Chỉ thị 01/CT-TTg

Tải về

HoaTieu.vn xin giới thiệu, Chỉ thị 01/CT-TTg năm 2015 tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 01/CT-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2015

CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC PHONG TRÀO TOÀN DÂN THAM GIA BẢO VỆ CHỦ
QUYỀN LÃNH THỔ, AN NINH BIÊN GIỚI QUỐC GIA TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Biên giới quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, các lực lượng vũ trang các cấp, các ngành mà trực tiếp là cấp ủy, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới.

Những năm qua, trong quá trình quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đã xuất hiện nhiều mô hình quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”; “Tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn”; “Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản”; “Tổ đoàn kết đảm bảo an ninh trật tự”; “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”... Hiện cả nước có 3.519 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, 1.925 tổ tàu thuyền an toàn, 382 bến bãi an toàn, người dân ký kết nhận tự quản 3.262 km đường biên giới, 2.345 mốc quốc giới đã mang lại hiệu quả thiết thực. Qua tổng kết rút kinh nghiệm, đã khẳng định sự đúng đắn, tính sáng tạo, hiệu quả, ý nghĩa nhiều mặt của việc tổ chức cho tập thể, hộ gia đình và cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp xảy ra trên biên giới.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn bộc lộ một số hạn chế, như: Nhận thức về vị trí, vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia tại một số địa phương còn chưa cao; mô hình quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới được hình thành và phát triển sớm, hoạt động có hiệu quả thiết thực từ năm 1993 song chưa được quan tâm nghiên cứu một cách khoa học, thống nhất để phổ biến nhân rộng; việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch bố trí dân cư và chính sách hỗ trợ để đưa dân ra ở khu vực biên giới, gắn phát triển kinh tế, xã hội với xây dựng và bảo vệ biên giới còn thiếu đồng bộ và chưa được quan tâm đúng mức; chế độ chính sách đãi ngộ, ưu tiên cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia chưa thống nhất và còn nhiều bất cập.

Để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới, bờ biển

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Quốc phòng (Bộ đội Biên phòng), Bộ Công an tổ chức phong trào cho các tập thể; hộ gia đình và cá nhân đăng ký tham gia tự quản bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự trên các tuyến biên giới.

b) Hàng năm, bố trí một phần ngân sách địa phương để đảm bảo cho các hoạt động của phong trào quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
c) Định kỳ 02 năm một lần mở đợt tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ nòng cốt của phong trào và tổ chức các hoạt động trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.
d) Định kỳ 05 năm một lần tổ chức sơ kết cấp tỉnh; hàng năm vào “Ngày Biên phòng toàn dân” 03/3, tiến hành sơ kết phong trào ở cấp xã.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khác phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới quan tâm đầu tư, hỗ trợ các chương trình, dự án nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực biên giới; tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả hướng về đồng bào, chiến sỹ nơi biên giới.

3. Bộ Quốc phòng

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có biên giới hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai cho tập thể, hộ gia đình và cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Nghiên cứu, hoàn thiện nội dung, phương pháp xây dựng phong trào, các mô hình tập thể, hộ gia đình và cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia để thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Định kỳ 10 năm, tham mưu cho Chính phủ tổ chức tổng kết việc triển khai cho tập thể, hộ gia đình và cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên phạm vi toàn quốc.

b) Chủ trì phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có biên giới tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ nòng cốt của phong trào và tiến hành các hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.
c) Chỉ đạo Bộ đội Biên phòng làm nòng cốt trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức, quản lý tập thể, hộ gia đình và cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

d) Chỉ đạo Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quân phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho ngư dân đánh cá xa bờ, hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn để bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.

THỦ TƯỚNG


Nguyễn Tấn Dũng

Đánh giá bài viết
1 177
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm