồng.
3. Việc thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới thông qua các chương trình học tập, các ấn phẩm, các chương trình phát thanh, truyền hình và các hình thức khác.
Điều 24. Nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới
1. Nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới bao gồm:
a) Ngân sách nhà nước;
b) Đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân;
c) Các nguồn thu hợp pháp khác.
2. Việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới phải đúng mục đích, có hiệu quả và theo quy định của pháp luật.
Chương IV. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, GIA ĐÌNH VÀ CÁ NHÂN TRONG VIỆC THỰC HIỆN VÀ BẢO ĐẢM BÌNH ĐẲNG GIỚI
Điều 25. Trách nhiệm của Chính phủ
1. Ban hành chiến lược, chính sách, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; hằng năm báo cáo Quốc hội về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
2. Trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới.
3. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.
4. Tổ chức thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; chỉ đạo, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới.
5. Công bố chính thức các thông tin quốc gia về bình đẳng giới; quy định và chỉ đạo thực hiện tiêu chí phân loại giới tính trong số liệu thông tin thống kê nhà nước.
6. Phối hợp với Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và chỉ đạo các cơ quan hữu quan trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức của nhân dân về bình đẳng giới.
Điều 26. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới
1. Xây dựng và trình Chính phủ ban hành chiến lược, chính sách, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
2. Xây dựng và trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành, hướng dẫn theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới.
3. Tham gia đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
4. Tổng kết, báo cáo Chính phủ việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
5. Chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ trong quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
6. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bình đẳng giới.
Điều 27. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm sau đây:
1. Rà soát văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực mà mình quản lý;
2. Nghiên cứu, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới;
3. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới đánh giá thực trạng bình đẳng giới trong lĩnh vực mà mình quản lý; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bình đẳng giới.
Điều 28. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp
1. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới tại địa phương.
2. Trình Hội đồng nhân dân ban hành hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới theo thẩm quyền.
3. Tổ chức thực hiện pháp luật về bình đẳng giới ở địa phương.
4. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bình đẳng giới.
5. Tổ chức, chỉ đạo việc tuyên truyền, giáo dục về giới và pháp luật về bình đẳng giới cho nhân dân địa phương.
Điều 29. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên
1. Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và tham gia quản lý nhà nước về bình đẳng giới theo quy định của pháp luật.
2. Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức.
3. Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật bình đẳng giới.
4. Tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên, đoàn viên thực hiện bình đẳng giới.
Điều 30. Trách nhiệm của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam
1. Thực hiện các quy định tại Điều 29 của Luật này.
2. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
3. Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan bồi dưỡng, giới thiệu phụ nữ đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; phụ nữ đủ tiêu chuẩn tham gia quản lý, lãnh đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị.
4. Thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái theo quy định của pháp luật.
5. Thực hiện phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.
Điều 31. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội trong việc thực hiện bình đẳng giới tại cơ quan, tổ chức mình
1. Trong công tác tổ chức, cán bộ, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội có trách nhiệm sau đây:
a) Bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nam, nữ bình đẳng trong việc làm, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm và hưởng phúc lợi;
b) Bảo đảm việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên nguyên tắc bình đẳng giới.
2. Trong hoạt động, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội có trách nhiệm sau đây:
a) Xác định thực trạng bình đẳng giới, xây dựng và bảo đảm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong cơ quan, tổ chức mình và có báo cáo hằng năm;
b) Bảo đảm sự tham gia của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nam, nữ trong xây dựng, thực thi pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
c) Giáo dục về giới và pháp luật về bình đẳng giới cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do mình quản lý;
d) Có biện pháp khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện bình đẳng giới trong cơ quan, tổ chức và gia đình;
đ) Tạo điều kiện phát triển các cơ sở phúc lợi xã hội, các dịch vụ hỗ trợ nhằm giảm nhẹ gánh nặng lao động gia đình.
Điều 32. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khác trong việc thực hiện bình đẳng giới tại cơ quan, tổ chức mình
1. Trong công tác tổ chức và hoạt động, cơ quan, tổ chức không thuộc trường hợp quy định tại Điều 31 của Luật này có trách nhiệm sau đây:
a) Phải bảo đảm cho nam, nữ bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng;
b) Báo cáo hoặc cung cấp kịp thời thông tin về bình đẳng giới trong cơ quan, tổ chức theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền;
c) Đề xuất hoặc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bình đẳng giới liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức mình.
2. Căn cứ vào khả năng, điều kiện của mình, cơ quan, tổ chức chủ động hoặc phối hợp tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới sau đây:
a) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền kiến thức về giới và pháp luật về bình đẳng giới cho các thành viên của cơ quan, tổ chức và người lao động;
b) Bố trí cán bộ hoạt động về bình đẳng giới;
c) Tổ chức nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu nhằm tăng cường bình đẳng giới;
d) Dành nguồn tài chính cho các hoạt động bình đẳng giới;
đ) Tổ chức hệ thống nhà trẻ phù hợp để lao động nam, nữ kết hợp hài hoà giữa lao động sản xuất và lao động gia đình;
e) Hỗ trợ lao động nữ khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi;
g) Tạo điều kiện cho lao động nam nghỉ hưởng nguyên lương và phụ cấp khi vợ sinh con.
Nhà nước khuyến khích thực hiện các hoạt động quy định tại khoản này.
Điều 33. Trách nhiệm của gia đình
1. Tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình nâng cao nhận thức, hiểu biết và tham gia các hoạt động về bình đẳng giới.
2. Giáo dục các thành viên có trách nhiệm chia sẻ và phân công hợp lý công việc gia đình.
3. Chăm sóc sức khoẻ sinh sản và tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện làm mẹ an toàn.
4. Đối xử công bằng, tạo cơ hội như nhau giữa con trai, con gái trong học tập, lao động và tham gia các hoạt động khác.
Điều 34. Trách nhiệm của công dân
Công dân nam, nữ có trách nhiệm sau đây:
1. Học tập nâng cao hiểu biết, nhận thức về giới và bình đẳng giới;
2. Thực hiện và hướng dẫn người khác thực hiện các hành vi đúng mực về bình đẳng giới;
3. Phê phán, ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử về giới;
4. Giám sát việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới của cộng đồng, của cơ quan, tổ chức và công dân.
Chương V. THANH TRA, GIÁM SÁT VÀ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI
Điều 35. Thanh tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới
1. Cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới thực hiện chức năng thanh tra về bình đẳng giới.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra về bình đẳng giới bao gồm:
a) Thanh tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới;
b) Thanh tra việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới;
c) Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo về bình đẳng giới theo quy định của Luật này và pháp luật về khiếu nại, tố cáo;
d) Xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính;
đ) Kiến nghị các biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật về bình đẳng giới; đề nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bình đẳng giới;
e) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 36. Giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới
1. Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới.
2. Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới tại địa phương.
Điều 37. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bình đẳng giới, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. Việc giải quyết khiếu nại về bình đẳng giới được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Điều 38. Tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới
1. Cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.
2. Việc tố cáo, giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Điều 39. Nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới
Mọi hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Việc xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 40. Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế
1. Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm:
a) Cản trở việc nam hoặc nữ tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp vì định kiến giới;
b) Không thực hiện hoặc cản trở việc bổ nhiệm nam, nữ vào cương vị quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới;
c) Đặt ra và thực hiện quy định có sự phân biệt đối xử về giới trong các hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc trong quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.
2. Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế bao gồm:
a) Cản trở nam hoặc nữ thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động kinh doanh vì định kiến giới;
b) Tiến hành quảng cáo thương mại gây bất lợi cho các chủ doanh nghiệp, thương nhân của một giới nhất định.
3. Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm:
a) Áp dụng các điều kiện khác nhau trong tuyển dụng lao động nam và lao động nữ đối với cùng một công việc mà nam, nữ đều có trình độ và khả năng thực hiện như nhau, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới;
b) Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế lao động, sa thải hoặc cho thôi việc người lao động vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ;
c) Phân công công việc mang tính phân biệt đối xử giữa nam và nữ dẫn đến chênh lệch về thu nhập hoặc áp dụng mức trả lương khác nhau cho những người lao động có cùng trình độ, năng lực vì lý do giới tính;
d) Không thực hiện các quy định của pháp luật lao động quy định riêng đối với lao động nữ.
4. Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo bao gồm:
a) Quy định tuổi đào tạo, tuổi tuyển sinh khác nhau giữa nam và nữ;
b) Vận động hoặc ép buộc người khác nghỉ học vì lý do giới tính;
c) Từ chối tuyển sinh những người có đủ điều kiện vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ;
d) Giáo dục hướng nghiệp, biên soạn và phổ biến sách giáo khoa có định kiến giới.
5. Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ bao gồm:
a) Cản trở nam, nữ tham gia hoạt động khoa học, công nghệ;
b) Từ chối việc tham gia của một giới trong các khoá đào tạo về khoa học và công nghệ.
6. Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao bao gồm:
a) Cản trở nam, nữ sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật, biểu diễn và tham gia các hoạt động văn hóa khác vì định kiến giới;
b) Sáng tác, lưu hành, cho phép xuất bản các tác phẩm dưới bất kỳ thể loại và hình thức nào để cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới;
c) Truyền bá tư tưởng, tự mình thực hiện hoặc xúi giục người khác thực hiện phong tục tập quán lạc hậu mang tính phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức.
7. Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế bao gồm:
a) Cản trở, xúi giục hoặc ép buộc người khác không tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe vì định kiến giới;
b) Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi.
Điều 41. Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình
1. Cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.
2. Không cho phép hoặc cản trở thành viên trong gia đình tham gia ý kiến vào việc sử dụng tài sản chung của gia đình, thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì định kiến giới.
3. Đối xử bất bình đẳng với các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính.
4. Hạn chế việc đi học hoặc ép buộc thành viên trong gia đình bỏ học vì lý do giới tính.
5. Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, thực hiện biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên thuộc một giới nhất định.
Điều 42. Các hình thức xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới
1. Người nào có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chương VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 43. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2007.
Điều 44. Hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Quyền dân sự được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.
Luật bình đẳng giới số 73/2006/QH11
280 KB 18/08/2020 5:48:52 CHTải Luật bình đẳng giới số 73/2006/QH11 định dạng .DOC
10/01/2018 10:57:51 CH
Cơ quan ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Nguyễn Phú Trọng |
Số hiệu: | 73/2006/QH11 | Lĩnh vực: | Quyền dân sự |
Ngày ban hành: | 29/11/2006 | Ngày hiệu lực: | 01/07/2007 |
Loại văn bản: | Luật | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng hiệu lực: | Còn hiệu lực |
- Chia sẻ:Phùng Thị Kim Dung
- Ngày:
Bài liên quan
-
Cách chỉnh sửa nguyện vọng 2023
-
Thông tư 14/2015/TT-BTP hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Tư pháp
-
Thẻ căn cước công dân gắn chip là gì
-
(Chính thức) Lịch khai giảng toàn quốc 2024 - 2025
-
Nguyên tắc xếp loại hàng năm với công chức viên chức nghỉ thai sản
-
Thông tư 01/2015/TT-CA về quy chế làm việc của Tổ thẩm phán trong vụ việc phá sản
-
Tiền lương làm việc trong ngày nghỉ, Lễ, Tết năm 2024
-
Xử phạt lỗi bật đèn pha năm 2024
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27
Bài viết hay Văn hóa Xã hội
Quyết định 2823/QĐ-BVHTTDL Kế hoạch tổ chức hội nghị về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Quyết định 414/QĐ-UBDT danh sách thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020
Thông tư 02/2017/TT-UBDT về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Quyết định 586/QĐ-TTg Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim
Quyết định 4216/QÐ-BVHTTDL 2020 Quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường hoạt động VHTTDL
Thông tư 49/2016/TT-BTTTT hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục cấp, đổi, cấp lại và thu hồi thẻ nhà báo
Thuế - Lệ phí - Kinh phí
Giáo dục - Đào tạo
Y tế - Sức khỏe
Thể thao
Bảo hiểm
Chính sách
Hành chính
Cơ cấu tổ chức
Quyền Dân sự
Tố tụng - Kiện cáo
Dịch vụ Pháp lý
An ninh trật tự
Trách nhiệm hình sự
Văn bản Nông - Lâm - Ngư nghiệp
Tài nguyên - Môi trường
Công nghệ - Thông tin
Khoa học công nghệ
Văn bản Giao thông vận tải
Hàng hải
Văn hóa Xã hội
Du lịch
Doanh nghiệp
Xuất - Nhập khẩu
Tài chính - Ngân hàng
Lao động - Tiền lương
Đầu tư - Chứng khoán - Thương mại
Xây dựng - Đô thị - Đất đai - Nhà ở
Lĩnh vực khác