Chỉ thị số 270/CT-TTG về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Tải về

Chỉ thị số 270/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

---------------
Số: 270/CT-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------------------------------

Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 2010

CHỈ THỊ
Về việc triển khai các biện pháp cấp bách
phòng cháy, chữa cháy rừng
______

Năm 2009 các địa phương đã tiếp tục chủ động thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; thực hiện phương châm bốn tại chỗ, phát hiện và chữa cháy rừng kịp thời đã được triển khai thực hiện ngày càng có hiệu quả. Nhiều giải pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng đã chủ động tổ chức thực hiện các biện pháp, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; nhiều vụ cháy rừng đã được phát hiện sớm, chữa cháy kịp thời, do vậy không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng.

Từ đầu năm 2010 đến nay do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, ở nhiều địa phương đã diễn ra tình trạng khô hanh kéo dài; nhiệt độ không khí trung bình cao hơn nhiều năm gần đây, đang tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Đến nay, nhiều nơi đã xảy ra cháy rừng. Đặc biệt là vụ cháy rừng lớn đã xảy ra tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên tỉnh Lào Cai ngày 08 tháng 02 năm 2010. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai ngay các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng, cụ thể:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Nếu để xảy ra cháy rừng tại địa phương nào thì trách nhiệm trước hết thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Chỉ đạo, tăng cường hoạt động có hiệu quả Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; xác định công tác phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm của Ban chỉ huy trong suốt mùa khô;

c) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng và các biện pháp kỹ thuật để phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng phong trào quần chúng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng ở các cộng đồng dân cư thôn, buôn nơi có rừng;

d) Chỉ đạo các lực lượng Liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) rà soát quy chế phối hợp, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng có thể xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ; thường xuyên tổ chức cảnh báo nguy cơ cháy rừng trong thời kỳ khô hạn;

đ) Tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy, đặc biệt là khu vực trong rừng và gần rừng. Trong thời kỳ cao điểm khô hạn cần quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác ở những khu vực trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao; hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy ở những vùng theo quy hoạch.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai những nhiệm vụ sau đây:

a) Chỉ đạo, kiểm tra các địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn; kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ;

b) Chỉ đạo Cục Kiểm lâm thường xuyên nắm diễn biến tình hình về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời tham mưu, đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thực hiện chủ trương và các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng; theo dõi, tổ chức dự báo cháy rừng để thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên Website của Cục Kiểm lâm để dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên phạm vi cả nước;

c) Phối hợp với các lực lượng Liên ngành (Công an, Quân đội) rà soát quy chế phối hợp, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng lớn có thể xảy ra.

d) Biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối với các hành vi để xảy ra cháy rừng.

3. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền các cấp tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để hỗ trợ các địa phương trong việc chữa cháy rừng.

4. Đài truyền hình và Đài tiếng nói Việt Nam có trách nhiệm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời đưa thông tin về cảnh báo và dự báo cháy rừng trong thời kỳ cao điểm.

5. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính bảo đảm kinh phí cho các ngành và các địa phương tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

6. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng của mình có kế hoạch triển khai, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nội dung Chỉ thị này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục,
các đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

(đã ký)
Hoàng Trung Hải

Đánh giá bài viết
1 142
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm