Công văn 771/TTg-KGVX thực hiện Kết luận 11-KL/TW về an toàn thực phẩm

Tải về

Công văn 771/TTg-KGVX - Thực hiện Kết luận 11-KL/TW về an toàn thực phẩm

Công văn 771/TTg-KGVX chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo đó, có nội dung đáng chú ý nhất là: Chậm nhất tháng 11/2017 trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP theo hướng tăng mức phạt, bảo đảm tính răn đe.

Nghị định 67/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm của Bộ Y tế

Thông tư 17/2016/TT-BYT quy định việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn

Luật an toàn thực phẩm số 55/2010/QH12

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 771/TTg-KGVX
V/v thực hiện Kết luận số 11-KL/TW ngày 19/01/2017
của Ban Bí thư về an toàn thực phẩm
Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 2017

Kính gửi: - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày 19 tháng 01 năm 2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 11-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới (sau đây gọi tắt là Kết luận số 11). Để tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 11, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo:

1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương tổ chức quán triệt đầy đủ, toàn diện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Kết luận số 11, nhất là các chủ trương, chính sách mới về quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, trước hết là đối với các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm; hoàn thành trong quý III năm 2017.

2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền các cấp từ xã đến tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm Kết luận số 11, đồng thời tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 13/CT-TTg); trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

a) Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp số 90/CTrPH/CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 30 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020.

b) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an toàn thực phẩm. Tập trung khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, từng doanh nhân, từng hộ gia đình và từng người dân để đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là trong sản xuất, kinh doanh.

Các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm có trách nhiệm cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về an toàn thực phẩm, về các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm an toàn thực phẩm để công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm. Phối hợp với Ban chỉ đạo 389 quốc gia ngăn ngừa thực phẩm giả, nhái, kém chất lượng.

d) Xử lý nghiêm theo pháp luật việc đưa tin sai sự thật, không chính xác về an toàn thực phẩm, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh và niềm tin của nhân dân về thực phẩm an toàn.

đ) Các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

e) Định kỳ hàng năm kết hợp đánh giá, tổng hợp tình hình, gửi báo cáo kết quả việc thực hiện Kết luận số 11 gắn với việc thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg, gửi Bộ Y tế để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.3. Bộ Y tế:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan tiến hành tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật an toàn thực phẩm, hoàn thành trong năm 2017. Trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật an toàn thực phẩm cho phù hợp và nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

b) Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng và trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm; chậm nhất tháng 11 năm 2017 trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo hướng tăng mức xử phạt, bảo đảm tính răn đe.

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các cơ quan liên quan hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp để bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm theo tiêu chí tiên tiến thế giới.

đ) Tiếp tục chỉ đạo thực hiện hợp tác quốc tế, đặc biệt với các nước láng giềng về bảo đảm an toàn thực phẩm; đẩy mạnh việc ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực thực phẩm để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thực phẩm Việt Nam vào các nước có quy định tiêu chuẩn kỹ thuật cao.

e) Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 11, Chỉ thị số 13/CT-TTg tại các bộ, ngành, địa phương; định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện Kết luận số 11, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi Ban Tuyên giáo Trung ương để báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng theo quy định.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ sản xuất sản phẩm sạch, an toàn; khuyến khích đầu tư sản xuất, chế biến thực phẩm với quy mô lớn theo chuỗi, bảo đảm an toàn thực phẩm; đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến thực phẩm, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn; thúc đẩy việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tiên tiến như VietGap, GMP, HACCP, ISO22000...;

b) Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi trong sản xuất nông lâm thủy sản.

5. Bộ Công Thương

a) Phối hợp với các Bộ, cơ quan: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo 389 quốc gia và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái.

b) Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp quản lý an toàn thực phẩm đối với các chợ, siêu thị.

6. Bộ Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương nghiên cứu, đề xuất tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

b) Kiểm tra việc bố trí kinh phí cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm tại các địa phương theo Nghị quyết số 27/2016/QH14 ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Nghiên cứu, đề xuất việc dành toàn bộ kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cho thực hiện các hoạt động về an toàn thực phẩm của cơ quan thực hiện xử phạt.

c) Đề xuất nguồn kinh phí, cơ chế sử dụng kinh phí tiêu hủy các mặt hàng vô chủ là thực phẩm giả, thực phẩm nhái, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không đảm bảo an toàn.

7. Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm.

8. Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các báo, đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các báo, đài khác tiếp tục thực hiện hiệu quả các chuyên mục, chương trình về an toàn thực phẩm theo hướng đa dạng, hấp dẫn, có sức thuyết phục, phù hợp trình độ, nhu cầu của người dân ở từng vùng, miền; biểu dương các điển hình tiên tiến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; đẩy mạnh quảng bá các thương hiệu mạnh của quốc gia về an toàn thực phẩm; công bố tên, địa chỉ những doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản phẩm hàng hóa vi phạm an toàn thực phẩm.

9. Ủy ban nhân dân các cấp

a) Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; đưa nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm ở các cấp. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.

b) Đảm bảo nguồn lực và bố trí đủ ngân sách cho công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.

c) Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cửa khẩu, biên giới cần tập trung kiểm soát thực phẩm nhậu khẩu qua đường tiểu ngạch./.

Đánh giá bài viết
1 61
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm