Cách phục hồi di chứng hậu Covid-19 không cần thuốc ai cũng tự làm được

Bác sĩ hướng dẫn cách phục hồi di chứng hậu Covid-19

Cách chăm sóc hậu Covid-19 hay cách phục hồi di chứng hậu Covid-19 là câu hỏi được rất nhiều bạn đọc quan tâm trong thời gian gần đây khi mà số ca F0 đang tăng đáng kể ở các tỉnh thành. Tuy không phải ai cũng gặp phải hội chứng hậu Covid nhưng việc chăm sóc bệnh nhân sau khi khỏi Covid19 cũng là điều rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cũng như tránh các di chứng về sau.

1. Cách chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19

Sau khi bị bệnh COVID-19, người bệnh cần được tiếp tục hỗ trợ hoặc người bệnh cố gắng tự phục vụ mình (nếu có thể) trong sinh hoạt, ăn uống và tập luyện, điều đó là vô cùng cần thiết và rất quan trọng giúp cho người bệnh hậu COVID-19 quá trình phục hồi sức khỏe tốt hơn, nhanh hơn.

Trước hết, người đã khỏi bệnh cần thực hiện một số biện pháp (tự làm hoặc có người hỗ trợ) duy trì thời gian ngủ nghỉ hợp lý, chủ yếu ngủ nhiều vào ban đêm, hạn chế ngủ nhiều vào ban ngày để thực hiện các công việc phục hồi sức khỏe khác như vận động nhẹ nhàng ( đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm (nếu có thể), tập dưỡng sinh…).

Cần chú ý tập thở (hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã và nhịp độ tăng lên từng ngày). Bên cạnh đó cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ít nhất 30 phút/ngày (có thể vào buổi sáng sớm hoặc nắng chiều, chia thành 3-4 lần, mỗi lần 5-10 phút là vừa), việc làm này sẽ giúp cho điều hòa nhịp sinh học của cơ thể.

Với người đã hoàn thành thời gian tự cách ly, khuyến khích họ tham gia các hoạt động cùng với người thân như chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp nhà cửa để sớm quay lại trạng thái sinh hoạt thường ngày.

Đặc biệt với người cao tuổi, việc trò chuyện cùng người thân trong gia đình và được người thân động viên, giúp đỡ sẽ giúp giảm sự lo lắng, kích thích hoạt động não sau khi khỏi bệnh COVID-19 rất tốt. Các thành viên trong gia đình nên khuyến khích người đã khỏi bệnh COVID-19 tham gia các hoạt động tinh thần như đọc sách/báo, tham gia bàn luận về tin tức trong ngày… cũng đóng góp đáng kể cho việc phục hồi sức khỏe.

Ngay cả khi đã phục hồi và âm tính với SARS-CoV-2, người bệnh vẫn nên chú ý tuân thủ thật nghiêm túc theo tư vấn của bác sỹ trước khi xuất viện về nhà (ví dụ, cần phải thường xuyên đeo khẩu trang, vất khẩu trang dúng nơi quy định, giữ khoảng cách tiếp xúc với mọi thành viên trong gia đình, rửa tay thường xuyên với xà phòng với nước sạch…) đề phòng bệnh cho các thành viên khác trong gia đình và hàng xóm (cộng đồng), bởi vì, tuy khỏi bệnh nhưng còn có thể mang virus SARCOV-2). Cần hạn chế nhìn vào màn hình điện thoại/thiết bị điện tử liên tục trong ngày

2. Chế độ dinh dưỡng cho người mới khỏi Covid19

Trong giai đoạn đầu mới xuất viện, người nhà lưu ý nên chia bữa ăn thành 3-5 bữa mỗi ngày tùy theo sức ăn của người bệnh và kết hợp đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn (tùy theo điều kiện từng gia đình), nên ăn nhiều rau, uống đủ lượng nước hàng ngày, ngoài ra nên uống thêm nước ép trái cây, uống thêm sữa (nếu người có bệnh đái đường nên uống loại sữa không đường, không ăn các loại bánh kẹo, nước giải khát có đường).

Để bổ sung các loại vi chất do tổn hại của bệnh COVID-19 nên ăn các loại thực phẩm có nhiều vi chất như tôm, cua, cá. Để bổ sung ka li nên ăn thêm chuối chín, bổ sung kẽm nên ăn hàu, sò, cá…

Người sau khỏi bệnh COVID-19 nên lưu ý rằng nếu biết kết hợp hài hòa giữa dinh dưỡng và tập dưỡng sinh chắc chắn sẽ mau chóng hồi phục sức khỏe.

3. Cách phục hồi di chứng hậu Covid-19

Theo BS Huỳnh Tấn Vũ - Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 3, TP.HCM, nhiễm Covid-19 và để lại di chứng là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, thực tế là di chứng hậu Covid-19 đang là thách thức cho ngành y tế, BS Vũ nói.

Những người bệnh từng điều trị Covid-19 tại cơ sở y tế mà cần can thiệp hỗ trợ oxy thì sau đó có thể bị ảnh hưởng cơ quan hô hấp. Do vậy, người bệnh phải vào viện khám, theo dõi nếu có diễn tiến hậu Covid -19.

Còn với bất cứ F0 nào có triệu chứng hay không có triệu chứng điều trị tại nhà, nếu cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ sau Covid-19 thì ngoài sự hỗ trợ của bác sĩ, người bệnh có thể tham khảo các cách phục hồi hậu Covid-19 không cần thuốc.

Bác sĩ hướng dẫn cách phục hồi di chứng hậu Covid-19 không cần thuốc: Ai cũng làm được - Ảnh 1.

Rèn luyện sức khoẻ tâm thần

Luyện tâm: Người bệnh phải để ổn định tâm trí, xoa dịu căng thẳng, bảo vệ hoạt động của thần kinh trung ương, hãy luyện thư giãn. Thư nghĩa là thư thái, trong người lúc nào cũng thư thái. Giãn nghĩa là nới ra, giãn ra.

Nếu phần gốc trung tâm là vỏ não được thư thái, thì ở phần ngọn là các cơ vân và cơ trơn sẽ giãn ra. Gốc thư thái tốt thì ngọn sẽ giãn tốt, mà ngọn giãn tốt thì sẽ giúp cho gốc thư thái.

Bài tập này được thực hiện nơi yên tĩnh với 3 bước:

Bước 1: Ức chế ngũ quan.

Bước 2: Tự nhủ cho cơ mềm ra, giãn ra; từng nhóm cơ, từ trên mặt xuống dần đến ngón chân, một cách từ từ chắc chắn. Tự nghĩ như sau để giúp bản thân thư giãn: "tay chân tôi nặng và ấm, toàn thân nặng và ấm".

Bước 3: Tập trung ý chí theo dõi hơi thở ra vào qua mũi 10 lần; thở thật êm, nhẹ, đều, nông. Hãy tập trung ý nghĩ vào mục tiêu theo dõi hơi thở, thở cho đều, hít vào thở ra, nghỉ, hít vào, thở ra, nghỉ... hoặc tập trung vào đếm số cũng được, giúp việc tập trung ý nghĩ càng ngày càng mạnh lên. Có thể đi vào giấc ngủ.

Luyện Thiền: Theo BS Vũ, thiền là sự huấn luyện cho tâm trí, không cho đầu óc chúng ta suy nghĩ lan man mà có chủ đích, để lòng trống không, tâm phẳng lặng không lo sợ, mong cầu điều gì, không để cho những vấn đề lo buồn ảnh hưởng, tác động tới tâm trí. Hay nói cách khác, thiền là một tập hợp các hình thức trạng thái tâm thần để trải nghiệm quá trình nhận thức hoặc ý thức cao hơn thực tại.

Thái độ tích cực trong cuộc sống: " Người vui thì thì cảnh cũng vui" - Có nhưng sự việc, hoàn cảnh không thay đổi được nhưng góc nhìn thì có thể thay đổi được. BS Vũ khuyên bệnh nhân hãy nhìn nhận mọi thứ tích cực hơn, lạc quan hơn thì cuộc sống sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt, giúp chúng ta vượt qua nghịch cảnh.

Ngủ: Bác sĩ Vũ khuyên người bệnh cần ngủ đủ giấc, đều đặn. Nên ngủ trước 11h đêm, không nên thức khuya chơi game hay đọc báo, chơi điện thoại.

Rèn luyện thể chất

Ăn uống: Theo BS Vũ, các món ăn cần phải thơm ngon, hấp dẫn, nhất là phải đảm bảo đủ dinh dưỡng, sạch sẽ, dễ tiêu hóa, có nhiều vitamin và khoáng chất. Người bệnh cần ăn đa dạng các món ăn với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm là bột đường (từ ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ…), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả…).

Ăn uống đủ dinh dưỡng giúp cơ thể có năng lượng để hoạt động và mau hồi phục.

Về nước uống, cần uống đủ nước (2-3 lít/ngày tùy theo cân nặng), chia làm nhiều lần trong ngày để cung cấp độ ẩm cho hệ hô hấp. Có thể uống nước lọc hoặc thêm món nước yêu thích như nước cam, sữa tươi, một ly cà phê, một tách trà yêu thích. Ăn uống đủ nhưng không nên quá nhiều. Ăn uống phù hợp không những cải thiện sức khỏe mà còn làm tâm trạng vui vẻ hơn, theo BS Vũ.

Tập luyện: BS Vũ cho biết người bệnh cần chú ý tới sức thở. Tập thở tùy giai đoạn để tăng cường sức khỏe hoặc phục hồi, cải thiện các bệnh lý hô hấp. Muốn đạt được kết quả, người bệnh cần tập thở đúng cách và vận động cơ hoành để có hiệu quả nhất.

Một số động tác thường được sử dụng là thở bốn thời có kê mông và giơ chân; ngồi hoa sen, xem xa xem gần, cầm tạ… Người bệnh có thể thực hiện các biện pháp khác như bơi, ngâm tắm thảo dược. Nếu được, người bệnh nên bơi trong bể bơi hoặc ngâm tắm thảo dược toàn thân 1-2 lần/tuần, BS Vũ khuyến cáo.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 2.078
0 Bình luận
Sắp xếp theo