Đại biểu Quốc hội có quyền gì?

Đại biểu Quốc hội có quyền gì?

HoaTieu.vn mời các bạn tham khảo bài viết Đại biểu Quốc hội có quyền gì dưới đây để tìm hiểu thêm về quyền cũng như nghĩa vụ của những Đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

Tài liệu Hỏi - Đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021

Một số điểm mới của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

Luật bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân 2016 số 85/2015/QH13

Đại biểu Quốc hội có quyền gì?

Đại biểu quốc hội là gì

Đại biểu Quốc hội Việt Nam là người được cử tri Việt Nam trực tiếp bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Các đại biểu được bầu chịu trách nhiệm trước cử tri bầu ra mình và trước cử tri cả nước. Thông qua các đại biểu và thông qua Quốc hội, nhân dân Việt Nam sử dụng quyền lực của mình để định đoạt các vấn đề của đất nước.

Địa vị pháp lý của đại biểu quốc hội

Địa vị pháp lý của một đại biểu quốc hội được bắt đầu sau khi Quốc hội đã xác nhận tư cách đại biểu tại phiên họp đầu tiên của kỳ thứ nhất mỗi khóa Quốc hội. Nhiệm kỳ của đại biểu quốc hội được tính từ kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa đó đến kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa sau.

Trong số các đại biểu quốc hội, có những đại biểu làm việc theo chế độ chuyên trách và có những đại biểu làm việc theo chế độ không chuyên trách.

Số lượng đại biểu Quốc hội làm việc theo chế độ chuyên trách do Quốc hội quyết định.

Đại biểu chuyên trách và Đại biểu kiêm nhiệm

Theo Luật Tổ chức Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2016, đại biểu chuyên trách dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.

Cũng theo luật này, Đại biểu kiêm nhiệm dành ít nhất 1/3 thời gian làm việc trong năm để thực hiện vai trò đại biểu Quốc hội.

Theo cơ cấu Quốc hội khóa 14, đại biểu chuyên trách gồm có 114 đại biểu chuyên trách trung ương (thuộc các cơ quan của Quốc hội) và 67 đại biểu chuyên trách địa phương, trong đó Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An mỗi đoàn có 2 đại biểu, các tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương còn lại mỗi tỉnh có một đại biểu chuyên trách địa phương tỉnh đó.

Tuổi bầu cử và ứng cử đại biểu quốc hội

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015:

Điều 2 quy định: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội.

Điều 3 quy định: Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật tổ chức Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo luật định phải là công dân Việt Nam, từ đủ 21 tuổi trở lên, có quyền ứng cử, được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua hiệp thương nhân dân đưa vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, có đủ số phiếu cần thiết để trở thành đại biểu Quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử, và được Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội xác định là đủ tư cách làm đại biểu Quốc hội.

Điều 3 Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội quy định một đại biểu quốc hội phải có những tiêu chuẩn sau đây:

Trung thành với Tổ quốc và hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh

Có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh, chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật

Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm

Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Nhiệm vụ của đại biểu quốc hội

Đại biểu quốc hội có nhiệm vụ tham gia các kỳ họp của Quốc hội, tham gia thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn như: lập hiến, lập pháp; quyết định chính sách đối nội, đối ngoại, các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước; quyết định những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân; giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Trong kỳ họp, đại biểu quốc hội có nhiệm vụ tham gia đầy đủ các phiên họp và có quyền: thảo luận và quyết định chương trình kỳ họp; trình dự án luật và biểu quyết thông qua các dự án luật, các nghị quyết của Quốc hội; chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; tham gia bầu cử và có thể được bầu vào các chức danh Nhà nước, các cơ quan lãnh đạo, các tổ chức của Quốc hội.

Trong thời gian giữa hai kỳ họp, đại biểu quốc hội có nhiệm vụ tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử của mình, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Quốc hội và các cơ quan Nhà nước, báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri, tuyên truyền thực hiện tốt pháp luật.

Đại biểu còn có nhiệm vụ chuyển đơn thư khiếu nại tố cáo của nhân dân đến các cơ quan, tổ chức có liên quan, theo dõi và đôn đốc việc giải quyết; tham gia các hoạt động khảo sát, kiểm tra việc thi hành hiến pháp, pháp luật, các nghị quyết của Quốc hội, các văn bản dưới luật, tìm hiểu thực tế ở địa phương hoặc cơ sở để giúp cho việc thảo luận và tham gia quyết định các vấn đề tại kỳ họp của Quốc hội.

Đại biểu quốc hội có quyền gì

Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.

  • Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định.
  • Đại biểu Quốc hội có quyền tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội.
  • Đại biểu Quốc hội có quyền ứng cử hoặc giới thiệu người ứng cử vào các chức danh do Quốc hội bầu quy định tại Điều 8 của Luật này.
  • Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.
  • Đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị Quốc hội làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, trưng cầu ý dân, thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, tổ chức phiên họp bất thường, phiên họp kín của Quốc hội và kiến nghị về những vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội thấy cần thiết.
  • Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.
  • Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
  • Đại biểu Quốc hội có quyền tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp nơi mình được bầu, có quyền tham gia ý kiến vào các vấn đề quản lý nhà nước, vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân và các vấn đề khác mà đại biểu quan tâm.
Đánh giá bài viết
1 107
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi