Chế độ của giáo viên khi bồi dưỡng học sinh giỏi

Giáo viên dạy bồi dưỡng học sinh giỏi được giảm tiết dạy không hay chế độ cho giáo viên ôn thi học sinh giỏi hiện nay được quy định như thế nào? Đây là câu hỏi được rất nhiều thầy cô quan tâm. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ các quy định hiện hành về định mức tiết dạy của giáo viên cũng như cách quy đổi định mức tiết dạy khi bồi dưỡng học sinh giỏi và cách tính tiền vượt định mức tiết dạy khi dạy bồi dưỡng học sinh giỏi. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng theo dõi.

1. Cách tính định mức tiết dạy khi tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi

Theo Điều 6 Chế độ làm việc của giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT, định mức tiết dạy của giáo viên được quy định như sau:

- Giáo viên tiểu học: 23 tiết.

- Giáo viên trung học cơ sở (THCS): 19 tiết.

- Giáo viên trung học phổ thông (THPT): 17 tiết.

- Giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú: 17 tiết nếu ở cấp THCS, 15 tiết nếu ở cấp THPT.

- Giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú: Cấp tiểu học là 21 tiết, cấp THCS là 17 tiết.

- Giáo viên trường dành cho người tàn tật, khuyết tật: Cấp tiểu học là 21 tiết, cấp THCS là 17 tiết.

- Giáo viên dự bị đại học: 12 tiết/tuần.

- Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh của trường hạng I dạy 02 tiết/tuần; trường hạng II dạy 1/3 định mức tiết dạy; của trường hạng III thì dạy 1/2 định mức tiết dạy của giáo viên cùng cấp học.

Trong đó, định mức tiết dạy là số tiết dạy gồm lý thuyết và thực hành của mỗi giáo viên các cấp thực hiện giảng dạy trong một tuần.

Do đó, tuỳ vào từng cấp học và từng loại trường dành cho các đối tượng cụ thể mà giáo viên phải thực hiện định mức tiết dạy khác nhau.

Đặc biệt, khoản 11 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT nêu rõ, nếu giáo viên phải thực hiện hoạt động chuyên môn và hoạt động khác theo sự phân công của hiệu trưởng ngoài việc dạy chính trên lớp, việc quy đổi sang tiết dạy được thực hiện như sau:

Đối với giáo viên được huy động tham gia công tác hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thì 1 tiết hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn thực tế được tính bằng 1,5 tiết định mức;

Theo quy định này, nếu giáo viên dạy bồi dưỡng học sinh giỏi thì 01 tiết dạy học sinh giỏi sẽ được tính bằng 1,5 tiết dạy bình thường. Do đó, dạy bồi dưỡng học sinh giỏi vẫn được tính tiết định mức với mức quy đổi là 01 tiết dạy bồi dưỡng = 1,5 tiết định mức.

2. Chế độ cho giáo viên ôn thi học sinh giỏi

Như phân tích ở trên, khi giáo viên ôn thi học sinh giỏi thì sẽ được tính 01 tiết dạy ôn thi bằng 1,5 tiết dạy bình thường khác. Do đó, khi tính lương cho giáo viên dạy ôn thi học sinh giỏi, căn cứ vào số tiết dạy học sinh giỏi để giảm tương ứng giờ dạy định mức.

Đồng thời, nếu giáo viên dạy bồi dưỡng vượt quá định mức giờ dạy quy định của cấp mình thì được tính tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC theo công thức như sau:

Tiền lương dạy thêm giờ/năm học = Số giờ dạy thêm/năm học x Tiền lương 01 giờ dạy thêm

Trong đó:

Tiền lương 01 giờ dạy thêm = Tiền lương 01 giờ dạy x 150%

Số giờ dạy thêm/năm học được tính theo công thức: [Số giờ dạy thực tế/năm học + Số giờ dạy quy đổi/năm học (nếu có) + Số giờ dạy tính thêm/năm học (nếu có) + Số giờ dạy được giảm theo chế độ/năm học (nếu có)] - (Định mức giờ dạy/năm).

Định mức giờ dạy/năm của giáo viên mầm non = (Số giờ dạy trẻ học 02 buổi/ngày) x (Số ngày làm việc/tuần) x (Số tuần dạy trẻ/năm học);

Định mức giờ dạy/năm của giáo viên phổ thông = Định mức tiết dạy x Số tuần dành cho giảng dạy, hoạt động giáo dục/năm học.

Căn cứ vào trường hợp cụ thể của mình, từng giáo viên áp dụng theo công thức nêu trên để tính tiền lương làm thêm giờ nếu thời gian bồi dưỡng học sinh giỏi vượt quá định mức tiết học theo quy định.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 449
0 Bình luận
Sắp xếp theo